Đi máy bay không còn là xa xỉ

LÊ NAM 27/04/2008 18:04 GMT+7

TTCT - Thị trường hàng không VN đang đứng trước một xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ, số lượng hãng hàng không đăng ký hoạt động đã tăng gấp đôi, từ ba lên sáu hãng.

Phóng to
Hành khách rồi đây sẽ có nhiều lựa chọn hơn...

Các hãng hàng không tăng cường tiếp thị, lo chuyện cạnh tranh, thu hút nhân tài của nhau. Người đi máy bay giờ đã có nhiều lựa chọn và di chuyển bằng hàng không không còn là thứ xa xỉ khi các hãng hàng không muốn bình dân hóa những dịch vụ cao cấp trong tương lai.

Giữa tháng 4-2008, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của VN Pacific Airlines (PA) thông báo sẽ đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines (JP). Như vậy sau một thời gian dài lận đận, chỉ sau một năm bán cổ phần cho Hãng hàng không giá rẻ Jetstar (hãng hàng không con của Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas), PA đã trở thành thành viên của Qantas Group.

Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho JP mà theo cách nói của tổng giám đốc JP Lương Hoài Nam thì “đây là một thay đổi rất lớn và toàn diện”. Theo ông Nam, gia nhập mạng lưới Jetstar ngoài việc có thể tham gia kết nối với mạng đường bay trên toàn nước Úc, châu Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hơn 40 điểm đến, điều này còn giúp JP thật sự trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại VN với một đội bay 30 chiếc Airbus 320 vào năm 2014.

Nhiều lựa chọn cho khách hàng

Chưa bao giờ thị trường hàng không VN lại phát triển nhanh như hiện nay (tăng trưởng năm 2007 khoảng 30%). Cục Hàng không VN cho biết ngoài ba hãng hàng không hiện đang hoạt động (Vietnam Airlines - VNA, JP và Vasco), cục đã cấp phép cho Hãng hàng không VietJet Air (VJA), đang chuẩn bị cấp phép cho Hãng hàng không Air Speed Up (ASU) và một hãng hàng không khác là Phú Quốc Air cũng đang hoàn tất thủ tục để xin cấp phép ngay trong quí 2-2008.

Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, hồ sơ xin cấp phép bay của ASU là đủ điều kiện và chẳng có lý do gì mà ASU không được cấp phép; còn Phú Quốc Air chỉ còn chờ quyết định loại máy bay để thực hiện các đường bay của mình và hoàn tất hồ sơ nộp lên Cục Hàng không xin cấp phép ngay trong tháng 4 hoặc tháng 5-2008. Theo kế hoạch, cuối năm 2008 ASU và VJA sẽ đưa ngay máy bay vào khai thác.

Đại diện Phú Quốc Air Đoàn Quốc Việt cho biết Phú Quốc Air phục vụ khách trung và cao cấp nên nhiều khả năng sẽ thuê và mua máy bay Bombardier CRJ900 NextGen của Canada (86-90 hành khách) để bay tuyến TP.HCM - Rạch Giá - Phú Quốc, Cà Mau, Cần Thơ... với tần suất 1-2 chuyến/ngày. Dự kiến chuyến bay đầu tiên của VJA sẽ được thực hiện khoảng tháng 12-2008, ASU sẽ bay ngay trong tháng 10-2008 và Phú Quốc Air sẽ bay trong quí 2-2009.

Các hãng hàng không sắp ra đời hiện nay hoàn toàn là do các cổ đông VN đứng ra góp vốn. Thực tế vốn để thành lập hãng hàng không hiện nay không còn là vấn đề quá lớn.

Cạnh tranh thu hút hành khách

Ông Lương Hoài Nam cho biết việc có sự hỗ trợ tối đa về quản lý từ Jetstar (hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới và là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2007 do tạp chí SkyTrax bình chọn), JP sẽ hạn chế được các chi phí không cần thiết để có giá vé rẻ, rút ngắn thời gian giữa các chuyến bay tại sân bay, sắp xếp và thương lượng với nhà cung cấp để có giá dịch vụ tốt. Giám đốc điều hành Qantas Group khẳng định chỉ trong sáu tháng nữa hành khách sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt của JP.

Còn VJA cho biết các mức giá sẽ rất cạnh tranh (chỉ với hai hạng ghế) và sẽ thực hiện các chuyến bay đêm. VJA sẽ phát triển hình thức phân phối vé độc đáo thông qua hệ thống ngân hàng, siêu thị và các đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại di dộng.

Chưa chính thức ra đời nhưng chủ tịch Hà Hùng Dũng cho biết ASU không phải là một hãng hàng không truyền thống, cũng không phải là hàng không giá rẻ mà là hãng hàng không có chi phí thấp, giảm tối đa chi phí dịch vụ để tạo ra những phương án vé hợp lý. “Cùng một hạng ghế nhưng người tiêu dùng sẽ chọn ASU vì giá rẻ và dịch vụ tốt hơn”. Với sự hỗ trợ của Hãng sản xuất máy bay Boeing, ASU đã thuê ngay được ba máy bay, phi công, hệ thống đặt chỗ, đội tiếp viên... Ông Dũng nói: “Chỉ cần được cấp phép chúng tôi sẽ đi vào hoạt động đúng như kế hoạch: tháng 10-2008”.

Hành khách hưởng lợi?

Nhiều chuyên gia ngành hàng không nhận định việc hình thành thêm hãng hàng không mới sẽ tạo sự cạnh tranh giảm giá vé và tăng chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách hàng. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không hứa hẹn mang lại nhiều quyền lợi hơn cho hành khách. Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 10-2008 các đường bay trong nước đã có đến bốn hãng hàng không phục vụ (VNA, JP, ASU và Vasco).

Khi hành khách muốn đi trên đường bay chính TP.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội, họ được lựa chọn giá vé vừa túi tiền của mình vì có đến ba hãng hàng không phục vụ đường bay này. Hành khách cũng không phải chạy đi mua vé, chỉ cần một máy tính có kết nối Internet để đăng ký, mua vé và trả tiền qua thẻ tín dụng. Nếu khách hàng có sử dụng dịch vụ thanh toán qua mạng với ngân hàng thì chỉ việc làm lệnh qua điện thoại và đến giờ ra sân bay.

Nhiều hãng giá rẻ đến VN

Ngoài các hãng hàng không nội địa, hiện nay gần 40 hãng hàng không nước ngoài đang mở các đường bay đến VN, trong đó có các hãng hàng không giá rẻ. Gần như các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực đều mở đường bay đến VN (TP.HCM và Hà Nội). Trưởng ban vận tải hàng không Cục Hàng không VN Vũ Huy Cường cho biết cục đã cấp phép thêm cho ba hãng hàng không giá rẻ của khu vực mở đường bay đến VN.

Chỉ trong tháng 4-2008 đã có AirAsia (Malaysia) mở đường bay từ Kuala Lumpur đến TP.HCM từ ngày 15-4 với tần suất mỗi ngày một chuyến. Hiện đường bay từ Hà Nội đến Kuala Lumpur do hãng hàng không này đảm nhiệm là hai chuyến/ngày. Hãng hàng không Thai AirAsia cũng được cấp phép cho đường bay Bangkok - TP.HCM từ ngày 5-4 với tần suất hai chuyến/tuần.

Hãng hàng không giá rẻ Lion Air mở đường bay TP.HCM bằng Boeing 737-900 đi Singapore và Jakarta với tần suất một chuyến/ngày (hãng này đã được cấp phép từ tháng 12-2007 nhưng do chưa có máy bay nên chưa thể khai thác đường bay này). Như vậy tính đến nay đã có sáu hãng hàng không giá rẻ (AirAsia, Thai AirAsia, Lion Air, Cebu Pacific, Jetstar, Tiger Airways) trong khu vực đang có đường bay nối liền với TP.HCM và Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận