Cánh hạc chiều mong manh

CÁT VŨ 13/01/2009 05:01 GMT+7

TTCT - Như cánh hạc mong manh rơi xuống khu vườn nghệ thuật vào một chiều cuối thu nhưng khác với vai diễn trong kịch, Lan Phương không để mình bị kiệt sức đến đầu hàng phải bay về trời vĩnh viễn và rời bỏ tình yêu nơi trần thế. Sau bao nhiêu nước mắt, giờ đây cô đã có một nơi chốn cho nghệ thuật và cho tình yêu....

Phóng to

Tích truyện kể rằng vào buổi chiều cuối thu năm ấy, chàng nông dân trẻ trên đường trở về làng đã ra tay cứu sống một con hạc bị trúng tên trọng thương. Rung cảm bởi tấm lòng nhân hậu, hạc tiên biến thành một cô gái đẹp, tự nguyện ở lại làm vợ chàng trai. Ngày ngày nàng âm thầm rút lông dệt vải cho chồng đem bán như một món quà ân nghĩa. Thế nhưng người chồng vì lóa mắt bởi đồng tiền càng ngày càng trở nên vô tình bèn thúc giục vợ tăng sản lượng mà không hề biết đó là máu thịt của nàng. Nàng hạc tiên ngơ ngác hỏi chồng, tiền là gì mà anh nỡ yêu tiền hơn yêu em rồi kiệt sức, trở lại kiếp hạc bay về trời.

Vở kịch Hạc chiều, công trình sân khấu hợp tác giữa Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM và đoàn chuyên gia người Nhật cách đây ba năm, là một dấu ấn khó phai trong bước đường vào nghề của Lan Phương. Năm ấy, Lan Phương vừa tốt nghiệp khoa diễn viên và là sự chọn lựa ưng ý nhất của vị đạo diễn người Nhật cho vai nàng tiên hạc. Nhân vật nàng tiên hạc không chỉ đòi hỏi một sức biểu cảm cao mà còn cần có một khả năng diễn xuất hình thể tinh tế. Cũng trong bộ trang phục kimono truyền thống ấy song có lúc nhân vật là một mỹ nữ, khi lại là một con chim hạc.

Vai được đánh giá là xuất sắc đó tuy chỉ diễn ra trong khuôn khổ “bang giao”, không đem lại cho người làm nghề lợi nhuận bằng tiền bạc nhưng đã mang đến cho Lan Phương một chuyến đi biểu diễn ở Nhật như một phần thưởng tinh thần mà không phải một diễn viên mới ra trường nào cũng có được.

Gương mặt sân khấu... không thị trường

Và niềm an ủi dường như chỉ một thoáng tinh thần như thế thôi. Suốt bao năm qua, với nghệ thuật, Lan Phương chẳng khác gì một cánh hạc mong manh, yêu thương hết lòng, xả thân đến kiệt sức nhưng số phận vẫn như vô tình khiến có lúc cô cũng tự hỏi như hạc tiên: “Tiền là gì mà anh yêu nó hơn em!”. Thi đậu một lúc ba trường nhưng Lan Phương chỉ chọn học hai: Đại học Ngoại thương và Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Cô rời gia đình ở Vũng Tàu một mình về Sài Gòn, vào trường sân khấu mang theo vốn liếng gần mười năm đi múa ở Nhà Thiếu nhi Vũng Tàu cùng khát vọng trở thành một nghệ sĩ lớn trong tương lai. Nghĩ rằng một nghệ sĩ lớn thật sự không chỉ cần tài năng mà còn cần được trang bị kiến thức rộng, nên cô đã tất bật, chạy qua chạy lại như con thoi giữa hai trường để rồi lần lượt xuất sắc lấy được cả hai tấm bằng loại giỏi.

Không phải là diễn viên thị trường nên Lan Phương chỉ bắt đầu có chút ít rủng rỉnh tiền để dành từ khi đóng phim Cô gái xấu xí. Vốn là người sống giản dị, không có nhu cầu gì cao nên không bon chen, so đo với ai. Điều đó đã đem lại cho cô lòng tự tin, sự thanh thản và hạnh phúc. Cô nói sự nghiệp chính của cô là sân khấu bởi ở đó cô có được nhiều cơ hội thể hiện mình, được trải nghiệm qua nhiều nhân vật. Cô đã tự trang bị nhiều khả năng như múa, hát, nhảy thiết hài, khiêu vũ, hình thể... cho một giấc mơ nhạc kịch trong tương lai.

Ngay từ ngày còn ở trường, Lan Phương thường khiến bạn bè, thầy cô ngạc nhiên về sức mạnh tinh thần ẩn giấu phía trong dáng vẻ bề ngoài mảnh mai yếu đuối của mình. Bất cứ yêu cầu nào vai diễn đặt ra, cô đều tìm mọi cách để đáp ứng. Điều đó lý giải vì sao hầu hết các đoàn chuyên gia sân khấu nước ngoài đến làm việc với Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM đều tuyển Lan Phương đóng vai chính cho vở kịch của mình. Ngoài vở Hạc chiều của đoàn Nhật, còn có Romeo - Juliet, Mùa hè và khói của đạo diễn Mỹ...

Cô còn được Đài truyền hình Nhật NHK chọn làm MC giới thiệu chương trình tìm hiều về đất nước VN cho khán giả Nhật. Năm 2006, Lan Phương đã góp phần đem lại thành công cho vở Huyền thoại cuộc sống trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội với vai nàng thiếu nữ, một vai đòi hỏi diễn viên phải vừa múa hay, đánh trống giỏi, thể hiện kỹ thuật hình thể và tiếng nói sân khấu ấn tượng.

Người trong nghề xếp những loại vai kể trên vào dạng vai khó và những “cú vượt” của Lan Phương được đánh giá như chứng chỉ xác nhận đẳng cấp. Thế nhưng... cũng nằm trong phần số không may của không ít loại nghệ thuật chân chính kén người thưởng thức, những vở kịch trên không đến được với số đông, chỉ diễn được năm ba suất rồi xếp kho và Lan Phương được mệnh danh là một diễn viên trẻ sáng sân khấu... không thị trường. Dù vậy, Lan Phương vẫn cho rằng đây là những vở mình thích nhất.

Tuy khán giả ít biết đến song quan trọng là nó đã đem lại cho Lan Phương niềm vinh dự trở thành người được chọn lựa giữa số đông, cũng như cho cô nhiều bài học quý giá về cách làm nghề của các bậc thầy đến từ nhiều nước khác nhau. Làm việc với họ, cô thấy mình được tôn trọng vì diễn viên không phải là con rối trong tay đạo diễn mà là người đồng sáng tạo. Đạo diễn chỉ làm công việc khơi gợi, những việc còn lại thuộc về diễn viên.

Và nước mắt của hạc...

Nhưng nói gì thì nói, phần thưởng tinh thần không thay được chuyện áo cơm. Nhìn bạn bè cùng lớp bay nhảy khắp các sân khấu, Lan Phương không khỏi cảm giác hụt hẫng khi mình không có nơi chốn nào để về. Đi xem bạn diễn, có khi không kìm được lòng, cô để nước mắt rơi như mưa vì tủi thân. Lúc quá bức bối, Lan Phương đã thử xin về làm diễn viên múa cho một đoàn nghệ thuật quốc doanh nhưng rồi chẳng được bao lâu cô lại bị tiếng gọi của sàn diễn thôi thúc. Khi hiểu ra phần nào lý do, Lan Phương tập nói giọng Nam và rồi trong những vở đầu tiên ra sân khấu thị trường như Xóm gà, Trinh nữ (Sân khấu kịch Sài Gòn), cô luôn bị cảm giác căng thẳng vì giọng Nam chưa thuần thục.

Khó khăn này giờ đây có lẽ đang dần lùi xa bởi từ đầu năm 2009, Lan Phương đã tìm được đất dụng võ khi về đầu quân cho Sân khấu Phú Nhuận, cái nôi kịch Bắc ở TP.HCM hiện nay. Vừa qua, cô đã được giới chuyên môn khen ngợi là “tiên đồng” khi xuất hiện với vai Suzane, cô gái lai trong vở Kỹ nghệ lấy Tây phỏng theo phóng sự cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

- Các vai tiêu biểu ở sân khấu: Valia (Câu chuyện Iếccút), nàng tiên hạc (Hạc chiều), Juliet (Romeo - Juliet), Alma (Mùa hè và khói), nàng thiếu nữ (Huyền thoại cuộc sống), Suzane (Kỹ nghệ lấy Tây), Nở (Tiền ơi tiền - sắp ra mắt vào dịp Tết Kỷ Sửu).

- Đã đóng trong các phim: Cạm bẫy (đạo diễn Xuân Cường), Người trong gia đình (đạo diễn Lê Hữu Lương), Nữ bác sĩ (Song Chi), Cô gái xấu xí (đạo diễn Nguyễn Minh Chung)...

Thật ra, nước mắt của nàng tiên hạc Lan Phương đã bắt đầu thôi rơi từ gần hai năm nay, từ khi cô nhận được vai Mai Lan trong phim dài tập Cô gái xấu xí. Trên phim, Mai Lan - giám đốc bán hàng của Công ty STBT - là một phụ nữ sắc sảo, đanh đá và chua ngoa với cách nói chì chiết lạnh xương sống. Thế nhưng, Lan Phương lại hết sức bênh vực cho nhân vật Mai Lan của mình, cho rằng đó là một người tốt, sống chân thành, chỉ ghét mỗi Huyền Diệu vì “ghen tuông là chuyện phụ nữ thường tình”.

Bạn bè, người quen đều tỏ ra rất ngạc nhiên, không hiểu một người bản chất dịu dàng, hiền lành, nhân hậu như Lan Phương lấy đâu ra cái chất nanh nọc ấy để vào vai Mai Lan đạt đến như vậy. Ngày nào mở trang web ra xem, Lan Phương cũng nhận được hàng trăm ý kiến khen chê dành cho Mai Lan và cô cũng nương theo đó để điều chỉnh nhân vật của mình cho phù hợp với tình cảm của số đông. Hiện nay, bộ phim Cô gái xấu xí dài gần 200 tập đã đóng máy, cuộc hôn nhân của Mai Lan và An Đông trong phim vẫn còn chất chứa nhiều tình huống bi kịch bất ngờ cho đến phút chót. Riêng Lan Phương đã thôi cảnh ngày ngày tất bật chạy xe lên trường quay tận Thủ Đức để sống cuộc đời của một người đàn bà khác xa mình. Cô đang dồn sức cho những số phận mới trên sân khấu.

Như cánh hạc mong manh rơi xuống khu vườn nghệ thuật vào một chiều cuối thu nhưng khác với vai diễn trong kịch, Lan Phương không để mình bị kiệt sức đến đầu hàng phải bay về trời vĩnh viễn và rời bỏ tình yêu nơi trần thế. Sau bao nhiêu nước mắt, giờ đây cô đã có một nơi chốn cho nghệ thuật và cho tình yêu. Chính Mai Lan, người phụ nữ ảo trên phim, đã đem về cho Lan Phương một người đàn ông thật trong đời thường. Với cô, hạnh phúc đang trong tầm tay...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận