Chuyện sách

TRẦN NHÃ THỤY 02/06/2011 03:06 GMT+7

TTCT - Trong mớ sách hỗn độn của hai mươi năm “trà trộn” Sài Gòn, tôi không nhớ cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử rách... teng beng ấy mình đã nhặt được từ một hiệu sách cũ nào, vào năm tháng nào?

Sách mất bìa, sứt gáy, chẳng biết là bản dịch của ai. Mãi sau này mới tra ra đó là bản của Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú (Khai Trí xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn). Rồi năm 2002 mua được thêm một bản Nam Hoa Kinh (Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và NXB Văn Học; lời tựa, tổng luận và lời giải của Lâm Tây Trọng; bản dịch và lời bàn thêm của Nhượng Tống) thì mới hay cuốn này từng in ở Nhà xuất bản Tân Việt (Hà Nội) năm 1944.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Nam Hoa Kinh của Trang Tử có lẽ lắm người thuộc. Tôi vốn trí nhớ không tốt nên đọc đoạn nào tâm đắc thì gập trang làm dấu. Những ngày này giở lại sách cũ, thấy dấu ở trang có bài Cây núi được miết thật mạnh, hằn dấu thời gian.

“Thầy Trang đi ở trong núi, thấy cây lớn cành lá tươi tốt. Kẻ chặt gỗ đứng bên nó mà không lấy. Hỏi: Cớ sao? Thưa rằng: Không dùng gì được cả. Thầy Trang nói:

- Cây này vì bất tài được hưởng trọn tuổi trời.

Thầy Trang ở núi ra, trọ ở nhà người quen. Người quen mừng rỡ, sai thằng nhỏ giết mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: “Một con biết gáy, một con không biết gáy, thưa giết con nào?”. Chủ nhân bảo: “Giết con không biết gáy”.

Ngày mai học trò hỏi thầy Trang: “Hôm qua cây trong núi vì bất tài mà sống trọn tuổi trời của nó, nay con mòng của chủ nhân chết vì bất tài. Thầy sẽ ở vào đâu?”. Thầy Trang cười rằng:

- Chu này sẽ ở vào giữa khoảng tài và bất tài...”.

Ở vào khoảng giữa tài và bất tài là khoảng nào? Là biết. Theo Nhượng Tống thì chuyện Cây núi này tựu trung có thể tóm gọn trong một câu tục ngữ Việt Nam: “Khôn cũng chết! Dại cũng chết! Biết, sống!”. Ngẫm đúng vậy. Nhưng thế nào gọi là biết? Ngày nay nhiều người hay nói câu cửa miệng: “Biết chết liền”. Biết... chết liền, ở ngay cả những chuyện tưởng chừng biết rõ mười mươi. Tiếc thay sách của Trang Tử vẫn liên tục tái bản nhưng chưa thấy xuất hiện người bình mới thay cho nhà văn Nhượng Tống (1904-1949).

Đọc sách Tàu, nhiều người hay dẫn lời Khổng Tử. Tôi cũng mê Khổng Tử, nhưng đồng thời cũng thấy các triết gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc mỗi người một sở kiến (kiến giải riêng, hiểu biết riêng). Cho nên đọc Khổng Tử thấy thích, mà đọc Mặc Tử, Mạnh Tử hay Lão Tử cũng đều mê.

Đọc “lom mom” nhiều, nhưng mấy năm nay nhờ có cuốn Lịch sử triết học Trung Quốc của sử gia lỗi lạc Phùng Hữu Lan (xuất bản đầu tiên năm 1931; bản dịch của Lê Anh Minh; Công ty văn hóa Gia Vũ và NXB Khoa Học Xã Hội 2006) mà đọc được hệ thống.

Cũng theo dấu gấp, đọc lại thấy tâm đắc những dòng này trong chương viết về Mặc Tử: “Khởi binh vào mùa đông thì sợ rét, vào mùa hè thì sợ nóng. Do đó phải tránh hai mùa ấy. Nếu khởi binh vào mùa xuân thì làm hại sự canh tác của dân, còn vào mùa thu thì làm hại thu hoạch của dân. Do đó phải tránh hai mùa ấy”...

Như vậy cả bốn mùa không có mùa nào có thể khởi binh được. Mùa nào cũng có “cái lý” của nó, nhưng quy lại việc không khởi binh là bởi thương lính và vì dân. Thời nào, nước nào mà cũng có trí thức nói những lời chí lý như thế thì hay biết mấy.

Thời sinh viên, môn Hán văn tôi học lết bết, cứ học xong lại “chữ thầy trả cho thầy”, nhưng tôi rất nhớ lời thầy cắt nghĩa, chữ nhân (người) là “hình ảnh hai người dựa vào nhau”. Với hai nét (phẩy và mác) hàm nghĩa hai con người nương tựa vào nhau mà sống. Con người, xét rốt ráo không ai có thể sống chỉ một mình mình. “Đức Phật cũng sống nhờ cúng dường” - một sư thầy có lần giảng rộng cái ý này cho tôi nghe như vậy. Cho nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy có người rất thông thạo sách vở nhưng lại khinh miệt con người.

Như vậy là tiếc cho sách hay là tiếc cho người?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận