Con sáo nâu biết nói tiếng Việt

TRUYỆN NGẮN CỦA KHÔI VŨ 06/09/2011 09:09 GMT+7

TTCT - Buổi sáng của ngày Dương ra sân bay về nước bắt đầu bằng những tiếng chim. Tiếng của cả đàn ríu rít. Tiếng “guýt guýt...” của một con khoe giọng. Tiếng xe chạy phía dưới đường cao tốc cũng vẫn thế.

Nó là cái nền tiếng động lúc nào cũng rào rào mà Dương nghe đến nhàm chán từ nửa năm nay.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Sáng nay, Dương có một sự chờ đợi. Mấy lần cô ra phía sau căn hộ, hết ở cửa sổ phòng bếp lại qua cửa sổ phòng kho, rồi lại về cửa sổ phòng ngủ của mình. Chị Bích vừa nấu mì cho hai chị em ăn sáng, vừa nhìn Dương hỏi:

- Mày đợi nó hả? Biết nó có đến không mà đợi.

- Em nghĩ là nó đến! Nó phải đến để từ giã em chứ!

- Mày chỉ khéo tưởng tượng cho lắm vào rồi sẽ phải buồn thất vọng thôi... - giọng chị bỗng hất cao lên - Tao để chuông mười một giờ rồi. Tao sẽ tiễn mày ra sân bay...

- Đã nói khỏi cần mà. Em đi một mình được rồi...

- Không được! Tao phải đi tiễn vì lần này mày về, không chừng cả năm sau mới qua đây lại.

Dương không nói thêm với chị. Bà chị của cô đáng ra phải là nam giới mới đúng. Vừa quyết đoán vừa nóng nảy. Được cái làm việc thì luôn cật lực và rất chu đáo với em út trong nhà.

Bảy giờ hơn. Vẫn chưa thấy nó đến. Chẳng lẽ nó không đến?

***

Cùng trong ngày đầu tiên dọn đến ở căn hộ này, hai chị em đã phải một lần ngạc nhiên và một phen mất vía.

Lần ngạc nhiên là vào khoảng mười giờ sáng, có tiếng gõ cửa. Chị Bích ra mở cửa. Dương đang ngồi uống nước, tò mò nhìn ra. Ngoài cửa là một thanh niên người Ấn, mặc sơmi dài tay bỏ trong quần, chân đi giày, gương mặt nhìn chỉ vào khoảng trên dưới hai lăm, nhìn chung là lịch sự, cũng có thể nghĩ rằng anh ta là một trí thức.

Chị Bích trao đổi gì đó với khách. Một lát sau, Dương thấy anh thanh niên cởi giày bước vào phòng khách. Chị Bích nói với Dương:

- Anh ta là người mà bà chủ nhà thuê tới để dọn dẹp căn hộ theo yêu cầu của mình.

Dương trố mắt nhìn anh thanh niên đang mỉm cười và gật đầu, nói “Hello” với cô.

Lau bàn ghế, lau nền phòng khách, lau bàn bếp, lau sàn bếp, cả vệ sinh toa lét, nhà tắm, nhà kho..., tất cả những việc ấy, anh thanh niên đều làm một cách kỹ lưỡng, sạch sẽ và vừa làm vừa huýt sáo vui vẻ. Anh ta có mặt trong vòng hai tiếng đồng hồ thì hoàn thành mọi việc và chào về.

Dương hỏi chị:

- Mình có phải “bo” cho anh ta không?

- Không! - chị Bích lắc đầu - Ở đây không có lệ đó. Bà chủ nhà sẽ trả tiền công cho anh ta.

Tiếng huýt sáo nhỏ dần rồi tan lẫn vào tiếng xe dưới đường cao tốc. Chị Bích bảo đây là Central Expressway, một trong tám đường cao tốc của đảo quốc, chạy theo hướng Bắc - Nam, nằm giữa trục Đông - Tây. “Không biết chị em mình có chịu đựng nổi tiếng xe chạy không ngơi ở đây hay không nữa! Hồi ký hợp đồng thuê căn hộ này, tao đâu có ngờ ở đây lại ồn đến thế”. Chị Bích than thở.

Dương không nói gì vì dẫu sao thì chị Bích cũng đã có hai năm làm việc ở đây, đã dọn nhà lần này là lần thứ ba, còn cô thì chỉ mới qua đây lần đầu để học thêm khóa tiếng Anh giao tiếp.

Nhưng đến chiều thì hai chị em mới thực sự hết hồn.

Đang ngủ ngon, Dương bỗng nghe văng vẳng hai tiếng “Xin chào!” nói bằng tiếng Việt đàng hoàng. Chị Bích cũng giật mình nhổm dậy.

- Ai biết mình ở đây mà đến chơi vậy ta?

Dương nhanh nhẹn chạy ra mở cửa. Cô hi vọng sẽ gặp một người Việt Nam nào đó, là bạn của mình hay của chị Bích cũng được. Nhưng nhìn cả bên phải lẫn bên trái hành lang đều thấy vắng ngắt. Và tiếng xe dưới đường cao tốc vọng lên rào rào...

- Không có ai cả chị Bích ơi!... Không lẽ em nằm mơ?

- Mơ thế nào được. Tao cũng nghe rõ ràng hai tiếng “Xin chào!” bằng tiếng Việt mình mà.

Tự nhiên Dương thấy nổi gai ốc khắp người. Chẳng lẽ căn hộ mới thuê này có... ma!

Hai chị em ngồi nơi phòng khách bàn tán một lúc vẫn không tìm ra “ẩn số” của câu nói tiếng Việt không hiểu có thật hay chỉ là tưởng tượng của cả hai.

Bữa cơm chiều vội vàng đầy tâm trạng. Chương trình truyền hình nói toàn tiếng Anh mà Dương chỉ nghe được lõm bõm mau chóng trở thành chán ngắt. Chuyến đi bộ thử từ chỗ ở ra trạm MRT gần nhất để tính thời gian, chậm hơn tốc độ bình thường, cứ như để có thể trở về chậm hơn chút nào hay chút ấy. Lại thêm một lúc ghé cửa hàng ăn uống, chị Bích mua lon nước Barley (1) ướp lạnh cho Dương uống thử...

May mà giấc ngủ tối đã đến yên lành với cả hai chị em.

Sáng sớm hôm sau thức dậy, Dương nghe rất nhiều tiếng chim bên ngoài khu chung cư. Nhìn ra cửa sổ thì thấy hàng đàn chim bay thành vệt. Không rõ là chim sẻ, chim bồ câu hay chim gì khác vì chúng ở xa quá. Chị Bích chợt reo lên:

- Tao biết rồi!

- Biết gì?

- Cái câu “Xin chào!” chiều hôm qua ấy! Nhất định nó là của một con sáo biết nói!

- Nhưng nếu đúng thế thì nó phải từ Việt Nam qua à?

- Đúng! Nó theo chủ đi đường biển qua đây. Rồi một ngày nào đó nó thoát khỏi lồng nuôi. Rồi nó ở đâu đó trên một cái cây gần chung cư này. Rồi nó lạc đến một chỗ nào đó bên ngoài căn hộ của chị em mình và nó nói “Xin chào!”. Mày thấy tao hình dung như thế có lý không?

Dương cười hì hì:

- Rất có lý! Vậy là chẳng có ma cỏ gì. Khỏi phải sợ nữa rồi!

Chị Bích thêm:

- Rồi mày coi. Chiều nay nó sẽ trở lại, nó lại nói “Xin chào!” cho chị em mình nghe cho coi...

***

Nhưng phải đến gần một tháng sau, những dự đoán của chị Bích mới được xác định là đúng. Một buổi chiều, cũng vẫn là buổi chiều, đang ngồi xem lại bài vở thì Dương giật mình vì hai tiếng “Xin chào!” vang lên. Sau cái giật mình phản xạ ấy, cô định thần được ngay và không khó khăn lắm đã nhìn thấy một con sáo nâu (2) đang mổ mấy hạt cơm nguội cô tình cờ bỏ quên trong chén để ở sàn phòng kho.

Hóa ra việc Dương xoay bàn về hướng Bắc cũng có lợi. Hôm quyết định xoay bàn, chị Bích hỏi:

- Sao mày lại ngồi quay lưng ra cửa phòng khách? Gặp đứa bạn nào hướng dẫn về phong thủy rồi phải không?

- Đâu có! Chỉ là em thích ngồi hướng về phía Bắc. Nước mình ở phía ấy mà.

- Trời! Một người yêu nước cực kỳ!

Chị Bích nói vậy, nhưng là Dương nhớ nhà thôi, nên chọn hướng ngồi cho... đỡ nhớ.

Sau lần gặp con sáo “Xin chào!” ấy, Dương đâm ra thèm thấy nó mỗi ngày. Học tiếng Anh giao tiếp để bổ sung cho công việc đang làm trong nước, Dương tranh thủ mọi cơ hội để nói và nghe tiếng Anh. Bởi thế mà nghe và nói tiếng Việt đương nhiên trở thành một nhu cầu tình cảm cần thiết với cô, khiến mỗi ngày cô chỉ mong sớm về đến nhà để được trò chuyện với chị Bích.

Thỉnh thoảng, nhớ quay quắt những buổi ngồi “tám” với bạn bè ở mấy quán cà phê ven sông Đồng Nai, tự nhiên Dương nổi cơn “ghiền” nghe tiếng Việt. Thế là cô thay quần áo đi MRT ra các điểm du lịch như Merlion Park chẳng hạn, để gặp các đoàn du khách Việt Nam mà bắt chuyện. Con sáo chẳng khác nào một người bạn đồng hương mà cô có thể gặp ngay trong căn hộ mình ở.

Theo lịch học, những buổi chiều trong tuần, Dương chỉ có mặt ở nhà được hai buổi, quá ít để có cơ hội gặp con sáo. Buổi sáng sớm là thời gian tốt nhất. Tám giờ Dương mới phải rời khỏi chỗ ở thả bộ ra trạm MRT đi đến trường. Mà ngày nào cô cũng thức dậy lúc sáu giờ sáng. Khoảng thời gian hai tiếng từ sáu giờ đến tám giờ sáng là lý tưởng cho việc gặp con sáo nâu. Nhưng nó chỉ biết nói “Xin chào!” chứ đâu có hiểu Dương nói gì!

Chị Bích nói với Dương như thế và “cá” với cô khi Dương bảo là cô đã nói chuyện “từ xa” với con vật về việc nó nên đến “ăn sáng” với chị em cô. Thật ra, Dương cũng không đủ tự tin cho sự cầu may của mình nên cô hành động “khoa học” hơn: không để thức ăn “gọi” con sáo vào buổi chiều mà chỉ để vào sáng sớm, sau khi hai chị em cô ăn sáng xong!

Thật là kỳ diệu khi một buổi sáng của tháng thứ ba thời gian Dương ở đây, con sáo nâu đã đến. Sau đó, cứ cách hai, ba ngày, nó lại đến “ăn sáng” cùng chị em Dương. Từ trên không trung, nó lượn một vòng ngoài cửa sổ phòng kho rồi sà vào, đậu nơi bậu cửa, đầu nghiêng qua nghiêng lại, đảo mắt nhìn quanh, cất tiếng nói “Xin chào!” trước khi đáp xuống cái mâm nhựa, nơi có sẵn thức ăn, khi là mấy hạt cơm, khi là bánh mì vụn, vừa mổ thức ăn vừa lơ láo nhìn cảnh giác...

Con sáo chỉ dạn dĩ đến chừng mực ấy. Đã mấy lần Dương đứng lên, định bước về phía nó như từng làm với đám bồ câu thường tụ tập dưới sân cỏ khu chung cư, nhưng chỉ cần thấy cô dợm bước là con sáo đã bay vụt ra ngoài trời.

***

Tám giờ. Vẫn không thấy con sáo đến. Chưa bao giờ nó đến sau giờ này. Vậy là ngày cuối cùng ở đây, Dương không được gặp nó rồi. Sáng mai và những buổi sáng tiếp theo, không biết khi đáp xuống bậu cửa sổ phòng kho, không thấy thức ăn, không thấy Dương ngồi ở cái bàn hướng về phía Bắc (mà chắc là chị Bích sẽ xoay lại hướng cũ), liệu con sáo nâu có nói “Xin chào!” hay không? Và nó có biết chuyện gì đã xảy ra không?

Bên dưới đường cao tốc vừa xảy ra một vụ đụng xe. Đây là tai nạn giao thông đầu tiên mà Dương chứng kiến suốt nửa năm ở đây. Cô bước ra phía cửa sổ nhìn xuống. Trong dòng xe nối đuôi nhau hai chiều ra, vào khu trung tâm, ở làn đường vào, chiếc taxi màu vàng húc vào đuôi chiếc xe tải nhỏ khiến đầu chiếc xe này nằm hất về một phía. Hai người, có lẽ đều là lái xe, cùng bước xuống đường lấy máy ảnh ra chụp hiện trường. Rồi một người gọi điện thoại.

Chị Bích nói:

- Bây giờ xem làm gì! Đợi vài phút sau cảnh sát đến lập biên bản có xem thì hãy xem. Lái xe ở đây họ chẳng cãi nhau đâu, cũng chẳng có đám đông tò mò xúm lại xem như ở bên mình đâu...

Thật ra không phải Dương muốn xem cảnh đụng xe. Đó chỉ là cái cớ để cô nhìn ngắm một lần cuối cảnh xe cộ chạy trên đường cao tốc. Những dòng xe ôtô đủ loại, thỉnh thoảng có một vài chiếc môtô xuất hiện, tất cả cùng chạy với tốc độ chóng mặt, và tất cả để lại một loạt tiếng động nối tiếp nhau, nghe như tiếng rào rào của một cơn mưa lớn.

Dương nhớ lại những ngày đầu, có lần hai chị em ngồi “tám” xem cái gọi là tiếng xe chạy liên tục dưới đường cao tốc giống tiếng gì. Chị Bích nhất định bảo nó giống tiếng động ở nhà máy dệt khi các khung máy dệt hoạt động, nghe từ xa. Chị giải thích: “Nếu nghe kỹ mày sẽ thấy tiếng xe đâu có liên tục mà nó bị ngắt ra như nhịp tiếng máy dệt”. Còn Dương thì trước sau vẫn bảo vệ ý mình là nó giống tiếng của một cơn mưa lớn.

Có lần ngoài trời mưa khá to mà hai chị em ở trong nhà cùng không biết, quần áo phơi nơi cây sào cắm nhô ra phía ngoài phòng kho ướt cả. Dương đắc ý: “Chị thấy chưa, rõ ràng là tiếng xe giống tiếng mưa nên mình mới không nhận ra là trời đang mưa!”. Chị Bích bướng bỉnh: “Tao không biết! Tao vẫn nghe nó giống tiếng máy dệt”.

Quay vào ngồi trên xalông, Dương nói với chị:

- Thế mà chị em mình cũng chịu đựng được cái tiếng ồn dưới kia đến nửa năm rồi chị Bích nhỉ!

- Ừ! Tao không ngờ là rốt cuộc mình cũng quen được. Nhưng mày về nước rồi thì tao sẽ tính đường chuyển chỗ ở thôi. Không phải để tránh cái tiếng ồn kia đâu, mà để bớt chi phí. Tao sẽ thương lượng dọn đến ở chung với một người bạn cùng công ty...

Dương bật thốt:

- Vậy là con sáo quay lại sẽ chẳng còn gặp ai quen nữa...

Chị Bích phì cười:

- Lại nhắc con sáo nâu!

***

... ... ...

Dương ơi

Chắc em sẽ bất ngờ về chuyện chị kể dưới đây.

Một lần vui miệng, chị đã kể chuyện con sáo nâu “Xin chào!” với một anh bạn người Việt làm ở công ty đối tác với công ty chị. Anh ta cười to, nói: “Quả là trái đất tròn!”. Rồi anh ta kể cho chị biết rằng con sáo ấy không phải được ai đó đem từ Việt Nam qua bằng đường tàu biển như chị em mình nghĩ lâu nay đâu.

Nó là một con sáo chính gốc đảo quốc Sư tử, như những con sáo nâu sống tự do thành từng bầy trên khắp đất nước này. Một lần tình cờ, con sáo ấy lọt vào căn hộ của anh bạn này và bị bắt lại. Sau đó, anh ta cùng người bạn ở chung ra sức dạy con sáo nói. Họ dạy nó nói nhiều câu ngắn bằng tiếng Việt nhưng kết quả nó chỉ nói được hai tiếng “Xin chào!”.

Hào hứng, một hôm nọ họ đã khoe con sáo nâu với những người khách đến chơi. Trong số khách có một người bản xứ. Anh này nghe con sáo nói thì tỏ ra rất khâm phục “tài dạy loài vật nói” của hai “ông chủ nhà”, nhưng sau đó anh ấy khuyến cáo họ không nên giữ nó lại kẻo sẽ gặp rắc rối vì tội bắt giữ loài vật trong thiên nhiên.

Con sáo nâu được trở lại với đồng loại trong môi trường thiên nhiên. Và rồi, nó tình cờ lạc vào căn hộ chị em mình ở...

***

Dương về nước, nghỉ ít hôm rồi tiếp tục công việc hằng ngày của mình ở công ty. Mỗi sáng chủ nhật, cô lại cùng đám bạn gái còn “phòng không” rủ nhau đi ăn sáng, uống cà phê ở các quán ăn uống quen thuộc ven sông Đồng Nai và tha hồ “tám” mọi chuyện trên đời. Trong đó có chuyện con sáo nâu biết nói ”Xin chào!” tiếng Việt và phần nội dung lá thư mới nhất của chị Bích về nó.

Cái cảm giác “thèm thuồng” được nghe tiếng Việt của cô không còn điều kiện tồn tại. Nhưng quả tình, cô vẫn ao ước được nghe lại hai tiếng ”Xin chào!“ của con sáo nâu bên đảo quốc. Nghĩ cho cùng, dù chỉ bất đắc dĩ, nó cũng là một “người học ngoại ngữ” như Dương, thì sao không thể xem nó là bạn!

Một nhỏ bạn mơ mộng:

- Phải chi ngay lúc này có một bầy sáo xuất hiện ở đây, trong đó có con sáo nâu của nhỏ Dương...

Nhỏ khác tiếp:

- Tao cá là cả bầy sáo sẽ bị vây bắt và trưa nay nhiều con sẽ phải nằm trên bàn nhậu của mấy ông dưới dạng... chiên giòn!

Dương không cười cùng mấy nhỏ bạn. Cô đang nghĩ về “người bạn” phương xa của mình...

__________

(1) Barley: tên khoa học là Hordeum vulgare, sách thuốc Trung Hoa gọi là đại mạch (không phải là ý dĩ - bo bo - trong nước sâm bổ lượng). Nước giải khát Barley là một sản phẩm được chế từ đại mạch, uống mát và ngọt, được dùng nhiều ở Singapore.

(2) Sáo nâu (Acridotheres tristis) có rất nhiều ở Singapore. Chúng sống từng đàn và rất dạn dĩ với con người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận