Lý Khắc Lynh: Tìm ngôn ngữ trái tim

CÁT VŨ 25/11/2008 22:11 GMT+7

TTCT - Tháng 12-2008, đạo diễn trẻ Lý Khắc Lynh sẽ giới thiệu với công chúng cùng lúc hai sản phẩm mới nhất của anh: bộ phim truyền hình 25 tập Bão yêu thương và vở kịch nói Trong hào quang bóng tối. Phim đang hối hả vào phòng dựng cho kịp lịch phát sóng, còn vở kịch đã tranh thủ đưa lên sàn tập lúc... nửa đêm với đích đến là Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 2 đến 10-12-2008).

Phóng to
TTCT - Tháng 12-2008, đạo diễn trẻ Lý Khắc Lynh sẽ giới thiệu với công chúng cùng lúc hai sản phẩm mới nhất của anh: bộ phim truyền hình 25 tập Bão yêu thương và vở kịch nói Trong hào quang bóng tối. Phim đang hối hả vào phòng dựng cho kịp lịch phát sóng, còn vở kịch đã tranh thủ đưa lên sàn tập lúc... nửa đêm với đích đến là Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 2 đến 10-12-2008).

Bão yêu thương là câu chuyện về một nữ nhà báo tên Huệ (Trang Nhung đóng). Nổi tiếng với những bài phóng sự về các mặt trái của xã hội, Huệ trở thành mục tiêu săn đuổi của nhiều thế lực đen. Cô yêu và kết hôn với một họa sĩ (Huy Khánh đóng) nhưng không chấp nhận nổi thái độ dấn thân quên mình, quyết liệt xông vào nơi nguy hiểm đấu tranh với cái xấu, cái ác của vợ, anh họa sĩ đã chia tay.

Xoay quanh hai nhân vật chính này là mười nhân vật khác mà số phận cũng được khai thác khá trọn vẹn, có thắt, có mở và có sự liên hoàn với nhau trong các mối quan hệ. Bên cạnh những diễn viên trẻ như Trang Nhung, Huy Khánh, Quỳnh Thư, Quốc Cường, ca sĩ Nhật Kim Anh là một “dàn bao” với những tên tuổi như Công Ninh, Hữu Luân, Phương Dung sẽ đảm bảo độ “nặng” cho bộ phim.

Bối cảnh trong phim được thu hình chính tại TP.HCM và Đà Lạt. Lý Khắc Lynh nói vui đã thực hiện bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tay này của mình bằng kinh nghiệm đúc kết từ cái dở ở những bộ phim trước của... người khác! Vì vậy, anh sẽ cố tránh để phim không bị rơi vào tình trạng câu giờ vô bổ. Ở phim của anh, tình huống sẽ được chắt lọc cô đọng và hấp dẫn. Anh hứa chắc như vậy vì cho rằng người chỉ huy trực tiếp bàn tay dàn dựng của anh chính là... những cảm xúc. Các nhân vật của Lý Khắc Lynh sẽ còn lại gì sau cơn bão cuộc đời, đó chính là điều bí mật mà anh tin khán giả sẽ đủ hào hứng để khám phá khi bộ phim được khởi chiếu vào trung tuần tháng mười hai.

Vở kịch Tây Ban Nha Trong hào quang bóng tối từng một thời quen thuộc với khán giả Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cách đây gần 20 năm, là vở dựng tốt nghiệp xuất sắc của nữ đạo diễn Kim Loan. Câu chuyện xảy ra trong một ngôi trường mù, ở đó những người khiếm thị được dạy rằng mù đơn giản chỉ là không nhìn thấy mà thôi. Chỉ đến khi một nhân vật mới là Ignacio xuất hiện thì sự dối lừa mới bị phơi bày. Và rồi để bảo vệ sự bình yên của ngôi trường, người ta “thành kính” giết chết Ignacio.

Với một cấu trúc kịch và cách đặt vấn đề khác lạ cùng sự tỏa sáng của nghệ sĩ Thành Lộc lúc ấy trong vai Ignacio, Trong hào quang bóng tối nằm trong số những vở diễn được yêu thích nhất ở sân khấu 5B. Lần này, trong chủ trương tái dựng những kịch bản có giá trị của Nhà hát Sân khấu nhỏ, Trong hào quang bóng tối được giao cho Lý Khắc Lynh. Hỏi có “chiêu” gì mới để đánh dấu sự xuất hiện của đạo diễn thế hệ mới, Lý Khắc Lynh không ngại bật mí anh sẽ dùng sự tương phản về hình thức để thể hiện nội dung, nghĩa là cho người mù chơi... ánh sáng!

Ánh sáng với nhiều sắc màu sẽ vẽ nên những không gian và cảnh trí khác nhau cho sàn diễn. Lý Khắc Lynh tin răng sự phối hợp ăn ý của hai anh em ruột là nhạc sĩ Duy Thoán và nữ họa sĩ Kim B sẽ đem lại cho vở diễn những điều mà người mù cũng thấy được.

Phóng to

Lý Khắc Lynh chỉ đạo diễn xuất

Một năm trước đây, cũng vào thời điểm này Lý Khắc Lynh đã bước ra hào quang từ bóng tối, khi vượt lên nhiều chục thí sinh cả nước để đoạt giải A trong cuộc thi tài năng đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc lần thứ nhất với vở kịch 270gr. Tên gọi của vở kịch thoạt đầu như một sự đánh đố, dễ gây phản cảm, thế nhưng khi được trực tiếp thở cùng vở diễn, người xem như bị chìm đắm vào một cơn mê cảm xúc để rồi khi câu chuyện trên sân khấu khép lại, họ ra về với một trái tim mở.

Ngoài nội dung thấm đẫm tình người, vở kịch 270gr của Lý Khắc Lynh còn gây sững sờ bởi tính hiệu quả của việc đưa màn ảnh vào sàn diễn sân khấu. Chuyện dùng màn hình điện ảnh để bổ sung những chi tiết mà sàn diễn không thể hiện được là một việc làm không mới, nhưng cách biến màn ảnh thành một nhân vật, có lúc lại như một tấm gương để các nhân vật tự soi mình là phát hiện độc đáo của Lý Khắc Lynh, khiến các đạo diễn “tiền bối” có mặt trong hội đồng nghệ thuật của cuộc thi không tiếc lời ngợi khen.

Đây là vở dựng sân khấu đầu tay của Lý Khắc Lynh và anh làm được điều “xưa nay hiếm” là có một vở kịch vừa được giới chuyên môn đánh giá cao vừa được đông đảo người xem yêu thích. Suốt một năm qua, từ ngày ra mắt đến nay vở 270gr vẫn nằm trong danh sách những vở “hot” nhất của sân khấu 5B.

Thuở nhỏ, nhà ở Hóc Môn, vì “ghiền xinê” nên cậu bé Lý Khắc Lynh thường xuyên đạp xe đạp về tận các rạp ở Sài Gòn xem phim. Có khi cậu gặm bánh mì khô ngồi lì cả ngày trong rạp xem đi xem lại nhân vật mình yêu thích, để rồi bao giờ ra về cũng mang theo câu hỏi không biết người ta làm sao dựng được những bộ phim hay như vậy. Từ thuở đó, cậu bé nuôi nấng nỗi khát khao gần như vô vọng: sẽ trở thành đạo diễn điện ảnh.

Vô vọng bởi cậu con trai út của một gia đình công nhân hãng rượu bia đông con quanh năm sống ở vùng ven, học xong cấp ba không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể biến ước mơ đạo diễn điện ảnh của mình thành hiện thực. Sau hai năm trầy trật, Lý Khắc Lynh được bạn giới thiệu tham gia lớp học diễn xuất điện ảnh ở Câu lạc bộ Tân Sơn Nhất.

Năm 1996, nghĩa là phải mất trắng năm năm dò tìm, Lynh mới thi đậu vào khoa diễn viên Trường Sân khấu và điện ảnh TP.HCM. Và tuy năm nào cũng được bạn bè thầy cô chọn đóng vai chính trong các vở bài tập, song Lynh nghe rất rõ tiếng lòng mình rằng đạo diễn điện ảnh mới thật sự là đích đến. Vậy là khi xong lớp diễn viên, anh trở thành gương mặt nổi bật, thủ khoa lúc thi vào cũng như tốt nghiệp khóa đạo diễn điện ảnh năm 2000-2003. Bộ phim tốt nghiệp Gió không ở lại của Lý Khắc Lynh sau đó đã được lọt vào top 5 trong giải Cánh diều vàng 2004.

Tiếng tăm từ trường học đã “trải hoa” cho Lynh ở đường đời. Trong khi bạn bè còn đang ngơ ngác vì không biết có ai dám giao phim cho làm, Lynh đã được một nhà sản xuất tư nhân mời cộng tác, thực hiện một bộ phim video có tên Công nghệ lăngxê. Và rồi Lynh đã lãnh trọn một gáo nước lạnh cho những suy nghĩ thật thà của mình. Nhà sản xuất muốn có một sản phẩm bán được, còn đạo diễn lại nung nấu một bộ phim tử tế. Hai con đường song song chỉ gặp nhau ở vô cực nên họ đành nửa chừng chia tay. Nhưng phải đến khi trở thành đạo diễn của bộ phim truyện nhựa Thập tự hoa, Lý Khắc Lynh mới thật sự ý thức về ý nghĩa câu “thương trường là chiến trường”.

Cầm kịch bản Thập tự hoa đi chào hàng, anh may mắn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ hai giám đốc trẻ của hai công ty tư nhân. Họ không ngại bỏ ngay hàng tỉ đồng để bộ phim được thực hiện. Với một dàn sao gồm Nguyễn Phi Hùng, Thủy Hương, Phương Thanh, Công Ninh..., bộ phim được dàn dựng kỹ lưỡng, bối cảnh Đà Lạt thật đẹp, thế nhưng doanh thu không hoàn được vốn. Ở góc độ nghề nghiệp, đây là bộ phim trên trung bình nhưng khi phát hành thì thua trắng. Cái đau của nhà sản xuất đã làm trái tim Lynh rướm máu.

Duyên nợ gắn bó Lynh với sân khấu là khi anh được phòng văn nghệ Đài truyền hình TP.HCM (HTV) nhận về làm biên tập. Chính ở nơi này, trong hơn ba năm qua anh đã viết và dàn dựng trên 20 vở kịch cho chương trình Tâm hồn cao thượng của HTV với tiêu chí đem đến người xem những câu chuyện nhân ái, những con người hướng thượng. Lynh đã dành không ít thời gian tìm kiếm và chuyển thể những câu chuyện từ các tác phẩm văn học sang kịch và phim. Khán giả của chương trình Tâm hồn cao thượng vẫn nhớ những vở kịch do anh chuyển thể và dàn dựng như Món quà đêm Giáng sinh, Ngọn đèn dầu trong đêm, Tiên bay về trời... Trong số đó, đáng kể nhất là sự thành công của vở kịch Người đại diện, phỏng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Anh Arthur St. John Adcock với các diễn viên Quốc Thái, Minh Trí, Lê Khánh.

Lý Khắc Lynh đặc biệt yêu thích tác phẩm của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Năm 2003, trong khi tìm ý tưởng để làm phim tốt nghiệp, anh tình cờ đọc được truyện ngắn Chuyện ở phố hoa xoan của chị. Truyện kể về một cô bé mồ côi tình cờ lạc vào một ngôi chùa hoang, gặp một họa sĩ đang làm điêu khắc. Hai người nảy sinh tình cảm, song sau đó cô bé đã không cưỡng lại được sức cám dỗ của những xa hoa lộng lẫy nên đã bỏ đi. Lynh đã gọi cô bé ấy là Gió và anh đặt tên cho bộ phim tốt nghiệp của mình là Gió không ở lại.

Còn Thập tự hoa là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa anh và Trần Thùy Mai, bởi từ truyện ngắn này, anh đã có được một vở kịch truyền hình hay và một bộ phim truyện nhựa. Sau khi Bão yêu thương và Trong hào quang bóng tối ra mắt, Lý Khắc Lynh sẽ bắt tay dàn dựng vở kịch tết tạm đặt tên là Sống rạo rực do chính anh chuyển thể dựa theo tiểu thuyết Phía sau giảng đường của nhà văn Hữu Đạt. “Một vở kịch tâm lý mà chỉ mới đặt bút viết tôi đã cảm thấy... rạo rực” - anh nói.

Nếu tính luôn sáu năm miệt mài ở Trường Sân khấu và điện ảnh, Lý Khắc Lynh đã phải mất 11 năm để tìm được giấc mơ xưa. Những tác phẩm ít ỏi ban đầu đã nhanh chóng đưa anh vào danh sách những đạo diễn trẻ nhiều tiềm năng, song Lynh không để mình bị cuốn theo những ồn ào bề nổi. Anh thích đi con đường riêng với những bộ phim, những vở kịch mang ngôn ngữ trái tim.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận