Màu da tổng thống là... cà phê sữa

MẠNH KIM 26/10/2008 18:10 GMT+7

TTCT - Loạt thăm dò vài tháng gần đây cho thấy ứng cử viên Dân chủ Barack Obama luôn dẫn điểm trước ứng cử viên Cộng hòa John McCain.

Phóng to

Obama thắng điểm ở chính sách kinh tế, Obama thắng điểm ở vấn đề Iraq, Obama thắng điểm ở chủ trương đối ngoại và Obama cũng thắng điểm ở cả ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Liệu thật sự vấn đề màu da nước Mỹ đã trở thành chuyện quá khứ và lịch sử nước Mỹ sẽ có tổng thống da màu đầu tiên?

Câu trả lời vừa là có thể vừa là không thể.

Trước hết, liệu nước Mỹ có thể gác lại quá khứ phân biệt màu da để cùng chọn một gương mặt chính trị gia da màu đại diện mình gánh vác trọng trách lèo lái đất nước vượt qua cơn bão kinh tế đang phủ mây đen lên khắp nước Mỹ? Hơn một thế kỷ qua, Mỹ đã bầu 1.454 thống đốc bang, trong đó chỉ có hai người da màu. Trong cùng thời gian có 1.100 chính trị gia được bầu làm thượng nghị sĩ nhưng cũng chỉ có ba người da màu!

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 5-2008, khi được hỏi điều gì khiến không thích về hai ứng cử viên - với McCain, người ta nói rằng đó là quan điểm chính trị, trong khi với Obama câu trả lời là “loại người ông ấy”. Sự dè dặt có lẽ một phần do lý lịch Obama: bố là dân Phi theo đạo Hồi, ông có cái tên nghe như người nước ngoài và thời niên thiếu của ông sống bên ngoài nước Mỹ...

Câu trả lời là có thể. Nếu xét tổng quát hơn khi nhìn vấn đề dưới lăng kính và quan điểm của một nhóm cử tri, có thể nói rằng định kiến màu da thật sự đang biến dần khỏi sinh hoạt chính trị Mỹ. Những vấn đề lớn thời 1970-1980 như tội phạm và phúc lợi (với ít nhiều liên quan trực tiếp màu da) đang biến mất. Điều người ta quan tâm bây giờ là nước Mỹ được đặt ở đâu trong thời toàn cầu - nói một cách vĩ mô, hoặc Chính phủ Mỹ làm gì thiết thực để lo cho dân - nói một cách vi mô. Dân Mỹ ngày nay, bất luận màu da, đều cùng khổ như nhau khi họ ở tầng lớp lao động; trong bối cảnh mà thành phần giàu mới nổi tại Mỹ là dân gốc tứ phương.

Sự “hòa tan” chủng tộc có thể thấy rõ ở các cuộc hôn nhân, đặc biệt trong giới sinh viên. Năm 2005, có hơn 3 triệu cặp khác màu da kết hôn tại Mỹ, gấp 10 lần năm 1970. Tác giả Richard Rodriguez (quốc tịch Mỹ, gốc Mexico) từng viết rằng màu da mới của nước Mỹ bây giờ chẳng là đen hay trắng nữa mà là “cà phê sữa”. Do đó muốn hay không, những người có định kiến màu da phải nhìn nhận rằng Barack Obama đang hiện thân cho một xã hội chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa (chứ không phải chủng tộc), một xã hội đa văn hóa và đa chủng tộc đã phát triển mạnh đến mức gần như có thể xóa bỏ tất cả rào cản và ác cảm màu da.

Với những người theo chính kiến tự do (khuynh hướng chính trị phổ quát của Đảng Dân chủ, ngược với đường lối bảo thủ và “nước Mỹ trên hết” của Đảng Cộng hòa), Obama còn tượng trưng cho một nước Mỹ mới “đa dạng sinh học” hơn, biết khoan dung và rộng mở hơn với thế giới bên ngoài. Trong thực tế nước Mỹ đã bắt đầu thay đổi màu da vài thập niên gần đây dù tiến trình này xảy ra rất chậm (gần đây, tháng 3-2008, David Paterson đã trở thành người da màu đầu tiên ngồi ghế thống đốc New York).

Kết quả của hiện tượng nước Mỹ hợp nhất như ngày nay (như được thấy ở cụm từ E Pluribus Unum - xuất hiện trong huy hiệu chính thức của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, có nghĩa “một, từ nhiều” - ám chỉ sự hợp nhất nước Mỹ từ nhiều bang) thật ra đã định hình từ nhiều thập niên và là một kết quả tất yếu.

Đầu tiên đó là sự có mặt tăng dần của thành phần cử tri da màu giai đoạn 1940-1970, khi có nhiều người da màu từ miền nam (nơi từng tồn tại chế độ nô lệ) lũ lượt kéo lên miền bắc để kiếm sống trong các khu công nghiệp mới mở, nơi họ được các liên đoàn lao động che chở với chủ trương bài bác chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Kết quả, tỉ lệ người da màu sống tại miền bắc tăng từ 23% năm 1940 lên 47% năm 1970 - theo Michael Barone (Hoover Digest No2, 201). Đây là một trong những giai đoạn di dân lớn nhất lịch sử Mỹ.

Sự chuyển dịch này tỉ lệ thuận với việc tăng dần sự ủng hộ cánh Dân chủ ở miền bắc. Số người ủng hộ Dân chủ tại miền bắc tăng đến 90% khi tổng thống John F. Kennedy (Dân chủ) ủng hộ dự luật dân quyền năm 1963 và khi ứng cử viên tổng thống Cộng hòa Barry Goldwater bỏ phiếu chống dự luật trên năm 1964. Từ đó đến nay người da màu có truyền thống bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ (cho các ứng cử viên Jimmy Carter, Walter Mondale, Michael Dukakis, Bill Clinton và Al Gore).

Nói cách khác, như Ezra Klein (cây bút của chuyên san chính trị nổi tiếng The American Prospect) ghi nhận, trong vài thập niên trở lại đây chưa ứng cử viên Dân chủ nào chiến thắng nhờ lá phiếu cộng đồng da trắng (Bill Clinton chỉ giành được 39% và 43% lá phiếu da trắng trong chiến dịch tranh cử năm 1992 và 1996; trước đó, Jimmy Carter chỉ giành được 47% lá phiếu da trắng năm 1976 so với 52% của Gerald Ford). Ngay tại các bang miền nam, nơi vốn nổi tiếng kỳ thị chủng tộc, vấn đề màu da cũng bắt đầu bớt “đậm”.

Đầu năm 2008, hơn 98% cử tri da trắng hạt Cullman (bang Alabama) đã chọn một người da màu, James Fields, đại diện họ ở ghế dân biểu cấp bang. Đây là một sự kiện lịch sử (lần đầu tiên) và cũng là giai đoạn của sự “tỉnh thức hoàn toàn” - như cách nói của cây bút Adam Nossiter (International Herald Tribune).

“Thật thế ư, tôi chẳng bao giờ nhận ra ông ấy (James Fields) là người da màu cả” - một phụ nữ nói. “Ông ấy là dân da màu ư?” - viên cảnh sát Lou Bradford hỏi đùa. Cuối năm 2007, chính trị gia da màu Eric Powell cũng đã được bầu vào thượng viện bang Mississippi từ một vùng có 92% dân da trắng...

Hãy chờ xem bởi cử tri Mỹ mới có câu trả lời dứt khoát trong những ngày tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận