Hai "ông già" ở 5B

CÁT VŨ 23/04/2009 17:04 GMT+7

TTCT - Khán giả của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) thời gian gần đây luôn bị cuốn hút bởi một cặp diễn viên bài trùng, hơi “cứng” tuổi đời, nhưng với khả năng quăng bắt tài tình, kẻ tung người hứng nhịp nhàng, vừa hóm hỉnh vừa duyên dáng, đã tạo ra nhiều trận cười sảng khoái cũng như những cảm xúc luôn làm vấn vương lòng người.

Phóng to
Thanh Hoàng (trái) và Nguyễn Việt Anh trong Dạ cổ hoài lang

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Việt Anh và nghệ sĩ Thanh Hoàng - người hom hem với gương mặt khắc khổ thường trực, kẻ phương phi với chiều cao trên 1,78m kèm phong thái đường bệ trong đi đứng.

Cuộc đụng đầu của hai nửa dị biệt

Vẻ bề ngoài khác biệt vô hình trung dẫn đến sự đối lập trong tính cách của các nhân vật mà họ thủ diễn. Như trong vở Nếu như yêu đang khá ăn khách, cũng thời là đại gia nhưng nếu ông Quân của Thanh Hoàng là một người luôn thẳng thắn bộc lộ sự khinh khi đối với những cô gái bám gót mình thì đại gia Trần của Nguyễn Việt Anh lại không giấu giếm sở thích quấy rối những người đẹp chân dài.

Còn ở vở 270gr, cuộc đụng độ giữa ông già trễ tàu Thanh Hoàng và ông già bán áo mưa Nguyễn Việt Anh gần như diễn ra liên tục. Một ông mong trời khô ráo để đứng chờ tàu và một ông luôn cầu mưa để bán được nhiều hàng. Nhưng trong tận cùng ngõ ngách của tâm hồn, hai ông lại không mấy khác nhau khi cùng mang theo gần cả cuộc đời nỗi đau âm thầm về một cuộc nhân duyên không đoạn kết. Sự đối đầu giữa hai ông già gân này còn mang tính trường kỳ hơn trong vở Dạ cổ hoài lang. Tình cờ gặp nhau ở bên trời Tây khi cùng được con cháu rước qua định cư, hai ông già ngồi nhớ quê, nhớ luôn cả một quá khứ “tình thù” khi ngày ấy hai chàng trai làng cùng đem lòng yêu tha thiết một nàng thôn nữ.

Sự gặp gỡ mang tính xung đột của hai nghệ sĩ này trên sàn diễn còn xảy ra trước đó, khi họ sắm vai hai cha con cùng nghề cảnh sát trong vở kịch truyền hình Con vịt mồi. Viên cảnh sát cha Nguyễn Việt Anh đã về hưu, vạch giúp cảnh sát con Thanh Hoàng kế hoạch phá một vụ cướp giả định. Đến khi vụ cướp diễn ra trót lọt, thoát khỏi mọi hướng chặn bắt của cảnh sát, người cha chợt hiểu ra rằng thủ phạm không ai khác chính là ông con cảnh sát và cuối cùng, vì danh dự nghề nghiệp, người cha đã tự tay xử bắn con trai mình.

Không chỉ ngược nhau về ngoại hình, đối lập nhau trong tính cách nhân vật, hai “ông già” này còn tạo sự thú vị bằng hai lối diễn hoàn toàn khác xa nhau. Con người ngoài đời của Nguyễn Việt Anh bộc trực, sôi nổi, nóng nảy nên cách diễn thiên về sự ngẫu hứng cùng sự thiên biến vạn hóa trong cách nhấn nhá đài từ; Thanh Hoàng là người thâm trầm, kín đáo, tinh tế nên cách diễn cũng chậm rãi, từ tốn, chờ cơ hội chộp lấy những đột biến trong tâm lý và trong tình huống kịch. Họ là hai nửa dị biệt tất yếu cho việc bổ sung để làm nên một thực thể hoàn hảo.

Tương đồng của tương phản

Nếu Nguyễn Việt Anh, nhờ chiếc đầu hói bẩm sinh, đã “kết” với vai ông già từ khi còn khá trẻ thì Thanh Hoàng không hiểu duyên nợ gì lại cũng gặp ngay vai lão ngay tuổi 20, khi chưa kịp ra trường. Đó là vai ông Sáu, chồng của bà Sáu do nghệ sĩ Diệu Đức đóng trong vở kịch Người về hưu từng được phát trên truyền hình những năm 1980.

Cuộc “đụng độ” đầu tiên giữa Nguyễn Việt Anh và Thanh Hoàng trên sân khấu là khi cả hai cùng diễn trong vở Dư luận quần chúng cách đây gần 30 năm. Công việc chính của Thanh Hoàng lúc ấy là làm hậu đài, phụ trách cảnh trí, phông màn cho vở. Nhân một bữa nghệ sĩ Lê Bình - người đóng vai một ông lão đem đơn đi kiện chính quyền - bận công chuyện bỏ vai, Thanh Hoàng được kêu vào đóng thế. Lần đóng chung đó chỉ như một kỷ niệm thoáng qua bởi khi ấy so với tuổi đời lẫn đẳng cấp nghề nghiệp, đàn em Thanh Hoàng vẫn hãy còn đâu đó trong góc khuất trước ngôi sao Nguyễn Việt Anh đang tỏa sáng.

Có một điều cũng khá thú vị, Nguyễn Việt Anh theo học ngành đạo diễn nhưng cả đời chỉ làm diễn viên và để đời bằng các vai diễn, trong khi Thanh Hoàng tốt nghiệp diễn viên lại có nhiều thành công với nghề dàn dựng và viết kịch bản. Những vở kịch ngắn anh viết và đạo diễn cho sân khấu quần chúng một thời như Giấc mơ người tù, Thư video, Chuyện trong đêm... đều gặt hái vinh quang bằng những chiếc huy chương vàng toàn thành cũng như toàn quốc.

Khi về với sân khấu chuyên nghiệp 5B, những vở mà Thanh Hoàng là tác giả như Trầu cau, Chuyện tình yêu, Cha yêu, Thời email... đều là những vở diễn được người xem yêu thích. Đặc biệt nhất phải kể đến vở Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1994 và đã làm chấn động Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội khi “vét sạch” các giải thưởng: một cho tác giả xuất sắc và cả bốn diễn viên trong vở đều đoạt huy chương vàng. Và đây cũng chính là vở đã đem lại cho Nguyễn Việt Anh vai ông Năm để đời, kéo dài suốt 14 năm qua với trên 500 suất diễn.

Có gương mặt tương phản trên sàn diễn cũng như khác biệt nhau trong tính tình, song hai “ông già” này hiện có chung một trọng trách là phó giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B. Nguyễn Việt Anh phụ trách công tác đào tạo, Thanh Hoàng lo tổ chức biểu diễn.

Sau một thời gian dài xáo trộn, nhà hát 5B giờ đây đã đi vào ổn định và những cánh chim đầu đàn như Nguyễn Việt Anh và Thanh Hoàng sẵn sàng lùi lại làm “dàn bao” cho lớp diễn viên mới. Cho dù cách sống và sở thích của mỗi người có khác nhau, chẳng hạn như Nguyễn Việt Anh chiều chiều thích xỏ giày ra sân làm tiền vệ bóng đá, còn Thanh Hoàng chỉ muốn bật tivi xem các trận cầu quốc tế lúc đêm khuya, thì những lo lắng, trăn trở về nhà hát luôn kéo họ nhìn về một hướng. Họ đang cùng suy nghĩ để đưa nơi họ quản lý thành một nhà hát có những vở diễn đạt tiêu chí 3 trong 1: nghệ thuật, doanh thu và đúng định hướng...

Gặp nhau... tình cờ

Nguyễn Việt Anh và Thanh Hoàng cùng đến với nghệ thuật bằng một sự tình cờ. Ngày ấy, rời thanh niên xung phong, Nguyễn Việt Anh về tham gia đội kịch nghiệp dư Nhà văn hóa Thanh niên. Chưa kịp sắm vai gì đáng kể, một hôm anh đến xem các bậc đàn anh ở Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát sân khấu 5B) tập vở kịch Romania Dư luận quần chúng đang gây tiếng vang để chuẩn bị cho một đợt diễn mới.

Người đóng vai tổng biên tập báo Đuốc Sống Cristi Noiu không có mặt, sẵn thấy Nguyễn Việt Anh ngồi đó, đạo diễn nhờ lên tập thay. Chẳng ngờ anh nhập vai quá xuất sắc khiến đạo diễn quyết định giao luôn cho anh vai này. Đó chính là vai diễn đầu tiên làm nên tên tuổi anh trên sân khấu chuyên nghiệp.

Sự tình cờ cũng đã đưa Thanh Hoàng đến với nghề diễn viên. Ngày ấy, nhà nghèo không có điều kiện thi đại học, Thanh Hoàng xin vào làm lao động phổ thông cho một đơn vị xây dựng. Đơn vị này điều anh đến Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (tiền thân Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) dọn rác cho người ta đặt ống cống. Trời xui đất khiến thế nào lại trúng vào thời điểm tuyển sinh. Người bạn lao công làm chung rất mê nghề diễn viên đã rủ Thanh Hoàng nộp đơn thi. Nhờ ngón nghề guitar học lóm mấy anh trong xóm từ thuở nhỏ, Thanh Hoàng được chọn vào lớp diễn viên khóa 5, làm đồng môn của nghệ sĩ Công Hậu, Phương Dung...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận