Cái giá...

NGUYỄN LỆ BA 15/06/2012 18:06 GMT+7

TTCT - Người ta gọi đùa anh là “anh cái giá”. Bởi với anh, cái gì cũng có cái giá của nó. Anh là một người khuyết tật, phải làm việc để tự nuôi sống mình với một cửa tiệm sửa chữa điện tử nho nhỏ ở một xã vùng nông thôn.

Mấy mươi năm vật lộn với nghề, bây giờ tay đã run, mắt đã kém, anh chỉ còn làm được mỗi việc là sửa chữa radio, cassette... Mà thời buổi này còn bao nhiêu người xài những thứ ấy, thế nên thu nhập của anh cũng bữa đực bữa cái, khi nắng khi mưa.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Anh sống lạc quan, vui vẻ với những “kết luận” nho nhỏ riêng mình: một ly cà phê chợ xã bán 10.000 đồng cũng là cái giá để mua một buổi sáng vui vẻ chuyện trò, tào lao tán gẫu cùng anh em, bè bạn. Cũng thế, cái giá để mua một hi vọng đổi đời, một nụ cười nhẹ nhõm của em bé bán vé số có thể là mười hay hai chục ngàn đồng. Đó đôi khi là số tiền anh kiếm được trong một ngày lao động nếu may mắn có người mang đồ tới sửa.

Anh bảo người đời vẫn đang trả giá để mua được những thứ mà họ muốn có, kể cả tình yêu, danh vọng, sự yên ổn trong tâm hồn... Có người mua xe, xây nhà bằng cái giá của một đời quần quật lao động hay ăn chặn ăn chẹt, tham ô, móc ngoặc. Có người trả giá cho giàu sang, quyền lực bằng những năm tháng ngồi trong nhà giam hay cả đời sống đau khổ, lương tâm cắn rứt hằng đêm...

Người ta trả giá cho những tiện nghi vật chất, những thứ có được từ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ bằng cách đào xới, san phẳng, hủy diệt môi trường với sự nóng lên của Trái đất và những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu...

“Cái ngành điện tử của tôi đã nuốt mỗi năm bao nhiêu tấn vàng, bao nhiêu tấn đất hiếm cùng kim loại, đồng thời thải ra môi trường bao nhiêu thứ rác rưởi độc hại. Nó cũng đã hủy diệt bao nhiêu cánh rừng, bức tử bao nhiêu dòng sông từ việc khai thác và tận thu những khoáng vật để phục vụ nhu cầu của con người... - anh đúc kết rồi đùa rằng - Cứu sống một cái máy vô tri để bà con nghèo tiếp tục sử dụng cũng có nghĩa góp phần làm chậm lại tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu!”.

Cách nói ấy của anh có phần “đao búa” và khôi hài nhưng quả là không sai! Có ai nhận được bất cứ cái gì, dù nhỏ nhặt nhất mà không phải trả cái giá nào đó, từ một hạt cơm, giọt nước đến cả những niềm vui, hạnh phúc?

Cửa tiệm nhỏ của anh đôi khi có vài người ngồi đợi. Họ chờ sửa chiếc radio chạy pin để nghe đài bởi nhà họ không có tivi. Người nghèo quê mình đâu có thiếu. Nên cứ sửa xong, lúc trả máy cho khách, anh lại nhìn họ một lượt rồi nói: “5.000 đồng!”.

Cái giá bèo bọt thật tình ấy, cho một món đồ nhiều khi đã cận cái ngưỡng đồ đồng nát, là cách mà anh dành để thể hiện sự kính trọng của một người đối với một người, đỡ cho họ cái áy náy mặc cảm của kẻ chịu ơn, của người nhờ vả, để cho lần sau khi món đồ lại trục trặc, họ có thể mạnh dạn gõ cửa anh nhờ sửa giùm.

Cứ vài người như thế ghé tiệm, anh đã có hai bữa cơm đạm bạc, đôi khi dư ra đủ để mua một tờ vé số như thể mua thêm một niềm vui, một niềm hi vọng, một dự định tốt đẹp nào đó còn ở phía trước.

Thi thoảng có những người ăn xin ghé lại. Anh lục ngăn kéo tìm những tờ bạc 5.000 đồng đưa họ với cái nhìn cảm thông, ái ngại. Lạ là có vị nhận tiền nhưng lắc đầu... ú ớ, hai bàn tay xòe ra mười ngón rồi chỉ xuống bụng, ý nói phải có 10.000 đồng ăn mới đủ no! Chả biết họ có câm điếc thật hay không, có cùng quẫn tới mức phải làm ăn mày hay không, hay chỉ là một mánh kiếm tiền nhẹ nhàng không hao sức, có trời mới biết. Đời bây giờ lắm ma, nhiều quỷ, chẳng thiếu những kẻ lành lặn, mạnh khỏe giả dạng ăn mày để thênh thênh sống dựa vào lòng tốt thiên hạ. Nhưng anh lại nghĩ “Thà... cho lầm còn hơn áy náy trong bụng!”. Cái giá của sự bằng an trong lòng anh lại có lúc ngang bằng tiền công của một ngày lao động như thế.

Và vì vậy, hạnh phúc cũng có khi mua được với cái giá không hề đắt chút nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận