Giáo dục và sự phân hóa xã hội

DANH ĐỨC 20/08/2019 04:08 GMT+7

TTCT - Ngày càng nhiều học sinh được hướng đến một nền giáo dục “quốc tế”, từ cấp mầm non tới du học, ngay từ bậc trung học và sau đó. Tất nhiên, trong những điều kiện thu nhập khác nhau, sự dị biệt này là tất yếu. Song, liệu điều đó có dẫn đến một xã hội phân hóa? Kinh nghiệm ở vài nước tư bản hàng đầu cho thấy gì? Và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế ra sao?

Ảnh: Nick Shepherd
Ảnh: Nick Shepherd

 

Trong vụ việc bi thảm ở Trường Gateway vừa rồi, lần đầu tiên một thực tế vốn đã hiển hiện ở Việt Nam từ hai thập niên qua bỗng dưng được đào xới: trường quốc tế. Người ta cãi nhau về quốc tế, tư thục, dân lập.

Ông Phạm Quang Hưng, cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), khi trả lời VTV News về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các trường mang danh quốc tế chỉ đơn giản nói: “Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non).

Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên”, và “nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ quốc tế mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định”.

Mầm mống phân hóa xã hội

Một giáo sư, cựu quan chức tên tuổi, phát biểu trên Tiền Phong 12-8-2019: “Thực chất đó là trường ở Việt Nam nhưng chỉ tên gọi có gắn chữ quốc tế mà thôi... Phụ huynh ở Việt Nam nếu không sâu sắc thường chỉ theo đuổi ba thứ: con được rèn luyện trong một môi trường giáo dục quốc tế; con học ngoại ngữ giỏi; được chăm sóc trong một điều kiện rất tốt.

Thường những người đó hướng cho con đi học ở nước ngoài”. Xu hướng cho con đi du học mà giáo sư trên nêu ra để giải thích hiện tượng ào ào cho con “học trường quốc tế” đã lên đến một “tầm cao mới” được Tuổi Trẻ 10-8-2019 mô tả trong bài báo về chuyện 47 hồ sơ du học sinh Việt Nam xin đi học tại New Zealand bị làm giả.

Bên cạnh đó, theo vị giáo sư, còn một lý do chủ quan: “Người gắn mác quốc tế cho trường cũng vì muốn lợi dụng tâm lý sính ngoại của phụ huynh, nhất là một số ông “trưởng giả học làm sang”... Với tâm lý sính ngoại như vậy, khi đưa hai chữ quốc tế vào sẽ làm lợi cho thương hiệu của trường, kèm theo là học phí cao.

Với những trường bình thường, nhiều khi chất lượng tốt nhưng phải qua nhiều năm mới được xã hội thừa nhận, mới tạo được lòng tin của xã hội, nhưng khi gắn chữ quốc tế vào, nhiều người lại ngộ nhận, tin ngay”.

Báo Tin Tức ngày 23-5-2017 từng đưa ra thống kê chi tiết: “Trung bình một năm học, các phụ huynh phải tốn chi phí gần 100 triệu đồng cho một lớp. Càng lên cao, học phí càng tăng. Riêng cấp III, các phụ huynh có thể phải tốn hơn 1 tỉ đồng để đầu tư cho con học lớp 10, 11 và 12”.

Tất nhiên, hiện tượng này không mới mẻ hay xa lạ. Giáo sư Jacques Attali, từng là chủ tịch Ngân hàng Tái thiết Đông Âu (BERD), mô tả trong “Phản kinh tế” (L’anti-economique) quá trình hình thành một mốt thời thượng như sau: ban đầu một ít người tách ra riêng, khác người, tạo ra quá trình dị biệt hóa; thấy lạ, trong số đông có người bắt chước theo, riết rồi chuyện cá biệt trở thành chuyện phổ quát, đại trà, hình thành quá trình phổ quát hóa; sau đó một số người lại khởi sự một cách dị biệt hóa khác..., từ một kiểu tóc, áo, quần, điện thoại, xe cộ... cho tới cho con đi du học.

Vấn đề ở chỗ, trong một xã hội mà lương bộ trưởng chỉ hơn chục triệu, làm sao lại có lắm người có thể đóng học phí siêu tưởng so với số đông như vậy, lắm tới mức mà sự đắt đỏ như thế không hề bị xem là bất thường, và việc mở “trường quốc tế” cũng là bình thường?

 

 

Tảng đá ngầm

Trong làn sóng đó, có ai quan ngại xem xã hội đang chuyển động thế nào, đến đâu? Tất nhiên, chuyện học hành không hề là tội lỗi, cũng không có chuyện bài bác người giàu, hay “dân túy” kiểu “bình dân vạn tuế” ở đây. Nhưng có những thực tế phải nhìn nhận trực diện.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả rà soát năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 toàn quốc cho thấy tổng số hộ nghèo là hơn 1,3 triệu và cận nghèo là hơn 1,2 triệu, chiếm hơn 10% số hộ cả nước.

Đương nhiên, Chính phủ đã và đang có chính sách hỗ trợ các hộ này. Song, nếu nhìn lại đặc điểm “thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản” nơi 2,4 triệu hộ này, thì thiếu hụt tiếp cận giáo dục là một trong những vấn đề lớn nhất. Làm gì để rút bớt khoảng cách tiếp cận giáo dục là công việc của Nhà nước.

Có thể mượn bài viết “Sự tập trung nạn nghèo khó trong các nhà trường Mỹ” đăng trên The Atlantic 29-2-2016 để thấy chuyện ở ta. Theo bài báo này, các thành phố, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu Mỹ lúc đó đã tìm ra những cách mới để giảm bớt tác động tiêu cực của nghèo đói tập trung đối với học sinh da đen và da nâu.

Ở khoảng một nửa trong 100 thành phố lớn nhất, hầu hết học sinh người Mỹ gốc châu Phi và Latin đều theo học tại các trường có ít nhất 75% học sinh thuộc diện hộ nghèo hoặc thu nhập thấp theo chuẩn của liên bang.

Đối với các gia đình gốc châu Á sinh sống ở quận Cam (Orange County, California), nơi đông người gốc Việt, câu chuyện trên về các học sinh gốc Mễ hay da đen chiếm đa số trong một số trường không xa lạ gì, thậm chí có khi tạo ra phản ứng “né tránh” kín đáo... Đấy là một thí dụ khác của sự phân hóa xã hội trong giáo dục!

Một nhà nước phải nắm được bất bình đẳng đang diễn ra ở đâu, như thế nào, với những ai..., để ít nhất cũng có được một số biện pháp tối thiểu. Trong trường hợp này, ở Mỹ, học sinh thuộc diện hộ thu nhập thấp được tham gia chương trình ăn trưa miễn phí và giảm giá của liên bang.

Cụ thể, mức được ăn trưa miễn phí là từ một gia đình 4 người có thu nhập 31.525 USD/năm trở xuống. Việc phát phiếu ăn trưa không đơn giản chỉ là chuyện miếng ăn và tiền bạc, mà còn vì nhiều mục đích quan trọng khác mà giới hoạch định chính sách đã thấy được.

Bài báo viết: “Sự cô lập quá mức của học sinh da màu trong các trường học tập trung chủ yếu toàn học trò gia đình có thu nhập thấp có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực cải thiện kết quả giáo dục và cung cấp đội ngũ công nhân lành nghề cho nền kinh tế khi mà các học trò đó chiếm đa số trong các cuộc tuyển sinh toàn quốc”. Tức ngày hôm nay khi trao phiếu ăn trưa, nhà chức trách muốn nhìn thấy 5-10 năm nữa, cảnh quan thị trường lao động và tuyển sinh sẽ được cải thiện.

Một ví dụ cụ thể là ở Dallas, một trong những thành phố phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Ở đây, gần 80% học sinh, chủ yếu là da đen và gốc Latin, đang học ở những trường được xem là rất nghèo. Nhà chức trách Mỹ đã đặt vấn đề ở hai cấp: thành phố Dallas và tiểu bang Texas.

Với giới hữu trách giáo dục thành phố, nền kinh tế tương lai của Dallas phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ có chuẩn bị được một lực lượng lao động chất lượng hay không. Hiện tại, tỉ lệ sẵn sàng học đại học ở các học trò người Mỹ gốc Phi và Latin chỉ là 5-6%, trong khi họ đại diện cho 80% số thanh niên đến tuổi ghi danh đại học trong tương lai. “Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế đến năm 2025, đó sẽ là sự tự sát về mặt kinh tế” - Thị trưởng Mike Rawlings của Dallas cảnh báo.

Giáo dục Việt Nam đã đạt không ít thành tựu từ sau Đổi mới, nhưng tình hình hiện tại đang chuyển biến rất nhanh. Cách đây hơn hai năm (12-6-2017), tại hội thảo quốc tế “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1” do Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và UNICEF tổ chức, Giám đốc các chương trình dự án của WB tại Việt Nam Achim Fock đã khuyến cáo: “Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển giáo dục.

Thông qua chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Việt Nam đã bảo đảm quyền tiếp cận ít nhất một năm giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em, tiếp đó là giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tham vọng hơn và tuyên bố rằng quyền tiếp cận giáo dục, tức đơn giản cho trẻ ngồi trong lớp học, là chưa đủ”.

Cũng thế, ông Youssouf Abdel Jelil, đại diện UNICEF Việt Nam, nhấn mạnh yêu cầu cho tương lai: “Giáo dục phải có chất lượng cao để bảo đảm trẻ học tập được. Đầu tư vào phát triển tuổi thơ là đầu tư với chi phí thấp và có hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Những can thiệp ngay từ sớm cho trẻ em sẽ giúp các em đạt được nhiều thành công khi đến tuổi đi học tiểu học và cải thiện sức khỏe cũng như giúp các em phát triển toàn diện. Khi trưởng thành, các em sẽ có cơ hội có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, sức khỏe tốt hơn và lệ thuộc ít hơn vào phúc lợi xã hội”.

Để kết luận, có thể dẫn lời Christian Bodewig, điều phối viên phát triển con người của WB tại Việt Nam: “Việt Nam không nên chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn, đào tạo nghề và giáo dục đại học, mà cần phát triển tư duy phản biện và làm việc nhóm từ tiểu học, phổ thông cơ sở và trung học”. Điều đó sẽ mang tới cơ hội giải được bài toán phân hóa xã hội trong tương lai.■

Việc đơn giản?

Một cháu bé đã chết vì sự tắc trách của một ngôi trường. Như mọi khi, cộng đồng mạng không dung thứ cho lỗi lầm chết người này. “Một việc đơn giản cũng không làm xong là kiểm tra học sinh ở trên xe và cô giáo chủ nhiệm điểm danh không thấy mà cũng không gọi cho phụ huynh...”, đó là những dòng chia sẻ tôi gặp nhiều nhất trong những ngày sau sự việc đau lòng này.

Vấn đề là: Tại sao đám đông lại coi việc kiểm tra học sinh trên xe và thông báo cho phụ huynh khi con không có mặt trong lớp, là một “việc đơn giản”, trong khi xét về bản chất công việc, đây chính là hai công việc sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và sự an toàn của học sinh?

Không biết khi phân công công việc trong nhà trường, người điều hành có coi đó là một công việc đơn giản hay không? Và trong một nhà trường hay trong một mô hình giáo dục, việc gì là quan trọng và việc gì là đơn giản? Ai là người quan trọng hơn ai trong một nhà trường? Việc của một nhân viên đưa đón học sinh hằng ngày và việc một thầy giáo lên lớp, việc nào quan trọng và việc nào đơn giản?

Câu trả lời của tôi là: không có việc gì là việc đơn giản, cũng không có ai là quan trọng hơn ai ở trong một nhà trường. Mọi công việc đều quan trọng như nhau và khi làm thì đều cần sự cẩn thận, chi tiết và phải được làm với thái độ tận tâm.

Làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ em đầu đời luôn căng thẳng và gặp những áp lực rất lớn đến từ nhiều phía: nhà trường, gia đình học sinh... Nhưng có một áp lực vô hình mà những người làm thực hành giáo dục phải tự ý thức được và tự nguyện mang nó trong suốt quá trình làm nghề của mình, đó là vì xã hội luôn coi trẻ em là ưu tiên quan trọng hàng đầu, là tương lai của đất nước.

Tất cả những mong muốn về tương lai của mình, con cái mình và rộng hơn là của xã hội như thế nào, phụ thuộc vào việc xã hội ấy, cha mẹ ấy, thầy cô và nhà trường ấy cư xử, chăm sóc và dạy dỗ trẻ em từ hôm nay ra sao. Nếu những người làm giáo dục luôn thuộc nằm lòng suy nghĩ đó thì khi bắt đầu một công việc, người ta sẽ biết cẩn trọng, kỹ lưỡng, sẽ không coi việc gì là việc đơn giản cả. Tương lai luôn là câu trả lời của quá khứ.

Ngành giáo dục phụ thuộc phần lớn vào con người, ở đây là bộ ba giáo viên - học sinh - phụ huynh. Mọi quy trình giám sát, phòng ngừa rủi ro, dù được xây dựng kỹ lưỡng đến đâu về mặt kỹ thuật cũng vẫn phải được vận hành hoàn toàn bởi con người.

Mà làm việc với con người thì cũng chưa bao giờ là việc đơn giản cả. Những sai sót và lầm lỗi của người khác mắc phải hôm nay, cũng có thể là của mình trong tương lai. Và nếu bạn là một giáo viên, đừng quên, có những lỗi lầm không bao giờ sửa chữa được.

Lê Đăng Ninh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận