Giá xăng dầu, đại dịch và khủng hoảng khí hậu

CHIÊU VĂN 06/10/2021 05:10 GMT+7

TTCT - Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Á, đang vật lộn để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài chống chọi đại dịch COVID-19, thì giá xăng dầu và khí đốt đang tăng cấp tập, báo hiệu thêm nhiều bất trắc phía chân trời.

Oh Sang Hoon là giám đốc một công ty sản xuất phụ kiện tivi cho các hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc như Samsung và LG. 

Cả tháng nay, ông phải loay hoay suy đi tính lại công chuyện làm ăn vì chi phí nhiều thứ đang tăng vọt: tiền điện, tiền vận chuyển, và chi phí mua nguyên liệu thô đầu vào như sản phẩm từ nhựa - vốn là một thứ phẩm của dầu mỏ, đều đã tăng 5 - 10%. 

Cánh đồng năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước lớn nhất thế giới của Singapore. Ảnh: The Straits Times

 

“Tôi lo nhất là chi phí nguyên vật liệu - ông Oh tâm sự với báo Hong Kong South China Morning Post - Chúng tôi sẽ buộc phải giảm những chi phí khác”.

Dịch bệnh chưa giảm, cái gì cũng tăng

Giá dầu thô đã đột ngột tăng mạnh khoảng ba tuần trở lại đây. Dầu Brent - vẫn được dùng làm mức chuẩn quốc tế - cán mốc 80 đôla một thùng hôm 28-9, mức cao nhất trong 3 năm qua. 

Lý do được các chuyên gia kinh tế đưa ra là các hãng khai thác dầu đá phiến giảm bớt hoạt động và đứt gãy trong chuỗi cung ứng vì dịch bệnh. 

Nhiều lời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng chực chờ đang được phát đi khi nguồn cung than đá cũng đang thiếu hụt, khí hóa lỏng (LNG, bao gồm những bình gas ta vẫn sử dụng hằng ngày) đã tăng giá liên tục thời gian qua, trong khi khu vực Bắc bán cầu đang sắp bước vào mùa đông, mùa sử dụng nhiên liệu tăng vọt.

Khả năng một số nước châu Âu và một số vùng Bắc Mỹ thiếu điện hay các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa giờ đã là hiện thực, với các hệ quả là phục hồi kinh tế hậu COVID-19 sẽ càng ì ạch, đi kèm nguy cơ lạm phát tăng. 

Howie Lee, kinh tế gia của Ngân hàng OCBC Singapore, cảnh báo giá nhiên liệu tăng sẽ khiến các nước phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu phải chật vật ứng phó khi giá của hầu như mọi nguyên liệu đầu vào đều sẽ tăng theo.

Tuần trước, Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco), nhà cung cấp điện lớn nhất nước, thông báo họ phải tăng giá lần đầu tiên sau gần 8 năm vì giá LNG tăng. 93,5% nhu cầu nhiên liệu của Hàn Quốc là phải nhập khẩu, theo số liệu năm 2019, và LNG chiếm 17,7% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ ở nước này. 

Hàn Quốc có các nguồn cung nhiên liệu khá đa dạng, dầu mỏ và than đá chiếm 38,7% và 27,1%, điện hạt nhân 10,3%, và năng lượng tái tạo 6,2%. 

Để so sánh, than đá hiện chiếm tới 53% nhu cầu nhiên liệu ở Việt Nam. Tiếp đó là thủy điện 26%, khí tự nhiên 16%, và nhiên liệu tái tạo cùng các nguồn khác 6% (số liệu 2020, theo BP Statistical Review of World Energy and Ember).

Ở Malaysia và Singapore, giá xăng cũng đã ngóc đầu tăng thời gian qua, một xu hướng mà các kinh tế gia dự báo sẽ còn tiếp diễn với cả khu vực Đông Nam Á. 

Howie Lee ở OCBC lưu ý rằng giá điện và xăng dầu ở nhiều nước châu Á vẫn còn chịu sự chi phối và được tài trợ lớn từ nhà nước, và việc sử dụng nhiên liệu cũng đã hiệu quả hơn nhờ tiến bộ công nghệ. 

Mối đe dọa lớn hơn là hiệu ứng sóng lan của giá nhiên liệu tăng ở những khu vực kinh tế là đối tác thương mại chính của ASEAN như Mỹ, EU và Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang trải qua đợt thiếu điện tồi tệ nhất trong một thập niên, ảnh hưởng tới cả dân sinh lẫn sản xuất. 

“Việc nền công nghiệp ở Trung Quốc phải đóng cửa, theo ý tôi, là vấn đề nghiêm trọng hơn so với Evergrande - Lee nói, ý chỉ công ty bất động sản nợ 300 tỉ đôla đang trên bờ vực sụp đổ của Trung Quốc - Sẽ có hiệu ứng tiêu cực lan sang cả châu Á: tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng lên, tắc nghẽn chuỗi cung ứng...”.

Nhân trường hợp khí hóa lỏng

Trong không đầy một năm rưỡi, LNG đã từ mức thấp kỷ lục tăng lên mức cao kỷ lục khi nhiều nước cho ngưng hoạt động các nhà máy điện than và nguồn khí đốt khai thác được trên toàn cầu cũng đang cạn dần. 

Giá LNG vào tuần trước chạm mốc 34 đôla/1 triệu Btu (British thermal unit, đơn vị nhiệt Anh) so với chỉ 2 đôla/1 triệu Btu vào tháng 5-2020, mức tăng 1.700%! Riêng ở châu Âu, giá khí đốt tăng 300% trong năm nay.

Theo Reuters, hầu hết các nhà sản xuất LNG lớn hiện hoạt động ở mức gần công suất tối đa, nên trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá giảm. 

Một số nhà máy lẽ ra đi vào hoạt động 2 năm qua, đáng kể nhất là ở Indonesia và Nga, thì bị trì hoãn vì những lệnh hạn chế đi lại do COVID-19.

Tại hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường gas” tháng 11-2018 ở Việt Nam, các chuyên gia cho biết với Việt Nam, nhu cầu LNG đã tăng liên tục ở mức trên 12% trong 5 năm tính tới 2018 cho các nhu cầu sản xuất và vận tải, trong khi sản xuất trong nước (ở hai Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất) chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu; 55% vẫn là nhập khẩu và Trung Quốc là nguồn nhập khẩu chính mặt hàng này.

Có thể thấy ngay những tác động của việc giá tăng trên thị trường toàn cầu ảnh hưởng ra sao lên Việt Nam. Ngày 30-9 mới rồi là lần thứ năm liên tiếp giá gas bán lẻ tăng vọt trong vòng chỉ 5 tháng, từ 460.000 lên 500.000 đồng/bình 12kg. 

Như vậy, so với mức giá bán lẻ là 364.000 đồng/bình vào tháng 5-2021, giá gas đến tay người tiêu dùng đã tăng hơn 37% trong 5 tháng qua, cũng là giai đoạn nhiều tỉnh thành ở Việt Nam phải chống chọi với làn sóng COVID-19 khốc liệt nhất.

Khủng hoảng khí hậu

Một mối lo khác là cuộc khủng hoảng năng lượng có thể gây trở ngại cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí CO2 khi nhiều nước sẽ miễn cưỡng hơn trong việc ngưng sử dụng than đá.

Ở Trung Quốc chẳng hạn, đã có tin chính quyền đang cân nhắc tăng giá điện hoặc khuyến khích các mỏ than tăng sản lượng. 

Tuy nhiên, cái giá của việc lại dựa vào than đá có thể đắt hơn nhiều ở thời đại này so với trong quá khứ. 

“Trung Quốc đang có xu hướng muốn tăng sản xuất than, nhưng điều đó không tránh khỏi sẽ dẫn tới phát thải nhiều hơn, nhiệt độ tăng hơn, lũ lụt và bão trầm trọng hơn - Vinod Thomas, một cựu phó tổng giám đốc ở Ngân hàng Thế giới, bình luận với Reuters - Sẽ là một sai lầm lớn với Trung Quốc, Ấn Độ, và Đông Nam Á nếu họ muốn tăng việc sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm, đặc biệt là than đá”.

Ông cũng cho rằng đại dịch là lời cảnh báo về những nguy cơ còn lớn hơn đi kèm với biến đổi khí hậu nếu các nước không hành động kịp thời để thay thế các nguồn năng lượng cũ và có giải pháp tối đa hóa việc sử dụng nhiên liệu hiện giờ. 

“Cũng như bệnh tiểu đường khiến ta thèm ngọt”, Thomas, hiện là giáo sư thỉnh giảng ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, ví von. “Nếu đáp ứng lại nhu cầu thèm ngọt đó bằng cách ngấu nghiến những đồ ngọt vốn sẵn có thì tác hại thật khôn lường”.

Thật ra, nhiều nước Đông Nam Á cũng đã đặt ra các mục tiêu năng lượng xanh và có chính sách dài hạn hướng tới điều đó. 

Lấy ví dụ, Indonesia muốn 23% nguồn điện của họ là năng lượng tái tạo vào năm 2023, còn Philippines đặt mục tiêu 37% trong một thập niên tới. 

Về phần Việt Nam, đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030” được Chính phủ phê duyệt tháng 3 vừa rồi đặt mục tiêu tỉ lệ năng lượng tái tạo là 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2045. 

Ở Singapore đầu năm nay, chính phủ đã tài trợ xây dựng cánh đồng năng lượng mặt trời nổi trên nước lớn nhất thế giới, quy mô 45ha, một phần của mục tiêu tăng gấp bốn lần năng lượng mặt trời ở nước này vào năm 2025.

Nhưng do tốc độ tăng trưởng nhanh của hầu hết các nước trong khu vực, việc đáp ứng được nhu cầu năng lượng mà không tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là chuyện không dễ. 

Có vẻ như chính phủ nào cân bằng được hai yêu cầu đó và tìm ra lời giải sẽ là những người chiến thắng trong tương lai.■

“Tăng sử dụng nhiên liệu bẩn để đáp ứng nhu cầu năng lượng trước mắt sẽ là tự bắn vào chân mình ở châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực sẽ phải chịu nhiều gánh nặng của biến đổi khí hậu”

Vinod Thomas (cựu phó tổng giám đốc ở Ngân hàng Thế giới)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận