Nghĩ về một kinh nghiệm quá khứ

DƯƠNG TRUNG QUỐC 16/05/2004 01:05 GMT+7

TTCN - Thực dân Pháp sang xâm lược rồi đô hộ nước ta. Văn minh của chính quốc cũng được du nhập vào VN trước hết nhằm những mục đích thực dân. Nhưng khách quan nó cũng du nhập những thành tựu của sự phát triển của nhân loại, trong đó có ngành du lịch.

Phóng to
Bãi trước Vũng Tàu
TTCN - Thực dân Pháp sang xâm lược rồi đô hộ nước ta. Văn minh của chính quốc cũng được du nhập vào VN trước hết nhằm những mục đích thực dân. Nhưng khách quan nó cũng du nhập những thành tựu của sự phát triển của nhân loại, trong đó có ngành du lịch.

Sau một thời gian dài chúng ta chối bỏ sự kế thừa những di sản ấy như một phần của quá khứ mất nước nhục nhã và những dấu tích thực dân, ngày nay chúng ta đã biết khai thác những di sản ấy như những nguồn lực mang bề dày truyền thống.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong quá khứ từng bị xóa bỏ nay được khôi phục như Métropole, Continental, Majestic, Morin... Nhiều địa điểm du lịch được phát hiện từ rất sớm, chủ yếu phục vụ giới thực dân và thượng lưu, vì nhiều lý do bị tàn phá (chủ yếu do tiêu thổ kháng chiến) như Tam Đảo, Bà Nà hay Bạch Mã... nay được phục hồi và phát triển, khai thác bề dày thời gian như một chất lượng thương hiệu.

Lễ hội kỷ niệm 100 năm Sa Pa hay Đà Lạt đã cho thấy du lịch ở VN có cả thế kỷ hình thành các đô thị du lịch (chủ yếu là nghỉ mát ở những vùng núi cao có khí hậu phù hợp với cơ địa người Âu và nhu cầu tầng lớp thượng lưu bản xứ). Một số đô thị du lịch bờ biển chủ yếu đáp ứng nhu cầu nghỉ cuối tuần hay mùa hè cho các đô thị lớn như Đồ Sơn (phục vụ Hải Phòng và Hà Nội) cũng được hình thành. Đặc biệt có một đô thị mang chức năng du lịch là khu nghỉ dưỡng cho Sài Gòn, một thành phố lớn bậc nhất toàn Đông Dương. Đô thị đó mang địa danh Cap Saint Jacques mà ngày nay là Vũng Tàu.

Một cuộc hội thảo của các nhà sử học vừa được tổ chức đã xác định được thời điểm thành lập của TP. Vũng Tàu ngày nay. Đó là bản nghị định do phó toàn quyền Đông Dương J. Fourès ký ngày 1-5-1895 quyết định tách Cap Saint Jacques khỏi tỉnh Bà Rịa để thành lập một thành phố tự trị (commune autonome)(*). TP Cap Saint Jacques chính là địa danh tiếng Pháp để chỉ vùng đất của ba làng Thắng (nhất, nhị và tam), có giả thiết là ba cộng đồng cư dân vốn là ba đơn vị thủy quân của triều Nguyễn đồn trú tại cửa biển trọng yếu này trước khi bị người Pháp chiếm đóng. Vùng đất này còn mang địa danh quen thuộc cho đến ngày nay là Vũng Tàu.

Những tài liệu lưu trữ còn cho biết chỉ sau nghị định này năm năm, tức là vào đầu thế kỷ 20, dân số Vũng Tàu đã tăng lên gấp 14 lần. Không những hội tụ tại đây nhiều cư dân các nơi khác đến sinh sống mà còn hình thành một quần thể kiến trúc đô thị phục vụ cho cư dân người Âu sống ở Sài Gòn và vùng châu thổ đến nghỉ dưỡng tại một đô thị bờ biển có khí hậu lý tưởng này.

Nhiều di sản kiến trúc xây dựng từ đầu thế kỷ trước đến nay vẫn còn được bảo tồn và sử dụng. Chính viên thị trưởng đầu tiên của thành phố này là E. Outrey đã xác địa ưu thế của thành phố này là nghỉ dưỡng và du lịch, “một nơi nghỉ mát tuyệt diệu”.

Các cuộc thi xe đạp đầu tiên được tổ chức từ cuối thế kỷ 19 nối Sài Gòn với thành phố biển này. Và có một địa danh phổ biến trên cửa miệng dân Sài Gòn, gọi Vũng Tàu là “ô Cấp”, được giải nghĩa từ phiên âm câu chữ “au Cap “ (tiếng Pháp là rủ nhau đi Cap Saint Jacques) (? )...

Sang năm 2005, Vũng Tàu vừa đủ 110 năm kể từ khi trở thành một đô thị và theo dự kiến ngày 1-5 mỗi năm sẽ trở thành ngày truyền thống của thành phố giàu tiềm năng du lịch này. Tiềm năng ấy theo thời gian ngày càng được khẳng định. Nó cũng góp phần nối dài truyền thống của ngành du lịch nước ta về quá khứ.

Ngay từ năm 1921 một Ủy ban danh thắng, năm 1923 một Ủy ban trung ương du lịch Đông Dương, năm 1928 một Sở Du lịch và tuyên truyền Đông Dương... đã được thành lập. Việc xây dựng những tuyến du lịch không chỉ cho khách nội địa mà với cả khách từ chính quốc sang đã được thiết lập đi đôi với những chiến dịch quảng bá mạnh mẽ cùng rất nhiều hoạt động đa dạng và phong phú mà nếu nghiên cứu kỹ, ngày nay chúng ta vẫn có thể học hỏi...

Xem lại tấm apphich quảng bá du lịch Đông Dương năm 1929, trong đó có tuyến tiêu biểu nhất cho Nam kỳ là Sài Gòn - Vũng Tàu (Cap), với lời mời gọi “Đông Dương là thiên đường của du lịch - nhờ vào các khách sạn được khai thác” (L’Indochine est le paradis du touriste - grace aux hotels exploites), đủ thấy tính nhà nghề của ngành du lịch cách đây hơn bảy thập kỷ.

--------------------

(*) Thuật ngữ “autonome” chưa phản ánh qui mô của một “thành phố” nhưng nó đã được hưởng một thiết chế hành chính (như có ngân sách, cơ quan tuyển cử...) của một thành phố (ville, municipalité).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận