Lai Xá - làng chụp ảnh

NGUYỄN MẠNH HÀ 09/11/2003 10:11 GMT+7

TTCN - Cách trung tâm Hà Nội 15km, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây chia làm năm xóm và có một phố hẳn hoi. Trên con phố Lai dài chưa đầy 1km này có sáu hiệu ảnh và một lab. Đặc biệt, số lao động làm nghề chụp ảnh trong thôn chiếm tới 40%.

Phóng to
Đình làng Lai Xá thờ An sinh vương Trần Liễu
TTCN - Cách trung tâm Hà Nội 15km, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây chia làm năm xóm và có một phố hẳn hoi. Trên con phố Lai dài chưa đầy 1km này có sáu hiệu ảnh và một lab. Đặc biệt, số lao động làm nghề chụp ảnh trong thôn chiếm tới 40%.

Trong không khí yên ả của một làng quê sau mùa gặt, Lai Xá không cho ta biết đến cái nghề truyền thống nơi đây; thế nhưng quan sát chiếc tủ chè của mỗi gia đình, rất dễ thấy một vài chiếc máy ảnh bên trong.

Lấy mốc 1892 (*), khi cụ Nguyễn Đình Khánh (1874-1946) mở hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội, đến năm nay - năm hành nghề thứ 111 của người làng, Lai Xá mới được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chậm trễ như vậy có lẽ vì người Lai Xá không tập trung làm ảnh tại làng mà tỏa đi khắp... thế giới!

Lai lịch làng nghề

Phóng to
Cụ Lương Khánh Học với tấm bằng công nhận làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá
Theo tài liệu của cụ Đặng Tích, từ đầu những năm 40 sau Công nguyên, sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, những nghĩa binh bị thương tật hoặc già yếu đã không trở về quê quán cũ mà ở lại đất này lập nên Kẻ Sai. Năm Canh Thìn (800), tri phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây đổi tên Kẻ Sai thành Lai Xá. Chữ Lai xuất phát từ lão Lai trong nhị thập tứ hiếu, đóng giả phường tuồng làm trò vui cho cha mẹ thượng thọ.

Dân Lai Xá tin rằng chính thành hoàng đã phái cụ Khánh đem nghề ảnh về truyền cho làng - một nghề tái hiện và lưu giữ được hình ảnh của tổ tiên, ông bà (cũng muốn đánh vào tâm lý của con cháu hiếu thảo thời xưa mà hiệu ảnh đầu tiên ở VN - 1869 - của cụ Đặng Huy Trứ có tên là Cảm Hiếu Đường).

Khoảng năm 1912, do tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị lộ, cụ Khánh sang Pháp mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, trong cuộc thi chụp chân dung tân tổng thống Pháp Raymond Poincare, ảnh Khánh Ký đã chiếm bảng vàng, lên bìa tờ Illustration. Sau đó ít lâu, một hiệu Khánh Ký nữa khai trương ở Paris.

Năm 1917, khi Nguyễn Ái Quốc sang Pháp đã làm nghề chấm sửa ảnh tại hiệu ảnh này. Theo báo cáo của mật thám Pháp, ông Khánh có cả cửa hiệu ở Frankfurt và Mainz (Đức). Năm 1921, ông Khánh về nước, sang Trung Quốc mở hiệu ảnh ở Quảng Châu, rồi ở Hải Phòng, ở đường Bonnard (nay là Lê Lợi), Sài Gòn với đại đa số tay thợ đều là người Lai Xá.

Thời kỳ này trên toàn quốc có gần 20 hiệu ảnh của người Lai Xá. Đến giữa thế kỷ 20, có khoảng 2.000 người làng làm ảnh tại hơn 150 cửa hiệu khắp đất nước. Hà Nội có 33 cửa hiệu, Sài Gòn - 34, Hải Phòng - 16... với các “thương hiệu” biến thể của Ký hay Lai: An Ký, Thiện Ký, Thịnh Ký, Phúc Lai, Mỹ Lai, Kim Lai, Tân Lai... Đặc điểm chung của các hiệu ảnh này: lớn nhất, vị trí đẹp nhất và thường là đông khách nhất.

Sống cùng nghề

Những người chơi ảnh đen trắng nghiệp dư ở Hà Nội hẳn biết ông Phạm Thành, nhận rọi ảnh ở số 78 Trường Chinh. Ông học nghề ảnh năm 18 tuổi (1949) ở hiệu ảnh Thủ Đô của ông chú ruột, số 40 Hàng Bông, ít lâu sau về 38 Hàng Lọng (Lê Duẩn bây giờ), lấy tên là Mỹ Lai. Bố ông Phạm Thành, cụ Phạm Văn Giai học nghề trực tiếp từ cụ Khánh Ký. Khi ông Thành lập gia đình năm 1950, lương tháng của ông là 2.500 đồng Đông Dương, trong khi 1 lượng vàng giá 2.900 đồng.

“Năm nay, tôi sẽ ăn tết ở làng!”. Sau hơn nửa thế kỷ xa cách, ông Thành trở về làng, tậu đất làm nhà. Ông vừa cùng một số nhà nhiếp ảnh kỳ cựu quê Lai Xá giảng dạy xong một khóa nhiếp ảnh nâng cao năm tháng (mỗi tháng học bốn buổi chủ nhật) cho hơn 40 học viên của huyện. Các học viên tốt nghiệp trở thành nòng cốt cho Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh vừa thành lập. Ông Thành cho biết trung tâm sẽ mở các lớp ảnh ABC không lấy tiền, kinh phí do huyện cấp.

Đến dự lễ trao bằng cho làng, chúng tôi gặp cụ Lương Khánh Học, phó chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Ông kể rằng trước khi thành danh với nghề ảnh, làng Lai Xá trước kia sống với nghề dệt đũi, sồi, vải màn...

Và trước năm 1954, nghề ảnh chỉ truyền cho nam giới trong làng. Ông Học đã chụp ảnh từ cách đây gần nửa thế kỷ. Ông có người anh họ mở hiệu ảnh Kinh Đô - sau đổi thành Nắng Xuân - tại 58 Bạch Mai, trước cửa chợ Mơ, hay đem ảnh về làng cho ông chấm sửa, tô màu. Một cô con gái của ông lấy chồng bên Nhật, mới gửi về cho bố chiếc Nikon F60.

Trong tủ ông còn ba máy Zenith, Pratica và Canon. Vợ chồng cậu con cả ở với bố mẹ, cùng gia đình ba người em ở làng cũng lặp lại “mô hình” làm kinh tế của bố mẹ: vừa trồng lúa, trồng hoa vừa chụp ảnh. “Ngày xưa, in một cuốn phim bằng đèn dầu xong, ra ngoài hai lỗ mũi toàn muội than! Tôi ngồi in cho bà ấy tráng, muỗi đốt gần chết, có khi ngủ gật nước ảnh đổ vào người”.

Vui miệng, ông kể, quãng 1980-1981 ông theo cụ Võ An Ninh đi Điện Biên; khi về cụ Võ nằm bệnh cả tuần vì tiếc: cả năm cuộn phim đều thiếu sáng vì thuốc hãm pha không đủ độ!

________________________________________

(*) Sách Lịch sử nhiếp ảnh VN (sơ thảo - NXB Văn Hóa Thông Tin, 1993, trang 17 lại ghi: “Năm 1905 (Nguyễn Đình Khánh) mở hiệu ảnh đặt tên là Khánh Ký ở Hà Nội”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận