Chợ tranh "nuy"

ĐẶNG THÁI HUYỀN 12/10/2003 07:10 GMT+7

TTCN - Hiện nay, không chỉ trong mỗi gia đình mà ngoài đường phố tranh "nuy" và hình ảnh "nuy" đã xuất hiện nhan nhản. Có lẽ chưa bao giờ việc sưu tầm, treo bày cũng như "thỏa mãn" lại dễ dàng như hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho tranh, ảnh "nuy": cấm hay không cấm?

Phóng to
Bức tranh hiếm hoi nhập về từ Hungary đang được bà H. rao giá 3 triệu đồng
TTCN - Hiện nay, không chỉ trong mỗi gia đình mà ngoài đường phố tranh "nuy" và hình ảnh "nuy" đã xuất hiện nhan nhản. Có lẽ chưa bao giờ việc sưu tầm, treo bày cũng như "thỏa mãn" lại dễ dàng như hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho tranh, ảnh "nuy": cấm hay không cấm?

Nhiều người biện luận: treo tranh "nuy" trong phòng ngủ là quyền của họ và không ảnh hưởng gì cả. Tranh, ảnh đồi trụy thì không nói, nhưng nếu là "nuy" nghệ thuật thì có thể treo chứ sao lại không? Câu trả lời này thật khó, xin dành cho nhà nghiên cứu chuyên môn và nhà chức trách. Nhưng có thực tế là hiện tranh và ảnh "nuy" trong gia đình đang được treo bày cả nơi phòng khách và chốn đông người như quán trà, nhà nghỉ, khách sạn, tiệm thời trang, tiệm hớt tóc... thì có chấp nhận được không?

Phần lớn ảnh (chụp) và tranh "nuy" vẫn được cái mác nghệ thuật "bảo hộ" nhưng liệu thế nào là "nghệ thuật" và thế nào là đồi trụy, mức độ nghệ thuật hay đồi trụy đến đâu thì chưa có ai đứng ra làm việc này, và liệu bao giờ mới có những hội đồng thẩm định chúng?

Treo tranh, ảnh "nuy" trong nhà đang là một thứ "mốt"(!?)

Bạn tôi vừa mua căn nhà ở phố Thái Hà. Diện tích 60m2 cũng đủ cho đôi vợ chồng ngoài 50 có được buồng ngủ thoáng gió và... đủ chỗ để treo bức ảnh “nuy” lớn (cỡ 90x120cm) mà hồi còn sống chen chúc tại khu phố cổ không có chỗ. Bức tranh được treo trang trọng giữa bức tường màu hồng có hình đôi nam nữ bán khỏa thân đang đứng ôm nhau. Bạn tôi không nghĩ đến tính nghệ thuật mà chỉ giữ gìn như “báu vật” với mục đích duy nhất “làm lung linh căn phòng ngủ”.

Hiện treo tranh “nuy” nội thất đang là "mốt" ở Hà Nội (HN). Kín đáo thì người ta đưa vào phòng ngủ, nhưng nhiều nơi người ta không còn coi tranh “nuy” là... văn hóa phẩm độc hại nữa, trưng ngay giữa phòng khách và hàng trăm kiểu, vị trí treo "hớ hênh" khác... Đặc biệt, chơi tranh "nuy" đang được những người thừa tiền coi là thú chơi cho... khác người, tất nhiên "cấp độ" nuy đến đâu lại tùy thuộc từng người và trình độ mà họ có khi lựa chọn chơi tranh (vẽ) hoặc ảnh (chụp) "nuy" nghệ thuật hay chỉ chơi tranh... đắt tiền nhưng bị coi là văn hóa phẩm đồi trụy (chủ yếu ngoài luồng được xách tay về)!

Tuy nhiên, sau nhiều lần lang thang tìm hiểu thị trường tranh "nuy", tôi phát hiện đông nhất vẫn là những cặp uyên ương khá giả sắp hoặc vừa cưới nhau muốn bên cạnh tấm hình chụp vợ chồng còn có một bức khỏa thân khác treo trong phòng ngủ để tăng thêm chút "men tình". Họ coi đó là "mốt". Bây giờ muốn kiếm một bức tranh "nuy" không còn khó nữa nếu tìm đúng "chợ". Điều ngạc nhiên là bên cạnh thị trường tranh "lành mạnh" ở HN còn có một chợ tranh ngầm rất sôi động, đó là chợ tranh, ảnh "nuy".

Săn tranh, ảnh "nuy"

Nơi nhiều gallery nhất ở HN là khu Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Hàng Khay, Hàng Trống... Trong vai người sưu tập tranh, tôi tìm vào một gallery trên phố Lý Quốc Sư. Thấy tôi mua tranh khỏa thân, cô nhân viên hỏi: "Để treo phòng cưới hả?". Tôi gật.

Cô liền cúi xuống một chồng tranh đặt dưới sàn, lật qua vài bức mới tới bức giấu trong cùng, hỏi: "Anh có ưng bức này không?". Tôi hỏi: “Có bức nào "nặng" hơn nữa không?” Dè chừng một lát, thấy tôi có vẻ muốn mua tranh “nuy” thật sự, cô ta lại bới trong chồng tranh khác một bức sơn dầu tổng hợp của một họa sĩ ở Đại học Mỹ thuật công nghiệp HN. Bức tranh vẽ nổi trên vải bố hình hai cô gái hoàn toàn khỏa thân ngồi quanh ông già còm nhom ôm chiếc điếu cày.

Các mảng khối trên thân thể cô gái không chỉ vẽ mà còn được đắp nổi như thật. Thấy tôi ưng, cô gái nói: "3 triệu đồng, anh dám mua không?". Tôi chê giá quá mắc rồi tìm sang một gallery cách đó vài trăm mét. Nhìn bên ngoài gallery giống cửa hàng lưu niệm vì được che chắn bằng lớp cửa kính sang trọng, sáng lóa ánh đèn. Tôi bước vào, một phụ nữ ngoài 30 tuổi bước ra tiếp.

Thấy tôi đi săn tranh "nuy" chị ta lắc đầu, nhưng khi nghe giãi bày là vừa cưới, muốn kiếm bức "nuy" treo phòng ngủ thì chị mới tin: "Cần bức loại bao nhiêu?". Tôi nói bao nhiêu tiền không quan trọng, miễn là tranh "nuy" hấp dẫn. Lưỡng lự một lát, chị ta bảo tôi đứng đợi dưới sàn để lên tầng trên lấy xuống. Lát sau chị ta lại xuống dẫn tôi lên. Chiếc cầu thang gỗ mở ra hai căn phòng, mỗi phòng rộng khoảng 20m2. Trên tường treo ba bức khỏa thân được vẽ rất kỹ với một cô gái xoay đủ tư thế.

Chị ta cho biết đều là tranh của một họa sĩ ở Đại học Mỹ thuật công nghiệp HN: "Có đủ tiền mua thì xem, đây là tranh xịn chứ không phải tranh sao chép". Thấy tôi lưỡng lự về giá, chị ta lại gọi một người đàn ông đến bê sang tiếp hai bức khỏa thân. Người đàn ông nhìn tôi không thiện cảm. Tôi nghĩ cách thiết kế phòng thế này là để bán tranh cho... những người quen. Sau đó tôi mới biết: tranh khỏa thân ở đây chủ yếu là bán cho Tây.

Phóng to
Bức tranh lụa của Trung Quốc được treo tại một cửa hiệu cắt tóc trên phố Trần Phú lâu đến nỗi đã ố cũ
Phố cổ Hàng Hành là "lò" sản xuất, kinh doanh tranh chép. Tiếp tôi là một phụ nữ ngoài 35 tuổi chủ một gallery, cơ sở sản xuất, kinh doanh tranh "nuy" chép có tiếng. Chưa kịp để tôi nói xong ý định mua bức tranh "nuy" treo phòng cưới, chị đã vồn vã: "Có ngay. Rất nhiều cho em chọn". Rồi chị dẫn tôi lên căn phòng tầng hai treo bày ngổn ngang tranh chép, bức to bức nhỏ lộng lẫy sắc màu, chủ yếu là tranh chép của danh họa nổi tiếng thế giới (như của Botticelli).

Chị ta "tiếp thị": "Đây là bức Cơn giông, còn đây là Nàng Estée và kia là bức Xích đu". Trước mắt tôi cả vườn tranh "nuy" choáng mắt được các họa sĩ mới vào nghề vẽ sơn dầu y như tranh gốc vội vã, cẩu thả. Chị ta biện luận cho chút vội vã, cẩu thả trong đường nét là vì... để đảm bảo “năng suất vẽ”. Thấy tôi vẫn chưa ưng, chị còn lôi ra mấy tập tranh của danh họa, bảo ưng bức nào thì chọn đặt vẽ.

Tôi hỏi: “Muốn đặt vẽ một tấm ảnh "tự kiếm" được không?” Chị ta gật luôn: "Tranh khỏa thân nào bọn chị cũng chép. Đây là những bức vẽ vội, nếu em không vội thì hẹn hai tuần sau quay lại lấy để bọn nhà chị vẽ trau chuốt hơn". Giá cả thì sao? "Tranh ở đây không tính vẽ "nuy" mức nào mà chỉ tính khổ to, nhỏ. Tranh 70x90cm như những bức treo trên tường là 1,5 triệu đồng".

Khác với Hàng Hành, phố Nguyễn Thái Học là nơi sản xuất kiêm buôn tranh chép cỡ lớn. Một chủ hiệu tranh ở đây có cả vài trăm bức tranh chép, trong đó có nhiều tranh “nuy” cho biết "không biết ở đâu vẽ ra, chỉ biết chúng được... bán rong khắp nơi với giá vài triệu và số tranh này là do những người tỉnh lẻ đưa vào".

Trên thị trường độc đáo này tranh và ảnh là hai dòng riêng. Tranh có cái giá của tranh, ảnh có cái giá của ảnh. Có nhiều người chỉ chơi tranh vẽ, đấy là tác phẩm nghệ thuật, giá rất đắt, chỉ dành cho người nhiều tiền. Đắt không kém là ảnh (chụp) "nuy" nghệ thuật.

Có bức giá lên tới cả chục triệu đồng, nhưng mang lại cho người chơi một cảm giác thật hơn. Nhưng hai loại trên không nhiều và phải tìm được địa chỉ quen mới mua được. Nhiều nhất vẫn là ảnh "nuy" thường (không được coi là nghệ thuật, thậm chí còn bị coi là "hàng cấm") lại có giá rất bình dân. Tuy nhiên nếu là "hàng độc" thật sự, hàng xách tay về và gặp những người dám chơi thì lại được coi là "hiếm" và việc mua bán có khi mất nhiều tuần lễ mới xong.

Loại ảnh "nuy" mức bình thường (bán khỏa thân hoặc được che giấu... theo kiểu nghệ thuật) hiện đang được treo bày khắp phố phường HN một cách công khai. Khách tìm mua cũng rất công khai. Trên đường Nguyễn Chí Thanh đêm nào cũng có cô gái ôm loại tranh này bày ra vỉa hè mời khách. Giá mỗi bức chỉ có 20.000 đồng.

Trên phố Nguyễn Thái Học, đoạn giáp ngã tư Lê Duẩn, có cửa hiệu kinh doanh tranh ảnh Trung Quốc, trong đó tranh bán khỏa thân, "tranh gợi tình" được sao chép, nhân bản treo bày vô tư. Tranh "nuy" trên lụa có hình cô gái Ấn Độ ôm bình nước, nấp sau gốc cây, chạy nhảy trên cỏ... để lấp ló phần cơ thể sau áo mỏng hoặc hở hẳn ra, có sẵn khung là 40.000 đồng, có tới cả trăm kiểu cho khách chọn.

Những người ít tiền mà nghiện "thú" treo tranh "nuy" trong phòng riêng thì mua loại tranh in trên giấy bóng, giá chỉ 2.000 đồng/bức. Cô gái tầm 18 tuổi trông coi cửa hiệu bưng ra cho tôi xem cả một tập dày bằng gang tay toàn tranh "nuy", lật xem mỏi tay. Tại một cửa hiệu gần Bưu điện quận Cầu Giấy, tranh "nuy" treo hỗn độn cùng nhiều tranh ảnh khác. Cô chủ hiệu cho biết số tranh này được lấy về từ tận Móng Cái. Muốn mua bao nhiêu cũng có. Khi tôi hỏi có tranh cực "nuy" không, cô từ chối và mách lên chợ Đồng Xuân, nơi là đầu mối tranh ảnh nói chung và ảnh "nuy" các kiểu được tuồn về từ biên giới Việt - Trung.

Chợ Đồng Xuân có một "ổ" tranh "nuy" ở ngay tầng trệt gần cửa ra vào. Tại sao không treo lên cho người ta thấy? "Tranh "nuy" làm sao treo được" - chủ quầy nói. Nếu không được chỉ dẫn thì đố ai nhận ra đây là quầy tranh vì chủ không bày tranh ra mà giấu kín trong bao tải, xếp đống sau tấm liếp. Trong mỗi bao tải là hàng trăm tấm tranh lớn được cuộn lại quanh giá nhựa khiến ban đầu tôi cứ tưởng nơi này... bán gậy. Chủ quầy vừa bán hàng vừa chửi khách, tút từ bao tải cả mớ tranh "nuy" cho tôi xem: "Thích bức nào thì chọn, nhanh lên".

Phóng to
Bức tranh in trên lụa được tuồn về từ biên giới và bày bán hàng bao tải trên chợ Đồng Xuân, có nhiều gia đình "thường thường bậc trung" mua treo... cho đẹp!
Tôi toan xé bao nilon mở tranh ra thì chị ta la không được phép xem ở đây, muốn biết hình ảnh bên trong ra sao thì xem con tem (bức ảnh nhỏ) dán đầu cuộn tranh. Có lẽ chưa nơi đâu tranh "nuy" (in trên lụa) nhiều như ở đây. Mức độ "nuy" của tranh cũng đủ các kiểu, khách tha hồ chọn. Nhiều bức rất quen, đang treo nhan nhản khắp các gia đình, nhất là các hiệu uốn tóc, matxa, karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ, quầy kính mắt, cửa hiệu thời trang...

Thấy tôi say sưa chọn tranh, chị ta gợi ý: "Có muốn xem bức một mình cô gái khỏa thân không?". Rồi chị tút từ bao tải khác mấy cuộn tranh có hình cô gái châu Á trên người không một mảnh vải, ngồi ở tư thế hoàn toàn hở ngực. Bao nhiêu? "25.000 đồng/bức, nếu mua buôn thì giảm cho 1.000 đồng".

Tôi giật mình vì quá rẻ, có lẽ vì vậy nên tranh được khách mua về nhan nhản. Những quầy này rất ít khách lẻ mà chủ yếu là chủ đại lý vào "ăn" cả đống hàng rồi từ đây tranh được tỏa đi khắp nơi, vào cả TP.HCM. Và từ rất lâu chợ Đồng Xuân đã là đầu mối tiêu thụ tranh nhập lậu từ cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái chuyển về. Người chủ hàng còn dặn tôi nếu muốn mua bộ "nuy" mới thì sau hai tuần quay lại vì cứ nửa tháng lại đổi "hình ảnh" một lần.

Tuy nhiên, bên cạnh cái chợ tranh "nuy" (bình dân) rất công khai tồn tại kia lại có một cái chợ tranh "nuy" khác hoàn toàn bí mật, đắt tiền, đó là dòng tranh được nhập lậu từ các nước phương Tây về mà việc định giá mỗi "kiệt phẩm" này chưa cần xem xét nội dung hình ảnh mà chỉ căn cứ "xuất xứ"... đã đáng giá hàng triệu bạc. Một phần do tâm lý sính ngoại của người Việt, nhưng quan trọng nó là "của độc", có cơ hội để mua về rất hiếm và mang được về rất khó.

Nhưng trên thực tế những người có cơ hội vẫn cứ âm thầm tuồn loại tranh này vào sâu nội địa, có người nhờ vậy còn kiếm được khá nhiều lời sau những cuộc "chuyển nhượng" lại. Hiện trên thị trường đang có những người ngày đêm âm thầm tuồn loại tranh độc kể trên về nước và cũng có rất nhiều người ráo riết "săn" chúng với nhiều mục đích.

Một chủ khách sạn ở tận thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) thường xuyên đi Thái Lan và châu Âu để làm ăn, và lần nào về cũng ôm theo một vài bức tranh khá hấp dẫn. Ông ta không phải là người sưu tập mà chỉ kiếm về treo trong mỗi phòng khách sạn "cho đẹp", chán thì lại tìm người có nhu cầu để bán. Tranh nhiều đến mức được treo cả trong toillet. Bà H. - mẹ của một ca sĩ rất nổi tiếng ở HN - đang cần bán lại một bức tranh bà mua lại của một người sang làm ăn ở Hungary đưa về mà để có bức tranh này bà sẵn sàng bỏ "một chỉ rưỡi" (thời đồng tiền còn có giá) để mua lại.

Trước mặt tôi, bà đòi phải có 3 triệu đồng mới chuyển nhượng vì "khắp cả nước ngoài tôi ra không ai có".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận