Iran - Israel: 2.500 năm ân oán

SÁNG ÁNH 06/05/2024 09:59 GMT+7

TTCT - Ngày 14-4-2024, Iran trực tiếp đánh Israel bằng 331 tên lửa nặng nhẹ và máy bay không người lái nhanh chậm các loại. Chuyện này "chưa từng thấy", nhưng hẳn không phải là ngày huy hoàng nhất trong lịch sử quốc gia này.

Ảnh: Spiegel

Ảnh: Spiegel

2.500 năm trước, đế triều Aechemenid của Ba Tư trị vì từ Hy Lạp đến Ubezkistan và từ Libya đến Ấn Độ, là một trong những đế chế lớn nhất lịch sử, diện tích 5,5 triệu km2, bao trùm cả... Israel ngày nay.

Trong kinh Cựu ước của Kitô, tức là sách thánh của đạo Do Thái, Đế Ba Tư Cyrus vĩ đại là ân nhân của dân tộc Do Thái và được Do Thái đưa lên hàng "thiên sứ". Sở dĩ như vậy là vì Cyrus chiếm thành Babylon và giải phóng người Do Thái bị lưu đày và làm nô lệ ở đây, cho họ trở về quê xưa xây lại đền thờ trên Đất Hứa.

Từ Ba Tư đến Iran

Cyrus trong lịch sử là vương quân được ca ngợi về tính độ lượng, đức nhân quyền, chinh phục giỏi, nhưng ông còn có tài cai trị. Văn minh Ba Tư thống nhất tiền tệ và các đơn vị đo lường trên khắp lãnh thổ, là điều Tây Âu đi sau 20 thế kỷ. 

Điều đó giúp phát triển thương mãi, và xây dựng "vương lộ" dài 2.700km, bề rộng 6,5m trải đá với 111 trạm nghỉ. Theo sử gia Hy Lạp Herodotus (thế kỷ 5 trước Công nguyên), "không có gì trên đời nhanh hơn kỵ mã đưa tin Ba Tư". Họ đi hết con đường này chỉ trong 9 ngày.

Đoạn văn của Herodotus tả sứ giả Ba Tư ("không quản nắng mưa, bất kể thời tiết") ngày nay là phương châm của ngành bưu điện... Hoa Kỳ. Về mặt văn hóa, nếu ngày nay ta mặc quần jean giống cao bồi Mỹ, thì ngày đó thanh niên Hy Lạp đua đòi nhau mặc đồ Ba Tư cỡi lạc đà. 

Cả thế giới hướng về đế đô Ba Tư Persepolis mà ngưỡng mộ, riêng người Do Thái còn nhìn về đó để vái Thiên sứ Cyrus vĩ đại đã giúp tôn giáo của họ sống lại.

2.500 năm trước, nếu không có Cyrus thì đạo Do Thái có lẽ đã tan biến vào sa mạc cùng dân chúng Babylon, tức Iraq ngày nay. Giáo luật Do Thái phần lớn được định hình sau giai đoạn "trở về" này và duy trì đến nay. 

Ngược lại, tôn giáo của Ba Tư thời đó là "Zoroastrianism" (Trung Quốc gọi là "Yêu giáo", Việt Nam gọi là "Hỏa giáo"), ngày nay chỉ còn vài trăm ngàn tín đồ, dù đời Ngụy (thế kỷ 5) ở Trung Hoa đã có một hoàng hậu theo đạo này.

Đế quốc nào cũng có ngày tàn, và 2.500 năm là biết bao dâu bể. Vào thời hiện đại, sau Thế chiến II, Iran bước vào thời kỳ thịnh vượng nhờ dầu hỏa, nhưng nằm dưới ảnh hưởng của Anh và Mỹ. 

Năm 1951, khi phong trào bài đế và phản thực lên cao trên thế giới, ở Iran, Thủ tướng Mohammad Mossadegh và Mặt trận quốc gia được bầu lên cầm quyền. Chính quyền mới thực hiện một số cải cách xã hội như đánh thuế địa chủ, thiết lập an sinh, bảo vệ lao động…, nhưng quan trọng nhất là quốc hữu hóa dầu hỏa. 

Đây là phong trào dân chủ, quốc gia chủ nghĩa và hơi hướm xã hội, cách tân và giải phóng phụ nữ, nhưng Tây phương đánh ngay lập tức và Mossadegh bị lật đổ bởi tình báo Anh - Mỹ vào năm 1953. Nhà vua Shah Reza Pahlavi được họ ủng hộ trong 26 năm sau đó trị vì với bàn tay sắt, ai mà thở mạnh là ông bóp cổ chết.

Tổng thống Mossadegh bị tình áo Anh và Mỹ ám sát. Ảnh: The Intercept

Tổng thống Mossadegh bị tình áo Anh và Mỹ ám sát. Ảnh: The Intercept

Từ vương quyền đến thần quyền

Sau khi lên cầm quyền, vua Shah tận diệt hữu hiệu mọi chống đối chính trị, từ cộng sản đến quốc gia. Nhưng một thành phần không thể khai trừ tại Iran, nơi 99% dân số theo đạo Hồi, là tôn giáo. Phường xã nào cũng có đền Hồi và mỗi thứ sáu tín đồ tụ họp đi lễ. 

Theo lời kêu gọi của một giáo sĩ phát bằng băng cát sét tại các đền, đế chế Iran bị quần chúng lật đổ năm 1979. Lúc đó Iran đang sản xuất 7% dầu thô của thế giới và giá dầu tăng từ 12 lên 30 USD/thùng. Chế độ thần quyền ra đời tại Iran vì mọi chống đối đế chế quân chủ ngoài tôn giáo đã bị dập tắt bởi bạo lực của chính quyền.

Cách mạng này chống Mỹ về mặt chính trị lẫn văn hóa, để quay về giá trị truyền thống. Lập tức chế độ mới bị phong tỏa, vây hãm và bế quan, trừng phạt về mặt kinh tế. Trong gần nửa thế kỷ bị Hoa Kỳ và đồng minh vây hãm, Iran đã... mở rộng ảnh hưởng sang 4 nước trong khu vực là Lebanon, Yemen, Syria và Iraq. 

Đây là điều Israel khó chấp nhận và trước giờ họ vẫn tìm cách phân hóa Iran với các nước Ả Rập láng giềng. Quan hệ giữa các bên rất phức tạp. Trong chiến tranh Iran - Iraq chẳng hạn, Israel không muốn Iraq thắng và Mỹ lại muốn Iran thua. Nhưng sau khi Iraq rơi vào quỹ đạo của Iran thì Israel và Mỹ đều nhất trí Iran là kẻ thù không đội trời chung.

Vì độc lập với Mỹ từ 1979, Iran đứng vào vị trí phản đế trong khu vực, dù bản chất của chế độ thần quyền là tôn giáo và bảo thủ. Để tạo vây cánh, Iran có đồng minh ở mấy nước kể trên. 

Còn lực lượng thứ năm là Hamas, một phong trào giải phóng Hồi giáo Sunni (trong khi Iran thuộc phái Shia). Iran không phải là nước nuôi Hamas, mà là Qatar. Iran muốn tiếp tế vũ khí cho Hamas cũng không được vì Hamas bị vây hãm còn chặt chẽ hơn Iran gấp trăm lần, cọng bún cũng không lọt.

Thế tại sao Israel lại thù Iran đến vậy? Đó là vì ở Lebanon sát nách Israel, Iran có một đệ tử là Hezbollah. Phong trào này bên kia biên giới, sáng dậy đi quyền trong sân nhà, trưa múa côn và chiều đứng tấn. 

Trong 6 tháng chiến sự ở Gaza vừa qua, Israel đã không diệt được phong trào Hamas, và từ 40 năm qua nhức nhối với cảnh Hezbollah múa roi đi quyền. Đánh Hamas không xong, đánh Hezbollah không được, giờ chỉ còn cách là đánh… Iran!

Người dân Iran mang hình giáo chủ Khomeini xuống đường trong cuộc cách mạng năm 1979. Ảnh: RFE

Người dân Iran mang hình giáo chủ Khomeini xuống đường trong cuộc cách mạng năm 1979. Ảnh: RFE

Ta không biết, nhưng Iran và Israel biết

Tại sao lại ra cớ sự ấy? Tại vì lịch sử có rất nhiều người, nhiều lãnh đạo nghĩ ngợi kỳ quái. Tuy quỹ quốc phòng Israel (23,4 tỉ USD) gấp 3 lần Iran (6,8 tỉ USD), nhưng làm sao đánh thắng Iran được. 

Ai cũng biết thế, Israel lại càng biết. Họ đánh Iran là chỉ mong tạo điều kiện cho Mỹ nhảy vào bênh. Nhưng Mỹ lúc này nhà bao việc, không hơi sức đâu.

Eo Hormuz là nơi 25% dầu hỏa thế giới phải đi qua chỉ có 39km bề ngang và rất dễ bị Iran chốt lại. Vịnh đó tên là vịnh Ba Tư, chứ không phải vịnh Florida. Kinh tế của các nước vùng Vịnh thân Mỹ sẽ khốn đốn, nếu họ, Saudi hay UAE, nhúc nhích thì sẽ tan tành trong chiến tranh. 

Kinh tế Mỹ, châu Âu và thế giới sẽ bị ảnh hưởng, không ai muốn xếp hàng trả tiền xăng 1 lít 250.000 đồng. Iran lại càng không muốn, và chỉ muốn bán dầu cho mọi người vui vẻ và rộng rãi mà thôi.

Trong 331 tên lửa và máy bay tự lái của Iran phóng đi vừa rồi, chỉ có 1% bay đến Israel và trúng 2 phi trường quân sự ở phía nam. Đa số bị bắn hạ trên đường bởi Hoa Kỳ và Anh, Pháp và Jordan ra mặt, có thể bởi Saudi Arabia giấu tên. 

Máy bay "tự sát" các loại (tức drone Kinh Kha, bay qua sông Dịch là không trở lại), mất 6 tiếng để đến Israel. Iran đã thông báo 72 tiếng trước khi bắn. Các vũ khí này thật ra chỉ mang 15 - 50kg chất nổ. 

Một oanh tạc cơ F35 mang được 24 quả bom GBU 53 một chuyến, tức 2.688kg bom, tương đương 54 chiếc Shahed 136 hay 179 chiếc Shahed 131. Các tên lửa thì khác, mất 2 tiếng nhưng không thấy có loại siêu thanh mới nhất chỉ mất 15 phút và đầu nổ có thể lên đến 750kg. Hình như một tên lửa Eemad này trúng phi trường Nevatim được cho là nơi chứa bom nguyên tử của Israel.

Drone Shahed 136. Ảnh: LinkedIn

Drone Shahed 136. Ảnh: LinkedIn

Như vậy là sau vụ sứ quán của họ bị đánh bom, Iran đã chính thức và trực tiếp trả lời Israel, tức không qua Hezbollah. Xét bên ngoài, mặt hành chính và đối nội, tức với quần chúng và dư luận Iran, thế là tạm đủ. 

Về mặt quân sự thì mươi cái tên lửa lớn đã đến đích, tác hại và nguy hiểm thế nào thì trong cuộc mới biết, vì Israel khoe chặn 99%, nhưng không cho báo chí thăm và không thấy nói 1% còn lại tác hại thế nào. 

Giờ thay vì 331 thì Iran có khả năng bắn đi 500 máy bay tự lái và tên lửa không? Câu trả lời là có. Israel có khả năng chặn 500 không? Câu trả lời là ta không biết. Nếu bắn 331 chặn được 321, thì bắn 500 chặn được bao nhiêu? Ta cũng không biết, nhưng Iran và Israel chắc đã biết.■

Quân đội Iran trong thập niên 1970 đứng hàng thứ 5 trên thế giới, sở hữu những vũ khí tối tân và đắt tiền nhất do Tây phương sản xuất. Chiến đấu cơ F14 Tomcat của Công ty Grumman Hoa Kỳ gặp khó khăn vì quỹ vượt dự trù kinh phí và Quốc hội Mỹ quyết định cắt bỏ, Grumman lâm vào phá sản.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon bèn nhờ vua Shah giúp một tay. Ông này đặt mua 80 chiếc cùng tên lửa, làm Grumman sống lại. Iran bấy giờ là nước duy nhất ngoài Mỹ được trang bị F14.

Vua Shah được cưng như cưng trứng, hoàng hậu được hứng như hứng hoa và truyền thông Tây phương biến bà thành nhân vật được ưa chuộng có lẽ ngang với công nương Diana về sau này. Năm 1971, vợ chồng nhà này mở đại yến kỷ niệm 2.500 năm đế đô Persepolis với 600 khách mời từ 62 quốc gia của cả hai khối.

Đây được coi là bữa tiệc lớn nhất thế giới trong lịch sử nhân loại, với 15.000 cây hoa được nhập từ Pháp mang về trồng giữa sa mạc Iran và 50.000 con chim, cũng nhập từ Pháp, để hót cho khỏi trật tông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận