Nàng dâu giữa đại ngàn

HỒNG PHÚC 29/10/2007 12:10 GMT+7

TTCT - Người Pa Cô ở Quảng Trị coi chị Trần Thị Kim Liên, 43 tuổi, như một huyền thoại. Bà con dân tộc Pa Cô luôn xem chị là người dìu dắt họ đứng dậy, đi lên từ trong tăm tối đói nghèo. Nhờ nghị lực phi thường, sau 22 năm sống giữa núi rừng chị đã trở thành người được bà con dân tộc Pa Cô kính trọng nhất.

Phóng to
Chị Kim Liên
TTCT - Người Pa Cô ở Quảng Trị coi chị Trần Thị Kim Liên, 43 tuổi, như một huyền thoại. Bà con dân tộc Pa Cô luôn xem chị là người dìu dắt họ đứng dậy, đi lên từ trong tăm tối đói nghèo. Nhờ nghị lực phi thường, sau 22 năm sống giữa núi rừng chị đã trở thành người được bà con dân tộc Pa Cô kính trọng nhất.

Năm 1985, Kim Liên rời gia đình ở Việt Trì, Vĩnh Phúc vào ở với người cô ruột tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Gần nhà bà cô là doanh trại của Ban chỉ huy quân sự huyện. Hằng ngày chị thường sang xem các anh bộ đội đánh bóng chuyền. Một hôm, trong giờ giải lao giữa trận đấu, một anh bộ đội đến làm quen với chị, kể rằng quê mình ở phía tây Khe Sanh... Không ngờ cuộc trò chuyện vài phút ấy đã gắn kết hai người với nhau. Vài tháng sau, người phụ nữ gốc Bắc ấy với anh bộ đội có tên Hồ Phúc Yên thành vợ thành chồng.

Về quê chồng bằng gùi

Anh đưa chị về thăm quê mình. Chị theo anh cứ nhằm hướng tây Khe Sanh mà về. Tây Khe Sanh theo chị nghĩ là thuộc... thị trấn Khe Sanh. Nhưng đi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối vẫn chưa đến quê chồng. Đường từ Khe Sanh về xã A Dơi quê anh không phải như bây giờ, lúc ấy hai người phải lội bộ đường tắt giữa rừng. Đến lúc chị đuối sức, đi không nổi, anh phải dỗ chị ngồi vào gùi (a-chói) để anh gùi trên lưng. Đến nửa đêm hai người dừng chân lại trong một ngôi nhà thật dài. Chị nằm thiếp đi lúc nào không biết.

Khi anh gọi chị dậy thì trước mắt chị có rất nhiều người đàn ông và một bà già mù lòa. Họ nói với nhau bằng tiếng Pa Cô nên chị không hiểu điều gì đang xảy ra. Anh quay sang giải thích cho chị hiểu đó là mẹ và anh em của mình. Chị mới ngã người ra vì đã ngồi trong nhà của chồng mà không biết. Và lúc ấy chị mới hiểu rằng tây Khe Sanh xa quá. Sau này anh thú thật với chị nếu anh bảo rằng quê anh ở rất xa thì sợ chị sẽ không dám yêu anh! Quá sợ hãi và lạ lùng vì sống giữa núi rừng âm u, chỉ nghe có tiếng con mang, con nai xuống núi gọi bạn, tiếng vượn hú suốt ngày, nên mới ở thăm quê chồng được một tuần chị đã khăng khăng đòi trở lại thị trấn Khe Sanh.

Hai năm sau anh xuất ngũ, động viên chị về định cư sinh sống ở A Dơi. Lần thứ hai trở về quê chồng mà đôi chân của chị không muốn bước. Chị nói: “Mình thấy tình cảm của bà con rất thân thiết nhưng cuộc sống lại quá nghèo khổ, vất vả, suốt ngày chỉ ăn măng rừng chấm muối ớt, thi thoảng mới được bát xôi”. Lúc này, đứa con gái nhỏ của anh chị mới sáu tháng tuổi. Quá nhớ nhà, mỗi ngày chị bồng con ra đầu dốc bản ngồi nhìn về phương Bắc. Chị rất muốn tâm sự, chia sẻ với bà con gia đình chồng nhưng không biết tiếng Pa Cô nên đành im lặng. Nỗi nhớ nhà làm người chị héo hon, gầy yếu. Chị phải dùng đến gậy để chống mỗi lần bước đi.

Làm đường với... 600.000 đồng

Phóng to
Chị Kim Liên và chồng ra Hà Nội dự Đại hội nông dân làm kinh tế giỏi năm 2002

Lôi cái túi trong ngăn kéo chiếc tủ ra, chị Kim Liên cho biết: “Đây là hồ sơ chồng tôi khi xuất ngũ. Mọi khoản thanh toán chế độ được 600.000 đồng”. Với số tiền ít ỏi đó, chị quyết định dùng làm vốn mở quán buôn bán hàng tạp hóa. Ban đầu quán của chị bán muối, dầu hỏa, áo quần... Hồi đó, bà con ở giữa rừng làm gì có tiền để mua hàng. Tạo điều kiện cho bà con, chị chấp nhận đổi sắt vụn, phế liệu chiến tranh lấy muối, gạo, dầu theo tỉ lệ 10kg sắt đổi 1kg muối...

Nhưng mỗi tuần một lần đi bộ ra Khe Sanh gùi hàng về bán cho bà con khiến chị không còn đủ sức. Chị nung nấu ý nghĩ: muốn buôn bán, giúp bà con đủ ăn, cái cần nhất lúc ấy là con đường đủ bề rộng cho ôtô về tận bản.

Gần hai năm buôn bán tích lũy được ít vốn, chị ra Khe Sanh mượn thêm 6 triệu đồng mang về bàn với chồng quyết định mở đường. Năm 1989, sau khi xin ý kiến chính quyền địa phương, chị huy động lực lượng thanh niên trong bản đứng ra làm đường. Chị cùng chồng đo đạc, gióng đường theo các mặt phẳng ven chân núi, phát rừng, đốn cây. Mỗi ngày chị huy động hàng trăm thanh niên trong xã A Dơi làm việc. Chị nấu cơm nuôi họ ngay tại công trường và trả cho mỗi người 10.000 đồng/ngày công.

Vừa mở đường chị vừa thu dọn phế liệu chiến tranh bán để bổ sung nguồn vốn. Sau gần một năm, đoạn đường dài 5km từ xã A Túc đến xã A Dơi được hoàn thành trong niềm vui vô bờ bến của người Pa Cô giữa Trường Sơn. Từ khi có đường lớn, ôtô vào tận bản làng thu mua lâm đặc sản, bà con không còn gùi bộ đi bán sản phẩm nông nghiệp mình làm ra nữa. Đời sống của họ ở giữa núi rừng thay đổi.

Nhưng đường giao thông ôtô mới vào đến xã A Dơi. Còn xã Pa Tầng ở phía trong rừng sâu thì người dân vẫn phải đi bộ gùi hàng vượt núi ra ngoài thị trấn Khe Sanh. Thương bà con, vợ chồng chị Liên lại làm hồ sơ xin tiếp tục mở đường vào đến Pa Tầng. Đầu năm 2002, đoạn đường A Dơi - Pa Tầng bắt đầu được tổ chức thi công mà phương tiện vẫn là sức người và chủ yếu làm thủ công với những dụng cụ như cuốc, xẻng của bộ đội. Không khí làm đường khẩn trương ở giữa núi rừng như thời chiến tranh.

Anh Hồ Phúc Yên - chồng chị - kể lại: “Đoạn đường dài 10km chạy qua bốn con suối nên phải làm bốn chiếc cầu bằng gỗ lim tận dụng giữa rừng. Cầu được thi công chắc chắn đảm bảo ôtô chở hàng qua về an toàn”. Hơn một năm sau, đoạn đường từ A Dơi đến Pa Tầng được hoàn thành. Bà con ở các xã biên giới vẫn nhớ như in cái ngày khánh thành con đường mà họ đã mổ trâu ăn mừng. Lần lượt bà con được anh Hồ Phúc Yên cho lên xe Zin ba cầu chạy diễu hành, ca múa tưng bừng cả một vùng biên giới.

Tôi tìm gặp ông Hồ Ấm Lương - đại biểu Quốc hội khóa 11. Thời điểm chị Kim Liên làm đường, ông Lương là bí thư xã Pa Tầng. Ông Lương nói không chần chừ: “Chị Kim Liên đúng là một con người dám nghĩ dám làm. Tôi chưa thấy ai như người phụ nữ này. Hồi đó tôi làm bí thư xã Pa Tầng nên đồng ý cho vợ chồng chị Kim Liên mở đường giúp dân. Con đường của chị đã làm thay đổi cả đại ngàn”.

Từ ngày có đường, bà con các xã A Túc, A Dơi, Pa Tầng không còn sống du canh du cư nữa, họ ra định cư dọc hai bên đường làm ăn, buôn bán.

Sau khi có đường, công việc đầu tiên chị nghĩ đến là nâng cao dân trí cho bà con. Chị về đồng bằng mua một chiếc máy chiếu phim để hằng đêm tổ chức chiếu phim ở bãi cỏ cho bà con xem. Để có tiền mua xăng dầu chạy máy nổ (hồi ấy chưa có điện), chị bán vé xem phim bằng cách đổi một miếng sắt phế liệu nặng 1kg cho mỗi người vào cổng. Có người mang đến 100kg sắt thì cứ vô tư xem phim đến ba tháng mới hết tiền.

Bà đỡ tốt bụng

Phóng to
Đoạn đường qua xã A Dơi, lúc mới được vợ chồng chị Kim Liên mở ra cho ôtô về tận bản làng
Bàn bạc với chồng rồi chị quyết định vào Huế học trung cấp y tế ba năm để mai sau trở về làm thầy thuốc chữa bệnh cho bà con. Chị Liên nhớ lại: “Những ngày đi học ở Huế là giai đoạn còn khổ hơn ở rừng. Đứa con thứ tư của tôi mới 13 tháng tuổi phải theo mẹ vào Huế. Nhiều hôm phải gửi con ở bếp tập thể của trường mới kịp đến chào cờ đầu buổi sáng. Chào cờ xong phải chạy về tranh thủ mang con đi gửi nhà trẻ rồi mới đến lớp đi học”. Khổ nhọc rồi cũng qua, chị tốt nghiệp với tấm bằng loại khá.

Trở lại nhà thì đúng vào lúc anh Yên chồng chị đang bệnh lao khớp háng nặng. Cả chân trái lên đến phần mông bị thối. Không ai nghĩ rằng anh sống được. Tự tay chị phẫu thuật, lấy ra hàng lít máu mủ ở chân anh. Ba tháng trời ngày nào cũng bên chồng chăm sóc, thay băng, bó vết thương.

Buồn bực vì bệnh ngày càng nặng thêm, nhiều lần anh đuổi chị ra khỏi nhà. Chị phải van lạy: “Anh đừng đuổi nữa để em có niềm tin chăm sóc anh và con”. Thấy chị quá thật lòng, anh dịu cơn thịnh nộ. Cuối cùng phải mất đến tám tháng trời, căn bệnh của anh mới khỏi. Khi anh tập tễnh đi được trở lại, bà con đã gọi anh là người trở về từ cõi chết và coi chị Liên như người phụ nữ hiếm gặp trên cuộc đời.

Khi chồng “sống lại”, chị bắt tay ngay vào làm công việc của người thầy thuốc của bản làng. Chị đi đến từng bản vận động bà con nằm ngủ phải treo màn để giảm nguy cơ mắc bệnh sốt rét, vận động họ đến ngay trạm y tế chứ không được cúng ma chay quỉ dữ mỗi khi có bệnh. Với chị em phụ nữ, mỗi lần “vượt cạn” phải đến trạm y tế, không được một mình ra rừng như tập tục lạc hậu ngày xưa.

Ở giữa đại ngàn Trường Sơn dường như không có đêm nào chị ngon giấc ngủ. Mỗi lần có người nhà bệnh nhân đến kêu cứu trong đêm, chị không ngần ngại đến tận nhà khám bệnh cho bà con. Cứu chữa tận tình hàng ngàn ca bệnh nhưng không lấy của bà con một cắc bạc. Thấy bà con thiếu thốn, không có áo quần mặc, chị về đồng bằng vận động các tổ chức, người thân quen xin áo quần lên phát lại cho bà con. Ở cương vị trưởng Trạm y tế xã A Dơi, chị Liên nói: “Giờ đây, mục tiêu lớn nhất tôi đang phấn đấu là giúp quê chồng ngày càng giàu có hơn, bà con được hạnh phúc hơn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận