TTCT - Với các kinh tế gia, cách duy nhất để thắng một cuộc chiến tranh thương mại là đừng khởi đầu một cuộc chiến như thế. Nhưng những động thái gần đây ở hai bờ Thái Bình Dương của các nền kinh tế số một và số hai thế giới đang đung đưa trên miệng hố một cuộc chiến bảo hộ mậu dịch. Sự đảo lộn thương mại toàn cầu có thể gây ra những hậu quả khó lường. Ảnh: Twitter Đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Sau đó ông công bố mức thuế suất 25% với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị ước tính 50-60 tỉ USD, thuộc các lĩnh vực hàng không, công nghệ thông tin và cơ khí. Trung Quốc đáp lại với thuế đánh vào hàng loạt sản phẩm Mỹ.Tiếp theo, đầu tuần trước, Tổng thống Trump nói ông sẽ áp thuế với khoảng 1.300 sản phẩm Trung Quốc. Vài giờ sau, Trung Quốc đáp lại, nhắm vào các máy bay của Boeing. Rồi hôm 5-4, Tổng thống Trump nói ông sẽ nhắm vào lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 100 tỉ USD nữa.Những vấn đề của cuộc chiếnTranh cử bằng khẩu hiệu dân túy, tổng thống Mỹ nói ông không hề khơi mào một cuộc chiến thương mại. “Chúng ta không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cuộc chiến đó chúng ta đã thua nhiều năm trước vì những kẻ ngu ngốc hay bất tài, những kẻ lẽ ra phải đại diện cho nước Mỹ - ông viết trên Twitter hôm 4-4 - Giờ chúng ta đang bị thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm, và bị tổn thất thêm 300 tỉ USD nữa vì nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ. Chúng ta không thể để chuyện này tiếp diễn”.Nhưng trong khi giọng điệu của hai bên có vẻ cứng rắn, các hành động chưa xứng tầm tên gọi “chiến tranh”. Chút kiểm tra thực tế: trong các vụ đánh thuế thép và nhôm, số thuế thu về của Mỹ sẽ vào khoảng 5 tỉ USD, chiếm 0,0003% nền kinh tế 19.000 tỉ USD của họ. Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ tạo ra các khoản thuế 750 triệu USD.Nếu tính theo tỉ lệ của hai nền kinh tế thì đó là những con số không đáng kể. Chiến tranh thương mại thật sự phải là như những năm 1930, khi đạo luật khét tiếng Smoot-Hawley được ban hành ở Mỹ dẫn tới việc tăng thuế 60% với gần 20.000 sản phẩm và làm thương mại của Mỹ với thế giới sụt giảm gần 75%.Một trong những mục đích chính của cuộc răn đe lần này từ phía Mỹ là vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tràn lan ở Trung Quốc.Tuy nhiên, Politico ngày 7-4 cảnh báo rằng ngăn cản được sự xâm phạm sở hữu trí tuệ “không có ích gì nhiều cho sức cạnh tranh hay sự thịnh vượng của nước Mỹ trong những năm tới”, cũng như “không mở cửa hơn thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Mỹ”. Tóm lại, Mỹ sẽ không cách gì “tái tạo được thời hoàng kim những năm 1950” khi họ là siêu cường số một và cả thế giới phải đuổi theo.Thống kê thương mại cũng nhiều vấn đề. Giới chính trị Mỹ tập trung quá nhiều vào con số thâm hụt hàng trăm tỉ USD với Trung Quốc, trong khi thực tế một tỉ lệ lớn trong đó là các công ty Mỹ lắp ráp sản phẩm trên danh nghĩa “sản xuất tại Trung Quốc” rồi bán tại Mỹ.Một chiếc iPhone chẳng hạn, được coi là hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, nhưng như nhiều kinh tế gia đã chỉ ra, chỉ một phần nhỏ giá trị trong đó thực sự ở lại Trung Quốc. Phần còn lại được phân phát khắp toàn cầu, với Apple - một hãng Mỹ - nhận phần nhiều nhất.Điều đó đúng với hầu hết các sản phẩm chế tạo khác không phải là tài nguyên hay nông sản. Tức là những sắc thuế Trung Quốc đang đánh lên hàng hóa Mỹ hiện giờ có thể gây hại cho Mỹ nhiều hơn là chiều ngược lại. Thịt lợn hay đậu nành, hay mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ nay sẽ phải chịu thuế, là những sản phẩm “thuần Mỹ”, trong khi các món nhôm, sắt, thiết bị viễn thông giờ có chuỗi sản xuất toàn cầu, mà Mỹ tham gia không ít công đoạn trong đó.Thêm nữa, ngay cả với khoản thâm hụt lớn, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất và có lẽ là triển vọng nhất cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, từ xe cộ, máy bay, nông sản cho tới du lịch, giáo dục.Bởi tất cả những điều đó, luận điệu mạnh bạo của Tổng thống Trump có thể không có nhiều tác dụng trên thực tế. Bản chất nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi, đủ tới mức cho phép họ cứ tiếp tục tiến lên bất chấp mọi động thái từ Mỹ, bởi lẽ Washington sẽ không thể gây ra sự sụp đổ cho thương mại của Trung Quốc mà không tự gây tổn hại tương tự cho Mỹ.Trong bối cảnh rộng hơnThực tế là nền kinh tế Mỹ đã gần như mở hoàn toàn ngay từ những năm 1980 và các hiệp định thương mại tự do lớn đã chỉ hạ thấp rào cản thương mại ở những nước đang phát triển mà thôi. Điều này càng đúng sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.Theo thỏa thuận ở WTO, Mỹ - đã mở cửa thương mại rồi - gần như không phải cam kết thêm gì nữa, trong khi các nước đang phát triển khác trải qua nhiều cải cách sâu rộng với nền kinh tế của họ.Lý do thực sự gây ra sự đảo lộn về trật tự kinh tế không phải là các thỏa thuận thương mại tự do, mà là sự nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển với vai trò những tay chơi lớn của kinh tế toàn cầu. Đây là điều ngay cả Mỹ cũng không thể ngăn cản.Trong khi hầu hết các nước đều cảm thấy ít nhiều bị đe dọa bởi thương mại với Trung Quốc và quan điểm buôn bán - kinh doanh “chỉ đạo từ chính quyền trung ương” của nước này, chính giọng điệu quá gay gắt với thế giới bên ngoài của Tổng thống Trump, từ việc rút khỏi các hiệp định thương mại tới phớt lờ WTO và hệ thống luật chơi đã được dày công xây dựng, mới là mối lo trước mắt lớn nhất của các nước.“Lịch sử cho thấy sự hung hăng về thương mại, giống như khi Mỹ săn đuổi Nhật Bản vào đầu những năm 1990, trong khi đạt được rất ít, lại gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng” - Lawrence Summers, giáo sư Đại học Harvard và cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, viết trên Financial Times ngày 8-4.Từ Trung Quốc, giới lãnh đạo tỏ ra hết sức tự tin là họ có thể thắng trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nếu nó thật sự nổ ra. Truyền thông nhà nước cũng mô tả Tổng thống Trump là kẻ bắt nạt liều lĩnh làm xói mòn hệ thống thương mại toàn cầu.“Trung Quốc không sợ chiến tranh thương mại” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao (Chu Quang Diệu) tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 6-4 về khả năng trả đũa.Với quyền lực kiểm soát rất lớn nền kinh tế, chính quyền Bắc Kinh cũng có nhiều đòn bẩy và giải pháp hơn hẳn so với Washington, vốn chịu nhiều ràng buộc về quyền hành.“Tôi có ấn tượng là ở Washington người ta phóng đại cảm giác đau đớn của những loại thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc” - Arthur R. Kroeber, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu đóng tại Bắc Kinh Gavekal Dragonomics, bình luận trên The New York Times. Ông ước tính tối đa thì Mỹ cũng chỉ gây ra thiệt hại tương đương với 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc, quá ít để tạo ra sự thay đổi chính sách có ý nghĩa.Bắc Kinh cũng tỏ ra đầy tính toán trong sự trả đũa của họ khi nhắm vào những điểm yếu cố hữu của nền chính trị Mỹ. “Lĩnh vực nông nghiệp Mỹ khá có ảnh hưởng ở quốc hội - Wang Yong (Vương Dũng), giáo sư kinh tế học ở Đại học Bắc Kinh, giải thích tại sao Trung Quốc nhắm vào nông sản Mỹ - Trung Quốc muốn để hệ thống chính trị nội bộ Mỹ làm việc thay”.“Nếu có ai muốn đấu nhau thì chúng tôi sẵn sàng - Thứ trưởng Chu nói - Nếu ông ấy (Trump) muốn thương lượng thì cánh cửa để mở”. Và giống mọi cuộc chiến khác, tập hợp lực lượng cũng đang diễn ra.Tuy nhiên, ông Trump, với tuyên ngôn “Nước Mỹ trên hết”, có lẽ khó lòng thuyết phục các đồng minh chính trị - quân sự tham gia vào cuộc chiến thương mại này. Trung Quốc, trong khi đó, đã tìm cách nắm thế thượng phong. “Mỹ sẵn sàng mở một cuộc chiến tranh thương mại với những lý do mơ hồ nhất - Nhân Dân Nhật Báo bình luận trong một bài xã luận hôm 4-4 - ... Ngày nay, họ nhắm tới Trung Quốc, ngày mai họ có thể nhắm tới các nước khác”.Hoàn Cầu Thời Báo thì chính trị hóa vấn đề và nói đây là “chính sách kiềm chế” Trung Quốc của Mỹ. “Nhưng họ hành động mà bỏ qua thực tế là Trung Quốc đã trở thành một trung tâm mới của nền kinh tế thế giới”. Bài xã luận cũng nói thị trường Trung Quốc “chẳng nhỏ hơn và cũng không hề kém hấp dẫn” so với thị trường Mỹ, một nhận xét có phần phóng đại nhưng không còn quá xa sự thật.■ Tên bay đạn lạcTrong khi nhiều nhà phân tích cho rằng các nền kinh tế nhỏ hơn có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nhờ cơ hội xuất hiện ở hai thị trường lớn này, trên thực tế rất khó biết được lợi ích đó có đủ để bù đắp cho thiệt hại hay không. Hiện 30% giá trị hàng hóa dán nhãn “sản xuất tại Trung Quốc” xuất khẩu sang Mỹ thực ra được tạo ra ở những nơi khác. Nếu cuộc chiến leo thang, các nước ở trong chuỗi cung ứng của “đại công xưởng” Trung Quốc sẽ gặp nhiều rủi ro.The Economist tính toán rằng theo con số tuyệt đối, các nhà cung cấp Nhật Bản gặp rủi ro nhất, bởi họ xuất khẩu nhiều nhất cho các công ty Trung Quốc sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Hơn 0,5% tổng sản lượng của nền kinh tế Nhật Bản được xuất khẩu sang Trung Quốc rồi sau đó xuất tiếp sang Mỹ.Tuy nhiên, tính theo tỉ lệ tương ứng với quy mô nền kinh tế thì thiệt hại của Nhật Bản không lớn, mà các nền kinh tế mở của châu Á như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia mới sẽ gặp nhiều rắc rối. Từ 1-2% tổng sản lượng ở các nền kinh tế này được xuất khẩu sang Mỹ qua đường Trung Quốc (sau giai đoạn lắp ráp, chế tạo). Nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 10%, một kịch bản cực đoan nhưng không phải là bất khả, tăng trưởng kinh tế ở các nước này có thể giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm, theo The Economist.Những nền kinh tế hưởng lợi sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc (hoặc Mỹ) ở hai thị trường này. Thêm nữa, xu hướng ngành chế tạo rời Trung Quốc vài năm qua vì chi phí lao động tăng sẽ càng nhanh hơn nữa bởi các sắc thuế mới. Tags: Mỹ - TrungChiến tranh thương mại
Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng như bị nhát ma ngày Halloween ÁNH HỒNG 31/10/2024 Sau nhiều ngày tăng như vũ bão, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm 54 USD/ounce vào tối nay, 31-10.
Cô bé ngồi buồn bên cửa lớp và đề văn... đáng sợ nhất VŨ TUẤN 01/11/2024 Nguyễn Thị Quỳnh Nga mất cha, mẹ thì bỏ đi, năm nay Nga đã đậu Đại học Hà Nội. Bà nội nuôi cháu từ hồi cháu còn thèm sữa mẹ, quyết định rao bán thửa ruộng của mình. Giờ vẫn chưa bán được nên hai bà cháu đi vay tiền để kịp cho Nga nhập học.
Việt Nam yêu cầu thả ngay ngư dân cùng tàu cá bị bắt giữ trái phép, bồi thường thiệt hại DUY LINH 31/10/2024 Bộ Ngoại giao nhấn mạnh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, kiên quyết phản đối việc bắt giữ của Trung Quốc và yêu cầu thả ngư dân đồng thời bồi thường.
Ukraine điểm mặt 3 tướng Triều Tiên có mặt tại Nga TRẦN PHƯƠNG 31/10/2024 Ukraine khẳng định ba tướng có tên tuổi của Triều Tiên đang có mặt tại Nga cùng với khoảng 500 sĩ quan và cho biết quân đội Bình Nhưỡng đã có mặt ở Donetsk.