02/01/2024 12:18 GMT+7

Bất ngờ với chữ của các chúa Nguyễn

Nhiều người kháo nhau: lên chùa Hồng Đức mà xem chữ viết tay của các chúa Nguyễn. Xem xong, có tiến sĩ Hán Nôm xuýt xoa: "Chữ các chúa viết thường hay viết tháu đều rất đẹp".

Các văn bản có chữ của các chúa Nguyễn được thượng tọa Thích Không Nhiên (bìa trái) giới thiệu  với mọi người - Ảnh: THÁI LỘC

Các văn bản có chữ của các chúa Nguyễn được thượng tọa Thích Không Nhiên (bìa trái) giới thiệu với mọi người - Ảnh: THÁI LỘC

Hơn 200 tư liệu, hiện vật quý giá liên quan tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) và dòng thiền Liễu Quán lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm Bảo đạc trường minh - kéo dài từ cuối năm 2023 vắt qua 2024, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Phật tử và du khách thưởng lãm hết sức ngỡ ngàng.

Bảo đạc trường minh

Bốn chữ lấy từ câu đối nghi môn tháp tổ Liễu Quán ở Huế, có nghĩa chuông báu vang mãi.

Chủ đề đó của cuộc triển lãm cũng với ngụ ý rằng di ngôn, pháp âm của ngài tổ sẽ mãi truyền hậu thế.

Chân tích chúa Định Nguyễn Phúc Thuần

Chân tích chúa Định Nguyễn Phúc Thuần

Trong không gian trưng bày bài bản, những tư liệu, hiện vật vô cùng quý giá liên quan đến ngài tổ và dòng thiền Liễu Quán trải dài suốt 300 năm trở nên nổi bật.

Hiện vật được chiếu sáng đẹp, được xếp đặt dẫn dắt người xem đi từ thú vị này đến bất ngờ khác.

Đó là hệ thống cổ bản Độ điệp - loại "bằng cấp" triều đình ban cho các tăng cang, trụ trì các chùa nổi tiếng.

Cạnh đó là hệ thống Hộ giới điệp - loại văn bản được cấp cho các tu sĩ thọ giới tỳ kheo hoặc cụ túc trong các đại giới đàn.

Bản xưa nhất sưu tầm được là giới đàn tổ chức tại chùa Phước Sơn, Phú Yên năm 1892 và hàng loạt giới đàn cuối thế kỷ 19 sưu tầm từ các chùa ở miền Trung vào tận Tây Nam Bộ.

Xen kẽ là hàng chục Chánh pháp nhãn tạng của các cao tăng được sưu tầm từ Thanh Hóa vào trong.

Với loại văn bản do sư phụ cấp cho các đệ tử khi đã thọ giới tỳ kheo trở lên này, được quan tâm nhiều nhất là bản của ngài Tánh Thiên Nhất Định - tổ khai sơn Thảo am An Dưỡng, tiền thân cổ tự Từ Hiếu nổi tiếng.

Gia phả các vị cao tăng thuộc thiền phái Liễu Quán được trưng bày cũng gây bất ngờ...

Được xem chân tích quốc chúa

Từ trước đến nay, người ta thường biết đến chữ viết của chúa Nguyễn thông qua một số bức hoành phi ban cho các cơ sở thờ tự hiện còn.

Đây là lần đầu tiên chân tích của các chúa được trưng bày, nên người ta kháo nhau đi xem chữ chúa.

Đó là những văn bản liên quan đến điền thổ của các chùa phái Liễu Quán, có chữ viết bằng mực son (châu phê) của các chúa.

Chân tích của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu

Chân tích của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu

Xưa nhất là bản trình có châu phê của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Năm 1695, bà Nguyễn Thị Tốt, hiệu là Diệu Cơ, mua ruộng 16 mẫu 5 sào 4 thước để cúng cho chùa Quốc Ân, Huế.

Hai vị Nguyên Thiều và Giác Phong (thầy của tổ sư Liễu Quán) cùng đứng tên trong tờ trình dâng phủ chúa xin miễn thuế số ruộng này, và được quốc chúa phê đồng ý.

Cạnh bên là một tờ bẩm của hòa thượng Bích Phong xin trùng tu chùa Quang Minh tại Tuy Phước, Bình Định; chúa Minh Nguyễn Phúc Chu phê: "đồng ý cho trùng tu chùa này".

Một chuyên gia Hán ngữ giới thiệu nhóm châu bản liên quan đến cổ tự Thuyền Tôn của Huế vừa khen "chữ của các chúa thật tuyệt" vừa cười tủm tỉm bởi nội dung của nó. Bản đầu tiên có châu phê của chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát.

Việc nộp thuế ruộng bằng lúa bất tiện nên hòa thượng Tế Hiệp Hải Điện bẩm lên phủ chúa xin "quy ra tiền" để nộp. Quốc chúa châu phê "đồng ý cho nộp theo niên giá tại quan Tư Nông".

Kế đến là văn bản có châu phê của chúa Định Nguyễn Phúc Thuần. Năm 1773, ngài Tế Mẫn Tổ Huấn dâng tấu lên phủ chúa với nội dung: Chùa Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai có gần 50 mẫu đất nhiều loại khác nhau.

Số thuế ruộng hằng năm là 1.161 thưng, 2 hợp (lúa), từng được quốc chúa đời trước cho phép "quy ra tiền" để nộp. Nhưng tình hình ruộng của chùa nơi thì xói lở, nơi thì cát bồi hoặc khô cằn nên khó đủ tiền nộp.

Vả lại việc kinh kệ sớm hôm, hương đèn nhang khói cũng là cầu lo cho triều đình của thánh thượng, vì vậy đề nghị thánh thượng nhập tiền thuế này cúng vào tam bảo của chùa Thuyền Tôn luôn. Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần đã phê rằng: "Chuẩn thuận cho nhập tiền thuế cúng dường tam bảo".

Ngoài ra còn hai văn bản quý giá khác liên quan đến vua Nguyễn. Đó là bản sớ của hòa thượng Đại Đức Vạn Phước ở Phú Yên cầu an cho chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1765.

Và phái quy y của hoàng đế Bảo Đại, làm đệ tử của hòa thượng Thanh Đức Tâm Khoan với pháp danh Trường Loan (đứng tên trong phái quy y là Nguyễn Phúc Vĩnh Điển)...

Hiện vật giải thiêng huyền sử

Bất ngờ với chữ của các chúa Nguyễn- Ảnh 4.

Bức hoành phi "Sắc tứ Viên Thông am" phỏng chế bức cổ do chúa Minh Nguyễn Phúc Chu ban năm 1697 thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi lẽ nó "giải thiêng" cho một huyền sử tồn tại ở Huế suốt 300 năm cho đến năm 2019...

Rằng khi ngài Liễu Quán ẩn tu trong một ngôi miếu sơn thần, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu từng mấy lần ghé đến mà ngài "không thèm tiếp".

Lần ấy chúa ghé với tâm ý sẽ trách phạt, chúa mới bước ngang ngạch cửa thì toàn thân đơ cứng, chỉ trở lại bình thường theo chỉ dẫn lễ Phật của ngài Liễu Quán.

Cảm phục uy đức bậc chân tu, chúa cho sửa sang miếu dựng thành chùa và ban Sắc tứ Viên Thông tự. Bức hoành sau đó theo chân về một ngôi từ đường ven sông An Cựu.

Năm 2019, thượng tọa Thích Không Nhiên - phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - được dẫn đến ngôi từ đường họ Tống Phước bên sông An Cựu và bắt gặp bức hoành "Sắc tứ Viên Thông am".

Sư Không Nhiên diễn tả: "Nhìn thấy bức hoành, tôi vô cùng xúc động. Đó là cảm giác mà 300 năm nén lại trong một phút giây tri ngộ rất khó tả bằng lời".

Có đúng là chúa Nguyễn Phúc Khoát khai sinh áo dài Việt Nam?Có đúng là chúa Nguyễn Phúc Khoát khai sinh áo dài Việt Nam?

TTO - 'Cần xem lại có đúng chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định ra việc mặc áo dài không? Bởi vì sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn lại chép rằng chúa đã khiến phụ nữ mặc áo ngắn, hẹp tay như áo đàn ông'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên