Mua sắm công phải được giám sát

DIỆP VĂN SƠN 08/07/2007 16:07 GMT+7

TTCT - Được biết, Bộ Tài chính đang soạn thảo qui định hướng dẫn về mua sắm cho các cơ quan nhà nước, dự kiến trong năm 2008 sẽ hoàn chỉnh và ban hành.

Hoạt động mua sắm trong khu vực công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mọi chính phủ. Thông thường, hoạt động mua sắm chiếm 20% chi tiêu của chính phủ, ở các nước đang phát triển con số này có thể lên tới 50% (bao gồm các hợp đồng xây dựng).

Hoạt động mua sắm của chính phủ thường được công luận, cộng đồng đặc biệt quan tâm. Có thể nói nó gần như là một tiêu chí để đánh giá sự trong sạch của các quan chức cũng như chính phủ. Nhiều chính phủ lâm vào tình trạng lung lay, mất tín nhiệm, thậm chí phải từ chức tập thể chỉ vì bị công luận phanh phui không minh bạch trong một vài phi vụ hoạt động mua sắm có giá trị lớn.

Ở hầu hết các nước, các bộ và các cơ quan sử dụng ngân sách thực hiện hoạt động mua sắm của mình và giao các hợp đồng công trình dân sự, các nguồn cung ứng theo các hướng dẫn và mục tiêu mua sắm do một cơ quan trung ương ban hành (thường là bộ tài chính).

Cơ quan trung ương này đặt ra mức tối thiểu cho hoạt động mua sắm hoặc các hợp đồng cho phép lãnh đạo các cơ quan có sử dụng ngân sách quyết định, cũng như các ngưỡng mua sắm phải tuân thủ các thủ tục đấu thầu nghiêm ngặt hơn.

Ở Anh, nhóm công tác về chính sách mua sắm là một đơn vị liên ngành gồm Kho bạc và Bộ Công nghiệp, tham mưu cho các bộ trưởng các bộ về chính sách mua sắm. Ở Slovakia, mua sắm là trách nhiệm của Bộ Xây dựng và công trình công cộng. Ở Singapore, chính phủ đã phân quyền hoạt động mua sắm khổng lồ cho các bộ, ngành và hội đồng luật pháp của các cơ quan này sẽ tự sắp xếp các hoạt động mua sắm.

Tuy nhiên, một số chức năng mua sắm tập trung vẫn được thực hiện do Vụ Ngân sách. Một số nước như Úc, Canada, nhiều nước châu Á và châu Âu đã thành lập cơ quan mua sắm chuyên trách để cung cấp dịch vụ và vật liệu chung cho một số ban ngành.

Một số nước như Nam Phi đã đưa vào hiến pháp qui định về hoạt động mua sắm. Ở Mỹ, các văn bản luật liên quan tới hoạt động mua sắm bao gồm đạo luật cạnh tranh đối với việc ký kết hợp đồng (năm 1984) và đạo luật hợp lý hóa hoạt động mua sắm liên bang (năm 1994). Năm 1990, Hàn Quốc đã phê chuẩn đạo luật về hợp đồng mua sắm.

Tham nhũng cụ thể trong hoạt động mua sắm công là một vấn đề lớn đối với tất cả các nước và ở tất cả các cấp chính quyền trong bộ máy hành chính. Đây không phải là một vấn đề mới. Hơn 2.000 năm trước, Kautilya đã viết trong Arthasastra: cũng giống như việc người ta không thể không nếm mật ong hay thuốc độc ở trên đầu lưỡi, những người có liên quan đến tiền bạc của chính phủ không thể không thử, ít nhất là một chút, tài sản của nhà vua.

Tham nhũng chủ yếu phát sinh trong hoạt động mua sắm khi có quá nhiều các qui định, các nguyên tắc không rõ ràng và người dân không tiếp cận được với chúng; hồ sơ thầu soạn thảo sơ sài hoặc mập mờ; các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn không rõ ràng; giám sát hợp đồng thực hiện lỏng lẻo. Đó là điều kiện để các đơn vị thực hiện mua sắm và nhà thầu có thể tham nhũng. Để hạn chế tham nhũng trong hoạt động mua sắm công, VN phải:

- Đơn giản hóa khuôn khổ pháp luật và những qui định điều chỉnh hoạt động mua sắm.

- Sắp xếp tổ chức một cách rõ ràng, kết hợp giữa chính sách mua sắm tập trung và phân quyền trong hoạt động mua sắm.

- Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

- Chỉ có công chức đủ năng lực và trung thực mới được tham gia thực hiện việc mua sắm cho Chính phủ, và những người này phải được luân chuyển thường xuyên.

- Có các cơ chế hiệu quả để hạn chế hiện tượng gian lận.

- Chú ý việc thực hiện và giám sát hợp đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận