Chân dung thế hệ đạo diễn trẻ Việt Nam

PHAN XI NÊ 24/04/2009 16:04 GMT+7

TTCT - Tại Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế lần thứ 4 ở California (Mỹ), những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam vô cùng bất ngờ với một làn sóng đạo diễn Việt Nam trẻ. họ trẻ đến độ chưa đầy 25 tuổi và có cái nhìn trong sáng, hồn nhiên về cuộc sống của giới trẻ người Việt khắp thế giới hôm nay.

Phóng to
Hai đạo diễn Khoa Đỗ (Footy Legends, trái) và Lê Văn Kiệt (Sầu ngư) tại VIFF 2009 - Ảnh: Vũ Quý Hạo Nhiên

Hài hước và cảm động

Ngoài Khoa Đỗ, Mark Trần, Lê Văn Kiệt, VIFF còn giới thiệu hàng loạt tác phẩm của đạo diễn trẻ trong và ngoài nước như Nụ hôn thần chết (Nguyễn Quang Dũng), Operation Babylift: the lost children of Vietnam (Chiến dịch Babylift: những đứa trẻ Việt Nam bị lãng quên - Tammy Nguyễn Lee), Đứa bé nhìn thấy lửa, Cắt (Trần Lý Trí Tân), Thảo nguyên xanh tươi (Phan Ý Ly), Bookie (Trần Quốc Bảo)...

Kết quả cuối cùng, giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất thuộc về Footy Legends của Khoa Đỗ; Trống Đồng dành cho phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về Summer rain (Cơn mưa hạ) của Ela Their (xoay quanh câu chuyện của cô bé người Israel kết bạn với một cô bạn người Việt Nam trong những ngày tháng đầu tiên di cư sang Mỹ). Giải khán giả bình chọn dành cho phim ngắn xuất sắc thuộc về Ngày giao của Jane Manning; phim dài được khán giả yêu thích nhất thuộc về Operation Babylift: the lost children of Vietnam.

Mở màn tại VIFF là Footy Legends, bộ phim truyện nhựa thứ hai của đạo diễn Việt kiều Úc Khoa Đỗ (sinh năm 1979). Tại VIFF, Khoa Đỗ còn là tác giả kịch bản của Ngày giao, bộ phim ngắn giúp Khoa được đề cử giải thưởng AFI (giải thưởng của Viện Điện ảnh Úc). Anh cũng là đạo diễn bộ phim bán tài liệu Finished people xoay quanh cuộc đời không lối thoát của ba nhân vật trẻ, trong đó có một cô gái Việt Nam, trên đường phố Sydney (đem đến khá nhiều đề cử giải thưởng điện ảnh ở Úc).

Footy Legends xoay quanh câu chuyện của một chàng trai Việt Nam ở Sydney đam mê bóng bầu dục. Mất việc làm cộng thêm sở an sinh xã hội muốn bắt em gái của mình, Luc Vu phải họp đội bóng từ thời trung học của mình để tranh tài tại giải bóng bầu dục Holden Cup.

Footy Legends không hẳn là một phim thể thao, mà sâu hơn bộ phim phản ánh cuộc sống của những người Việt Nam di dân tại Úc sau cuộc chiến tranh Việt Nam thông qua mối quan hệ của anh em Luc Vu và người ông. Hài hước và xúc động, Footy Legends nhanh chóng chiếm được cảm tình khán giả của đêm khai mạc và đoạt giải Trống Đồng dành cho phim truyện hay nhất tại VIFF.

Cũng chiếm tình cảm của khán giả, kể cả khán giả Mỹ, All about dad (Tất cả về cha) của Mark Trần xoay quanh những xung đột thế hệ trong một gia đình Việt Nam ở Mỹ. Năm nay 24 tuổi, Mark Trần đã có trong tay một phim ngắn, một phim truyện dài và đang chuẩn bị thực hiện bộ phim dài kế tiếp. All about dad của Mark là câu chuyện về một gia đình Việt Nam tại Mỹ, trong đó người cha luôn muốn những đứa con có một tương lai tốt đẹp theo cách của ông mà không nhận ra điều ông muốn không phải là điều những đứa con cũng muốn.

Mark Trần kể câu chuyện một cách trong sáng, hồn nhiên xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân. Ở đó có cậu con út nổi loạn không muốn làm nha sĩ để trở thành đạo diễn, luôn “cà khịa” với anh trai đang ở tuổi biết yêu; có cô chị giữa cố gắng làm vui lòng cha vùi đầu vào sách vở, nhưng đêm đêm lại trốn trong gác xép hay trên nóc nhà để được gảy đàn ngồi hát; có cô chị cả yêu một người ngoại đạo nhưng phải giấu sự thật vì sợ cha không đồng ý; có người mẹ không biết làm sao để có thể gần gũi những đứa con đang ngày một lớn và vuột khỏi vòng tay yêu thương của mình.

Và ở đó có người cha bất lực trước việc uốn nắn cành cây nghiêng thẳng lại và nhận ra những đứa con cũng như những cái cây, hãy để chúng tự nhiên trưởng thành.

Sự giản dị và tình cảm của All about dad khiến người phụ trách phòng chiếu tại Đại học UCI (nơi trình chiếu các phim tại VIFF) chạy ra khỏi phòng máy để khen ngợi: “Tôi làm việc trong phòng chiếu 20 năm và xem rất nhiều bộ phim, nhưng phải nói rằng bộ phim của cậu không chỉ hay, cảm động như nhiều phim khác mà còn là một trong những phim hiếm hoi tôi có thể hoàn toàn hiểu được tình cảm dù đó là một câu chuyện Việt Nam”. Có lẽ cũng vì điều đó, All about dad đã đoạt giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Cinequest 2009 diễn ra tháng trước.

Phóng to
Hai đạo diễn trẻ Trần Quốc Bảo (trái) và Roland Nguyễn tại VIFF 2009 - Ảnh: Phanxine

Trầm lắng và gai góc

Cũng hài hước nhưng có phần trầm lắng và gai góc hơn là Sầu ngư của Lê Văn Kiệt (sinh năm 1978), đạo diễn trẻ từng gây chú ý tại VIFF 2005 với bộ phim truyện đầu tay Bụi đời. Sầu ngư, cũng như Bụi đời, xoay quanh câu chuyện của những người Việt sống tại Little Sài Gòn.

Đó là một cô gái từ Việt Nam sang Mỹ du học đua đòi ăn chơi dẫn đến nợ nần chồng chất, một người đàn ông làm “cò” địa ốc thất bại lâm vào cảnh vô gia cư, một gia đình với người mẹ già yếu, con gái ăn chơi hư hỏng và cậu con trai sống khép kín với bí mật về giới tính của mình. Sầu ngư có lẽ là bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên chạm đến đề tài đồng tính luyến ái một cách nghiêm túc, trong đó bi kịch của người đồng tính cũng như những người thân xung quanh họ được khắc họa trực tiếp.

Với số lượng phim tham gia ngày một tăng (năm nay số lượng phim trình chiếu tại VIFF là 60 phim các thể loại: phim truyện dài, phim ngắn, phim tài liệu), VIFF ngày một khẳng định vai trò kết nối những người làm phim Việt Nam khắp nơi trên thế giới với nhau.

Tại VIFF, những người làm phim Việt Nam và cả những người nước ngoài quan tâm đến điện ảnh Việt Nam có cơ hội gặp gỡ trong không khí thân mật, gần gũi, ấm cúng. Hơn thế, VIFF 2009 còn phác họa chân dung sống động của những đạo diễn trẻ hôm nay với những bộ phim chạm đến đề tài đương đại, về cuộc sống của người Việt ở mọi nơi, về nỗi đau lẫn niềm hạnh phúc của người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Phóng to
Nữ biên kịch/ diễn viên/ đạo diễn sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc trò chuyện với đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt - Ảnh: Vũ Quý Hạo Nhiên

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận