Đạp xe xuyên quốc gia

TẤN ĐỨC 08/03/2010 17:03 GMT+7

TTCT - Từ nhiều tháng qua, một nhóm người đam mê xe đạp đã lặng lẽ tập luyện, dành dụm tiền để thực hiện hành trình TP.HCM - Phnom Penh - Bangkok bằng xe đạp, với tổng lộ trình hơn 1.000km.

Họ đi để khám phá những tiềm năng cá nhân và qua đó kêu gọi mọi người tăng cường rèn luyện thân thể cải thiện sức khỏe.

Phóng to
Anh Võ Hữu Thiện (giữa) cùng các thành viên tập dượt cho chuyến đi TP.HCM - Phnom Penh - Bangkok - Ảnh: Nguyên Khôi

Trưởng nhóm “Bicycle Journey Vietnam-Cambodia-Thailand 3-2010” này là anh Võ Hữu Thiện (Công ty cổ phần Bất động sản điện lực Sài Gòn - EVN Land Saigon), người mà các thành viên trong đoàn hay gọi đùa là chuyên gia của những chuyện lạ.

Đi để vận động

Không chỉ mê xe đạp, đội trưởng Võ Hữu Thiện còn thích leo núi. Cách nay hơn chín năm (ngày 7-5-2001), anh cùng một số đồng nghiệp đã đặt chân lên đỉnh Phanxipăng. “Lần đó chúng tôi đã chọn con đường qua Ô Quy Hồ - núi Xẻ, con đường ngắn nhất và nguy hiểm nhất để leo lên nóc nhà Đông Dương” - anh kể. Chính lần leo núi thành công đó đã kích thích anh Thiện và bạn bè chinh phục những mục tiêu khó hơn. Hành trình đi xe đạp qua Campuchia đến Bangkok lần này là một ví dụ.

Cách nay hơn chín năm, khi đang làm giám đốc Điện lực Chợ Lớn, anh nảy ra ý định đi bộ dọc theo chiều dài đất nước, từ đất mũi Cà Mau lên địa đầu Tổ quốc. Chuyến đi ấy, theo anh, trước là rèn luyện sức khỏe, sau là gây sự chú ý nhằm kêu gọi mọi người không xả rác ra đường. Chuẩn bị cho chuyến đi, anh đã rủ rê bạn bè thân hữu và đồng nghiệp trong cơ quan ra công viên Tao Đàn “tập đi”. Ban đầu chỉ đi hai vòng, rồi lên năm vòng, về sau quen chân đi từ sáng đến trưa.

“Đi và đếm bước chân mãi, tôi đã ướm được mỗi vòng công viên có độ dài 1.100m. Đặt mục tiêu mỗi ngày phải đi được 30 vòng, tương ứng 33km, tôi phải thức dậy sớm từ 4g, đi liên tục đến 11g” - anh kể.

Đầu năm 2002, ăn tết xong công việc cơ quan cũng bớt áp lực, anh Thiện cùng với năm người bạn và cậu con trai út 19 tuổi đã thực hiện chuyến đi bộ từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Nhóm chọn lộ trình xuất phát từ tượng Trần Hưng Đạo (quận 1) đi bến phà Thủ Thiêm đến cảng Cát Lái, vòng qua Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi ra quốc lộ 51, trực chỉ Vũng Tàu. Lộ trình này có tổng chiều dài khoảng 100km, so với lộ trình đi theo hướng xa lộ Hà Nội thì gần hơn khoảng 20km, nhưng phải qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, có đoạn rất vắng vẻ, không có nhà cửa. Anh Thiện nói đó cũng là cách để thử thách chính mình.

“Nhiều lúc đói rã bụng, khát cháy cổ, chúng tôi phải gõ cửa nhà dân để xin tiếp tế. Nhiều người thấy chúng tôi đi bộ cứ tròn mắt nhìn, rồi “hello” liên tục, ra vẻ rất thân thiện. Khi tôi buột miệng xin nước uống, họ mới ngã ngửa kêu trời và giúp đỡ rất nhiệt tình. Hai ngày hành trình tuy vất vả nhưng chúng tôi luôn ấm lòng trước sự giúp đỡ của người dân” - anh Thiện nhớ lại.

Sau chuyến đi bộ đến Vũng Tàu, anh cùng các bạn lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi bộ xuyên Việt. Nhưng cái khó nhất nằm ở chỗ thời gian. Nếu đi liên tục mỗi ngày cũng mất đến khoảng tháng rưỡi, trong khi công việc không cho phép các anh vắng mặt ở đơn vị quá lâu như vậy. Nhưng ước muốn cháy bỏng ấy vẫn đeo bám.

Phóng to
Bác Trần Tâm Quang, 71 tuổi, thành viên cao tuổi nhất của đoàn xe đạp - Ảnh: Tấn Đức

“Nợ duyên” xe đạp

Một ngày đầu năm 2003, các nhân viên Điện lực Chợ Lớn ngạc nhiên khi thấy anh giám đốc mang về bảy chiếc xe đua dán mác Asama, vừa ra lò tại nhà máy ở Bình Dương. “Hàng này chỉ xuất khẩu thôi, tôi phải nhờ bạn bè thân hữu đóng góp chi phí rồi năn nỉ nhà sản xuất để cho mình đó. Anh em nào mê thì lấy mà tập” - anh Thiện giải thích.

Hóa ra vì máu mê xe đạp, muốn có người tập cùng mà giám đốc Thiện đã “kích cầu” bằng cách đó. Không khí rèn luyện thân thể bằng xe đạp bắt đầu nhóm lên trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên Điện lực Chợ Lớn. Mấy năm sau chuyển công tác về Điện lực Tân Thuận rồi Công ty Điện lực thành phố, bằng mối quan hệ của mình anh tiếp tục kêu gọi mọi người nhín ra ít tiền mua thêm hơn 70 chiếc xe đạp nữa. Phong trào đạp xe đã lan rộng trong ngành điện thành phố, thu hút hàng chục người tham gia tập luyện thường xuyên, trong đó có cả một “tiểu đội” cuarơ tóc dài.

Cuối tháng giêng 2009, một “sự kiện” của ngành điện cả nước: lần đầu tiên đội xe đạp gồm chín người, đa số đang làm việc ở Điện lực Sài Gòn và Điện lực Chợ Lớn, đã đạp xe từ TP.HCM ra Hà Nội. Sau 13 ngày ròng rã, băng qua những cung đường ven biển miền Trung nắng cháy da người, vượt qua những ngọn đồi bạt ngàn gió và cheo leo vực thẳm, lúc 14g44 ngày 22-2-2009, đội xe đạp “hành trình về thăm lăng Bác” do đội trưởng Võ Hữu Thiện dẫn đầu đã đặt chân đến quảng trường Ba Đình. “Nước mắt của hạnh phúc và niềm kiêu hãnh vì đã chiến thắng được bản thân đã rơi trên gương mặt từng người” - đội trưởng Thiện nhớ lại.

Tìm thách thức mới

Những ngày qua, quán phở nhỏ ở góc đường Lê Văn Sĩ - Hoàng Văn Thụ nhộn nhịp hẳn lên từ lúc 4g sáng. Vợ chồng ông chủ quán ra vẻ tự hào vì được phục vụ bữa điểm tâm cho đội xe đạp đồng phục xanh trắng trông rất chuyên nghiệp. Đúng 4g30, đoàn “vận động viên” xuất phát, khi thì hướng ra ngã ba Bình Chánh, vòng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh; khi thì rẽ trái ra đường Cộng Hòa, đạp về hướng ngã tư Bình Triệu, rồi ngược lên biên giới Mộc Bài, Tây Ninh. Người đội trưởng không ai khác hơn là anh Thiện.

“Chúng tôi đang ráo riết tập luyện để trong tháng 3 này sẽ từ TP.HCM lên cửa khẩu Mộc Bài rồi đạp qua xứ sở chùa tháp, sang đến Bangkok. Theo dự tính chúng tôi sẽ có ba ngày đạp xe trên đất Campuchia và bốn ngày trên đất Thái Lan, với tổng lộ trình khoảng 1.000km. Đây là chuyến đi mà chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiều năm qua, với mong muốn nâng cao sức chịu đựng và khả năng ứng phó với mọi tình huống của các thành viên. Và cũng qua chuyến đi này, chúng tôi hi vọng người dân các nước nơi chúng tôi đi qua sẽ hiểu hơn về con người Việt Nam hiền hòa, thân thiện và giàu ý chí, nghị lực” - anh Thiện tâm sự.

Càng có ý nghĩa hơn khi đây là cuộc chơi tự nguyện do những người đam mê xe đạp tự tổ chức. Thành viên cao tuổi nhất của đoàn là bác Trần Tâm Quang, 71 tuổi, cựu tuyển thủ xe đạp miền Nam những năm 1960. Dù sức khỏe sụt giảm và còn phải vật lộn với cuộc mưu sinh, bác Quang vẫn cố gắng dành dụm tiền để tham gia cùng đoàn. Hai thành viên trẻ nhất đội là anh Tô Hoàng Đạt (37 tuổi) và Trần Kế Thiện (30 tuổi) dù thường xuyên phải làm việc thâu đêm suốt sáng nhưng vẫn không bỏ lỡ buổi tập nào.

Thời tiết nắng nóng trên 360C cùng với những cung đường đèo dốc và sự bất đồng ngôn ngữ sẽ là những thử thách lớn đối với toàn đội. Nhưng đây chỉ là bước tập dượt cho mục tiêu cao hơn là các chuyến đi xuyên Đông Nam Á và xuyên châu Á sau này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận