Di sản nhà sưu tập: gia tài bối rối của cha

XUÂN TÙNG 12/08/2023 07:26 GMT+7

TTCT - Các tay chơi đồ sưu tập - từ thẻ bài, truyện tranh đến mô hình nhân vật Superman - dành tiền bạc và cả cuộc đời để chăm chút cho thú vui tinh thần của họ. Một khi họ qua đời, các bộ sưu tập này đi về đâu?

Bộ sưu tập mô hình Superman của Karl Heitmueller Jr.  Ảnh: 13thdimension.com

Bộ sưu tập mô hình Superman của Karl Heitmueller Jr. Ảnh: 13thdimension.com

"Đã quá nhiều lần, vợ/chồng hoặc con cái (của nhà sưu tập vừa qua đời) nói với tôi rằng, nếu ông/bà ấy chưa chết, tôi cũng sẽ giết ông/bà ấy thêm lần nữa vì dám để lại cho tôi đống hỗn độn này" - Greg Rohan, giám đốc Heritage Auctions, chuyên thẩm định và đấu giá các món thừa kế khó định giá, nói với New York Times.

Hầu hết người thừa kế đều biết phải làm gì khi nhận được các món đầu tư truyền thống như nhà cửa hay xe cộ. Thế nhưng, khi nhận được một bộ sưu tập thẻ bài cầu thủ bóng chày, sách ấn bản đầu tiên, hay các món sưu tập khác, gia quyến của người để lại sẽ không khỏi lúng túng và bực mình: các món đồ này có thể rất có giá trị (hoặc không), nhưng người nhà chắc chắn sẽ phải tốn công phân loại, định giá và quyết định làm gì với từng món trong bộ sưu tập có thể lên đến hàng trăm, hoặc hàng ngàn chiếc.

"Tôi nhìn quanh phòng mình và nhận ra [khi tôi qua đời], gia đình tôi sẽ không biết thứ gì đang nằm ở đâu" - Maggie Thompson, cựu tổng biên tập tạp chí truyện tranh Comin Buyer's Guide, nói về bộ sưu tập kỳ lạ gồm ảnh Polaroid, poster phim và các bản vẽ truyện tranh của mình. 

Bà cũng chỉ ra rằng hầu hết mọi người không hề chuẩn bị kế hoạch hậu sự cho bộ sưu tập mình hằng yêu quý, và điều này có thể dẫn đến việc dồn trách nhiệm cho người ở lại. Anh trai bà, Paul Edgar Curtis, đã khiến gia đình dành nhiều tháng trời phân loại và xử lý bộ sưu tập truyện tranh của ông sau khi qua đời năm ngoái.

Việc chú tâm phân loại đồ sưu tập có thể hết sức đáng tiền. Hồi tháng 4, một tấm thẻ bài Pokemon cực hiếm đã bán được 300.000 đô la tại một cuộc đấu giá của Heritage Auctions. Năm ngoái, bản vẽ gốc của một trang truyện tranh Spiderman mặc đồ đen bán được 3,36 triệu đô, và năm 2021, có người trả 1,5 triệu đô cho băng trò chơi điện tử Nintendo Mario 64 còn nguyên hộp. 

Cũng vì vậy, các nhà sưu tập nên dành thời gian lên danh sách bộ sưu tập của mình, cũng như chia sẵn các món đồ này trong di chúc. "Không hẳn là vì tiền, mà là để đảm bảo rằng bộ sưu tập của bạn được chăm sóc cẩn thận ngay cả khi bạn đã qua đời" - Josh Benesh, tư vấn viên của Heritage Auctions, cho biết.

Thế nhưng, nếu những người bạn tin cậy đều sàn sàn tuổi, thì không biết sẽ gửi gắm được bao lâu? "Tất cả những người tôi dự định trao gửi bộ sưu tập của mình đều tầm tuổi tôi. Như vậy hơi rủi ro - chẳng biết ai sẽ chết trước?" - Karl Heitmueller Jr., 58 tuổi, nhà sưu tập sở hữu một lượng đồ sộ ấn phẩm liên quan đến Superman, cho biết.

Ông Heitmueller cho biết anh trai mình, người có hơn 10.000 đĩa vinyl, sẽ là người thừa kế chính, trong khi một số vật phẩm nhỏ sẽ được để lại cho bạn bè. Cùng là nhà sưu tập, nhưng họ cũng rất bối rối về kho tàng của nhau. 

"Nếu anh ấy chết trước, tôi sẽ không biết thứ gì trong bộ sưu tập của anh là đáng tiền và ngược lại" - Heitmueller giải thích với New York Times. Dù vậy, Heitmueller biết chắc mình muốn phút ra đi của mình trông như thế nào. 

"Tôi không muốn đám tang hay lễ truy điệu. Nhưng nếu tôi chết ngày mai, tôi nghĩ rằng người thân và bạn bè sẽ không ngại giữ một bức tượng Superman để luôn nhớ về tôi" - ông mường tượng.

Bộ sưu tập bản gốc Elfquest tại Đại học Columbia

Bộ sưu tập bản gốc Elfquest tại Đại học Columbia

Khác với Heitmueller, một số nhà sưu tập, trong đó có cặp vợ chồng tác giả truyện tranh Richard Pini và Wendy Pini, quyết định sẽ bán hết cho những người biết trân trọng. Họ đang lưu giữ hàng ngàn bản vẽ gốc từ bộ truyện tranh kỳ ảo ElfQuest của mình, và không nỡ xé lẻ từng trang đem bán. 

"Nhìn vào chúng, tôi vẫn nhớ cách mình vẽ từng đường nét, hay nghe thấy vợ mình cằn nhằn khi với lấy bút xóa để sửa nét vẽ sai. Tất cả đều rất riêng tư" - Richard Pini hồi tưởng.

Nhiều nhà buôn tranh đã cho biết bộ sưu tập có thể có giá cả triệu đô, nhưng vợ chồng Pini lại không dám để lại cho con cái - họ vốn không mấy để tâm đến bộ truyện ElfQuest và rất có thể sẽ đem bán chúng ngoài lề đường. 

May mắn thay họ đã tìm thấy Karen L. Green, nhà giám tuyển truyện tranh và hoạt hình từ Đại học Columbia, người đã mua toàn bộ bộ sưu tập từ năm 2013. "Chúng tôi thích ý tưởng rằng sinh viên và người hâm mộ sẽ tiếp tục nghiên cứu những bức tranh sau khi chúng tôi qua đời" - Wendy Pini cho biết.

Thế nhưng, hầu hết các bộ sưu tập không có được may mắn như vậy - chúng sẽ nằm lại tại các tiệm cầm đồ hoặc cửa hàng truyện tranh, có thể sẽ không được nhìn nhận đúng giá trị. Chúng có thể có giá trị bất ngờ - như chiếc iPhone đời đầu, dù tuổi đời mới chỉ 15 năm, nay đã bán được 63.000 đô la trong một buổi đấu giá tại Mỹ đầu năm nay.

Dù vậy, giá trị của đồ sưu tập vẫn luôn khó đoán từ trước đến nay, và các nhà sưu tập - cùng gia đình của mình - nên ghi nhớ điều này để tránh thổi phồng bong bóng giá trị. "Việc đồ sưu tập giảm giá trị là hoàn toàn có thể xảy ra - luôn có những vụ Beanie Babies tiếp theo" - Benesh nói, ý chỉ cơn sốt Beanie Babies thổi phồng giá trị của dòng gấu bông này trên thị trường những năm 1990, dẫn đến một cú vỡ bong bóng không thể tránh khỏi vào đầu những năm 2000.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận