Hành động vì môi trường: không cần mỹ từ lấp lánh

LÊ MY 25/06/2023 08:18 GMT+7

TTCT - Phong trào môi trường gặp vấn đề với các thuật ngữ đang "nóng".

Hành động vì môi trường: không cần mỹ từ lấp lánh - Ảnh 1.

Phong trào môi trường gặp vấn đề với các thuật ngữ đang "nóng". Trong đó, bù đắp hay trung hòa carbon chẳng là gì so với những từ kêu hơn, thời thượng hơn, như "nông nghiệp tái sinh" (regenerative agriculture) hay "giải pháp dựa vào thiên nhiên" (nature-based solution - NbS).

Tháng 12-2022, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) kêu gọi đến năm 2025, thế giới phải tăng gấp đôi tiền đầu tư NbS, từ con số 154 tỉ USD/năm hiện tại lên 384 tỉ USD/năm. Trong số các nước ký kết thỏa thuận khí hậu Paris, gần 2/3 quốc gia đã đưa các mục tiêu về NbS vào các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ của họ, theo một phân tích năm 2020.

NbS quan trọng là thế, nhưng đại bộ phận công chúng có thực sự biết nó là gì? Câu hỏi trên mở ra một vấn đề dai dẳng của các chính sách môi trường: chúng chứa đầy thuật ngữ mơ hồ - những chữ nghĩa tưởng là bao hàm mọi thứ, cuối cùng lại chẳng rõ muốn nói gì. Các ví dụ khác: "nông nghiệp tái sinh", "thiên nhiên dương / tích cực" (nature positive), "khả năng phục hồi khí hậu" (climate resilience), thậm chí cả cái từ siêu thông dụng "xanh" (green).

Thoạt nghe, những thuật ngữ trên đong đầy cảm hứng và quan trọng. Nhưng mỗi ý tưởng lại có vài cách định nghĩa. Kết quả là công chúng (thậm chí một số chuyên gia) không hiểu trọn vẹn và hiểu giống nhau. Thật khó để các quốc gia, doanh nghiệp và người dân hành động vì Trái đất khi họ không biết chính xác phải làm gì.

Điểm này cũng cho phép các công ty dễ dàng lợi dụng các thuật ngữ mơ hồ để tỏ ra họ rất quan tâm đến môi trường và khí hậu, theo giáo sư Molly Anderson tại ĐH Middlebury (Mỹ). "Rất nhiều trong số đó chỉ là nhằm xây dựng thương hiệu" - ông nói với trang Vox, ám chỉ các hoạt động marketing đánh lừa công chúng rằng một sản phẩm thân thiện với môi trường hơn trong thực tế.

Chẳng hạn với thuật ngữ "bù đắp carbon" (carbon offset), Syncrude - công ty sản xuất cát hắc ín (một loại nhiên liệu hóa thạch) ở Canada - đã chi hàng triệu đô la để tạo ra "khu rừng lá kim phương bắc được bảo vệ lớn nhất thế giới", theo trang web của họ. 

Tạp chí Atmos nhận xét: công ty này tự hào nói rằng họ đang giúp giải quyết biến đổi khí hậu, mặc dù chính họ đã góp phần tạo ra nó. Nói cách khác, chương trình "bù đắp carbon" cho phép các công ty tiếp tục gây ô nhiễm, miễn là họ chịu bảo vệ vài cái cây.

Quay lại với NbS, một số giải pháp chẳng mấy gì hiệu quả. Không ít chiến dịch trồng cây quy mô lớn đã thất bại, thậm chí gây hại cho cộng đồng địa phương. Ví dụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, tháng

11-2019, sáng kiến "Hơi thở cho tương lai" đã trồng 11 triệu cây xanh. Chưa đầy ba tháng sau, 90% cây non đã chết, bởi họ trồng cây không đúng thời điểm và không đủ mưa. Hay sáng kiến "Gieo cuộc sống" của Mexico phát động năm 2018 - trả tiền để nông dân trồng cây trên đất của họ - lại thực sự gây ra nạn phá rừng! Đấy, mập mờ vẫn thường nguy hiểm.

"Ngày nay, bất kỳ mẩu rác nào cũng có thể được quảng cáo là dựa vào thiên nhiên... Thuật ngữ này mơ hồ đến mức tôi có thể đốn một cái cây, vót nó thành một cái que, vẫy nó trước Mặt trăng và gọi nó là một giải pháp dựa vào thiên nhiên" - Teresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại ActionAid International, nói với chuyên trang môi trường Carbon Brief.

Việc bảo vệ một cây cổ thụ vừa có ý nghĩa bảo tồn, vừa giúp "khóa" lượng carbon khổng lồ chứa trong nó. Việc trồng rừng ngập mặn ven biển vừa giúp chắn sóng, vừa tạo bãi đẻ cho các loài thủy sản. Quý vị thấy những cách làm này đủ bổ ích và thú vị chưa, trước khi người viết tiết lộ rằng chúng là "các giải pháp dựa vào thiên nhiên"?

Nhiều chuyên gia gợi ý hãy đánh giá từng giải pháp một, thay vì cố nhét chúng vào những cái thùng to hào nhoáng. Các dự án môi trường hiệu quả thường tự chúng có sức thuyết phục và lan truyền cảm hứng, bất kể bạn gọi chúng là gì, theo Jen Hunter, nhà sinh thái học của Khu bảo tồn lịch sử tự nhiên Hastings ở Bắc California, Mỹ.

Hai ví dụ trên cũng nhắc chúng ta một điều quan trọng: có nhiều NbS hữu ích, rất đáng được hoan nghênh. Và một điều đáng mừng khác là các chính phủ và giới truyền thông chịu nói về NbS. Một kế hoạch gắn mác "dựa vào thiên nhiên" chỉ thật sự mang ý nghĩa nếu nó đi kèm những gạch đầu dòng cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận