Nàng Carmen "sản xuất tại VN"

NGUYỄN MẠNH HÀ 29/02/2004 02:02 GMT+7

TTCN - Trong lúc nhiều diễn viên múa trẻ háo hức trên con đường đến với hiện đại, Tuyết Minh và Hồng Phong lại quay về với vẻ đẹp bền vững (và mong manh) của ballet. Và họ tự bỏ tiền ra dàn dựng, tập dượt... Thành quả đầu tiên là Carmen lên sàn tập vào tháng 3-2003, công diễn 23-6-2003, và vừa tái diễn tối 18-2 vừa qua tại Nhà hát lớn Hà Nội. Lần đầu, vé mời chiếm một nửa; lần 2, rạp chật, hầu hết là vé bán.

Phóng to
Carmen - Tuyết Minh trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: Mạnh Kiên
TTCN - Trong lúc nhiều diễn viên múa trẻ háo hức trên con đường đến với hiện đại, Tuyết Minh và Hồng Phong lại quay về với vẻ đẹp bền vững (và mong manh) của ballet. Và họ tự bỏ tiền ra dàn dựng, tập dượt... Thành quả đầu tiên là Carmen lên sàn tập vào tháng 3-2003, công diễn 23-6-2003, và vừa tái diễn tối 18-2 vừa qua tại Nhà hát lớn Hà Nội. Lần đầu, vé mời chiếm một nửa; lần 2, rạp chật, hầu hết là vé bán.

Khi xem ballet người ta thấy đẹp nhưng không rõ đẹp chỗ nào. Một nội dung có nhiều cách diễn đạt. Cái cần nhất: đưa ra cho khán giả VN một thứ ballet dễ hiểu, không trừu tượng - cái vốn làm cho khán giả xa rời ballet... Bao nhiêu tài năng múa trẻ mai một. Tốt nghiệp 12 năm trường múa, lương 300.000 đồng, không đủ ăn sáng. Nhưng tệ hơn, không có cơ hội để múa. Chỉ cần bỏ tập 1-2 tháng, chân úp sụp, không lên được. Hai mấy tuổi đã phải nghỉ...".

Đầy tâm trạng, Tuyết Minh “xổ” ra bằng một giọng nữ trung hơi khàn. Ngăm đen và sắc sảo, chả trách Carmen (của Prosper Mérimée) “là truyện Minh thích nhất từ trước tới nay”. “Theo Minh, mọi qui luật có trong Carmen. Câu chuyện đề cao tự do trong tình yêu, tự do trong cách nghĩ... Nhưng Minh muốn tự do hơn nữa, tự do với chính mình! Trong xã hội ngày nay phụ nữ đã được tự do hơn trước, nhưng nhiều khi vẫn chỉ là hình thức”. Mọi “dồn nén” về giới đã được cô đưa vào 15 phút của vở Bánh trôi nước, giải nhì tài năng trẻ ngành múa toàn quốc 2002.

Tuyết Minh chuyển thể Carmen và từng trả bài bằng kịch bản này. Rỗi rãi đem công trình ra khoe với Hồng Phong, biên đạo trẻ của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Sao lại chọn Phong làm cộng sự? “Vì tính cách đan xen. Bản thân Minh mạnh về thể hiện tính cách, đột phá nhưng hơi thiếu sự mềm mại. Nói chung quan niệm hai người gần giống nhau, nhưng anh ấy có sự mềm mại”. Phong đã có hai năm học múa neo-classic ở Hong Kong và hai năm học biên đạo hiện đại tại Pháp, tính lại cẩn thận, chính xác, chuyên gò những màn tập thể và lo hậu đài.

Ngoài văn bản, những gì họ có trong tay chỉ là 45 phút băng tư liệu tổ khúc ballet Carmen của Nga hồi đầu thế kỷ 20. “Mới đây, trong Nam cũng dựng ballet Carmen nhưng không phá phách như mình dựng...”. Tính cách nhân vật rõ hơn, dựng cảnh không theo nhân vật chính mà theo diễn tiến của vở diễn.

Vào vở là Bolero của Ravel, âm nhạc đều đều một kiểu làm khán giả... tức, càng xem không khí càng căng lên. Để đến màn cuối song hành trên sân khấu là chiến thắng của Toreador và cái chết của Carmen. Không có các màn giao đãi lê thê, người xem cảm thấy 80 phút diễn trôi nhanh. Các chủ đề âm nhạc đều chỉ dùng một lần. Có một cảnh không nhạc (thay bằng tiếng vỗ tay, đập guốc): Carmen hành hung tình địch - thậm chí còn sử dụng thủ pháp quay chậm như phim.

Làm ballet phải có tiền; để có tiền phải múa nhiều thứ khác. Minh bắt đầu đi múa “kiếm tiền” (cô rất kỵ từ này) từ năm 1992 ở cafe Fashion hay Vạn Hoa club. Mới đầu cũng thích vì được diễn. Lúc “biết suy nghĩ” rồi, thôi! Cả Minh và Phong đều có thâm niên dựng múa cho các cơ quan trường học, thỉnh thoảng đi dựng cho các show ca nhạc - “mỗi bài sơ sơ cũng được nhỉnh hơn tháng lương”.

Thế mà cả hai bỏ học bỏ làm, đánh vật với vở Carmen hàng tháng mà mỗi lần chỉ diễn duy nhất một buổi. Lý do duy nhất: chi phí cho một vở múa quá đắt. Lại còn lo diễn hai buổi sợ vắng khán giả, diễn viên buồn! Cố gắng trả cho hơn 22 vũ công 6-7 trăm nghìn thay vì 2-3 trăm như các show diễn thường, bởi họ biết múa ballet mệt hơn nhiều. Vào đến cánh gà, ai không nằm vật ra thì cũng phải cúi xuống thở dốc. Diễn viên nam thêm mỏi nhừ hai tay vì bê nữ. Sau lần công diễn đầu tiên, đến công diễn lần 2, một nửa số diễn viên trong vở là lớp trẻ.

Tuyết Minh sinh ra trong một gia đình theo nghề tuồng. Bố phụ trách ánh sáng ở đoàn tuồng, mẹ là diễn viên tuồng, cô theo mẹ đi làm từ bé, rất thích những Đào Tam Xuân, Othello, Trưng Trắc - Trưng Nhị, Mộc Quế Anh dâng cây... Vở múa Trần Quốc Toản ra quân của cô đoạt giải nhì cũng nhờ những màu sắc của múa tuồng (múa cung, múa cờ) được cô đưa vào. Học múa từ năm 11 tuổi, hết trung cấp Minh ở lại trường vừa dạy vừa học tiếp đại học, khoa huấn luyện múa, đến tháng sáu tới tốt nghiệp.

Theo Minh, “Trường múa VN đào tạo chuẩn. Có điều mọi người không được diễn nhiều nên dễ mất hết. Về các đoàn toàn múa dân gian...”. Không chỉ làm ballet, Minh cũng có vai trò khá quan trọng trong vở múa Ánh mắt của Regine Chopinot, đã sáu lần theo bà sang Pháp diễn, sắp tới lại cùng bà đến Festival Huế trong một vở hiện đại có tên Giáp Thân.

Tạm khép lại Carmen, cô đã cầm trên tay một kịch bản mới. Vẫn kỳ vọng vào ballet “made in VN” ngay từ tích truyện...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận