​Mùi lá

HOÀNG VIỆT HẰNG 25/07/2015 20:07 GMT+7

Chân núi Tản Lĩnh trồng đủ các loại rau, nhưng lúc nào bà Lẫm cũng dành riêng một góc vườn gieo một vạt mùi, để quá lứa cho mùi già trổ hoa. Li ti những hạt nhỏ như nụ vối, màu huơ vàng, màu xanh thẫm, xen lẫn hoa li ti trắng. Phảng phất quanh nhà hương mùi già cạnh luống hương nhu tím cũng thơm dịu nhẹ.

 

Vạt mùi này, theo bà Lẫm, là để cả nhà con gái từ phố về quê tắm gội. Còn ít mùi già bà phơi hạt treo gác bếp dành cho trẻ con trong xóm có đứa lên sởi thì cho, đỡ phải đi ra chợ. Trong bếp có một bồ lá khô, có lần cu Bin, cháu ngoại bà, đã ngồi chơi với lá khô, xem bà ngoại dán lên tờ bìa xanh đủ thứ lá dạy cho cháu phân biệt lá mơ và lá tía tô, lá nhót và lá khế. Toàn các loại lá khô dán trong quyển vở với chữ to đề rõ cho cháu nhớ. Thứ lá tươi làm nước uống và lá khô là vị thuốc.

Bà cũng được mẹ truyền cho những vị lá đã trở thành những thang thuốc chữa bệnh trong truyền miệng dân gian. Như chữa đau đầu dùng lá hương nhu tía để uống hoặc đặt hương nhu dưới gối. Riêng gừng gié bà đem sao giã như màu ruốc thịt nạc, dùng chữa đau bụng hoặc ngậm khi nhức răng. Mùa hè bị nhiệt, giải độc, chữa táo bón trong người thì bà nấu cho bát canh mùng tơi. Ở trong nhà còn có một cái kho đựng rất nhiều sọt lá khô. Trong đám cưới ở chân núi Tản, nếu có ai nhỡ vui quá chén thì bà cho thuốc giải rượu bằng mấy thứ lá khô, lá có vị thơm độc nhất của hương rừng.

Những cái tên lá chỉ bà Lẫm thuộc, cả những loại lá đem ướp với thịt rồi nướng lên ăn không thể quên. Vị ngọt thơm của lá, thịt nướng cũng trải trên lá chuối dâng ông bà tổ tiên, món ăn còn mang nặng nỗi nhớ quê của bà Lẫm ở Thung Nai mộng mơ, mà bà thì có duyên phận về làm dâu ở chân núi Tản Lĩnh, Ba Vì.

Mỗi ngày bà vẫn tựa vào rừng cây, vào mảnh vườn, vào chân núi Tản để sống. Nhớ sao cái vị lá sả và hương nhu tím lan đầy lối đi, hương thơm se sắt lòng người làm vườn. Nhớ sao ngày lập thu trôi qua khá lâu rồi, chồng bà cũng vì đam mê cây theo bạn vào tận Đà Lạt để “săn” cây và giống hoa, rồi chuyến đi định mệnh ấy cây cảnh và hoa lưu ly ấy đã khiến chồng bà rẽ sang một lối khác. Ông từng làm khổ bà, ông đã chọn một người tình mới để sống ở quả đồi ngợp thông và sương mù.

Bà còn nghe phong thanh ông có con trai với người mới và sống hạnh phúc lắm. Hồi đầu bà Lẫm chỉ trông cậy vào nhõn đứa con gái, nhưng khi con lấy chồng ở Hà Nội “một”, cứ thứ bảy mới phóng xe máy về. Nhà vốn hiu hắt vườn rộng càng hiu hắt, chồng bà bỏ đi lâu ngày, con gái đi lấy chồng xa, bà lủi thủi một đèn một bóng. May sao giời cho bà tựa được vào mùi lá, tựa được vào vị thuốc, vị lá cây để khỏe mạnh trồng cây dược liệu qua ngày.

Chân núi Tản Lĩnh còn là nơi con gái bà Lẫm tìm về với mẹ.

Thứ bảy nào rảnh rỗi, cô con gái của bà Lẫm cũng phóng xe từ thành phố về quê một ngày, cô nói thứ bảy để dành “ta về với mẹ ta thôi”. Về nhà để kiếm mùi lá, ngửi mùi hoa mùi già đậm đặc, xắn tay nấu mùi già lên để cho con tắm táp sạch sẽ.

Từ thành phố rong ruổi hơn 30 cây số, cu Bin luôn miệng hỏi: “Hôm nay con có được tắm nước rau thơm của bà ngoại không?”. “Có chứ. Sẽ tắm nước rau mùi của bà”. Cô con gái hay nhắc nhở mẹ trước khi ra khỏi nhà ở phố: hai tiếng nữa con về đến nhà, mẹ nhớ cho con ăn thịt nướng tẩm lá rừng; rồi gói gói mang mang về phố thị đủ thứ bọc, mẹ dặn dò nào món ăn cho cháu ngoại, nào lá mùi già để tắm. Trên chiếc xe máy của con gái về thành phố luôn chất đủ lá rừng nước suối, lá tươi và lá khô.

Bao nhiêu shop mỹ phẩm ở Hà Nội không rõ, cô con gái bà Lẫm chỉ nhớ mùi hương nhu, mùi già và ngải cứu. Con chỉ nhớ mùi lá thôi mẹ ạ.

Còn mẹ cũng tựa vào mùi lá để sống đấy, chỉ những phút cô quạnh mẹ trò chuyện với cây, có khi kể chuyện buồn cây nghe xong lá cũng héo. Thì ra cây cũng như người ấy, con gái ạ!   

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận