Chuyện giáo dục không phải của riêng ai

DIỆP VĂN SƠN 29/11/2009 01:11 GMT+7

TTCT - Tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XII, các đại biểu thảo luận Dự thảo sửa đổi Luật giáo dục và quan tâm chất vấn rất nhiều về chất lượng giáo dục đại học.

Phóng to

Th.S Nguyễn Văn Đương (phó phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tư vấn tuyển sinh năm 2009 cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Có thể nói toàn xã hội quan tâm đến giáo dục vì có đến 22 triệu người cắp sách đến trường, cho nên chỉ có toàn xã hội góp sức vào mới có thể giải được “bài toán giáo dục” hiện nay.

Thay đổi tư duy

Phải thấy rằng sản phẩm của giáo dục là con người, con người đó bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội, nhưng chính con người đến lượt mình giữ vai trò quyết định thay đổi xã hội.

Cuộc sống hiện đại vô cùng đa dạng, phong phú, do đó nền giáo dục phải được tổ chức phóng khoáng, không hạn chế hay kìm hãm, mà trái lại tôn trọng sự phát triển tối đa của cá tính, không gò bó mọi người trong một kiểu đào tạo như nhau, mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, nhiều cơ hội lựa chọn cho từng người phát triển tài năng.

Quản lý giáo dục cũng là quản lý các hoạt động làm nền tảng phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo của xã hội cho nên phải quản lý một cách thật thông minh, phát huy được trí tuệ của cả cộng đồng. Cần phải thay đổi phương thức quản lý điều hành.

Muốn vậy phải cải tổ bộ máy quản lý giáo dục theo hướng phi tập trung hóa, các cơ sở giáo dục, nhất là trường đại học, cần được trao quyền tự chủ rộng rãi về nội dung chương trình, về tổ chức, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Định hướng đầu ra

Đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng đầu ra định hướng năng lực. Lâu nay chúng ta cung cấp kiến thức cho sinh viên chỉ quan tâm nhiều đến đầu vào mà không quan tâm đến định hướng đầu ra - định hướng năng lực. Kinh nghiệm cho thấy nếu định hướng đầu ra - định hướng năng lực cho những người làm việc trong lĩnh vực cần nhiều sáng tạo (phát minh, sáng chế, đề xuất, tham mưu chiến lược...) mà nghĩ rằng chỉ cần nhồi nhét nhiều kiến thức sẽ có đầu ra như dự kiến thì quả thật sai lầm.

Nhiều khi chúng ta chỉ được sản phẩm chỉ biết “nhai lại”, không hề có ý tưởng sáng tạo vì chỉ số thông minh (IQ) của họ thấp. Ở các nước chủ trương đào tạo theo định hướng đầu ra - định hướng năng lực, họ mô phỏng theo ba mô hình đào tạo cho dễ hiểu như sau:

Mô hình thứ nhất, đào tạo người lái tàu hỏa (xe lửa), loại này yêu cầu có tính chấp hành cao, đi đúng giờ, đậu đúng ga, đến đúng giờ, không cần nhiều tính linh hoạt.

Mô hình thứ hai, đào tạo người lái tàu thủy, yêu cầu đi đúng hải trình, biết xử lý các tình huống về thời tiết, sự cố trên tàu và đến đúng cảng. Theo mô hình này, tính linh hoạt bắt đầu cao hơn đào tạo người để lái tàu hỏa.

Mô hình thứ ba, đào tạo như đào tạo cầu thủ đá bóng, phải có năng khiếu tư chất, có kỹ thuật cơ bản, tư duy chiến lược, thay đổi lối đá tùy từng đối thủ... Mô hình này đào tạo những người ra làm việc rất linh hoạt, sáng tạo.

Tất nhiên sự mô phỏng, cũng là cách ví dụ so sánh, vì thế không tránh khỏi méo mó. Tuy nhiên nó cũng giúp ta có một cái nhìn khái quát về việc đào tạo theo định hướng đầu ra - định hướng năng lực mà xây dựng giáo trình tùy thuộc sự định hướng này.

Xã hội hóa hoạt động giáo dục

Nguồn lực cho giáo dục quá hạn hẹp, cần phải cho xã hội hóa hoạt động giáo dục. Ngân sách dành cho giáo dục ngày càng tăng, tuy nhiên thành quả đem lại không tương xứng. Thật ra dù ngân sách dành cho giáo dục tăng đến đâu đi nữa cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của bản thân nền giáo dục. Vì thế nếu chỉ đóng khung trong nguồn lực nhà nước thì mọi ý tưởng cải cách giáo dục dù đúng đắn và tốt đẹp đến đâu cũng sẽ không trở thành hiện thực.

Nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, cung cấp các thiết bị cơ bản, xây dựng các phòng thí nghiệm, đảm bảo phương tiện nghiên cứu khoa học, đầu tư theo các chương trình mục tiêu. Cần xác định rõ khả năng ngân sách đảm bảo được bao nhiêu với hoạt động của nhà trường, và còn bao nhiêu thì cần xã hội hóa bằng việc thu học phí với mức đảm bảo đủ cho việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.

Trong tương lai, Nhà nước cố gắng thực hiện chính sách không thu học phí đối với giáo dục phổ cập chín năm. Thực hiện thu học phí nên bắt đầu ở cấp trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách do ngân sách đảm bảo.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ các trường dân lập, tư thục bằng các chính sách như cho thuê đất, cấp đất không thu tiền, cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho các trường dân lập, tư thục phát triển mạnh, thực hiện được tiêu chuẩn hóa theo hướng hiện đại để tăng quy mô đào tạo cũng như nâng cao chất lượng.

Để có một xã hội học tập thì mọi thành phần kinh tế trong xã hội, mọi nguồn lực của xã hội phải góp sức chăm lo cho giáo dục. Chuyện của giáo dục không phải của riêng ai!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận