Gánh bún riêu nặng thương nhớ

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA 23/08/2014 20:08 GMT+7

TTCT - Những buổi chiều trời Sài Gòn mưa lất phất bay, tôi lại lang thang những con đường quen thuộc. Thành phố hôm nay thay đổi đến hằng giờ.

Minh họa: Salem

Những góc phố, những con người thân quen đến một ngày nào đó bỗng dưng mất tăm giữa dòng người qua lại. Trong đó có gánh bún riêu được chúng tôi liệt vào một trong bốn điểm bán bún riêu ngon nhất đất Sài thành.

Một người bạn nhiều năm sống ở nước ngoài, về lại Việt Nam chưa nóng chỗ đã ù lấy xe hơi chạy lên góc Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực để được ăn lại tô bún riêu xưa, tô bún riêu mà theo bạn vẫn ám ảnh, thôi thúc bạn trở về trong những tháng ngày tha phương trên đất khách.

Quê người có biết bao nhiêu món ăn ngon vật lạ, những nhà hàng, tiệm ăn sang trọng sạch bóng như gương vẫn không làm bạn quên được gánh bún riêu ốc nghèo ngày xưa. Vậy nên bạn đã đứng thẫn thờ trên góc phố quen giờ trống vắng đến lạnh lùng.

Không biết bao lần trong giấc mơ bạn kể rằng vẫn nhớ như in những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm béo ngậy. Nhớ miếng huyết to gần bằng nắm tay người lớn và miếng đậu hũ để nguyên không buồn xắt được luộc vừa tới trong nồi nước lèo tạo cảm giác đậm đà, béo ngọt.

Nhớ riêu cua vừa xốp vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra khắp đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào tô bún. Nhớ đĩa rau trụng muốn xin thêm bao nhiêu cũng được như tấm lòng rộng mở của người đất Sài Gòn. Nhớ nồi nước lèo thật to bắc trên bếp than luôn sôi sùng sục được nấu từ nước xương và nước luộc ốc.

Nhớ muỗng mắm tôm, nước me, ớt nhuyễn để trên tô bún riêu ốc có vị thanh thanh của giấm bỗng, màu đỏ của cà chua, màu vàng cùng vị giòn ngọt của ốc tạo thành nỗi nhớ đến cháy lòng mỗi lần giật mình trở giấc.

Cũng hơn hai mươi năm trước, bạn và tôi thỉnh thoảng ghé vào gánh bún này. Có lần chúng tôi đang ngồi ăn trên những chiếc ghế đẩu bằng gỗ đặt hai bên gánh thì lực lượng trật tự xuất hiện. Chị chủ ở giữa quảy gánh bún riêu chạy mất, chỉ còn hai hàng người đang ngồi quay mặt vào nhau, nam có nữ có, cầm tô bún xì xụp ăn, vừa ngượng vừa tức cười.

Gánh bún này được hai mẹ con thay nhau bán từ năm 1971. Ban đầu chỉ là cái gánh với những chiếc ghế đẩu gỗ, vừa để khách ngồi, vừa thay bàn đặt đĩa rau lên cho khách. Dần dần vài cái bàn nhỏ xuất hiện để làm đúng chức năng thay cho cái ghế. Rồi từ vỉa hè bên trái theo chiều xe, gánh bún riêu dần chuyển sang vỉa hè bên phải, dựa lưng vào tường sau lưng Thư viện Tổng hợp TP.HCM.

Hồi xưa tôi và bạn đứa nào cũng nghèo rớt mùng tơi, thiếu đủ thứ chất dinh dưỡng cần cho cơ thể, nhưng chỉ cần ăn một tô bún ở đây là có tất cả, lại no căng cả bụng. Trước khi ăn, bạn luôn chăm chút vớt bớt ớt bằm cho tôi để đỡ cay, chan cho tôi thêm ít nước me và... ăn sạch giùm tôi đĩa rau muống bào với giá trụng vì tôi không biết ăn rau.

“Ăn bún riêu mà không ăn rau thì còn gì ngon” - bạn luôn cằn nhằn mỗi khi nhìn tôi lơ đễnh tìm gắp những cọng bún còn sót lại trong tô nước lèo.

Không còn bạn, tôi không dám tìm vào những nơi lưu giữ quá nhiều kỷ niệm như gánh bún riêu này. Không còn bạn, tôi hay lều khều cây guitar nghêu ngao hát bài Em còn nhớ hay em đã quên của chàng nhạc sĩ họ Trịnh.

Có lần không kiềm được nỗi nhớ, tôi ghé vào tìm một bàn trống, kêu một người bán vé số cùng ngồi vào ăn chung để có cảm giác như bạn vẫn đâu đó cạnh bên. Nhưng tất cả bỗng trở nên nghẹn đắng khi thiếu những ngón tay cầm muỗng quen thuộc vớt bớt ớt khỏi tô bún của tôi với ngón út vểnh cong lên điệu đàng và cả cái câu cằn nhằn năm cũ.

Khi gánh bún bị đuổi khỏi vỉa hè đường Lê Thánh Tôn vĩnh viễn, tôi cũng cất công đi tìm nơi bán mới để chờ cái ngày bạn trở lại dù biết rằng bạn và tôi sẽ khó lòng ngồi chung trên chiếc xe gắn máy cà tàng ngày xưa tôi vẫn dùng chở bạn đi khắp nẻo đường Sài Gòn.

Và tự trong lòng tôi hiểu sẽ khó tìm lại không gian, mùi vị của ngày xưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận