30/04/2024 06:41 GMT+7

Bạo lực học đường: Đổ thừa cho game hay mạng xã hội thì dễ quá

Có thể nhận thấy tính chất của các vụ bạo lực học đường đang ngày càng manh động, với tần suất dày hơn và không giới hạn ở địa phương nào.

Đừng để trẻ đơn độc đối diện với bạo lực học đường

Đừng để trẻ đơn độc đối diện với bạo lực học đường

Gần đây liên tục những vụ bạo lực học đường ở Kiên Giang, Quảng Bình, Bình Phước đã khiến cho mọi người không khỏi lo lắng. Phải chăng, bạo lực học đường cũng giống như hiện tượng khắc nghiệt của tự nhiên: đến mùa lại lên?

Môi trường của học sinh thiếu tương tác bền chặt

Lâu nay, người ta thường cho rằng bạo lực học đường nảy sinh là do mạng xã hội, do phụ huynh lơ là, do trẻ nghiện game... Theo tôi, những nguyên nhân đó đúng nhưng chưa sâu sát.

Có thể thấy hầu hết các vụ bạo lực học đường khi xuất hiện trên truyền thông thì đã diễn ra từ trước đó khá lâu. Điều này cho thấy việc nắm bắt tình hình của nhà trường là chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, môi trường học đường hiện nay dường như đang thiếu đi những mối tương tác bền chặt giữa các học sinh với nhau, giữa thầy cô với học sinh; thiếu đi hoạt động mang tính tập thể nhằm tạo môi trường cho các em tương tác, chung sức cùng nhau...

Không những vậy, ở đâu đó, dường như thầy cô luôn bật chế độ đóng khung bản thân mình trong giới hạn "hoàn thành công việc được giao là được". Họ thiếu đi những với tay "rất có thể tốt hơn". 

Ở một khía cạnh khác, ta thấy trong môi trường học đường một số học sinh vẫn còn tin rằng "nắm đấm sẽ giải quyết tất cả", "tung clip sẽ mang đến quyền lực cho mình" thì tất yếu bạo lực sẽ là điều mà các em nghĩ tới và lựa chọn.

Bạo lực học đường: Đổ thừa cho game hay mạng xã hội thì dễ quá- Ảnh 2.

Bác sĩ tâm lý người Áo Alfred Alder từng nói rằng: "Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời. Đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ".

Với thực tế như hiện nay, hơn bao giờ hết, những người đang trong môi trường học đường cần chung một hướng nhìn và cần nhiều giải pháp tự thân hơn.

Cụ thể, qua rất nhiều kênh có sẵn, ban giám hiệu, tổ chức đoàn thể trong trường học cần phải có sự sàng lọc và đánh giá xem những nhóm học sinh nào, thời điểm nào, lớp nào, ở địa phương nào tiềm ẩn khả năng gây ra những rắc rối.

Bởi có những em học sinh rất dễ nổi loạn vào thời điểm ba mẹ thiếu quan tâm. Có những em rất hung hăng khi bạn cùng làng, xóm học chung trường rất "hổ báo". Có những em lại thích bắt chước bạo lực giống phim ảnh...

Bật cùng lúc nhiều ngọn đèn cảnh báo

Nói thêm về điều này, thầy Hoàng Văn Tý - hiệu trưởng Trường THPT Ninh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - chia sẻ: "Ngoài tuyên truyền nhắc nhở về bạo lực học đường, ban giám hiệu, đoàn thể, nhất là giáo viên chủ nhiệm luôn chủ động bám sát những biểu hiện không lành mạnh trong ứng xử học đường, rà soát, đánh giá những nhóm học sinh có nguy cơ làm nảy sinh bạo lực, gặp gỡ trực tiếp các em để lắng nghe và tháo gỡ ngay từ đầu, tránh để mâu thuẫn lún sâu".

Đặc biệt với xu hướng hiện nay, nhà trường, thậm chí là các đoàn thể của học sinh, cần chủ động tạo lập trang mạng xã hội cho phép học sinh gửi tin nhắn ẩn danh và đăng tải các bài viết giấu tên nhằm chia sẻ những tâm tư, bức xúc và đưa ra lời cầu cứu mà không sợ bị soi mói hay trả thù...

Đây là cách làm vừa giúp học sinh cảm thấy được quan tâm, được lắng nghe lại vừa giúp nhà trường nắm bắt thông tin phản ảnh kịp thời.

Có 5.599 tâm tư nguyện vọng được các bạn học sinh chia sẻ lên trang mạng xã hội ẩn danh ở một trường THPT

Có 5.599 tâm tư nguyện vọng được các bạn học sinh chia sẻ lên trang mạng xã hội ẩn danh ở một trường THPT

Một thực tế khác cho thấy, có những em học sinh có thể không biết ông trưởng thôn hay bí thư phường là ai, nhưng xóm trưởng thì chắc hẳn các em biết.

Vì vậy nhà trường nên kết nối sâu sát với những cán bộ như xóm trưởng, khu trưởng, bởi việc này sẽ giúp nhà trường, gia đình và địa phương có thể ngăn chặn bạo lực từ trong ngõ xóm.

Không những vậy, trong điều kiện cho phép, nhà trường phổ thông nên kết nối với khoa luật, trường đại học luật để mở các phiên tòa giả định tại trường về bạo lực học đường.

Hoạt động này không chỉ giúp các em có thêm cơ hội trải nghiệm, hướng nghiệp, mà còn giúp các em nhận thấy vi phạm bạo lực học đường có thể gây ra hậu quả nào cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hơn nữa các hoạt động mang tính tập thể như giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, và nếu có thể thì hãy "phân quyền" cho học sinh tham gia những hoạt động như chăm sóc cảnh quan, lao động vệ sinh chung nhằm giúp các em tăng cường sự tương tác, đồng cảm nhiều hơn.

Bạo lực học đường: Đổ thừa cho game hay mạng xã hội thì dễ quá- Ảnh 4.

Về điều này, bạn Chu Hà Minh Anh, lớp 10A5 Trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng, chia sẻ một kỷ niệm: "Năm lớp 9, em bị các bạn dùng mạng xã hội cô lập. Lúc đó em bị căng thẳng và không tìm thấy lối thoát.

Rất may trong một lần lao động vệ sinh tập trung, em được một bạn khác lớp chỉ cho câu chuyện của hoa hậu Phùng Trương Trân Đài vượt qua nạn bạo lực học đường. Sau khi đọc, em cảm thấy đồng cảm và như tìm thấy tia sáng để thoát khỏi ám ảnh".

Trước đây, bây giờ và có thể sẽ là ngày mai nữa, bạo lực học đường luôn là một vấn nạn nhức nhối nếu chúng ta không loại bỏ nó sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tư vấn tâm lý, các hoạt động mang tính tập thể như giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động như “sân khấu hóa các nội dung chống bạo lực học đường”. 

Chia sẻ kinh nghiệm về điều này, thầy Ngô Viết Tiến, bí thư Đoàn Trường THPT Lộc An, Lâm Đồng - đơn vị đã vinh dự nhận cờ thi đua của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 2023, cho biết: “Việc sân khấu hóa các nội dung liên quan đến bạo lực học đường không chỉ giúp các em có sân chơi, giúp các em tìm hiểu pháp luật mà chính qua sự tương tác, bàn bạc khi các em sáng tạo kịch bản, nhập vai cũng là cách lan truyền ý thức phòng chống bạo lực học đường hiệu quả”.

Hãy chung tay tạo dựng cho mỗi học sinh ngôi nhà thứ hai đúng nghĩa: nơi đó các em có đủ kháng thể tinh thần, nơi đó tâm tư nguyện vọng của các em được lắng nghe; niềm tin và sự gắn kết sâu bền của các em được xây đắp... bởi chỉ một câu nói nặng lời cũng tựa như một vết đinh đóng vào gỗ, dù có rút đinh ra thì vết hằn vẫn còn đó.

Trẻ trăn trở về bạo lực mạngTrẻ trăn trở về bạo lực mạng

55 đại biểu đã tham gia kỳ họp 12 Hội đồng Trẻ em TP.HCM được tổ chức tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM với chủ đề "Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên