27/04/2024 13:00 GMT+7

Kinh tế Mỹ đuối sức trong quý 1, lạm phát vẫn tăng

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ 1,6% trong quý đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,4%. Đây là mức tăng trưởng GDP yếu nhất của Mỹ kể từ giữa năm 2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về lý thuyết kinh tế Bidenomics của ông tại bang Colorado, ngày 29-11-2023 -  Ảnh: AFP - Nguồn: Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) - New York Times - Đồ họa: T.ĐẠT

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về lý thuyết kinh tế Bidenomics của ông tại bang Colorado, ngày 29-11-2023 - Ảnh: AFP - Nguồn: Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) - New York Times - Đồ họa: T.ĐẠT

Mức 1,6% cũng chậm lại rõ rệt so với mức 3,4% trong quý cuối năm 2023.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP chậm lại do sức mua của người tiêu dùng và xuất khẩu suy giảm. Chi tiêu của người dân chỉ tăng 2,5%, thấp hơn quý cuối năm 2023, trong khi chi tiêu của chính phủ liên bang cũng giảm.

Áp lực đè lên người Mỹ

Tăng trưởng giảm tốc đi kèm với sự tăng tốc đột ngột của lạm phát với mức tăng 3,4% trong quý 1, cao hơn nhiều so với 1,8% trong quý cuối năm ngoái. Theo báo New York Times, điều này cho thấy nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bế tắc, làm tăng khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt.

Fed có thể phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí tăng thêm để kiểm soát lạm phát, điều này đồng nghĩa với chi phí đi vay cao hơn. Người tiêu dùng giàu có không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các hộ gia đình thu nhập thấp hơn thì rất áp lực.

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, nhận định: "Lạm phát đột nhiên "cao hơn trong thời gian dài" có thể đồng nghĩa với một đợt tăng lãi suất khác". Bà Diane Swonk cho rằng hiện tại Fed đang bị mắc kẹt trong "luyện ngục chính sách tiền tệ".

Tin tức về tăng trưởng GDP giảm tốc ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường tài chính. Phố Wall phủ sắc đỏ và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng do các nhà đầu tư dự đoán rằng chi phí đi vay sẽ vẫn ở mức cao.

Các nhà đầu tư không phải là đối tượng duy nhất bị thiệt hại nếu lãi suất vẫn ở mức cao. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chi phí đi vay cao đang đè nặng lên tình hình tài chính của người Mỹ. Người tiêu dùng chỉ tiết kiệm được 3,6% thu nhập sau thuế trong quý đầu tiên, giảm từ mức 4% vào cuối năm ngoái và hơn 5% trước đại dịch.

Với các hộ gia đình thu nhập thấp, vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Họ chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu và với lãi suất cao, đối mặt với tình trạng không thể thanh toán nợ tín dụng.

Điều đó đặt ra một câu hỏi hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách tại Fed: công cụ chính của họ để chống lạm phát là lãi suất cao lại không có mấy tác dụng. Nhưng nếu giảm lãi suất, lạm phát có thể tiếp tục tăng tốc.

Thế khó của ông Biden

Các chuyên gia đánh giá rằng áp lực lạm phát có thể là hòn đá cản đường ông Biden làm ông chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ, khi ông đang là đại diện của Đảng Dân chủ để tái tranh cử vào tháng 11 tới.

Ông Stuart Paul, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho biết: "Đây là một thất bại đối với tổng thống. Khả năng phục hồi kinh tế Mỹ gần như là một vấn đề đối với ông Biden".

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ được công bố vào thời điểm có thể ảnh hưởng xấu đến chiến dịch tranh cử của tổng thống. Người Mỹ vốn đã không hài lòng với điều kiện kinh tế và nghiên cứu cho thấy rằng cử tri bắt đầu quyết định về hướng đi của nền kinh tế khoảng sáu tháng trước cuộc bầu cử - tức là ngay thời điểm này.

Một cuộc thăm dò ý kiến cử tri của Bloomberg News/Morning Consult ở bảy bang chiến trường trong tháng này cho thấy hơn một nửa dự đoán nền kinh tế sẽ tồi tệ hơn vào cuối năm nay. Ít nhất một nửa số cử tri còn cho rằng tỉ lệ lạm phát thậm chí còn tăng cao hơn hiện tại.

Do đó, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã loại bỏ hầu hết khẩu hiệu về "Bidenomics" - vốn dùng để chỉ các chính sách kinh tế của ông Biden. Thay vào đó, họ chuyển sang đề cập đến những vấn đề khác như quyền phá thai và bảo vệ nền dân chủ.

Ông Biden đã công bố một loạt biện pháp được Quốc hội thông qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Mỹ, đổi mới cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.

Hãng tin AFP dẫn lời bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, cho hay "triển vọng tương lai không chắc chắn".

Sức bật của thị trường lao động có thể sẽ thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát dai dẳng có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ phải chịu rủi ro khi giữ lãi suất cao trong thời gian dài.

"Lạm phát và lãi suất giảm sẽ tốt cho cử tri và Tổng thống Biden - chuyên gia kinh tế Stuart Paul cho biết. "Nhưng điều khiến Fed phải cắt giảm lãi suất chính là dữ liệu kinh tế tồi tệ", tức kinh tế chậm lại đáng kể và thất nghiệp tăng cao.

Tổng thể kinh tế Mỹ vẫn lạc quan

Bất chấp những con số kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ lạm phát tăng cao, về tổng thể nền kinh tế Mỹ vẫn lạc quan so với dự đoán bi quan của một năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, duy trì dưới 4% trong hai năm qua.

Việc làm mới cùng tiền lương tăng giúp thu nhập thực tế vượt lạm phát trong quý đầu năm. Các doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều hơn vào thiết bị và phần mềm, thể hiện niềm tin vào nền kinh tế.

Ngân hàng lớn của Mỹ bị tòa án Nga ra lệnh tịch thu tiềnNgân hàng lớn của Mỹ bị tòa án Nga ra lệnh tịch thu tiền

Một tòa án Nga ra lệnh tịch thu tiền trong các tài khoản Ngân hàng JPMorgan Chase ở nước này, trong vụ kiện do Ngân hàng VTB của Nga đệ trình nhằm tìm cách lấy lại số tiền bị phong tỏa ở nước ngoài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên