Đạo đức và lương tâm chức nhiệp - luật hóa được không?

DIỆP VĂN SƠN 25/04/2010 11:04 GMT+7

TTCT - Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của tất cả cán bộ, công chức, viên chức... Dự luật viên chức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 14-4 vừa qua dường như vẫn bỏ ngỏ vấn đề này.

Thực tế thực thi Luật cán bộ công chức đã cho thấy sự “mơ hồ” trong việc xác định đạo đức của cán bộ, công chức, kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ và cung cấp những thông tin được pháp luật thừa nhận mang tính công khai đã tạo ra môi trường thuận lợi cho công chức có thể vận dụng một cách tùy tiện, rất khó bị phát hiện.

Cứ thế, cùng một sự việc, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào.

Mặc nhiên chuyển 1,2 triệu viên chức được tuyển dụng trước 1-7-2003 (ngày pháp lệnh cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực) mà không phải ký hợp đồng lại sẽ làm một bộ phận viên chức trì trệ, không tạo sự năng động, trách nhiệm. Phải coi đây là một cơ hội rà soát đội ngũ này, ai đáp ứng đủ năng lực, phẩm chất và phù hợp với nhu cầu công việc của đơn vị thì tiếp tục sử dụng. Về lâu dài, phải có một hội đồng xét tuyển lại, sát hạch định kỳ và bỏ chế độ biên chế suốt đời sang hợp đồng có điều kiện.

Chỉ riêng đội ngũ “hai ông thầy”, gồm thầy giáo và thầy thuốc chiếm đến trên 80% viên chức cũng đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần “luật hóa”. Đầu tiên là “luật hóa” các quan điểm, chủ trương của nhà nước về việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, thầy thuốc và cán bộ quản lý giáo dục, y tế. Cụ thể là tôn vinh thầy giáo, thầy thuốc và nghề dạy học, nghề y, nâng cao vị trí xã hội của thầy giáo, thầy thuốc; đào tạo đội ngũ thầy giáo, thầy thuốc và cán bộ quản lý giáo dục, y tế; bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, năng lực, chuẩn hóa đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc...

Kế đó là “luật hóa” một số quy định đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: khái niệm “nhà giáo”, “giáo viên”, “giảng viên” (quy định tại điều 70, Luật giáo dục); khái niệm “giáo viên dạy nghề” (quy định tại điều 58, Luật dạy nghề). Những người giảng dạy trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân nay chưa rõ là “giáo viên” hay “giảng viên”... là một ví dụ.

Chưa nói đến việc phải “luật hóa” cả những vấn đề như chính sách, chế độ trong tuyển dụng, xóa bỏ phân biệt “giáo viên trong biên chế” và “giáo viên hợp đồng”, về các danh hiệu thầy giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú... Kinh nghiệm nhiều thế kỷ qua của nhiều quốc gia khác cho thấy phải đặt trọng tâm là mối quan hệ khắng khít giữa nghề nghiệp với đối tượng phục vụ. Viên chức phải có trình độ ngày càng cao (xác định bằng một bằng cấp) và có những điều ràng buộc (thể hiện bằng quy chế chặt chẽ, được “luật hóa”). Huống chi đối tượng của nghề giáo dục, y dược, luật sư... là con người, cần phải được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Có như vậy viên chức khi hành nghề mới bảo đảm đạo đức nhà giáo, bảo đảm y đức, có điều kiện pháp lý cao để chế tài, thay vì hô hào kêu gọi tự giác chung chung.

Có ý kiến cho rằng một trong những đặc điểm của viên chức là hoạt động của họ được điều chỉnh không chỉ bằng pháp luật mà bằng các quy chế hay điều lệ của chính nơi họ phục vụ (mang tính nội bộ). Nói như vậy không thật thuyết phục, bởi phải “luật hóa” để có giá trị điều chỉnh hành vi có tính pháp lý cao, tạo sự thống nhất cho toàn hệ thống.

Cần nhớ lại một trong những nhược điểm lớn khi soạn thảo Luật cán bộ công chức là nội dung hoạt động công vụ rất ít được đề cập. Chính sự thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ lâu nay đã đưa đến những bất cập không thể tránh khỏi. Đó là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ tùy tiện, tiêu cực và nhũng nhiễu mà người dân ta thán lâu nay.

Do vậy, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ là cơ sở cần được nghiên cứu để “luật hóa”. Chuẩn mực đạo đức cao trong nền công vụ đã trở thành một vấn đề thiết yếu đối với chính phủ của các nước. Việc hành nghề của viên chức, đạo đức, lương tâm chức nghiệp cần phải được “luật hóa”, nếu không, sự xuống cấp trong môi trường giáo dục, y đức... sẽ ngày càng trầm trọng. Những vụ việc đau lòng thời gian qua về mối quan hệ thầy trò, vấn nạn học thêm - dạy thêm, “đạo” giáo trình - công trình, bác sĩ kê toa ăn hoa hồng, rút ruột bảo hiểm y tế, luật sư “chạy” án... đã quá đủ để minh chứng.

Dự thảo luật cũng nên điều chỉnh cả viên chức đang làm việc tại các cơ sở ngoài công lập, bởi hiện có nhiều dịch vụ công nhưng lại do các đơn vị tư nhân đảm trách và được xã hội hóa ngày càng rộng rãi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận