Nghệ sĩ Phó An My: chờ hiệu ứng của khán giả từ "Bóng"

HOÀNG ĐIỆP THỰC HIỆN 30/05/2011 21:05 GMT+7

TTCT - Kết hợp độc đáo giữa piano và âm nhạc dân gian Việt Nam: tuồng, âm nhạc dân gian Chăm, cọi, hò Huế... Và nay là cuộc kết hợp “đầy thách thức” giữa hầu đồng và piano, chương trình Bóng của nghệ sĩ Phó An My diễn ra tối 28-5 tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội).

Phóng to
Nghệ sĩ Phó An My trong một buổi diễn - Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng to
Nghệ sĩ Phó An My - Ảnh nhân vật cung cấp
* Quá nhiều khác biệt giữa chầu văn và piano. Tại sao lại có sự kết hợp này và sợi dây nào kết nối chúng với nhau?

- Từ năm 2005, tôi bắt đầu làm việc với các nghệ nhân, coi đó là cái duyên khi được mời tham gia Festival Huế. Để làm được gì đó cho một chương trình mang tầm cỡ quốc gia, tôi phải đến Huế từ rất sớm và trong những buổi đi khảo sát khắp kinh thành, tôi đã nảy ra ý tưởng kết hợp giữa âm nhạc dân gian và piano mà cụ thể sau đó là ca Huế, hát cọi... Đến lúc ấy tôi vẫn chỉ là một người chơi piano cổ điển không biết gì về nhạc truyền thống, từ năm 2005 trở về trước thì không quan tâm đâu, có nghe thì cũng không thấy hay.

Khi trở về Hà Nội, tôi đã mời nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên tham gia. Đặng Tuệ Nguyên lúc đó là một nhạc sĩ rất trẻ. Cũng lại là một cái duyên, bởi trước đó tôi được nghe tác phẩm tứ tấu của Nguyên, trong con người trẻ đó âm nhạc có độ sâu sắc đến lạ. Cuộc gặp đầu tiên mà tôi gọi là “đối thoại” này chủ yếu là sự diễn giải. Bởi cảm giác âm nhạc truyền thống dễ gần mọi người hơn.

Qua năm năm chúng tôi làm việc thì phát triển dần lên và có sự kết hợp của tuồng vừa qua (năm 2010) ít nhiều tạo được dấu ấn đối với công chúng thưởng thức nghệ thuật Huế và Hà Nội.

* Còn sự kết hợp giữa piano và chầu văn lần này thì sao?

- Không như tuồng, đây thật sự là một thách thức lớn. Đây cũng là lần đầu tiên chầu văn được đưa lên sân khấu khí nhạc. Nhưng thay vì nhập đồng và quay cuồng thì piano sẽ diễn giải coi như một nhân vật chủ thể và đi song song cùng hát văn. Sẽ có giao thoa và đối thoại. Tôi muốn chọn một loại hình âm nhạc gần gũi hơn, vì âm nhạc truyền thống gần gũi nhất với đời sống người Việt.

Sau nửa năm lang thang ở khắp các đền to phủ lớn hầu đủ 36 giá đồng mỗi giá vài lượt, tôi nhận thấy chính sự chỉn chu của hát văn khiến tôi phải dựa trên lời thơ cổ để viết nhạc và dùng những nhạc cụ dân tộc để thể hiện. Hình thức chủ yếu vẫn là dựa trên nền tảng văn hóa của chầu văn, dựa trên truyền thuyết về một số nhân vật đặc trưng.

Bóng là tên chương trình đối thoại piano và chầu văn mà đặc trưng nhất là tục thờ tứ phủ - tín ngưỡng gắn liền với tâm linh người Việt từ hàng nghìn năm nay. Bóng còn có sự tham gia của 10 nhạc cụ dân tộc: nguyệt, nhị, sáo, kèn, trống... cùng sự hiện diện của NSND Thanh Hoài, nghệ nhân Dương Thanh An hát văn, NSƯT Văn Hùng, Trần Luận cùng dàn nhạc dân tộc.

* Dự kiến khán giả sẽ được thưởng thức piano và chầu văn như thế nào?

- Họ sẽ được nghe hát văn nguyên bản với lời cổ, bởi vì hiện nay không nhiều giá đồng dùng lời cổ mà dùng lời mới. Ví dụ hát trong giá Ông Hoàng Mười thì họ hát những câu hò, ví của Nghệ An. Hay trong văn bản thì cúng bằng bút lông nhưng giờ thì có người cúng bằng bút bi. Đó là sự biến thể theo thời gian nhưng khán giả đến với Bóng sẽ được thưởng thức những gì tinh túy nhất của hát văn với sự tham gia của các nghệ nhân và nghệ sĩ thông qua các giá: Mẫu Cửu Trùng Thiên, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cậu bé Đồi Ngang...

* Chị từng phối hợp piano với một số loại hình âm nhạc dân gian, liệu sự kết hợp lần này có nằm trong dòng chảy đó?

- Tôi chọn làm âm nhạc truyền thống để mọi người thấy rằng chầu văn có những thứ không chỉ là tín ngưỡng mà còn là văn hóa của Việt Nam, chẳng có gì mê tín dị đoan.

Những năm trước tôi từng có những sự kết hợp: lượn cọi, hò Huế... với piano nhưng đó chỉ là những tác phẩm nhỏ, đây mới là tác phẩm lớn đầu tiên của tôi và Đặng Tuệ Nguyên đưa ra công diễn, mặc dù trước đây hai năm có đưa bản mộc của Lửa Thiêng (piano - tuồng) nhưng chưa chính thức công diễn. Đây là chương trình mở đầu cho những dự án âm nhạc khác: biểu diễn cả một vở tuồng, cả chương trình hát then.

* Chị định dùng cách này để kéo khán giả đến gần với piano?

- Tôi không nghĩ đây là cách tiếp cận, bởi chẳng phải ai cũng thích nghe nhạc. Việc kéo khán giả đến hay không còn chờ hiệu ứng của đêm diễn, hiệu ứng của khán giả ngay lúc ấy và thậm chí còn ở cả thập kỷ, thế kỷ sau nữa. Cũng lại phải chờ đến cơ may, cũng như cái duyên được đến đâu.

“Từ trước đó, tôi đã nhận thấy âm nhạc dân gian có phần phai nhạt với những người cùng thế hệ. Bởi họ ít được tiếp cận, trong trường học phổ thông cũng không được học hay nhắc đến. Và cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ thu hút. Tôi lấy một ví dụ, ở Trung Quốc kinh kịch như một linh hồn của đất nước. Tôi không hiểu tại sao họ lại bảo tồn được giỏi đến vậy.

Đôi lúc tôi đuổi theo thời gian, nghĩ vui, nghĩ quẩn vì sợ rằng nghệ nhân sẽ chẳng còn nữa. Mặc dù những thứ tôi làm chỉ đủ sức nằm trong phạm trù cá nhân, đáp ứng ý thích của chính mình.

Chầu văn lời thơ cổ thật đẹp, âm nhạc cấu trúc chặt chẽ. Âm nhạc có thể làm con người ta say mê. Khi bắt tay vào sáng tác, tôi dựa cảm xúc trên lời thơ cổ cũng như những câu chuyện truyền thuyết. Đã là truyền thuyết thì có thể hư cấu. Tôi đã tự hỏi mình tại sao âm nhạc lại không được hư cấu.

Tôi đặt piano thành nhiều nhân vật khác nhau và cũng muốn hư cấu nó như truyền thuyết. Giá trị của nó đến đâu thì tôi không thể tự đánh giá. Sáng tác mãi là một chặng đường dài mờ mịt, chẳng khi nào có thể kết thúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận