Hãy tin vào lực lượng ve chai và nghĩ về họ với lòng nhân ái

HUỲNH HUY TUỆ 03/05/2024 07:13 GMT+7

TTCT - Chuyện phân loại rác và tái chế qua góc nhìn một người Nhật gốc Việt.

Hệ thống phân loại rác ở Nhật. Ảnh: Flickr

Hệ thống phân loại rác ở Nhật. Ảnh: Flickr

Tôi đọc một bài viết mang tính tổng kết kèm những nhìn nhận thẳng thắn về dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ ở Hà Nội trên trang quanly.moitruongvadothi.vn như sau: 

"Dự án 4 triệu USD được triển khai thí điểm tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ. Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại rác trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Có thể nói, dự án phân loại rác tại nguồn 3R tại Hà Nội là thất bại... Còn tại TP.HCM, việc triển khai phân loại rác tại nguồn thí điểm từ những 2002 với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu... Một số tỉnh, thành phố khác cũng có các dự án tương tự như: Hưng Yên (2012-2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016-2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)... Tuy vậy, hiệu quả thu về khá khiêm tốn".

Có vô vàn lý do đã được nêu ra để lý giải cho sự thất bại trên. Chẳng hạn xử phạt các hộ gia đình không áp dụng việc phân loại rác tại nguồn còn chưa quyết liệt, nguyên nhân là đội ngũ cán bộ phường xã quá tải, không đủ lực lượng; nhận thức của người dân chưa đến nơi đến chốn; các thùng nhựa chứa rác theo từng loại dễ bị mất cắp; hay là phân bón sản xuất từ rác thải hữu cơ không có đầu ra...

Các lý do nêu ra đều đúng cả, tôi chỉ xin nêu thêm một góc nhìn riêng.

Rác bán được và rác không bán được

Hơn 30 năm gắn bó với các nhóm bạn nhỏ ở Huế, TP.HCM để hướng dẫn các vấn đề liên quan đến môi trường, tôi thấy ở VN có một lực lượng giải quyết vấn đề rác thải vô cùng tuyệt vời, đó là lực lượng lượm nhặt - mua bán ve chai (ở miền Bắc gọi là đồng nát). 

Chúng ta hãy thử hình dung: một gia đình sẽ tống mọi thứ rác vào một túi to rồi để trước cửa nhà. Đầu tiên, những người đi lượm ve chai sẽ đến mở ra và nhặt lấy những thứ bán được. Đó chỉ mới là bước sàng lọc thứ nhất. 

Những người đi thu gom rác là lượt sàng lọc thứ hai. Cứ thế, khi rác ra đến bãi chính, nó đã được sàng lọc 3-4 lần và bảo đảm chỉ còn lại rác hữu cơ cùng với những thứ linh tinh không tái chế được.

Hơn 20 năm trước, tôi từng chia sẻ với một đoàn cán bộ TP Huế khi sang Nhật tham quan học tập về môi trường rằng, lực lượng ve chai ở VN là vô cùng tuyệt vời trong vấn đề xử lý rác mà không có nước nào có được. Nhìn ở góc độ xã hội, rác là cuộc sống của những người nghèo. Còn nhìn ở góc độ môi trường, không ai phân loại tuyệt vời bằng lực lượng này.

Hiện nay ở Nhật, giỏi lắm thì cũng chỉ có đến 6 thùng rác đặt trước nhà để phân loại. Nhưng tôi quan sát các chị các cô ve chai, họ đã phân loại đến vài chục thứ. Giấy cũng dăm bảy loại giấy, nhựa cũng dăm bảy loại nhựa, các loại vỏ chai, lon, kim loại, thủy tinh... đều được phân ra thành từng nhóm rất chi tiết. 

Vì có như thế việc mua bán với các vựa thu mua ve chai mới thuận lợi. Và từ các vựa ve chai, các loại rác thải tái chế được đã đến đúng địa chỉ của từng nhà máy; nơi nào làm giấy tái sinh, nơi nào tái chế nhựa, tái chế kim loại... đâu ra đó rất chỉn chu.

Theo tôi, dựa vào tình hình thực tế ở VN, không nên vội làm theo các nước là phân loại rác vô cơ - rác hữu cơ - rác thải nguy hại. Tiếp xúc với nhiều người, hầu hết ai cũng lúng túng trong việc phân định rác thải.

Để mọi thứ trở nên thiết thực hơn, tôi nghĩ rằng đầu tiên nên hướng dẫn người dân phân loại hai thứ rác mà thôi: rác bán được và rác không bán được. Cách phân loại ấy phù hợp hơn với số đông. 

Khi đã thuần thục, lúc ấy hẵng nâng tầm, hướng dẫn phân loại nhiều loại rác. Còn lại, hãy tin vào lực lượng ve chai!

Bắt đầu từ giáo dục lòng nhân ái

Việc phân loại rác tại nguồn nên được nhìn nhận từ góc độ đạo đức, giáo dục, trước khi coi đây là vấn đề thuộc góc độ môi trường.

Nhiều người VN khi đến Nhật đều khen nức nở rằng trẻ con Nhật sao mà ý thức cao ghê, ăn một chiếc kẹo cũng tìm cho được cái thùng rác để bỏ giấy gói kẹo vào. Và bỏ đúng nơi đúng chỗ chứ không phải cứ bỏ vào thùng rác chung - nghĩa là nhận biết phân loại rác một cách thuần thục.

Những điều mà mọi người khen trẻ con Nhật chính là kết quả của việc giáo dục lòng nhân ái trong nhà trường và gia đình. Ngay từ nhỏ, trẻ con sẽ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc phân loại rác. 

Sẽ không ai nhồi vào đầu những đứa trẻ về ý nghĩa môi trường của việc phân loại rác. Người ta chỉ dạy một điều đơn giản: Nếu con bỏ rác vào chung hết một thùng, các cô các chú công nhân sẽ phải vất vả nhặt ra từng loại. Con có muốn thò tay vào một thùng rác để nhặt ra từng loại không? Nếu không muốn thò tay vào bới tung đống rác dơ bẩn thì cũng đừng để các cô các chú công nhân vệ sinh làm điều ấy.

Nếu trong mọi gia đình, nhất là những gia đình khá giả không màng việc cất giữ những chai lọ, giấy vụn để bán ve chai, đều để riêng nó vào một túi để các cô chú đi lấy rác không phải bươi móc thì lâu dần sẽ hình thành nên thói quen phân loại rác trong mọi nhà.

Rác mãi mãi là một câu chuyện đi cùng với chúng ta. Ngay ở nước Nhật vốn được khen rất nhiều về chuyện xử lý rác, cũng không bao giờ hết chuyện để làm. Như hiện nay, phong trào đang được nói rất nhiều là câu chuyện xử lý những chiếc bút bi. 

Một cây bút bi hết mực hay bị nghẽn mực, sẽ được xử lý một cách đơn giản là ném vào thùng rác tái chế. Nhưng xử lý tái chế một cây bút bi tuy nhỏ bé cũng không đơn giản, do nó có kim loại là chiếc lò xo, có phần vỏ làm từ nhựa cứng, có phần ruột làm từ nhựa mềm... 

Ném chung vào một nơi thì sẽ xử lý thế nào? Rất là vất vả. Chưa kể, ai cũng giật mình với con số 180 triệu cây bút bi đã được vứt bỏ trong năm 2022!

Thế là một chiến dịch đã được hãng Pilot tung ra: Đặt những chiếc hộp tại các trường học. Các học sinh khi có bút hỏng sẽ tháo ra, bỏ từng phần của cây bút theo từng chiếc hộp, ruột theo ruột, vỏ theo vỏ... Tất cả được hãng làm bút nổi tiếng này mang về tái chế, có thứ trở thành bút mới, có thứ được làm thành những chiếc khay, hộp đựng dụng cụ học tập...

Có người hỏi tôi rằng, liệu đây có phải chỉ là một chiến dịch marketing của hãng bút? Không. Ở Nhật, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải có trách nhiệm xử lý những sản phẩm của họ khi biến thành rác thải. 

Trong những năm gần đây, tôi cũng đã dần thấy nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thể hiện được tinh thần này, chứ không chỉ kiếm lời và kiếm lời.

(*) Huỳnh Huy Tuệ là người Nhật gốc Việt, đang làm điều phối viên tại Việt Nam cho tổ chức phi chính phủ BAJ (Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận