Bóng đá nữ miệt vườn

MINH TÂM 23/08/2010 04:08 GMT+7

TTCT - Sau những buổi gặt lúa, chị em phụ nữ ở ấp Bang Chang, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long mang bóng ra đá trên những mảnh ruộng còn đầy chân rạ, để rồi từ đó phong trào lan rộng khắp các xã lân cận.

Phóng to
Từ những lần đá bóng vui chơi sau buổi gặt lúa, phong trào chơi bóng đá của chị em nông dân đã lan rộng - Ảnh: Minh Tâm
Phóng to
Cũng chịu khó lao người bắt bóng như ai! - Ảnh: Minh Tâm

Trên sân 22 nữ cầu thủ đang quần nhau giành quả bóng. Đủ lứa tuổi, từ 18-55. Đội nữ Trà Ngoa 1 áo thun vàng, quần vàng, còn đội Trà Ngoa 2 áo thun xanh, quần thì ống dài ống ngắn... Hai đội đá thoải mái. Cầu thủ cứ chạy theo bóng mà sút. Đó là trận đấu giữa các chị em nông dân ở miền quê xã Trà Côn.

Chị Trần Như Khích, 35 tuổi, kể về chuyện ra đời của đội bóng: “Hôm 8-3 vừa rồi, cả bọn mười mấy người sau khi cắt lúa xong ngồi bàn với nhau phải tổ chức một cái gì đó ăn mừng ngày phụ nữ. Hay là tụi mình đá bóng trên ruộng. Ai cũng thấy ý này ngồ ngộ nên đồng lòng hưởng ứng”.

Ban đầu các chị trong ấp Bang Chang chỉ định đá cho vui, không ngờ càng đá càng ghiền. Mấy chị em khác đang làm ruộng gần đó thấy thế cũng nhập cuộc, dần dà số người lên đến 30, mọi người quyết định thành lập đội bóng Bang Chang 1 và Bang Chang 2. Các ấp Trà Ngoa, Xẻo Tràm lân cận đến tham quan thấy hay quá nên cũng về thành lập đội bóng cho bằng chị bằng em. Chiều nào cũng thế, cứ khoảng 3g là họ gọi nhau í ới, 4g bắt đầu đá cho đến mặt trời lặn mới về.

Huấn luyện viên cũng đều là nông dân, trước đây đá cho giải phong trào của xã nên dù làm không lương nhưng ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Đội Trà Ngoa mời được anh Đoàn Chí Nhân, anh Lê Minh Nghĩa, vốn bận bịu chuyện mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm nhưng có hôm cả hai bỏ cả những cuốc xe để có thời gian huấn luyện cho đội bóng. Anh Nhân cười vui: “Tụi tui cũng chỉ biết võ vẽ nên hướng dẫn chị em được một vài điều cơ bản như luật bóng đá, kỹ thuật giữ bóng, chuyền bóng, sút phạt... Tuy nhiên khi ra sân nhiều người quên mất, cứ chạy theo bóng mà đá, chẳng chiến thuật gì cả. Nhưng không sao, từ từ cũng quen”.

Với các thôn nữ, bóng đá là môn thể thao tốt nhất, “ngon” hơn cả lắc vòng để giữ eo, ăn kiêng để giảm cân. Còn đối với các bà, nó “xịn” hơn cả chuyện uống thuốc trị bệnh. Chị Bé Ba cười khoe: “Lúc trước hơi bị mập, khi chạy xóc hông mệt lắm! Nhưng sau đó đá riết rồi quen, bớt mỡ bụng, eo cũng thon lại”.

Không chỉ ham vui, vì sức khỏe, phong trào, chị em đến với bóng đá bởi nó giúp mọi người gần nhau hơn. Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng đội bóng tự phát lại toàn đàn bà, con gái, đá cao tay vài trận rồi cũng rã đám. Nhưng sau đó giá trị cộng đồng được nâng cao với nhiều đội bóng khác ra đời cùng sự tham gia của nhiều thành phần từ chị “hai lúa”, chị bán vé số, bán bánh mì, đến vài chị em trong ủy ban nhân dân xã. Chị Hạnh, một thành viên đội bóng, tâm sự: “Bóng đá giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn chặt, yêu thương, đoàn kết nhau hơn. Ai bệnh, cả đội đến để chia sẻ, giúp đỡ. Nhiều chị em còn phụ nhau cấy, gieo mạ... nhằm sớm hoàn thành công việc để còn đi đá bóng”.

Từ chỗ vui chơi, bóng đá đã trở thành một phần cuộc sống đối với các phụ nữ nông thôn. Giờ đây các “đội tuyển” ba ấp với gần 100 cầu thủ thường xuyên so kè để giành thứ hạng. Cứ đều đều mỗi tháng Hội Liên hiệp phụ nữ xã đứng ra tổ chức, mời phó chủ tịch xã làm trọng tài, có giải thưởng hẳn hoi, từ 100.000-150.000 đồng. Số tiền thưởng tuy ít nhưng khích lệ tinh thần chị em rất nhiều. Mỗi lần thi đấu giải, cổ động viên xem kín sân, tràn cả ra lộ... Thi đấu xong, các nữ cầu thủ còn trổ tài đầu bếp, người hùn gà, hùn vịt, kẻ bắt cá trong ao, hái rau, cây trái trong vườn... cùng nhau liên hoan rồi lại múa hát lâm thôn vui ngất trời.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, phó chủ tịch xã Trà Côn, tự hào: “Chị em ở thôn quê suốt ngày bận rộn với chuyện đồng áng, xã lại ít có điểm giải trí, vui chơi, vì thế chuyện thành lập các đội bóng nữ được xã rất ủng hộ. Chị em ở những xã lân cận như Vĩnh Xuân, Tích Thiện... cũng đến tham gia ké, nghe nói họ cũng chuẩn bị thành lập đội bóng. Điều ngộ là từ ngày có phong trào bóng đá nữ, chuyện nhậu nhẹt của các ông chồng giảm thấy rõ, bởi ngày nào cũng bận đi cổ vũ vợ thi đấu đến tối mịt mới về”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận