Bốn quốc gia - một điểm đến: Đi tìm những kết nối thỏa đáng

LÊ NAM 10/09/2011 18:09 GMT+7

TTCT - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar Trần Phước Anh cho biết đại sứ quán vừa dịch xong và chuyển cho Bộ Du lịch và khách sạn Myanmar cuốn sách nhan đề Explore Myanmar 2011 (tạm dịch: Khám phá Myanmar 2011) để phát ở Hội chợ quốc tế du lịch TP.HCM 2011 (ITE HCMC 2011) với chủ đề “Bốn quốc gia - Một điểm đến”.

Cuốn sách giới thiệu ngành du lịch Myanmar với bạn bè quốc tế, du khách và các hãng lữ hành tham gia ITE HCMC 2011 - ITE lần thứ bảy nhưng lại là lần đầu tiên Myanmar xuất hiện với tư cách một thành viên chính thức.

Phóng to
Bốn quốc gia kết nối thành một điểm đến

Phóng to

Chùa Vàng ở Yangon (Myanmar) - Ảnh: Hoài Linh

Sự bí ẩn lôi cuốn

Giám đốc điều hành của hãng lữ hành quốc tế Exotissimo ở TP.HCM George Ehrlich-Adam kể rằng ở các hội chợ du lịch quốc tế lớn trên thế giới, Lào, Campuchia, Việt Nam đều chưa được liệt vào hàng các điểm đến nổi tiếng. Nhưng những ai biết chút ít hoặc đã nghe về khu vực này đều cho đây là khu vực rất có tiềm năng du lịch vì sự đa dạng văn hóa, phong cảnh đẹp, nhiều kỳ quan, di sản, con người hiếu khách...

Và cũng chính vì sự “chưa phát triển” ấy mà những đất nước này đã tạo nên sự tò mò rất hút du khách. So với ba quốc gia này, Myanmar ít thông tin hơn, nên càng bí hiểm hơn và ngày càng có nhiều du khách muốn đến đây hơn.

Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch bốn quốc gia do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức đưa ra thông điệp rõ ràng của cả bốn quốc gia về mong muốn chung thu hút luồng đầu tư vào nhiều lĩnh vực du lịch, cùng nhau nâng thị trường du lịch lên mặt bằng chung mới, tạo nên mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Với gần mười địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới, tiềm năng phát triển du lịch của bốn quốc gia rất lớn và thuận lợi. Việt Nam có thế mạnh về du lịch biển với những bãi biển dài, cát trắng mịn nổi tiếng thế giới, vịnh Hạ Long, khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Campuchia là vùng đất của những ngôi đền cổ kính thuộc quần thể Angkor, bên cạnh những điểm văn hóa hấp dẫn thuộc thủ đô Phnom Penh và những bãi biển thuộc tỉnh Sihanoukville hoang sơ. Lào - xứ sở chùa tháp - với hàng ngàn ngôi chùa, có quần thể hàng trăm bức tượng Phật, thiên nhiên như chưa hề bị tàn phá. Và Myanmar với những ngôi chùa sắc màu rực rỡ và những thắng cảnh vẫn đang say ngủ.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty lữ hành Asian Trails, cho biết chỉ tính riêng phòng khách sạn cho khách lẻ năm 2010, công ty này đã bán hơn 20.000 đêm cho khách chỉ nghỉ ở Việt Nam. Nhưng thiếu đường bay thẳng, chưa có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, giao thông đường bộ chưa thật sự thuận tiện..., các chuyên gia ngành du lịch nhận định nếu cứ đứng một mình, sức hấp dẫn của điểm đến một quốc gia sẽ khó kéo du khách đến tham quan và tiêu tiền.

Vì vậy, phương án tăng cường hợp tác giữa bốn nước chẳng những mang lại hi vọng nâng tầm vóc của du lịch khu vực mà còn có thể cạnh tranh được với những nơi khác trong tiểu vùng sông Mekong như Thái Lan, Trung Quốc.

Phóng to

Vườn tượng Phật ở thủ đô Vientiane (Lào) - Ảnh: N.C.T.

Thiếu kết nối, còn nhiều cản trở

Ông George Ehrlich-Adam kể có lần nhóm khách châu Âu của công ty kết thúc tour ở Pakse (Lào), họ rất muốn sang Huế tham quan thêm mấy ngày trước khi về nước nhưng không thể đi đường bộ sang mà phải bay ngược về Bangkok (Thái Lan), đáp thêm một chuyến bay đến TP.HCM rồi lại bay tiếp ra Huế.

Ông kể: quãng đường từ Pakse đến Huế chừng 700km, nếu đi xe phải mất ít nhất nửa ngày nhưng “đường nhỏ hẹp, xe không thể đi nhanh, muốn cho khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh cũng chẳng biết chọn điểm nào để nghỉ trong suốt hành trình đó vì không có trạm dừng chân, khách sạn hợp tiêu chuẩn”. Chi phí chuyến đi đã tăng lên khá nhiều vì phải bay lòng vòng tuy thời gian di chuyển gần như bằng nhau.

Ông George Ehrlich-Adam cho rằng ngay cả Việt Nam - thành viên được coi là phát triển nhất trong nhóm cơ sở hạ tầng - vẫn chưa có hệ thống giao thông đủ tốt để du khách có thể di chuyển từ điểm này đến điểm khác bằng đường bộ thật thoải mái, an toàn và nhanh chóng. Quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết so với quãng đường từ Bangkok - Hua Hin (Thái Lan) gần như bằng nhau, nhưng ở Việt Nam du khách mất gần năm giờ di chuyển trong khi ở Thái Lan chỉ hai giờ rưỡi.

“Chẳng lẽ đi đâu cũng phải dùng máy bay, tiện và nhanh thật nhưng chi phí chuyến đi sẽ bị đẩy lên cao, sản phẩm du lịch của khu vực này sẽ mất tính cạnh tranh” - ông George Ehrlich-Adam nói.

Phóng to
Vịnh Hạ Long (Việt Nam) - Ảnh: T.T.D.

Chuyện thủ tục cũng vậy. Trong khi du khách đến Lào, Campuchia dễ dàng lấy thị thực nhập cảnh (visa) ngay tại cửa khẩu, chỉ cần nộp tiền, điền thông tin chờ ít phút sẽ có visa thì du khách đến Việt Nam và Myanmar muốn lấy visa ở cửa khẩu buộc phải làm trước một số thủ tục với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam (chưa có nhiều trên toàn thế giới) để có số visa rồi khi đến cửa khẩu mới lấy được visa nhập cảnh.

“Chúng tôi từng gặp trường hợp khách muốn đến Việt Nam, Myanmar du lịch nhưng chỉ có thể quyết định trong thời gian ngắn. Khi tìm hiểu thủ tục visa, thấy có rào cản, họ đã hỏi chúng tôi tại sao không sang Campuchia hay Lào?”. Ông George Ehrlich-Adam kể lại và cho rằng không cần phải miễn visa cho du khách nước ngoài mà chỉ cần đơn giản hóa thủ tục cấp visa, chắc chắn cả bốn quốc gia này sẽ thu hút được nhiều khách hơn.

Do hạ tầng cơ sở của cả bốn nước chưa tốt, thời gian di chuyển từ nơi này sang nơi khác lâu nên các công ty lữ hành thường chỉ làm tour nối hai quốc gia (thông thường là Campuchia - Việt Nam) với thời gian trung bình 14-15 ngày. Rất ít chương trình tour nối ba hay bốn quốc gia vì mất nhiều thời gian và giá tour bị đội lên nhiều. Không có nhiều khách sạn 3-4 sao tiêu chuẩn quốc tế ở Campuchia, Lào, Myanmar nên hầu hết du khách nước ngoài đến khu vực này đều nghỉ ở các khách sạn 5 sao và di chuyển bằng máy bay, thời gian đi tour càng dài, giá tour càng đắt, các hãng vì vậy rất khó bán tour.

Trong bốn quốc gia, liên kết tuyến giữa Việt Nam - Campuchia được coi là hoàn hảo nhất khi khách có thể dễ dàng qua lại bằng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Nhu cầu di chuyển qua lại với cả hình thức du thuyền nghỉ đêm trên tàu và vận chuyển hành khách thông thường từ Việt Nam sang Campuchia (Phnom Penh/Siem Reap) trong mấy năm liền tăng lên không dưới 30%.

Bà Thủy Tiên cho biết với các tàu Jayavarman, La Marguerite, Pandaw, Toum Tiou... có phòng nghỉ đêm, chạy ngược xuôi từ Châu Đốc (An Giang) sang Phnom Penh rồi thẳng lên Siem Reap trong tám ngày có giá trung bình 3.000 USD/khách nhưng rất khó đặt chỗ, vì những con tàu này đã được các hãng du lịch nước ngoài đặt chỗ nguyên chiếc (theo kiểu charter) cho cả mùa du lịch. Muốn đặt chỗ cho khách, công ty buộc phải mua lại của các hãng này mà không nhanh tay là hết.

Khi chưa có hệ thống đường bộ thuận lợi, nhanh chóng, vai trò của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) - hãng hàng không duy nhất đang có mạng đường bay nối liền bốn quốc gia - trở nên vô cùng quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả bốn quốc gia.

Phó tổng giám đốc VNA Trịnh Hồng Quang thừa nhận lấy 21 chuyến bay/tuần nối Hà Nội/TP.HCM với hai TP lớn của Lào là Vientiane và Luang Prabang, 8 chuyến bay từ Hà Nội/TP.HCM đến Yangon (Myanmar) mà so với 49 chuyến bay từ TP.HCM/Hà Nội sang Phnom Penh/Siem Reap thì thấy rõ việc chưa có sự đầu tư thỏa đáng về mạng đường bay giữa các quốc gia này.

Phóng to
Khu di tích Angkor Wat tại tỉnh Siem Reap (Campuchia) - Ảnh: N.C.T.

Để thành một điểm đến

Mấy năm qua chủ đề xuyên suốt của ITE HCMC là “Ba quốc gia - Một điểm đến” với Lào, Campuchia. Sự có mặt của Myanmar từ năm nay, theo ông Đinh Ngọc Đức - vụ phó phụ trách Vụ Quan hệ quốc tế (Tổng cục Du lịch VN), là sự cộng hưởng trên một nền hợp tác sẵn có khá thuận lợi.

Ông Đức cho rằng khi ngồi lại với nhau, bộ trưởng và các cơ quan quản lý du lịch của bốn quốc gia sẽ biết để so sánh điểm mạnh - yếu của nhau nhằm cùng khắc phục vươn lên với mục tiêu thu hút thêm du khách quốc tế đến khu vực mà không phải là cạnh tranh hút khách của nhau. Cùng hợp tác và phát triển giữa bốn quốc gia sẽ tăng tính hấp dẫn trong cung ứng sản phẩm du lịch trong khu vực. Ngay cả việc đẩy mạnh trao đổi khách là công dân của bốn nước cũng sẽ góp phần phát triển du lịch trong khu vực.

Điều quan trọng là làm thế nào để các doanh nghiệp lữ hành có thể ngồi lại với nhau, cùng thiết kế những gói sản phẩm liên kết đưa du khách đi lại dễ dàng, thuận tiện giữa các nước trên một chuẩn mực tương đồng chứ không “vênh” như hiện nay.

“Khi cùng nhau ngồi lại mới thấy mình còn điều gì kém bạn để cố gắng, phấn đấu. Cả bốn bộ trưởng sẽ phải tìm hiểu xem còn vấn đề gì chưa tương đồng giữa các thành viên, cần nỗ lực nâng cấp lên mặt bằng chung nhằm tạo sản phẩm du lịch có chất lượng hơn”. Trong khuôn khổ và tinh thần hợp tác ấy, Việt Nam - với vị thế, vai trò kinh tế chính trị, mức độ phát triển du lịch cao hơn - nên đảm nhiệm vị trí tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác này phát triển.

Ý tưởng “Bốn quốc gia - Một điểm đến” được bốn bộ trưởng du lịch các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar thống nhất đưa ra sau Hội nghị bốn bộ trưởng du lịch lần thứ nhất tại TP.HCM ngày 29-9-2010.

Cả bốn bộ trưởng nhất trí tăng cường phối hợp quảng bá Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam thành một điểm đến du lịch chung trong khu vực, đảm bảo phát triển du lịch bền vững và góp phần xóa đói giảm nghèo ở bốn nước. Khuyến khích cơ quan du lịch quốc gia bốn nước tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch du lịch, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, phát triển sản phẩm du lịch.

Phó tổng giám đốc VNA Trịnh Hồng Quang khẳng định khu vực bốn quốc gia này được ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển mạng đường bay của hãng đến năm 2015. Đường bay xuyên Đông Dương là sản phẩm độc đáo chỉ có VNA khai thác: du khách ngoài khu vực khi bay đến Việt Nam cùng VNA được miễn phí một chặng đến một trong ba quốc gia còn lại.

Hằng năm, VNA vẫn tổ chức quảng cáo, mời gọi tại thị trường Nhật và châu Âu... sắp tới sẽ triển khai ở Úc, Anh. Cuối năm 2011, VNA sẽ có 75 máy bay, dự kiến đến năm 2015 sẽ có 115 máy bay các loại đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại cho thị trường du lịch quan trọng này.

Khảo sát mới đây về thói quen và kế hoạch đi lại của khách du lịch là thương nhân đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011 của Tập đoàn Accor cho thấy trong 10.000 khách đã đến khu vực này trung bình có 6,3 chuyến đi trong nửa đầu năm. Dự kiến sáu tháng cuối năm, họ sẽ có 6,2 chuyến đến khu vực này. Khảo sát cũng cho thấy chi phí mỗi đêm nghỉ khách sạn là 121 USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận