Bà cụ và những chiếc cà mèn thức ăn

LÊ NGỌC HẠNH 25/02/2013 04:02 GMT+7

TTCT - 1. Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 7g là tôi thấy bà cụ cầm chiếc cà mèn rỗng đứng trước thềm nhà chờ chiếc ôtô màu đen ghé qua. Con gái bà cụ vội vã xuống xe với chiếc cà mèn đựng thức ăn sáng và hộp thức ăn nấu sẵn cho cả ngày đưa bà cụ.

Có hôm xe chạy đi rồi mà tôi còn kịp nhìn thấy chị bê cái tô thức ăn tranh thủ tí miếng trên xe, trên đường đến công ty.

Phóng to
Minh họa: Salem

Bữa nọ, chị con gái bà cụ vừa cầm chiếc cà mèn xuống xe tôi đã nghe tiếng bà cụ: “Mai mày đừng nấu thức ăn đem ra cho má nữa nghe Mén, con nấu dở quá má ăn không vừa miệng, để má mua đồ ngoài quán”.

Đồng nghiệp ngồi trên xe nhìn chị ái ngại, cứ nghĩ chị sẽ tự ái, sẽ giận bà cụ, ai dè lại thấy chị nhe răng cười tỉnh bơ như không: “Kệ đi má, con nấu tuy không ngon như ngoài quán thiệt, nhưng má ráng ăn vài bữa sẽ quen hà!”. Rồi chị xách chiếc cà mèn rỗng vội vã chui vào xe, tranh thủ bê cái tô ăn tí miếng trên xe như mọi lần...

2. Chị cao ráo, đẹp người, giỏi giang, giữ chức to ở một công ty, lương tháng ngoài hai mươi triệu. Tên chị đẹp mỹ miều nhưng bà cụ vẫn quen gọi chị bằng cái tên ở nhà như hồi chị còn nhỏ. Chị sống bên nhà chồng, ở cách bà cụ một quãng đường mười lăm phút chạy xe. Hồi trước chị có hai người giúp việc hẳn hoi. Một chăm bẵm hai đứa con nít. Một chuyên việc bếp núc, giặt giũ, quét dọn cửa nhà.

Tính chị vui vẻ, sống tình cảm nên hai ôsin một già, một trẻ chị xem như người thân trong nhà. Bữa nọ, chị ôsin trẻ lục tủ cuỗm mất của chị mớ tiền, vàng rồi trốn biệt làm chị chênh vênh, hụt hẫng. Sau đó ít lâu bác ôsin già đổ bệnh. Anh chị đưa bác đi chữa bệnh. Xuất viện, bác ôsin bảo nhớ nhà xin chị về quê nghỉ ngơi dăm hôm sẽ lên. Mấy ngày bác ôsin về quê, chị túi bụi chuyện cửa nhà, chăm con, giặt giũ. Mẹ chồng chị thấy con dâu vất vả cũng khuya sớm lụi hụi vào bếp phụ tay.

Bẵng một thời gian không thấy bác ôsin trở lên, chị nghe sốt ruột sốt gan, rồi mới ngẫm thấy mình hời hợt vì chẳng có lấy một số điện thoại người thân của bác dưới quê để hỏi thăm. Tranh thủ ngày nghỉ, chị nhờ tài xế đưa xuống Đồng Tháp, quê bác giúp việc, rồi lần tìm theo địa chỉ mà chị mơ hồ nhớ qua những lần trò chuyện. Lần mãi chị cũng tìm ra nhà bác ôsin già hiền hậu. Bước vào cửa đã thấy di ảnh bác đang nghi ngút khói nhang trên bàn thờ!

3. Chuyến đi tìm bác giúp việc trở về làm chị trầm tư và nghĩ ngợi nhiều điều. Chị bàn với anh cả hai cùng nhau xắn tay áo... tăng ca, làm thêm giờ. Cụ thể là giảm đi mấy nhu cầu giải trí buổi tối để quét dọn, giặt giũ, chăm con...Cắt bớt mấy giờ ngủ để dậy sớm vào bếp nấu nướng, bởi mẹ chồng chị xưa giờ không quen dùng thức ăn nấu sẵn ở hàng quán. Vậy là cứ 4g sáng chị và anh bấm nhau thức dậy dọn dẹp cửa nhà, vào bếp chuẩn bị thức ăn, thêm luôn phần cho má ruột trên đường đi làm chị tạt ngang.

Sáng nay tôi lại thấy chiếc ôtô màu đen đỗ xịch trước nhà bà cụ. Chị vận comlê, giày cao gót sang trọng cầm cà mèn bước xuống xe. Bà cụ đứng trên thềm nhà một tay cầm sẵn chiếc cà mèn hôm qua đưa chị, tay kia đón nhận chiếc cà mèn thức ăn chị trao. Tôi thấy chị đưa tay vẫy vẫy bà cụ, cười tươi tạm biệt rồi quày quả trở ra xe. Chiếc xe đã quẹo khuất rồi mà tôi còn thấy bà cụ đứng nhìn theo lắc đầu: “Tội nghiệp con nhỏ, khen chê kiểu gì nó cũng không chịu nghe!”.

Nghệ sĩ guitar

Sân khấu Phú Nhuận giữa tuần. Những khán giả ngồi yên lặng đợi chờ. Người nghệ sĩ chơi guitar bước lên sân khấu và nồng nhiệt với bản flamenco. Ở quãng dừng, nghệ sĩ nói: “Cảm ơn quý vị đã ủng hộ tôi suốt nhiều năm qua. Hôm nay tôi giới thiệu với mọi người con gái tôi, cháu 13 tuổi. Mong mọi người ủng hộ cháu như đã ủng hộ tôi”. Cô bé nghệ sĩ chơi một khúc piano dài và ngọt ngào.

Khi ra về, một người đàn ông tóc bạc phơ, chỉnh lại mắt kiếng, lọ mọ dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi bãi gửi xe. Đi cạnh tôi, ông thầm thì với một nụ cười ngọt ngào không thể tả: “Cha con bé ngày xưa tài hoa lắm, giờ con bé cũng y vậy!”.

Nói rồi, ông gò lưng lấy đà trên chiếc xe đạp, tiếng xích kêu lạch cạch tan vào mớ ồn ào của thành phố. Bản nhạc lung linh như giọt nước của cô bé ban nãy chắc đã kịp làm ấm lòng những khán giả nhiệt tình vượt thời gian như ông.

KHẢI ĐƠN

Nắng

Khoảnh sân trước nhà anh rộng chừng bốn chiếc chiếu nhưng anh chỉ có được hai chiếc chiếu nắng từ lúc gần 12g đến 2g trưa. Ánh nắng vất vả leo qua các dãy nhà cao tầng vây quanh mới lọt thỏm trên mái tôn nhỏ bé, tắm gội khoảnh sân nhỏ bé của người nghèo thành phố - bạn tôi.

Phóng to
Minh họa: Đức Thuận

Anh sống đạm bạc, chủ yếu bằng lương hưu nhưng nuôi dưỡng được thú vui chơi cây kiểng nhờ mấy đứa con cho tiền tiêu vặt, không nhiều nhặn gì, chừng triệu bạc một tháng. Anh dành dụm, chỉ dám mua vài chậu cây thích hợp túi tiền. Hằng năm, anh về quê dự đám giỗ họ tộc, dành thời gian lội rừng tìm kiếm những gốc cây có hình thù ưa thích hay mua rẻ của người làng, những người tính giá trị cây nhỉnh hơn ngày công lao động chứ chưa tính bằng giá trị nghệ thuật.

Bằng tâm hồn của người có thừa thời gian ngẫm nghĩ sự đời để nhận ra cái đẹp ẩn giấu bên trong sự vật, anh đã chăm sóc, gọt tỉa, uốn nắn cái cây không theo lề thói nên qua bàn tay anh, thiên nhiên có hình thù đặc biệt. Anh có ít nắng quá cho đời anh, cây cũng có ít nắng quá cho đời cây nên có nhiều gốc cây anh rất ưng ý đã chết yểu.

Tội nghiệp mấy gốc bonsai của anh, cành lá chúng luôn vươn về hướng nắng, đón nắng nhưng không được thỏa mãn cũng như tâm hồn anh luôn rộng mở đón nhận những chân trời, thèm khát dịch chuyển nhưng đành bó gối trong khoảnh sân hẹp. Anh không có nhiều tiền để làm một chuyến đi, cũng không còn nhiều hứng thú với những chuyến đi qua trang sách nên đổ dồn tâm trí vào công việc thổi hồn vào mấy gốc bonsai.

Tùy loại cây mà anh xê dịch chậu cho chúng tắm nắng nhiều hay ít. Anh không thiếu nước và phân cho chúng nhưng anh không làm ra nắng nên phải phân bổ nắng cho chúng một cách hợp lý nhất. Anh thương mấy gốc cây như đời anh, từ bé đã kìm nén ham muốn để thích nghi với hoàn cảnh.

Một ngày, cái chậu cây lớn làm anh cụp sống lưng. Trên hai chiếc chiếu nắng mỗi ngày không còn những gốc cây mà là chiếc ghế vải có anh nằm dài. Anh tắm nắng, xua cái mốc meo trên thân thể và trong tâm hồn.

Tôi thăm anh, đùa rằng anh sẽ có rất nhiều nắng ở nghĩa trang. Anh cười héo hắt, nụ cười cho tôi biết anh chưa từng được sống như mình muốn.

HỒ VIỆT KHUÊ

NTTCT cảm ơn các bạn: Ngân An, Như Tình, Nguyễn Thị Thư, Đặng Trung Thành, Nguyễn Hương Thi, Song Nguyễn... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận