Khi sinh viên Mỹ biểu tình phản chiến

NGUYỄN VŨ 05/05/2024 10:05 GMT+7

TTCT - Chuyện sinh viên Mỹ biểu tình trong khuôn viên nhà trường không có gì lạ, nhưng khi ban giám hiệu Đại học Columbia kêu cảnh sát tới giải tán sinh viên rồi bắt đi hơn 100 người, vụ việc trở nên lớn chuyện.

Sinh viên dựng lều để biểu tình lâu dài trước Đại học Columbia. Ảnh: Reuters

Sinh viên dựng lều để biểu tình lâu dài trước Đại học Columbia. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình tương tự lan rộng ra các trường đại học, kéo theo nhiều vụ bắt bớ khác.

2h chiều thứ tư 17-4, hiệu trưởng Đại học Columbia, bà Minouche Shafik, bước ra khỏi tòa nhà Quốc hội Mỹ, thở phào nhẹ nhõm. Bà tưởng đâu đã thoát tình cảnh như hai đồng nghiệp, hiệu trưởng Đại học Harvard Claudine Gay và Đại học Pennsylvania (UPenn) Liz Magill từng rơi vào, khi bị mời ra điều trần trước Ủy ban Giáo dục Hạ viện. 

Hai bà này trả lời lấp lửng, còn tùy bối cảnh, khi được hỏi việc kêu gọi diệt chủng dân Do Thái có vi phạm nội quy ứng xử của nhà trường không. Dư luận phản ứng dữ dội, hai bà lần lượt phải từ chức.

Phóng lao phải theo lao

Rút kinh nghiệm, lần này bà Shafik trả lời dứt khoát, khẳng định kêu gọi như thế là vi phạm nội quy trường, sẽ bị kỷ luật. 

Cũng được mời ra điều trần về tình hình bài Do Thái trên sân trường, bà cho biết trường bà từng buộc thôi học 15 sinh viên, cắt hợp đồng với một giảng viên, cách chức lãnh đạo một giảng viên khác, đồng thời chấm dứt hoạt động hai tổ chức của sinh viên đòi công lý và hòa bình cho Palestine… 

Tất cả nhằm tránh tiếng cho Columbia là dung túng cho hành vi bài Do Thái.

Dường như bày tỏ thái độ dứt khoát trước Quốc hội Mỹ là chưa đủ, bà Shafik ra tối hậu thư cho những sinh viên vẫn còn dựng lều trên sân trường Columbia phải giải tán và ngày hôm sau, 18-4, quyết định gọi cảnh sát New York tràn vào sân trường, dùng vũ lực với sinh viên biểu tình, bắt đi hơn 100 người. 

Tuy nhiên, diễn biến sự việc sau đó cho thấy rất có thể bà Shafik cũng không tránh được số phận như hai đồng nghiệp tại Harvard và UPenn.

Sinh viên trường Columbia tiếp tục dựng lều để biểu tình dài ngày, hàng loạt cuộc biểu tình như thế lan ra nhiều đại học khác khắp nước Mỹ. 

Đội ngũ giảng dạy ở Columbia phản ứng, cho là bà Shafik đã bị các đại biểu Hạ viện Mỹ thao túng, dễ dàng từ bỏ việc bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận của sinh viên và không duy trì được sự khách quan của môi trường đại học.

Đã khá lâu mới lại thấy cảnh đông đảo cảnh sát Mỹ tràn vào các khuôn viên đại học. Ảnh: Reuters

Đã khá lâu mới lại thấy cảnh đông đảo cảnh sát Mỹ tràn vào các khuôn viên đại học. Ảnh: Reuters

Bài Do Thái hay chống chiến tranh?

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas dẫn đến cuộc chiến hủy diệt ở Dải Gaza, sinh viên Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đa số là ủng hộ người dân Palestine, lên án Israel tàn sát người dân vô tội. 

Từ chỗ hơn 1.200 người Israel bị Hamas giết hại trong cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7-10-2023, đến nay đã có hơn 34.000 người dân ở Dải Gaza thiệt mạng khi Israel tấn công trả đũa.

Tuy nhiên ở đây có một điểm cần lưu ý: tâm lý, thái độ và hành động bài Do Thái đã có từ lâu, thường bị xếp vào hành vi phân biệt đối xử như kiểu phân biệt chủng tộc, kỳ thị dân da màu, người đồng tính, chuyển giới. 

Cái bóng Đức quốc xã giết hại đến 6 triệu người dân Do Thái trong Đệ nhị thế chiến phủ lên trên mọi tranh luận về vấn đề này.

Vì thế các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine, lên án Israel thường bị quy kết là bài Do Thái nói chung, gây cảm giác bất an, tạo mối nguy hiểm đến sinh viên gốc Do Thái. 

Người Do Thái thường giàu hay có quyền lực; họ có thể là những nhà tỉ phú tài trợ cho các trường đại học, nên thường gây sức ép buộc các trường ngăn cản các cuộc biểu tình. 

Quyền lực cũng giúp họ vận động để Quốc hội Mỹ vào cuộc điều tra các hình thức bài Do Thái trong sân trường, buộc hiệu trưởng các trường ra điều trần vì sao dung túng cho những biểu hiện bài Do Thái.

Đó là bối cảnh giải thích lý do vì sao trường Columbia mạnh tay với cuộc biểu tình của sinh viên khi cầu viện cảnh sát vào ngày 18-4. Trong bức thư ngỏ đăng trên website của nhà trường, hiệu trưởng Shafik viết bà yêu cầu cảnh sát New York can thiệp là thể hiện "mối quan tâm đến sự an toàn của sân trường Columbia". 

Tuy nhiên, David Pozen, giáo sư luật của trường Columbia nói: "Điều mỉa mai là khi cố gắng làm dịu tình hình rồi giành quyền kiểm soát việc dựng lều trại trên sân trường, ban giám hiệu đã gây ra đám cháy mới".

Cảnh sát Mỹ đụng độ với sinh viên ở Đại học California, Los Angeles. Ảnh: RTE

Cảnh sát Mỹ đụng độ với sinh viên ở Đại học California, Los Angeles. Ảnh: RTE

Các yêu sách của sinh viên biểu tình khá cụ thể: bán các khoản nhà trường đầu tư vào các công ty Israel và các nhà sản xuất vũ khí có giao dịch với Israel; chấm dứt hợp tác học thuật với các tổ chức Israel; lên án hành động của Israel trong cuộc chiến tại Gaza. 

Tình hình ở đại học Columbia hiện vẫn tiếp tục căng thẳng. Nhiều lớp phải chuyển lên học trực tuyến; nhiều giáo sư bỏ dạy để ủng hộ sinh viên biểu tình; máy bay trực thăng của cảnh sát vẫn vần vũ trên bầu trời; cảnh sát chống bạo động trang bị tận răng túc trực gần trường. 

Bà Shafik chịu áp lực đòi từ chức từ cả hai phía, những người giận dữ vì các cuộc biểu tình kéo dài lẫn những người giận dữ vì cảnh sát đàn áp người biểu tình.

Đám cháy lan rộng

Tuần qua, tình hình sinh viên biểu tình lan rộng ra nhiều trường đại học khác. Ngày 22-4, hơn 50 sinh viên Đại học Yale bị bắt vì tội xâm nhập trái phép (họ chiếm cứ một công viên trong trường và cắm lều trại đã hơn một tuần). 

Cảnh sát cũng giải tán một khu lều trại tương tự ở Đại học New York và bắt hơn 100 người. Gây xôn xao nhất là vụ Đại học Nam California hủy bỏ diễn văn ra trường của sinh viên thủ khoa chỉ vì cô này là người theo đạo Hồi và ủng hộ dân Palestine. 

Cũng lấy lý do bảo đảm an ninh cho buổi lễ, trường này hủy luôn các bài nói chuyện của những nhân vật nổi tiếng được mời dự lễ. Tin mới nhất cho biết trường quyết định bỏ luôn lễ bế giảng.

Biểu tình cũng nổ ra ở các trường Brown, Princeton, Northwestern, MIT, Emerson, Boston, North Carolina… Berkeley, cái nôi của phong trào biểu tình phản chiến thập niên 1960, cũng đã mọc lên 40 lều trại trên sân trường; sinh viên tụ tập nghe các bài diễn văn kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. 

Ảnh: CBC

Ảnh: CBC

Lớn nhất trong những ngày qua là tại Texas, nơi hàng chục cảnh sát trang bị chống bạo động và cảnh sát cưỡi ngựa đã chặn đường sinh viên biểu tình. Ít nhất 34 người bị bắt sau khi đám đông không chịu giải tán. 

Thống đốc Texas Greg Abbott dọa sẽ bắt thêm nhiều người nữa cho đến khi giải tán hết đám biểu tình. Ông này viết trên X: "Sinh viên tham gia các cuộc biểu tình thù hận, bài Do Thái ở bất kỳ đại học công lập nào ở Texas sẽ bị đuổi học".

Nhiều nhân vật nổi tiếng đã kêu gọi phải phân biệt rõ ràng giữa chuyện bài Do Thái và chống chiến tranh. Họ cho rằng phản đối cuộc chiến Israel đang tiến hành ở dải Gaza làm 34.000 chết không phải là bài Do Thái, không gây nguy hiểm đến sinh viên Do Thái như nhiều người lo ngại. 

Tờ New York Times so sánh tình hình hiện nay với phong trào biểu tình phản chiến vào cuối thập niên 1960 khi sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam đã đụng độ khắp các sân trường với cảnh sát.

Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội Mỹ lại kêu gọi Tổng thống Biden phải cho lực lượng thi hành công vụ liên bang vào giải tán các cuộc biểu tình đang lan rộng ở các đại học Mỹ. Một nhóm 25 thượng nghị sĩ Cộng hòa viết thư cho ông Biden: 

"Bộ Giáo dục và cơ quan thực thi pháp luật liên bang phải hành động ngay để lập lại trật tự, truy tố đám đông sử dụng bạo lực và đe dọa sinh viên Do Thái, hủy bỏ visa của mọi sinh viên nước ngoài tham gia cổ xúy cho khủng bố, buộc ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm nếu chỉ đứng im thay vì bảo vệ sinh viên".

Từ chỗ biểu tình phản đối chiến tranh, nay dường như sinh viên Mỹ xoay sang biểu tình để phản đối cách hành xử của lãnh đạo các trường khi không tôn trọng quyền tự do ngôn luận và dùng cảnh sát để đàn áp họ. 

Ngược lại, lãnh đạo các trường trước đây muốn giải tán các cuộc biểu tình để tránh mang tiếng bài Do Thái thì nay muốn làm mạnh tay để duy trì trật tự, ổn định sân trường. Như mọi chuyện khác ở Mỹ, tất cả xoay quanh vấn đề cuộc chiến chính trị, và cái gốc vấn đề là cuộc chiến Israel - Palestine lại bị đẩy ra đằng sau. ■

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ghé thăm Đại học Columbia khi trên sân trường vẫn còn 80 lều bạt do sinh viên dựng lên để biểu tình lâu dài.

Ông này đòi bà hiệu trưởng Shafik phải từ chức nếu không sớm kiểm soát được tình hình và cho rằng Quốc hội Mỹ có quyền cắt tài trợ liên bang cho trường nếu trường không thể dàn xếp được với người biểu tình.

Ông Johnson nói: "Nếu chuyện này không được khoanh gọn nhanh chóng, và nếu các lời đe dọa này không sớm chấm dứt, sẽ đến lúc phải gọi vệ binh quốc gia [vào can thiệp]". Tại buổi họp báo tổ chức trên sân trường, chính ông Johnson bị sinh viên la ó phản đối!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận