Giấc mơ thứ 100

CÁT VŨ 24/12/2008 18:12 GMT+7

TTCT - Chị bảo mỗi bản thiết kế vẽ cho một vở kịch của mình là một giấc mơ, trong đó chị không những tha hồ tạo ra những không gian lạ mà còn góp phần chuyển tải những khát vọng sâu thẳm của con người bằng việc tạo bệ đỡ cho các nhân vật.

Phóng to
KimB và... thiết kế sân khấu trong vở Trong hào quang bóng tối và trong vở Tình yêu không thiên đườngthiết kế sân khấu trong vở Trong hào quang bóng tối và trong vở Tình yêu không thiên đường - Ảnh: Đoàn Khoa

“Giấc mơ thứ 100” với vở kịch Trong hào quang bóng tối vừa đem về cho chị giải thưởng thiết kế mỹ thuật trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc (từ ngày 1 đến 8-12-2008 tại Hà Nội).

Điều đáng nói là giữa họa sĩ KimB và vở kịch Tây Ban Nha xa xôi này như có một mối duyên gắn bó kỳ lạ. Chị đã ba lần được cả ba đạo diễn từng dựng vở này mời làm thiết kế mỹ thuật với ba bản vẽ hoàn toàn khác nhau và hai trong số đó đã đưa chị vào vị trí họa sĩ xuất sắc nhất.

Ba giấc mơ cho một vở kịch

Bản maquette mang lại cho chị giải đặc biệt là dành cho vở dựng tốt nghiệp của nữ đạo diễn Kim Loan (vở đồng thời đoạt giải nhất trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm TP.HCM lần thứ nhất năm 1989), trong đó chị vẽ một vòm cửa kiểu Tây Ban Nha và sàn diễn là một bàn cờ cùng những ô đen trắng với ngụ ý cuộc đấu trí của những nhân vật giẫm lên nó cũng chẳng khác gì những kẻ đang chơi cờ. Ở vở dựng thứ hai của đạo diễn Thành Lộc sau đó vài năm, phía trước là một chiếc bục màu trắng, nổi bật trên một nền phông hậu (background) toàn màu đen.

Trên nền trời đen tuyền ấy lơ lửng hai tia chớp hình lưỡi kiếm mang hai màu đen đỏ như chực giáng xuống sự hiểm độc của lòng người. Hai bản vẽ trên tuy đã từng nhận được nhiều lời khen nhưng KimB chưa thật sự hài lòng vì đó vẫn còn là những cảnh chết, chỉ mới làm nhiệm vụ minh họa và tạo điểm diễn cho diễn viên mà thôi. Lần thứ ba, với đạo diễn trẻ Lý Khắc Lynh, KimB cho trọng tâm sàn diễn là một con mắt đa năng. Con mắt ấy khi là cánh cửa ra vào của nhà trường, khi là bầu trời đầy sao, khi chuyển động như con ngươi trong mắt người mù, thể hiện tâm trạng vui buồn, sự khát khao lẫn nỗi thất vọng của họ... Tất cả đều được vẽ lên sân khấu bằng kỹ thuật ánh sáng.

Điều đặc biệt là vì quá yêu thích vở kịch, KimB đã vẽ bản thiết kế thứ ba này trước khi Lý Khắc Lynh tiếp xúc với kịch bản. Không ít người đã tỏ ý lo ngại phối cảnh nhìn thì thấy đẹp song để thực hiện được e rằng sẽ rất khó. Nhưng Lý Khắc Lynh - một người trẻ vốn thích liều - đã trấn an KimB. Và “hai chị em” đã làm được cuộc bứt phá ngoạn mục với một sân khấu rực rỡ sắc màu tại rạp Kim Mã (Hà Nội) nơi mấy đêm trước đó đã “giết” không biết bao nhiêu đoàn về tham dự liên hoan vì cơ sở vật chất yếu kém.

Từ giấc mơ đầu tiên

Phóng to
Vở Trong hào quang bóng tối - Ảnh: Đoàn Khoa

Trở thành một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu là một điều nằm ngoài mọi dự định của KimB. Quê ở Đà Lạt, chị theo học đại học mỹ thuật chỉ với ước muốn trở thành một họa sĩ vẽ tranh lụa, thế nhưng sự gặp gỡ tình cờ rồi dẫn tới hôn nhân với người đàn ông mà số phận đã sắp sẵn cho đã làm thay đổi cuộc đời chị. Anh là con trai trong một gia đình có truyền thống theo nghề kiến trúc sư. Anh cũng học kiến trúc nhưng lại thích tham gia làm kịch, làm thiết kế sân khấu cho đội kịch thanh niên xung phong TP.HCM.

Theo chồng về Sài Gòn, chị được ông thầy nổi tiếng Hoàng Ngọc Biên truyền cho nghề trình bày báo. Chị nói đó chính là nghề tay phải, là “nồi cơm” chính của chị khi hơn 20 năm nay cộng tác qua nhiều tòa soạn như Thế Giới Mới, Điện Ảnh TP.HCM, Sóng Nhạc, Thanh Niên... Thế nhưng, công việc thiết kế mỹ thuật sân khấu mà chị tham gia theo lời rủ rê của chồng đã dần hiện lên trong chị niềm đam mê. Từ đội kịch TNXP, anh làm bạn với nhiều đạo diễn trẻ và cùng chị tham gia làm thiết kế cho vở dựng đầu tay của họ.

Chị tên thật là Kim Lan, anh tên Nhã Bình nên những vở làm chung, anh đặt cho chị nghệ danh Kimb. Sau non chục vở, Nhã Bình chuyển hẳn sang nghề trình bày báo, nhường sân khấu cho vợ. Kim Lan nói chị đã “bị nghiện” công việc này nên mặc dù nghề không nuôi nổi mình chị vẫn lẽo đẽo đi theo nó như một kẻ si tình. Từ hai năm nay, sau ngày anh mất, chị đã đổi nghệ danh Kimb do anh đặt thành KimB, chữ b thường đổi thành chữ B hoa để tưởng nhớ anh, người đã dẫn chị vào nghề thiết kế sân khấu và luôn kỳ vọng vào sự tài hoa của chị ở lĩnh vực đòi hỏi nhiều sức sáng tạo này.

Vở Trong hào quang bóng tối của đạo diễn Lý Khắc Lynh là vở thiết kế mỹ thuật thứ 100 của KimB. Chị định sau khi chốt lại 100 vở sẽ cho phép mình nghỉ ngơi một thời gian nhưng kế hoạch đã bị phá sản. Lynh đã mời tiếp chị vào vở mới Rạo rực sắp dựng để diễn tết này, và cô bạn thân Ái Như thì không tìm đâu ra người đồng cảm hơn KimB trong vở Cho em 150 phút phiêu lưu đang dựng.

Chị đã không phụ lòng anh. Từ một người vừa học vừa làm, gần 20 năm nay, KimB đã trở thành một trong những họa sĩ thiết kế được tin cậy nhất của sân khấu TP.HCM và có lẽ là nữ họa sĩ duy nhất trong cả nước theo nghề này. Hầu hết những vở do bàn tay chị chăm sóc đều toát lên sự cẩn trọng, chỉn chu và lạ mắt.

Người xem đã từng “sững sờ” trước một rừng trúc dày đặc, tạo điểm diễn khá thu hút cho nghệ sĩ ưu tú Thành Hội hoặc người hình rơm đầy ma mị trong vở Hãy khóc đi em, cũng như có được cảm giác lạnh lẽo với không gian trống trải, giản dị mà giàu sức gợi như sàn diễn của vở Những con ma nhà hát.

Hay những căn phòng bí ẩn được ngăn bằng chiếc cầu thang hứa hẹn nhiều đột biến trong vở Trai mới lớn cũng như chiếc mùng luôn buông kín bốn góc giường che giấu một số phận bi thảm trong Phận làm gái... KimB cho rằng tuy cảnh trí trong mỗi vở diễn đều lồ lộ ai cũng thấy song nghề của chị thật ra là nghề của hậu trường. Những vất vả, khổ nhọc thường chỉ mình mình biết, mình mình hiểu. Bởi có những vở rất bình thường, khán giả có thể chỉ thấy qua một chút rồi quên song sự vật vã lại luôn ở lại với người làm thiết kế.

Đụng phải tình hình sân khấu xập xệ, nghề không nuôi nổi mình, chị nói nhiều khi chán muốn bỏ nghề nhưng vì xác định làm sân khấu không phải vì tiền, chỉ là để thỏa mãn sự đam mê, để vui là chính nên dần dần chị tìm ra cách điều chỉnh với điều kiện thực tế. Không tung tẩy được như các sân khấu hiện đại của nước ngoài thì hãy cố bay tầm thấp kiểu xoay xở con nhà nghèo. Và chị tự động viên mình bằng ước muốn của anh lúc sinh thời, rằng thích vợ làm sân khấu.

Phóng to
Vở Tình yêu không thiên đường - Ảnh: Đoàn Khoa

KimB cho rằng công việc của họa sĩ thiết kế thuận lợi nhiều hay ít, tác phẩm đẹp hoặc xấu, tính sáng tạo giàu hoặc nghèo tùy thuộc vào sự ăn ý giữa họa sĩ và đạo diễn. Mỗi đạo diễn một cách làm, một tính cách khác nhau và người thiết kế phải tìm cho được tiếng nói chung. Trong số đạo diễn mà chị đã cộng tác có lẽ sự đồng điệu nhất phải kể đến là nữ đạo diễn Ái Như. Hai người đã sánh đôi hòa hợp cùng nhau suốt 18 năm nay.

Có thể nói hầu như tất cả các vở dựng của Ái Như đều có phần thiết kế mỹ thuật của KimB. Cặp bài trùng này hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc. KimB biết Ái Như rất kỹ tính, ngày cúng tổ khởi công lên sàn tập cũng là ngày nữ đạo diễn này phải nắm được trong tay bản maquette sân khấu hoàn chỉnh từng centimet mà trước đó hai bên đã có một quá trình dài trao đổi từng chút một để đi đến sự thống nhất. Ái Như xem KimB vừa là bạn thân vừa là người đồng hành đồng điệu ở tần số cao.

Nói như đạo diễn Ái Như, KimB là người phụ nữ mà bản lĩnh nằm trong sự mềm mại. Mấy chục năm qua, người ta không hiểu chị lấy đâu ra sức lực để vừa hoàn thành tốt công việc của một họa sĩ trình bày cho nhiều tờ báo, vừa trở thành một họa sĩ thiết kế sân khấu có vị trí, vừa làm một người nội trợ đảm đang hằng ngày của gia đình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận