Được Em và hành trình lên tuyển

MINH TÂM 09/05/2010 03:05 GMT+7

TTCT - Được HLV Henrique Calisto lần đầu tiên gọi vào đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho trận giao hữu gặp CLB Frankfurt (Đức) là phần thưởng tuyệt vời cho Được Em, cầu thủ đã vụt sáng thời gian gần đây với hiệu suất 5 bàn/9 trận ở Giải V-League 2010.

Phóng to
Được Em tỏa sáng với 5 bàn/9 trận ở V-League 2010 - Ảnh: Nguyên Khôi

Đá vị trí tiền vệ cánh, khi cần thiết Được Em có thể lui về hàng hậu vệ hoặc dâng lên thành tiền đạo tấn công, có khả năng ghi bàn từ những cú sút phạt chân trái hoặc đánh đầu ở mọi tư thế... Đó là chưa kể đến khả năng kiến thiết bóng cho đồng đội ghi bàn. Vậy mà có lúc chàng trai xứ cù lao này tưởng chừng đã buông xuôi cho số phận nếu không có sự động viên của gia đình.

Lận đận trên ghế dự bị

Lương Văn Được Em sinh năm 1985 tại cù lao xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình có ba anh em. Được Em cao 1,77m, trình độ học vấn lớp 11. Sự nghiệp bóng đá bắt đầu năm 2001 ở đội Năng khiếu tỉnh Đồng Tháp. Năm 2003 đoạt Giải vô địch U-18 trong màu áo Đồng Tháp. Năm 2005 khoác áo Fico Tây Ninh (Đồng Tháp cho Tây Ninh mượn). Năm 2006 được chọn vào đội tuyển Olympic VN. Từ năm 2006 đến nay đá cho Cao Su Đồng Tháp.

Năm 2006, tiền đạo Phan Thanh Bình rất tỏa sáng nên Được Em chỉ là lựa chọn số 2. Sau khi Thanh Bình, Việt Cường, Văn Pho, Phong Hòa... rời Cao Su Đồng Tháp đầu quân cho CLB khác, Được Em những tưởng sẽ có nhiều cơ hội ra sân. Nhưng sự ăn ý của đôi Samson - Timothy kết hợp với các cầu thủ hai cánh là Văn Mộc, Anh Tuấn cùng Aniekan, Quý Sửu ở giữa tạo nên dàn công, thủ lý tưởng. Thế là Được Em tiếp tục “ôm” ghế dự bị, chỉ được tung ra sân thay đồng đội bị chấn thương hoặc dính thẻ phạt.

Rồi khi Timothy, Anh Tuấn, Quý Sửu, Aniekan... ra đi với hợp đồng hậu hĩnh ở CLB khác, Được Em mới được tung ra sân đá vị trí tiền đạo. Tuy nhiên, căn bệnh dạ dày hành hạ khiến anh thi đấu rất “thiếu lửa” và bị gán cho biệt danh “cầu thủ lười nhất” Giải V-League 2009, bởi Được Em ít khi lùi về hoặc tranh bóng với đối phương mà chỉ dạt ra biên để nhận bóng từ đồng đội, đi thêm vài đường bóng rồi sút, sau đó tiếp tục... đi bộ chậm rãi trên sân trong tiếng la ó, phản đối của cổ động viên đòi HLV phải thay người.

Nhớ lại chuyện này, Được Em kể: “Mỗi lần ra sân chạy bụng buồn nôn, nhói lên đau muốn xỉu khiến chân nhấc không muốn nổi. Đi nhiều bệnh viện chữa trị nhưng bệnh vẫn không giảm. Khi nghe khán giả phản đối tôi ứa nước mắt, xấu hổ muốn trốn xuống đất”. Khoảng thời gian này Được Em bị stress nặng, phong độ sa sút hẳn. Thi đấu càng mờ nhạt càng rơi vào stress nặng. Vòng luẩn quẩn này như bóp nghẹt ý chí và khiến anh muốn từ giã bóng đá về quê làm ruộng.

Nhưng mỗi lần về thăm nhà thấy ánh mắt kỳ vọng của cha, khi ấy mẹ bị tai biến nhưng vẫn ân cần hỏi chuyện đá bóng của con, thế là Được Em lại lủi thủi quay về đội. Người cha tinh ý lén đón xe đò lên sân Cao Lãnh xem con thi đấu. Ngồi gần một nhóm cổ động viên, nghe người ta bình phẩm chê bai con mình “Cầu thủ gì mà đá dở ẹt! Về quê chăn vịt cho rồi!”, lòng ông đau điếng.

Rồi khi tận mắt nhìn con thi đấu vật vờ như cái bóng trong tiếng la ó phản đối trên sân, sau trận đấu ông gặp con ôn tồn bảo: “Con đá bóng cũng như ba làm ruộng vậy. Có mùa trúng, mùa thất, quan trọng phải cày cuốc, chăm sóc hết mình cho đám ruộng, chứ đừng buông xuôi phó thác cho trời đất. Đá bóng có lúc lên, có lúc xuống phong độ, nhưng phải thi đấu hết mình chứ không thể dở dở ương ương như vậy”.

Nắm bắt cơ hội tỏa sáng

May mắn cho Được Em có một HLV biết đánh giá đúng học trò của mình để đưa vào vị trí phù hợp. V-League 2010, HLV Phạm Công Lộc gọi Được Em lại và bảo: “Tôi nghĩ em hợp với vị trí tiền vệ cánh. Em tự do lên xuống làm gì tùy thích. Tôi tin tưởng tuyệt đối nơi em, đừng để tôi thất vọng”. Trước những gì mọi người tin tưởng, kỳ vọng nơi mình, Được Em nghĩ chỉ còn con đường duy nhất: hoặc chiến đấu trên sân hoặc về quê “chăn vịt”, chứ không thể ngồi đánh bóng ghế dự bị mãi.

Sau những bài tập chung, Được Em kiên trì, chịu khó tập riêng những bài do HLV Lộc soạn ra. Nỗ lực dần được đền đáp. Trong trận gặp Vissai Ninh Bình, cầu thủ mang số áo 17 này thi đấu như lên đồng, gan lì cắn răng mặc cho cơn đau hành hạ. Việc lập hat-trick vào lưới thủ môn Đinh Hoàng La đã giúp Được Em tỏa sáng. Và từ đó tên Được Em được tung hô khắp khán đài.

Điều kỳ lạ là căn bệnh dạ dày giảm hẳn sau những trận đấu thăng hoa của anh. Khả năng chọn điểm rơi tốt, xử lý nhanh, tốc độ bứt phá, đánh đầu hóc búa và đá phạt bằng cả hai chân đã mở rộng tầm hoạt động của anh không chỉ ở hai cánh mà còn lùi về nhận bóng từ trung vệ để phân phối, kiến thiết bóng, khi cần thì xâm nhập ghi bàn ngay khu trung lộ.

Ngay sau trận Cao Su Đồng Tháp gặp Vissai Ninh Bình, câu hỏi đầu tiên của các đội khi đối đầu với Đồng Tháp là làm thế nào khóa chân Được Em. Người ta thấy lúc nào cầu thủ chủ chốt này cũng được “chăm sóc” đặc biệt. Chẳng hạn trong trận gặp SLNA, khi Được Em chạy cánh phải thì ngay lập tức Công Mạnh và Đắc Khánh áp sát, khi Được Em có mặt ở cánh trái thì Lâm Tấn và Văn Bình lao tới. Vậy mà chỉ bằng một cú bay người đánh đầu, Được Em đã đưa bóng nằm gọn trong lưới đội SLNA.

Đó là chưa nói cú sút phạt vượt hàng rào chọn đúng vị trí khiến Văn Ngân chỉ cần hất đầu đã làm mành lưới SLNA rung lên.

Trận đó hòa 2-2, nhưng một lần nữa cầu thủ này đã khẳng định đẳng cấp cũng như tầm quan trọng không thể thiếu của mình ở Cao Su Đồng Tháp. HLV trưởng Phạm Công Lộc nhận xét: “Được Em rất chịu khó, thi đấu cật lực, cháy hết mình trên sân. Đấu trường V-League rất khắc nghiệt, thế mà Được Em ghi 5 bàn/9 trận. Rất mong HLV Calisto sẽ dành cơ hội cho cầu thủ trẻ này”.

Phóng to
Được Em hạnh phúc bên vợ và con - Ảnh: Minh Tâm

Tính xa cho tương lai

Trái ngược với sự nhanh lẹ, dũng mãnh trên sân, ngoài đời Được Em hiền lành, ít nói. Anh sống rất chừng mực, ít rượu chè, hòa nhã với đồng nghiệp. Có lẽ nhờ thế anh được HLV Phạm Công Lộc tin tưởng giao chức đội phó. Cứ chiều thứ sáu, anh chạy xe máy vượt quãng đường 70km về nhà. Ở đó có con trai 8 tháng tuổi, có người vợ vốn là cô hàng xóm cũng là bạn học phổ thông ngày xưa. Được Em tâm sự: “Lúc tôi thi đấu xuống phong độ, phần lớn nhờ bà xã động viên, an ủi nên tôi mới vượt qua được”.

Cuối năm nay hợp đồng của Được Em và Cao Su Đồng Tháp sẽ hết hạn. Hiện đã có vài đội bóng ngỏ lời mời nhưng cầu thủ 25 tuổi này bảo muốn chơi bóng ở quê nhà. Anh muốn trả ơn nơi đã phát hiện và đào tạo mình, cũng là để cống hiến cho quê hương.

Nhớ trận đầu tiên của Cao Su Đồng Tháp ở V-League 2010 Được Em ghi bàn vào lưới Megastar Nam Định, bà con kéo đến nhà rần rần chúc mừng. Mỗi lần thấy Được Em về nhà, mấy anh, chú hàng xóm í ới gọi: “Được Em đó phải hôn? Lần này đá vô mấy trái vậy?”. Xứ cù lao vốn rất mê trái bóng nên ai cũng quý mến chàng cầu thủ đã mang đến chiến thắng cho đội nhà.

Khi tâm sự, cầu thủ họ Lương rất muốn dùng tài đá bóng của mình để đổi đời giúp cha mẹ, người thân vì gia đình vốn nhà nông chỉ có vài công ruộng. Được Em thổ lộ: “Nếu có tiền tôi sẽ mua đất để sau này khi không còn chơi bóng nữa thì làm ruộng, đào ao nuôi cá, lập một sân bóng mini cho các em ở xã mình có nơi chơi bóng miễn phí”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận