Giữ lại lúa xưa

MINH TÂM 07/04/2008 07:04 GMT+7

TTCT - Hàng chục năm trước nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ gieo trồng các loại lúa mùa... cho hạt gạo thơm ngon. Khi khoa học phát triển, những giống lúa ngắn ngày mới đua nhau mọc, diện tích lúa xưa ngày càng thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Có một tiến sĩ nhà nông vì tiếc lúa xưa đã bỏ công của để sưu tầm gìn giữ.

Phóng to
TS Nguyễn Văn Đệ bên giống lúa nổi
TTCT - Hàng chục năm trước nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ gieo trồng các loại lúa mùa... cho hạt gạo thơm ngon. Khi khoa học phát triển, những giống lúa ngắn ngày mới đua nhau mọc, diện tích lúa xưa ngày càng thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Có một tiến sĩ nhà nông vì tiếc lúa xưa đã bỏ công của để sưu tầm gìn giữ.

Đó là tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT). Năm 2000 ông được cánh nhà nông cả nước thán phục khi nghiên cứu thành công và phổ biến bảng so màu lá để bón đạm cho lúa. Chỉ cần dùng bảng so màu này đọ trên cây lúa, nông dân nhìn màu lá là biết lúa cần bao nhiêu lượng phân, rồi căn cứ theo đó mà bón cho đủ. Đề tài này giúp nhà nông tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường khi lạm dụng quá mức phân bón.

“Khoảng 32 năm trước, thầy Võ Tòng Xuân - trưởng bộ môn cây lúa, khoa nông nghiệp Trường ĐHCT - đã khởi xướng bảo tồn, gìn giữ các loại giống lúa cổ truyền. Khi ấy lúa thần nông đã du nhập VN. Đây là loại lúa kháng rầy, một năm sản xuất nhiều vụ nên được nông dân sử dụng đại trà khiến diện tích lúa mùa thu hẹp dần. Cả thầy và trò đều nghĩ cứ đà này chắc không còn ai mê trồng lúa mùa, mà để nó mất đi thì thiệt thòi vô cùng cho ngành nông nghiệp và cả sự hiểu lầm sai lệch của thế hệ sau này về lúa xưa” - ông nhớ lại.

Khi ấy ông Đệ mới là sinh viên năm 3. Gia đình sống bằng nghề nông, nên khi nghe thầy Xuân khuyên vậy, ông tâm đắc vô cùng rồi nhiệt tình cùng các bạn sinh viên chung khóa đi sưu tầm giống lúa. Các giống lúa đầu tiên thu thập được là nàng tro, ba kiếu, ba trúc, gẫy xe, châu hàng võ, trắng chùm, trắng lép... được ông gìn giữ trân trọng như vật quí. Ông kể: “Thời điểm đó viện chưa có kho lưu trữ lạnh, đến năm 1983 mới có. Kho lưu trữ lạnh bảo quản giống 5-7 năm, còn kho lưu giữ thông thường chỉ một năm. Nên sưu tập giống lúa cổ truyền nào xong là mỗi năm mỗi đem ra trồng lại, rồi đem đi lưu trữ tiếp. Nếu không làm thế, lúa sẽ hư hột ít nảy mầm”.

Phóng to

Năm 1979 tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường ông Đệ mừng lắm vì đã có hướng thực hiện ước mơ về bảo tồn lúa giống. Ông lội xuống ruộng, tập huấn kỹ thuật sản xuất mới cho nhà nông và tranh thủ những dịp đó để sưu tập các loại lúa đang mai một dần. Càng tìm hiểu, ông càng bị cuốn hút với vô vàn câu chuyện về lúa của nông dân.

Như giống lúa mùa lót chữ đầu là nàng... có xuất thân từ người Khơme. Bà con gọi thế ví như cái đẹp cần được tôn vinh, trân trọng. Còn giống đỏ mồ côi, nghe kể đâu năm đó cả ruộng lúa ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu bị vỡ đê, lúa bị ngập nước chết, chỉ duy nhất một bụi lúa còn sống và đỏ mồ côi có tên từ đó để ví như tình cảnh một đứa trẻ mất cha mất mẹ còn lại côi cút một mình.

Lúa trời hay còn gọi là lúa hoang, lúa ma cũng có một điển tích riêng. Truyền rằng năm đó lũ lớn, lúa chết, dân đang rầu rĩ vì thiếu mạ cấy, bỗng một giề lúa từ đâu trôi lại, mừng quá họ lấy đó để cấy và đặt tên là lúa trời ví như của trời đất ban tặng. Có lúa mang tên người nông dân sản xuất đầu tiên như Ba Thiệt, Hai Hoành ở miệt Sóc Trăng. Giống này đến nay ở vùng Mỹ Xuyên, Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nông dân vẫn còn gieo trồng. Tiến sĩ Đệ phân tích: “Lúa mùa trồng ở điều kiện khác nhau thì có hình thái di truyền khác nhau, chất cũng khác nhau. Như lúa nanh chồn trồng ở vùng nước mặn, lá xanh nhạt hơn, hạt nhỏ hơn nhưng chất ngon hơn trồng ở vùng nước ngọt. Giống nàng thơm chợ đào trồng ở đâu cũng không ngon bằng ở Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An...”.

Với ông, quan trọng nhất là một số loại lúa mùa có chất lượng gạo “ăn đứt” các loại lúa mới bây giờ. Lúa xưa còn có ưu điểm như chịu mặn, chịu ngập úng..., nhưng những nguồn gen quí đó đang mai một dần. Nếu giữ lại được nguồn gen này, các nhà khoa học có thể lai tạo chúng với các lúa đời sau cho cây lúa tốt hơn về năng suất, phẩm chất.

Ngoài lúa, hơn mười năm nay ông còn mở rộng sưu tập nông cụ với cơ man nào là nọc cấy, vòng gặt, cày đỏi, cày chét, đập lúa, bàn nhổ mạ, ách đôi, bù cào... Trong đó có những thứ trục cày trên 100 tuổi. Ông nói giống như lúa mùa, khi máy móc hiện đại thay thế, những nông cụ thô sơ sẽ mất dần, nếu không sưu tập lấy gì cho con cháu mai sau biết hồi đó ông cha ta sản xuất ra hạt lúa cơ cực như thế nào.

ĐBSCL là kho lúa của cả nước nhưng mỗi vùng trồng lúa khác nhau, phương pháp canh tác khác nhau kéo theo công cụ sử dụng cũng khác nhau như vòng gặt, công cụ dùng để kéo lúa. Vòng gặt của bà con Khơme lưỡi hái thẳng 1800 với mặt vòng, tư thế cầm từ phải sang trái kéo lên. Còn vòng gặt của người Kinh lưỡi hái thẳng góc với mặt vòng, tư thế cầm móc từ trên xuống gom được nhiều lúa...

Hiện chỗ tiến sĩ Đệ đang lưu trữ 1.600 giống lúa mùa các loại ở ĐBSCL và 400 giống lúa rẫy ở Tây nguyên, các vùng núi phía Bắc. Trong các giống lúa mùa ở ĐBSCL có những giống chịu phèn rất tốt như nàng nhuận, nàng co đỏ, một buổi đỏ... Có giống rất thích hợp với lũ như nàng tây, tàu binh, huyết rồng, lá rừng... Có giống nức tiếng vì dẻo, thơm ngon mà đến giờ lúa thần nông cũng không thể sánh bằng như nanh chồn, nàng thơm chợ đào...

Ông bảo ngân hàng giống lúa và nông cụ đó là “tài sản” chung, là sự chung tay góp sức của ông cùng bao anh em trong viện. “Mỗi khi đi đâu thấy giống lúa cổ truyền là anh em trong viện mang về bổ sung cho kho sưu tập, nhờ đó mà “tài sản” lúa xưa ngày càng phong phú, đa dạng”.

Ở tuổi 52, tiến sĩ Đệ ấp ủ nhiều dự định. Ông tâm sự những hiện vật về chiến tranh, đồ cổ và mọi thứ đã có người sưu tập, nhưng về lúa mùa thì chưa. Anh em trong viện của ông khát khao được lập một bảo tàng nông nghiệp trưng bày các giống lúa cổ truyền, những nông cụ sản xuất, những bộ phim tư liệu tái hiện cảnh làm lúa từ thời khẩn hoang đến hiện tại để người xem hiểu rõ về lịch sử nền văn minh lúa nước của ĐBSCL.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận