Kịch Bắc ở Sài Gòn

CÁT VŨ 22/09/2008 17:09 GMT+7

TTCT - Vào tuần tới, kịch bản Kỹ nghệ lấy Tây (tác giả Lê Chí Trung) dựa theo thiên phóng sự cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng (viết năm 1934) sẽ được đưa lên sàn tập Sân khấu Phú Nhuận (TP.HCM).

Phóng to
Vở kịch Số đỏ của Vũ Trọng Phụng trên Sân khấu Phú Nhuận, TP.HCM

Đây là vở kịch thứ tư sau Giải oan Thị Mầu, Vợ khôn dạy chồng dại, Số đỏ được dựng theo phong cách kịch Bắc từ văn phong đến giọng thoại của diễn viên.

Hai mươi năm trước, diễn viên trẻ Hồng Vân đã làm công chúng vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi thủ diễn vai bà Thuận trong vở kịch truyền hình Đợi đến mùa xuân. Đó là một bà lao công già nua, nghèo khổ trong một ngôi trường cấp 2 song khá sắc sảo từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử, đặc biệt với một chất giọng Bắc rất đặc trưng.

Từ sở trường của bầu Hồng Vân

Một thời gian sau, Hồng Vân lại chứng tỏ thế mạnh của mình khi diễn xuất sắc vai bà già mất gà trong tiểu phẩm tấu hài cùng tên. Lúc ấy người ta mới biết chị vốn được sinh ra ở Hà Nội, 9 tuổi theo gia đình vào định cư ở TP.HCM. Nhận được nhiều lời khen từ khán giả đến giới phê bình sân khấu, Hồng Vân nghĩ sẽ tìm cách phát huy ưu điểm này của mình. Và cơ hội ấy đã đến khi chị đứng ra thành lập Sân khấu Phú Nhuận vào năm 2000.

Biết TP.HCM có đông người từ Bắc vào và muốn tạo điều gì đó khác biệt so với các sân khấu khác, Hồng Vân đã lên kế hoạch dài hơi cho việc dàn dựng những vở kịch mang phong vị miền Bắc trên sàn diễn của mình. Và vở đầu tiên Giải oan Thị Mầu (tác giả Lê Chí Trung) nhanh chóng ra mắt ngay khi Sân khấu Phú Nhuận được thành lập chưa đầy năm.

Xét về nội dung, việc “giải oan” cho Thị Mầu là một ý tưởng mới chứa đựng cái nhìn nhân ái, dẫu rằng sự bào chữa này chưa hẳn đã có sự đồng thuận và từng gây tranh cãi nặng nề trong giới phê bình. Thế nhưng vở vẫn thu hút người xem bởi phong vị lạ.

Ngoài việc tạo “đất” cho nghệ sĩ Văn Thành, Đức Hải, Thanh Phương (bao nhiêu năm vào Nam vẫn giữ một giọng Bắc chính gốc), vở còn đem lại sự mới mẻ cho các diễn viên quen thuộc qua âm sắc miền ngoài như Minh Hoàng, Cát Phượng, Trịnh Kim Chi... đặc biệt là Bằng Kiều lần đầu diễn kịch lại khá xuất sắc trong vai xã trưởng.

Năm 2002, Hồng Vân cho dựng tiếp vở hài kịch Vợ khôn dạy chồng dại (tác giả Doãn Hoàng Giang). Vở kịch dựa trên câu chuyện dân gian, chế giễu thói tham phú phụ bần. Cô tiểu thư Hồng Ngọc kén chồng được một cậu quan Tây trẻ đến hỏi làm vợ, cha mẹ cô dâu hí hửng nhận cho vào ở rể. Ở chung mới biết cậu ta chỉ là một thằng ở đợ tên Kim Ất, được ông chủ của mình là Kim Ấm cố tình bày trò để trả thù thái độ khinh thường trước đó của cô tiểu thư.

Nhưng thành công nhất chính là vở Số đỏ, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng, ra mắt năm 2003. Điều đáng nói là vở đã tạo cho hầu hết diễn viên tham gia một vai diễn mới để đời: Minh Béo với vai cậu Phước “em chả”, Thúy Nga gây ấn tượng mạnh với vai bà cố Hồng, Minh Hoàng - Cát Phượng trong vai ông bà Văn Minh, Hồng Vân khẳng định đẳng cấp trong vai bà phó Đoan.

Đặc biệt nhân vật Xuân tóc đỏ có đến năm người thủ diễn, ngoài Đức Hải, Hoài Linh, ba người còn lại là sự ngạc nhiên cho khán giả: ca sĩ Bằng Kiều, ca sĩ Tuấn Hưng và giảng viên Đoàn Bình. Cả ba vở mang phong vị kịch Bắc này đều tạo được hiệu ứng tốt trước khán giả với 70 suất diễn cho Giải oan Thị Mầu, 165 suất cho Vợ khôn dạy chồng dại và gần 200 suất cho Số đỏ.

Phát hiện mình trong cuộc sáng tạo mới

Nếu như khán giả đón nhận những vở kịch nói trên với cảm giác thích thú trước sự mới lạ của những diễn viên quen thuộc, thì những người trong cuộc cũng thấy vô cùng hứng khởi khi phát hiện sự thanh xuân của mình trong cuộc sáng tạo mới. Ngoài những nghệ sĩ gốc Bắc thấy mình như cá gặp nước, một người có khả năng phát âm thuần thục cả hai giọng Bắc và Nam như Hồng Vân cũng cho rằng diễn những vở này “nhả chữ sướng lắm”.

Những nhấn nhá đặc trưng trong ngữ điệu miền Bắc giúp diễn viên dễ thể hiện sắc nét hơn tính cách nhân vật. Những diễn viên quen thuộc lâu nay bỗng nói tiếng Bắc rành rọt như Minh Hoàng, Cát Phượng, Vân Anh, Thúy Nga, Thanh Vân... cho rằng đây là cơ hội để mình thể hiện cái tôi mới trên sân khấu. Bởi có một điều ít ai biết là các diễn viên này hầu hết tuy được sinh ra ở miền Nam nhưng gia đình ít nhiều đều mang gốc Bắc, nên việc tập nói giọng Bắc đối với họ không mấy khó.

Nhưng chính khâu diễn viên là trở ngại không nhỏ cho kế hoạch thực hiện một “album” kịch dựa theo dòng văn học mang tính hiện thực phê phán của Sân khấu Phú Nhuận. Một số vở dựng tiếp theo như Chị Dậu, Chí Phèo... đã không thể thực hiện theo dạng kịch Bắc như dự kiến vì có quá ít diễn viên đáp ứng được yêu cầu.

Theo Hồng Vân, “album” kịch này sẽ chỉ có loại hài kịch châm biếm, phát âm giọng Bắc nhưng cách diễn mang phong thái Nam bộ, thế nên những diễn viên có nghề đến từ các đoàn nghệ thuật phía Bắc cũng khó hội nhập được. Một khó khăn khác khiến tiến trình triển khai kế hoạch này diễn ra khá chậm vì khan hiếm kịch bản. Đến nay mới có một tác giả là Lê Chí Trung có vẻ chí thú với công việc chuyển thể những tác phẩm văn học thuộc dòng này sang kịch bản sân khấu. Và cũng chỉ mới có một đạo diễn Doãn Hoàng Giang chịu khó đem “khẩu khí” đất Bắc vào sàn diễn phía Nam.

Vở kịch Kỹ nghệ lấy Tây sắp được dàn dựng được Lê Chí Trung chuyển thể từ hai năm trước và bây giờ, theo lời Hồng Vân, mới đúng thời điểm thích hợp để trình làng. Bởi nội dung vở đề cập một hiện thực khá nhạy cảm, đó là những khôi hài trong chuyện chim chuột của các “me Tây” cách đây gần một thế kỷ. Dàn diễn viên tham gia vẫn là những gương mặt quen thuộc cho dạng kịch này như: Hồng Vân, Đức Hải, Minh Hoàng, Thanh Vân, Trịnh Kim Chi, Thúy Nga, Vân Anh... Đặc biệt có sự hiện diện của siêu mẫu Bình Minh lần đầu tiên tham gia đóng kịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận