Góp ý về các mục tiêu giáo dục

PGS.TS PHẠM LAN HƯƠNG 15/01/2009 17:01 GMT+7

TTCT - Dự thảo chiến lược được xây dựng kịp thời, công khai cho mọi người góp ý chứng tỏ công tác GD đã được dân chủ hóa và ngày càng có nhiều chuyển biến tốt hơn. Dù chính danh hay không, đây vẫn là một phần của nội dung cải cách giáo dục mà người dân VN đang mong mỏi.

Phóng to

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục (GD) 2009-2020 cần được xem xét theo ba mục tiêu của ngành GD:

- Nâng cao dân trí

- Đào tạo nhân lực

- Bồi dưỡng nhân tài

Những mục tiêu này cần được phân tích trong bối cảnh của thập kỷ tới, với cả thời cơ và thách thức, với những yêu cầu đặt ra cho ngành GD để đưa nước ta thành một nước công nghiệp phát triển trung bình vào năm 2020.

Bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi phải đào tạo công dân VN, không những của VN mà còn của toàn cầu. Điều này đòi hỏi học sinh ngay từ những ngày đầu đi học phải thấm nhuần các giá trị của VN và của toàn cầu, được giáo dục một cách cụ thể, sinh động về đạo đức, lối sống văn minh, tính độc lập và hòa đồng trong tập thể nhỏ cũng như quốc gia, quốc tế.

Bối cảnh toàn cầu cũng đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực theo thị trường VN và phần nào đáp ứng thị trường khu vực và thế giới. Nghĩa là phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường VN cũng như dự đoán nhu cầu của thị trường thế giới. Chỉ tiêu và mở ngành đào tạo phải dựa trên các số liệu cung cấp của các ngành kinh tế cũng như xã hội. Nếu không bám sát các dữ liệu này thì mọi chỉ tiêu cũng chỉ mang tính ước lệ, chủ quan.

Phần phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, dự thảo đã nhận diện được hầu hết khía cạnh và phân tích lý thuyết một cách khá sâu sắc. Những yếu tố mới được mạnh dạn đưa vào như giáo dục vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân (mục III 3) hay tăng cường yếu tố cạnh tranh trong hệ thống GD là một trong những động lực phát triển GD (mục III 5). Tuy nhiên chưa có những đề xuất thật cụ thể, các quan điểm chỉ đạo phát triển GD vẫn chung chung.

Đọc xong đề án, các trường đại học, dạy nghề cuối cùng vẫn không biết phải làm thế nào để năm 2020 có thể cung cấp cho đất nước một lực lượng lao động giúp VN trở thành một nước công nghiệp phát triển trung bình.

Về mục tiêu đầu tiên: “Nâng cao dân trí”

Thành công nhất của ngành GD nước ta trong những năm qua chính là bước chuyển từ nền GD “tinh hoa” sang “đại chúng”. Tuy nhiên chất lượng chưa được coi trọng đúng mức. Đối với GD phổ thông, VN không kém nhiều so với thế giới nhưng còn một số vấn đề ít được quan tâm như tính công bằng cơ hội GD, tính dân chủ trong quản lý, tính đặc trưng của GD từng vùng miền khác nhau.

Chủ trương đưa tiếng Anh vào chương trình GD là rất tốt. Không nên coi tiếng Anh là một ngoại ngữ, là ngôn ngữ của nước Anh hay nước Mỹ mà phải coi là ngôn ngữ quốc tế. Ví như ở VN dù có 54 dân tộc nhưng tất cả phải cùng nói tiếng Việt trong giao tiếp. Nếu không biết tiếng Anh chúng ta không thể học tập các nền GD và khoa học kỹ thuật tiên tiến khác, không thể hội nhập quốc tế tốt được.

Trong điều kiện một nước kém phát triển như nước ta, muốn vượt lên không có cách nào khác là phải đặt công nghệ thông tin và tiếng Anh như những công cụ phát triển hàng đầu. Tuy nhiên nước ta là một nước đa dân tộc, trình độ dân trí khá chênh lệch giữa các vùng miền, do đó không nên đưa ra một chỉ tiêu chung, nhất là với GD phổ thông. Với học sinh dân tộc thiểu số, việc học cùng lúc hai ngôn ngữ (tiếng dân tộc và tiếng Việt) đã là một khó khăn lớn, nay lại phải học tiếng Anh ngay từ lớp 3 thì quả là một điều không tưởng!

Xã hội hóa GD là một chủ trương lớn trong sự nghiệp “nâng cao dân trí”, nên chăng Nhà nước trao (hay phân cấp) hệ giáo dục mầm non cho các tổ chức xã hội hay các địa phương đầu tư, quản lý, vừa để xã hội được đóng góp nhiều hơn, có trách nhiệm nhiều hơn với GD, vừa để tập trung nguồn tài chính nhiều hơn cho hệ GD phổ thông và sau trung học.

Chương trình phổ thông hiện nay bị cho là quá nặng, nhưng so sánh với chương trình các nước thì ta vẫn còn kém về nhiều mảng kiến thức hiện đại. Thực tế thì chương trình của ta đã lạc hậu lâu quá rồi. Giáo viên chưa được đào tạo kỹ theo chương trình mới nên cũng chưa đủ kiến thức và phương pháp để truyền đạt một cách dễ hiểu cho học sinh. Nhiều giáo viên chưa biết cách tổng kết và chọn lọc kiến thức nên chỉ biết chất đầy vào đầu học sinh những gì viết trong sách giáo khoa, làm việc học trở nên nặng nề và quá tải.

Hơn nữa, do thiếu cơ sở vật chất nên học sinh không tiếp thu hiệu quả một số kiến thức có khi rất đơn giản. Vì vậy, với việc chuẩn bị soạn lại chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới, không nên chỉ giảm theo hướng bỏ bớt kiến thức (nếu chúng ta không muốn lạc hậu so với thế giới) mà nên nghiên cứu tinh giản với cách biểu đạt dễ hiểu, đồ dùng giảng dạy thích hợp và bố trí bồi dưỡng giáo viên hoặc đào tạo lại tại các trường đại học. Đặc biệt mỗi bộ môn nên có một tổng công trình sư từ lớp 1 đến đại học (chiều dọc) và tổng công trình sư thiết kế cho từng bậc học (chiều ngang) để bảo đảm sự thống nhất, hài hòa giữa các chương trình.

Về “đào tạo nhân lực”

Nội dung “đào tạo nhân lực” chủ yếu thực hiện ở các trường dạy nghề từ sơ cấp đến sau đại học. Các mục tiêu này chỉ có thể đạt được trên cơ sở bám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội. Để vươn tới nền kinh tế tri thức, cơ cấu của nền kinh tế cũng cần chuyển đổi mạnh mẽ, yêu cầu phân bổ lao động sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Trong dự thảo chiến lược, chúng tôi chưa thấy phân tích yếu tố này một cách rõ nét. Đồng thời với quá trình toàn cầu hóa, người lao động VN sẽ phải tìm những cơ hội để lao động ở nước ngoài với mức lương cao hơn và sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm tiên tiến hơn. Chiến lược đào tạo cho xuất khẩu lao động, kể cả lao động trí thức, dường như vẫn chưa được đề cập.

Chúng tôi cho rằng các đại học nên tổ chức theo hướng đa ngành và bố trí chương trình kiểu môđun mới phù hợp và phát huy hiệu quả việc chuyển chương trình từ kiểu niên chế sang kiểu tín chỉ. Hiện nay chúng ta còn nhiều đại học đơn ngành như đại học marketing, ngoại ngữ - tin học, răng - hàm - mặt... hay nhiều đại học cấp tỉnh mới thành lập quá nhỏ, rất khó phát triển.

Áp dụng học chế tín chỉ cho một trường nhỏ thì chi phí sẽ rất cao, đồng thời không xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng. Mặt khác cơ hội chọn ngành nghề hay học liên thông của sinh viên cũng bị hạn chế rất nhiều. Với các tỉnh chỉ nên tổ chức các chương trình đại học hay cao đẳng cộng đồng theo hướng phục vụ phát triển địa phương. Chúng tôi hoan nghênh việc tổ chức các đại học tầm quốc tế với đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, trước hết nên có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tránh tình trạng bị động và chắp vá như hiện nay.

Đổi mới chương trình từng bước theo kịp các chương trình quốc tế là rất cần thiết. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã cho phép liên thông, nhưng cấu trúc chương trình như thế nào để bảo đảm sinh viên khi ra trường làm được những công việc theo bằng cấp của mình, và khi liên thông lên cấp trên lại không bị trùng lặp các môn học cũ, vẫn đang là vấn đề nan giải ở nhiều trường. Liên thông cần được nghiên cứu kỹ về tính thống nhất trong cấu trúc hệ thống.

Về “bồi dưỡng nhân tài”

Dự thảo đề cập quá mờ nhạt. Mục tiêu này phải bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Trong đội ngũ trí thức ngày nay tình trạng “chảy máu chất xám” không phải là ít. Tuy nhiên trong dự thảo cả về thành tựu cũng như yếu kém chẳng hề nhắc nhở đến vấn đề này. Đến phần mục tiêu chiến lược cũng chỉ có một câu, trong giáo dục phổ thông, là: những học sinh có năng khiếu được chú trọng đào tạo và bồi dưỡng một cách toàn diện để trở thành vốn quý của đất nước, và trong GD đại học là: bồi dưỡng sinh viên tài năng để chuẩn bị đội ngũ nhân lực cao. Nhưng bồi dưỡng như thế nào, sử dụng ra sao thì không thấy nói.

***

Dự thảo chiến lược được xây dựng kịp thời, công khai cho mọi người góp ý chứng tỏ công tác GD đã được dân chủ hóa và ngày càng có nhiều chuyển biến tốt hơn. Dù chính danh hay không, đây vẫn là một phần của nội dung cải cách giáo dục mà người dân VN đang mong mỏi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận