14/05/2024 09:28 GMT+7

Cần cải cách sâu rộng để có nền kinh tế thị trường hoàn hảo

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Ngày 8-5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ mở phiên điều trần để quyết định có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Nếu được thông qua vào cuối tháng 7 tới, đó sẽ là cú hích cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất tôm của Việt Nam là ngành đang bị điều tra chống trợ cấp của Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sản xuất tôm của Việt Nam là ngành đang bị điều tra chống trợ cấp của Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) - một trong những bên ủng hộ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường nhưng còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện những tính chất của một nền kinh tế thị trường hoàn hảo.
Ông VŨ TÚ THÀNH

* Mặc dù USABC đưa ra nhiều quan điểm và ủng hộ Việt Nam về vấn đề này, song với phiên điều trần ngày 8-5, ông nhìn nhận thế nào về khả năng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ ra quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường?

Ông Vũ Tú Thành

Ông Vũ Tú Thành

- Tôi cho rằng triển vọng là 50/50. Để Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường sẽ rất khó khăn. 

Khó khăn này không phải xuất phát từ vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính trị. Bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trong kỳ bầu cử, nên nhóm cử tri trong một số ngành sản xuất như mật ong, cá da trơn, tôm, thép... có thể sẽ không bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ nếu như DOC ra quyết định có lợi cho Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chính quyền Biden làm như vậy họ có thể đi ngược lại cam kết mà lãnh đạo hai nước đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái khi Việt - Mỹ nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Vì vậy chính quyền Mỹ sẽ phải tìm điểm dung hòa nào đó giữa hai vấn đề này, mang tính "câu giờ" để qua thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị.

* Vậy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Mỹ đối với vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Trên thực tế các nhà đầu tư của Mỹ quan tâm không nhiều vì họ không bị ảnh hưởng gì. Việc Mỹ có tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách là nền kinh tế phi thị trường hay không cũng không tác động nhiều đến họ. Nhiều năm qua các nhà đầu tư Mỹ vẫn kinh doanh bình thường ở Việt Nam.

Do đó tôi cho rằng kết luận cuối cùng tới đây vào tháng 7 tới về việc Việt Nam có được Mỹ loại ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường hay không cũng không ảnh hưởng hoặc nếu có sẽ tác động không đáng kể đến quan hệ kinh tế thương mại hai nước, hoạt động đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

* Nhưng với một số nhóm ngành xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam lại rất mong chờ tin vui từ vụ việc này?

- Đúng là vụ việc này sẽ phần nhiều ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ ở một số nhóm hàng cụ thể như mật ong, đồ gỗ, cá da trơn, tôm... 

Đây là những ngành mà Việt Nam bị DOC điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và có yếu tố bất lợi khi Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. 

Bởi trong quá trình điều tra, DOC sẽ lấy nước thứ ba để tham chiếu và đánh giá các tiêu chí mang tính bất lợi cho Việt Nam.

Điều này dẫn tới khả năng bị áp thuế đối với các ngành này sẽ ở mức cao, từ đó ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các ngành này sang Mỹ.

Với những ngành hàng bị điều tra chống bán phá giá như mật ong, thị phần xuất sang Mỹ chiếm tới 80-90% nước này, nên nếu bị áp thuế chống bán phá giá không công bằng thì toàn bộ thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị mất, tiêu diệt luôn ngành mật ong xuất khẩu của Việt Nam. 

Đó là điều đáng lo ngại khi đây là những ngành hàng khá "nhạy cảm", tác động đến những đối tượng dễ bị tổn thương (người nông dân, hộ sản xuất nhỏ...).

Chính phủ Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm đến nhóm này và dồn nhiều nguồn lực để đàm phán.

* Làm thế nào để Việt Nam vừa đạt được sự công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy thương mại với Mỹ?

- Nền kinh tế Việt Nam đã và đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường nhưng còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện những tính chất của một nền kinh tế thị trường hoàn hảo. 

Những gì chưa làm được cần phải nghiêm túc thẳng thắn cải thiện. Có thể thấy vẫn còn những bất ổn, lộn xộn đang tồn tại trong nền kinh tế thời gian qua, đó là biểu hiện cho sự không hoàn chỉnh của kinh tế thị trường.

Ví dụ như tình trạng giá vàng trong nước đi ngược lại xu hướng thế giới. Những lĩnh vực năng lượng, bất động sản... dù tương đối theo thị trường nhưng việc can thiệp khiến thị trường phập phù. Với các tiêu chí đánh giá nền kinh tế thị trường mà DOC đưa ra sẽ rất quan trọng để Việt Nam tham khảo.

Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn, hoàn thiện các thể chế mang tính thị trường cao hơn để đạt được những tính chất của một nền kinh tế thị trường. 

Lúc đó, việc cạnh tranh và thu hút đầu tư, thương mại mới mang tính bền vững và hiệu quả thực chất.

Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường

Ông Ted Osius trong một lần dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Ông Ted Osius trong một lần dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Ted Osius tỏ ra lạc quan về khả năng Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Ted Osius tỏ ra lạc quan về khả năng Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

"Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường rồi và đáp ứng được các tiêu chí chính như khả năng chuyển đổi tiền tệ và đã sẵn sàng để có được một sự công nhận đúng với điều đó" - ông Osius, người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, nhấn mạnh với Tuổi Trẻ.

Với tư cách là người đứng đầu USABC có hơn 130 thành viên là các công ty hàng đầu Mỹ và thế giới, ông Osius khẳng định doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng tại đây.

Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhận được sự ủng hộ của USABC và trong giai đoạn Mỹ xem xét điều này, USABC đã có tiếng nói.

Để minh chứng, trong email trả lời Tuổi Trẻ, ông Osius đã đính kèm hai tài liệu kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và thay đổi quy chế Việt Nam lên nền kinh tế thị trường.

Một trong hai lá thư này cũng nêu ra 7 điểm phản bác lại lập luận của Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ - bên phản đối cấp quy chế cho Việt Nam.

"Nhiều đối thủ cạnh tranh thương mại của Mỹ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu và châu Mỹ (Mexico và Canada) đã tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại với Việt Nam để mở rộng cơ hội cho nền kinh tế của họ.

Nếu chúng ta không thể bắt kịp những động thái đó và tiếp tục coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, chúng ta có nguy cơ hủy hoại tương lai của một trong những mối quan hệ thương mại song phương thành công nhất của Mỹ trên thế giới", lá thư thứ hai gửi đến Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kết thúc bằng một cảnh báo.

Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường: Hàng xuất khẩu chờ tin vuiMỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường: Hàng xuất khẩu chờ tin vui

"Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời Tuổi Trẻ trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên