Coi vậy mà không phải vậy

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 24/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Trong điều kiện xuất khẩu gạo “tụt dốc không phanh” vào thời điểm đầu năm, việc thị trường Trung Quốc đột ngột hút hàng được coi là một trong những nguồn động lực giúp đẩy “đoàn tàu xuất khẩu” gạo của Việt Nam tăng tốc trở lại.

Nhưng đồng thời những “tiểu xảo” chê hàng của các thương nhân nước này cũng bị bóc mẽ nhanh chóng. Những ai nghĩ đây sẽ là thị trường nhập khẩu gạo lớn, ổn định trong tương lai rất nên cân nhắc lại.

Phóng to
Một quầy bán gạo thơm trong siêu thị của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

"Bảo bối" năng suất và "bậc thầy" dự trữ

Trước hết, đối với những đánh giá bi quan, việc bây giờ Trung Quốc mới phải nhập khẩu gạo cũng đã là một kết quả ngoài sức tưởng tượng. Bởi lẽ khi Trung Quốc còn chật vật đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã có ý kiến e ngại rằng rồi đây ai có thể nuôi nổi quốc gia đông miệng ăn nhất thế giới này.

Sự lo ngại đó xuất phát từ thực tế diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc rất khiêm tốn, dân cư nông thôn lại quá đông, cho nên nền nông nghiệp vốn đã không đáp ứng nổi nhu cầu lương thực của chính mình sẽ quá khó để đứng vững khi phải mở cửa để cạnh tranh khi gia nhập WTO.

Thế nhưng, Trung Quốc đã mau chóng có những thông tin chứng tỏ họ không những không phụ thuộc mà còn đóng góp được "chút đỉnh" cho thế giới.

Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy bình quân mỗi năm trong thập kỷ 1970, Trung Quốc phải nhập khẩu ròng 5,9 triệu tấn ngũ cốc, thập kỷ 1980 nhập khẩu tăng lên 8,2 triệu tấn. Nhưng đến thập kỷ 1990 Trung Quốc đã nuôi sống được chính mình, tới thập kỷ vừa qua thì quốc gia này đã xuất khẩu ròng 3,3 triệu tấn.

Trong điều kiện diện tích đất cho gieo trồng ngũ cốc rất ít và ngày càng "co lại" so với phần còn lại của thế giới, "bảo bối" giúp Trung Quốc đạt được "kỳ tích" nói trên chính là tăng mạnh và vươn lên nhóm hàng đầu thế giới về năng suất.

Năm 2011, năng suất lúa mì của Trung Quốc cao gấp 1,56 lần bình quân của toàn thế giới, lúa gạo cũng cao gấp 1,55 lần. Các mặt hàng ngũ cốc khác (ngô, lúa mạch, lúa miến...) tuy tăng khiêm tốn hơn nhưng cũng cao gấp 1,43 lần, còn tính chung tất cả các loại ngũ cốc thì cao gấp 1,48 lần.

Phóng to
Xuất khẩu ròng (+) và nhập khẩu ròng (-) ngũ cốc của Trung Quốc - Nguồn: FAO và USDA

Trong điều kiện của một đất nước phải nuôi số dân "khủng" nhất thế giới, trải qua nhiều thập kỷ phải sống nhờ vào ngũ cốc nhập khẩu, nên để bảo đảm an ninh lương thực Trung Quốc từ lâu đã lên hàng "thượng thừa" về khả năng "tích cốc phòng cơ". Trong đó, dự trữ lúa gạo là "con át chủ bài" trong rất nhiều năm.

Năm 1998, tuy tiêu dùng lúa mì của Trung Quốc chỉ bằng 21,9% so với phần còn lại của thế giới, nhưng tỉ lệ dự trữ bằng 77,1%, còn cặp số liệu này ở mặt hàng gạo là 46,4% và 175,5%. Trung Quốc đã liên tục giữ các tỉ lệ dự trữ "khủng" như vậy cho đến năm 2003. Còn năm 2004, các tỉ lệ dự trữ này đã giảm đột biến và tiếp tục giảm cho đến nay, đặc biệt là lúa gạo, bởi cặp số liệu tương ứng ở mặt hàng lúa mì hiện chỉ là 20,8% và 40,2%, còn đối với mặt hàng gạo là 38,2% và 41,2%.

Dù vậy, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng "bồ gạo" của Trung Quốc vẫn rất đầy so với phần còn lại của thế giới. Các kết quả tính toán cho thấy trong khi kho gạo dự trữ của Trung Quốc năm 1998 đủ cho họ nuôi dân trong 254 ngày thì phần còn lại của thế giới chỉ là 67 ngày, còn năm 2011 thì cặp số liệu tương ứng là 225 ngày và 66 ngày.

Tất cả những điều nói trên cho thấy trong điều kiện cung có phần khiêm tốn so với cầu, Trung Quốc luôn đặc biệt chú trọng khâu dự trữ.

Phóng to
Nông dân gieo lúa trên một khu ruộng ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Vậy họ tăng nhập khẩu gạo để làm gì?

Các số liệu thống kê của FAO và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy Trung Quốc rất linh hoạt trong xuất nhập khẩu các loại ngũ cốc. Trong những thập kỷ thiếu lương thực trầm trọng và giá lúa gạo cao ngất ngưởng so với giá lúa mì trước đây, Trung Quốc đã liên tục xuất những khối lượng gạo lớn và đặc biệt là các loại ngũ cốc khác nhưng lại nhập khẩu những khối lượng lúa mì lớn gấp rất nhiều lần.

Thế nhưng từ khi tự túc được lương thực đến nay, Trung Quốc ngày càng ít tham gia thị trường gạo thế giới song vẫn cứ là một nước xuất siêu bình quân 1,145 triệu tấn/năm trong thập niên 1990 và 795.000 tấn/năm trong thập niên vừa qua. Về thị trường, Trung Quốc nhập khẩu gạo Indica giá rẻ của các quốc gia Đông Nam Á, trong khi xuất khẩu gạo Japonica giá cao sang một số thị trường Đông Bắc Á.

Do vậy, việc Trung Quốc có thể nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn gạo trong năm nay như thông tin của một quan chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là điều rất đáng ngờ. Có vài lý do hiển nhiên bác bỏ dự báo này:

Thứ nhất, có thông tin cho rằng Trung Quốc bị mất mùa do thời tiết bất lợi ở một số tỉnh phía Nam khiến nguồn cung khan hiếm, thậm chí tới mức các kho dự trữ của Bắc Kinh đã vét sạch số lúa gạo bán trên thị trường tự do... cho nên nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng suốt từ tháng 11-2011 tới tháng 4-2012, USDA khẳng định Trung Quốc không hề mất mùa lúa trong niên vụ vừa qua và sản lượng gạo cuối cùng đã được chốt lại ở mức kỷ lục 140,7 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn. Còn theo dự báo mới nhất thì sản lượng niên vụ này sẽ tăng 0,3 triệu tấn và đang hướng tới một thập niên được mùa liên tiếp.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng niên vụ vừa qua Trung Quốc được mùa 2,2 triệu tấn lúa mì, còn niên vụ này sẽ tiếp tục được mùa 600.000 tấn.

Và vì thế, với tổng sản lượng hai loại ngũ cốc lương thực chủ yếu đạt 258,1 triệu tấn, tăng 5,9 triệu tấn trong niên vụ chỉ mới kết thúc vào tháng 5 vừa qua, còn niên vụ hiện tại cũng sẽ được mùa, hoàn toàn không có lý do gì để cho rằng cán cân cung - cầu lương thực của quốc gia này có vấn đề.

Thứ hai, việc gia tăng nhập khẩu có thể bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách lúa gạo của Trung Quốc. Theo báo cáo rất gần đây của tùy viên nông nghiệp Mỹ, từ năm 2004 đến nay Trung Quốc đã liên tục nâng giá sàn cả lúa gạo, lúa mì và ngô. Theo đó, đối với lúa Indica, giá sàn năm nay sẽ tăng vọt 17,6% và đạt 2.400 NDT/tấn, còn giá lúa Japonica cũng tăng 9% và đạt 2.800 NDT/tấn.

Đây chắc chắn là lý do làm xuất hiện tình huống nhập khẩu gạo sẽ có lợi lớn bởi giá trong nước tăng mạnh, còn giá gạo của nước ta lại quá rẻ. Các số liệu thống kê của một hãng thông tấn phương Tây cho thấy giá gạo 5% tấm chào bán của nước ta liên tục từ tháng 2 đến tháng 4 đã "bèo" nhất thế giới chỉ với 428, 427 và 435 USD/tấn.

Rất có thể việc các thương nhân Trung Quốc "làm mình làm mẩy" với các doanh nghiệp nước ta là do giá gạo của Ấn Độ từ tháng 5 đến nay tiếp tục giảm và giành lại "ngôi vị rẻ nhất thế giới" của các doanh nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, một hãng thông tấn phương Tây còn cho biết những ngày gần đây Campuchia đã khai thông được bế tắc và đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo với giá chắc chắn cũng rất hấp dẫn đối với Trung Quốc.

Thứ ba, rất có thể việc tăng mạnh nhập khẩu là để đạt được mục tiêu kép: tăng mạnh tiêu dùng nhưng vẫn duy trì được kho gạo dự trữ rất lớn.

Dự báo mới nhất của tùy viên nông nghiệp Mỹ cho thấy nhập khẩu gạo của Trung Quốc niên vụ vừa qua đã đạt 1 triệu tấn, trong khi tiêu dùng tăng 4 triệu tấn nhưng dự trữ vẫn tăng 2,2 triệu tấn. Còn niên vụ hiện nay nhập khẩu gạo cũng sẽ chỉ đạt 1 triệu tấn, trong khi tiêu dùng tăng 2 triệu tấn, nhưng dự trữ cũng sẽ tăng nhẹ 200.000 tấn.

Như vậy, nói như một hãng thông tấn nước ngoài, Trung Quốc chỉ đang vơ vét gạo của các nước láng giềng do giá quá rẻ để tăng tiêu dùng và vẫn duy trì được kho gạo dự trữ rất phong phú của mình.

Vì thế, Việt Nam vẫn có thể tăng mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường khổng lồ này trong điều kiện bí đầu ra thời gian qua, nhưng hi vọng Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu lớn và ổn định trong tương lai thì rất đáng ngờ. Những đòn "tiểu xảo" của thương lái Trung Quốc rất nên được nhận diện thực chất để tránh những thiệt đơn hại kép thường rơi vào người nông dân là chính.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận