Khi các ông tướng nhìn xa…

HỮU NGHỊ 02/04/2023 10:21 GMT+7

TTCT - … Hay những cân nhắc về nguy cơ nổ ra đụng độ Trung - Mỹ.

Dân nghiệp dư nói chuyện tên lửa, dân chuyên nghiệp nói chuyện hậu cần. Đội hình máy bay vận tải C-17 của AMC. Ảnh: jb.mil

Dân nghiệp dư nói chuyện tên lửa, dân chuyên nghiệp nói chuyện hậu cần. Đội hình máy bay vận tải C-17 của AMC. Ảnh: jb.mil

Tin củ̉a Hãng NBC ngày 27-1, "Tướng không quân dự đoán chiến tranh với Trung Quốc vào năm 2025", được các hãng khác đưa lại sau đó, đã khiến cả Bắc Kinh và Washington la ó nhau um sùm! 

Cũng đáng để̉ thử̉ hình dung cuộc chiến tranh mà ông tướng không quân Mike Minihan đã giả định sẽ như thế nào, nhất là khi tình hình xung quanh đảo Đài Loan có vẻ đang nóng lên từng ngày.

Trước hết, ông Minihan là đại tướng trọng trách đầy mình - tư lệnh Bộ chỉ huy Không vận Hoa Kỳ AMC, vốn có nhiệm vụ đảm bảo không vận, tiếp liệu, sơ tán y tế, hỗ trợ di chuyển trên không cho quân lực Mỹ trên toàn thế giới. 

Trong chức trách của mình, AMC lập kế hoạch toàn cầu nhằm đảm bảo điều động và kết nối gần như toàn bộ lực lượng vũ trang Mỹ vốn lấy không quân làm xương sống. Chính trong nhiệm vụ này mà tướng Minihan đã đưa ra dự báo đầy tranh cãi nói trên.

Thẩm quyền của tư lệnh AMC

Để dễ hình dung lực lượng dưới quyền tướng tư lệnh AMC, có thể lấy đơn vị Không lực 18 (18AF) làm ví dụ. 

Quân số của đơn vị này gồm 37.000 người phục vụ trong 12 không đoàn với trên 400 máy bay vận tải gồm C-5 Galaxy, KC-10 Extender, C-17 Globemaster III, C-130 Hercules, KC-46 Pegasus, và KC-135 tiếp dầu, được hỗ trợ bởi các máy bay VC-25 (Boeing 747), C-21, C-20B (Gulfstream III), C-32A (Boeing 757), C-37A (Gulfstream V), C-37B (Gulfstream 550) và C-40B (Boeing 737).

Với lực lượng hùng hậu đó, 18AF đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ không vận của AMC trên toàn thế giới trong điều kiện "bình thường". 

Còn trong điều kiện "bất thường", AMC có thêm Không lực 22 (22AF) - lực lượng dự bị phụ trách tuyển mộ, đào tạo quân nhân và duy trì các đơn vị này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 

22AF quản lý trên 25.000 quân nhân dự bị sẵn sàng phục vụ trong 9 không đoàn dự bị, cùng 149 máy bay được trang bị đầy đủ, chủ yếu là vận tải cơ C-130.

Thành ra trên thực tế, AMC gồm hai đơn vị cấp không lực, tổng cộng 21 không đoàn với khoảng 550 máy bay vận tải các loại. 

Để trực tiếp chỉ huy các đơn vị này, AMC dựa vào Trung tâm hành quân 618 (618 AOC) dưới quyền Bộ tư lệnh Quân vận Hoa Kỳ (USTRANSCOM). Với lực lượng và chức trách như trên, nôm na mà nói, AMC là cơ cấu chính để triển khai quân lực Mỹ khắp thế giới. 

Thành ra, tướng tư lệnh AMC tất nhiên phải nắm tình hình điều động rất chắc. Nói ví dụ, Bộ tư lệnh Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific Command) đánh giá tình hình thế nào, định làm gì trong khu vực thời gian tới, tới năm 2025 chẳng hạn, đương nhiên phải thông tin cho AMC. 

Tướng Mike Minihan. Ảnh: Task & Purpose

Tướng Mike Minihan. Ảnh: Task & Purpose

Có thể thấy những gì tướng Minihan nói ra, không giống các chuyên gia hay nhà nghiên cứu bàn giấy, có trọng lượng khác hẳn.

Thêm nữa, phát biểu của ông còn có tính chính thức, dưới dạng huấn lệnh gửi các đơn vị dưới quyền, với tiêu đề ghi rất rõ: "Mệnh lệnh tháng 2-2023 chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới". 

Trong phần đầu, "Tình hình", ông đã cố ý "gia giảm" bằng một dòng rào đón: "Tôi hy vọng là mình sai", kèm thông tin chính thức, song được phát biểu nhẹ nhàng nhứt có thể: "Linh tính mách bảo tôi rằng chúng ta sẽ (phải) chiến đấu vào năm 2025".

Nội dung phần phân tích tình hình là một tam đoạn luận rõ ràng: 

(1) "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nay đã chắc chắn nhiệm kỳ thứ ba và thành lập hội đồng chiến tranh vào tháng 10-2022". 

(2) "Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm 2024 sẽ cho ông Tập một lý do. Cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ năm 2024 sẽ mang đến cho ông Tập một nước Mỹ bị phân tâm". 

Từ đó suy ra (3) 2025 sẽ là năm nhiều bất trắc, theo bản huấn lệnh. Có thể tin là ở Mỹ, không chỉ mình ông đại tướng Minihan nghĩ vậy.

Thế trận toàn cầu

Tiếp theo phần tình hình, tướng tư lệnh AMC mô tả công việc cần chuẩn bị: "Chúng ta đã dành năm 2022 để thiết lập nền tảng cho chiến thắng. Chúng ta sẽ dành năm 2023 để xây dựng trên nền tảng đó. Nếu các bạn muốn biết chuyển động tác chiến mà tôi yêu cầu, hãy xem Đội tổng lực Charleston đã làm gì vào tháng 1".

Số là đầu năm nay, AMC đã tổ chức diễn tập không vận "Đội tổng lực Charleston". 24 máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ đã bay qua Charleston (South Carolina) hôm 5-1. 

Cuộc diễn tập nhằm thể hiện khả năng cơ động nhanh và phối hợp mà các phi công có thể thực hiện để chiếm ưu thế trên không. Diễn tập còn nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng hỗn hợp "mới tinh" gồm các đơn vị không quân, lục quân và thủy quân lục chiến.

24 chiếc Globemaster III được huy động, tức hơn một nửa quân số Không đoàn 437 (gồm 41 chiếc C-17) và 1/10 tổng số máy bay vận tải C-17 trong toàn bộ Không quân Hoa Kỳ, cất cánh một lần từ một căn cứ duy nhất. 

Tất nhiên, máy bay vận tải phải được hộ tống: cùng tham gia diễn tập có các máy bay chiến đấu F-16, máy bay tiếp dầu KC-135 và máy bay cảnh báo sớm AWACS E-3, tổng cộng gần 60 chiếc các loại, theo thông cáo báo chí của Không lực Hoa Kỳ.

Có thể hình dung quy mô của lực lượng không vận Mỹ qua Không đoàn 427 này. Trị giá 41 chiếc C-17A Globemaster III của không đoàn vào khoảng 9,2 tỉ USD (mỗi chiếc 212 triệu USD). Tải trọng của máy bay bốn động cơ phản lực C-17 tương đương 77,5 tấn (hai xe bus lớn, một xe tăng đời mới, hoặc 102 lính dù), có thể hạ cánh toàn tải trên các đường băng dài chỉ 900m với phi hành đoàn ba người.

Đặc điểm của vận tải cơ C-17 là tầm bay toàn cầu nhờ tiếp dầu trên không, nên từ cuộc diễn tập mà tướng Minihan nói, có thể hình dung ra bối cảnh xung đột tương lai. 

Cụ thể, lực lượng không vận ráo riết luyện tập là để chuẩn bị cho những chiến trường ở xa, được ông đại tướng nêu rõ: "Một lực lượng hỗn hợp (nhiều quân binh chủng) cơ động sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng bên trong chuỗi đảo thứ nhất".

An ninh trên biển ở Thái Bình Dương khoảng 100 năm qua đã xoay quanh khái niệm các chuỗi đảo này. Chuỗi thứ nhất gồm quần đảo Kuril (thuộc Nga), Nhật Bản, Đài Loan, Philippines (đều là đồng minh của Mỹ). 

Chuỗi thứ hai là Guam và Bắc Mariana, các "lãnh thổ tự do liên kết với Mỹ". Chuỗi thứ ba tập trung vào quần đảo Hawai. 

Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: Military Times

Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: Military Times

Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã chiếm được hàng loạt đảo ở chuỗi thứ nhất và thứ hai. Mặt trận Thái Bình Dương và cuộc so găng Nhật - Mỹ đã góp phần quan trọng định đoạt kết cục cuộc chiến và hình thành cấu trúc địa chính trị ngày nay.

Nhấn nhá của tướng Minihan về chuỗi đảo thứ nhất, vì vậy, là chuyện lịch sử xoay vần, khi nay Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã lần đầu vượt qua chuỗi đảo này vào cuối năm 2016. 

Cụ thể, ngày 25-12-2016, PLAN lần đầu tiên triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Sự kiện này diễn ra chỉ 23 ngày sau cú điện thoại của ông Donald Trump, vừa đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan.

National Interests 19-5-2017 bình luận: "Các cuộc tập trận hải quân của PLAN không chỉ là diễn tập mang tính chính trị hay để cảnh báo Mỹ, mà còn là cơ sở cho hoạt động thường kỳ của PLAN trong tương lai… Chiến lược hàng hải của Trung Quốc rõ ràng đã vượt khỏi ranh giới chuỗi đảo truyền thống từng hạn chế hoạt động và sự phát triển của PLAN trong quá khứ". Hiện giờ thì đó đã là chuyện nghiễm nhiên.

Tình hình mới

Dẫu vậy trên thực tế, chuỗi đảo thứ nhất khá phân tán và không có nhiều nơi đủ quy mô, tài nguyên và nguồn nhân lực để tổ chức một cơ sở quân sự tiên tiến và lâu dài - chỉ có 20 đảo lớn hơn 10.000km2. 

Hơn nữa, như nhận xét của Andrew S. Erickson, giáo sư ở Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, trong nghiên cứu "Why Islands Still Matter in Asia: The Enduring Significance of the Pacific Island Chains" (Tại sao những hòn đảo vẫn quan trọng ở châu Á: Vai trò lâu dài của các chuỗi đảo Thái Bình Dương), giá trị chiến lược của các chuỗi đảo đã thay đổi đáng kể do thay đổi công nghệ và ứng dụng quân sự hiện đại.

Ngày nay, không thể chỉ chăm chăm vào những bài học từ chiến tranh Thái Bình Dương những năm 1940, tỉ như nhấn mạnh hệ thống phòng không bảo vệ tàu và các cơ sở đất liền, hay tầm quan trọng của tàu ngầm trong cắt đứt các tuyến tiếp tế. 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: scmp.com

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: scmp.com

Sự ra đời của nhiều hệ thống tấn công chính xác tầm rất xa (máy bay, tên lửa hành trình chống hạm, hay tên lửa hành trình tấn công mặt đất, và cả tên lửa đạn đạo thông thường) và các hệ thống phòng thủ (tên lửa đất đối không tầm xa SAM chẳng hạn) đã gia tăng đáng kể phạm vi hoạt động của hệ thống đặt trên bờ so với hệ thống đặt trên tàu. 

Ưu thế đồng nghĩa sẽ nghiêng về phía quốc gia ở gần chiến trường hơn. Giáo sư Erickson kết luận: với vũ khí của Trung Quốc hiện nay, Đài Loan ở quá gần đại lục để có "giá trị chiến lược" với Mỹ.

Từ chuyến xuất hành đầu tiên của PLAN nói ở trên tới nay đã là 6 năm. Sức mạnh của cả PLAN và quân đội Trung Quốc nói chung được đánh giá đã tăng lên nhiều. Như vậy là Bắc Kinh đã có hai yếu tố "nhân hòa", "địa lợi". 

Dự báo 2025 của tướng Minihan, cụ thể qua phần đánh giá tình hình, chính là về "thiên thời" có thể còn thiếu. Không khó hiểu khi ông yêu cầu lực lượng dưới quyền phải tập luyện ráo riết như vậy.■

Giáo sư Erickson cũng đã cập nhật những mảng mà ông đánh giá Trung Quốc đang hoặc sắp qua mặt Mỹ về quân sự:

Tên lửa hành trình và đạn đạo quy ước trên đất liền: Trung Quốc có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất (GLBM) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) với tầm bắn 500 - 5.500km. Hoa Kỳ hiện đang sử dụng một loại GLBM quy ước tầm bắn 70 - 300km và không có GLCM.

Hệ thống phòng không tích hợp: Trung Quốc sở hữu lực lượng lớn bậc nhất thế giới các hệ thống đất đối không tầm xa tiên tiến - bao gồm S-400, S-300 do Nga chế tạo và các hệ thống sản xuất trong nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận