Người đàn bà bên bến sông

CÁT VŨ 04/01/2009 18:01 GMT+7

TTCT - Giữa chốn sơn lâm cùng cốc bốn bề thâm u cùng những bộ dạng đàn ông trần trụi sấn sổ, người đàn bà tên Vân ấy rực rỡ như nhánh lan rừng. Quán nước nằm xiên theo triền đồi của chị vừa là nơi dừng chân đi về của đám thợ rừng vừa như một cái bến đón gỗ trôi xuôi từ thượng nguồn.

Phóng to

Thân gái dặm trường, mảnh mai như cành hoa trước bão nên Vân đã không có sự chọn lựa nào khác hơn là trở thành vợ sắp cưới của Bền, một lão già máu mặt trong nghề khai thác gỗ. Nhưng...

...Tình yêu là một thứ không lý lẽ nên chỉ một lần gặp gỡ, một lần giao nhau ánh mắt, cả tâm hồn và thể xác Vân đã thuộc về Hoạt, con trai Bền, người vừa đi tù thay cha trở về. Sự bế tắc đã đẩy Vân ra khỏi cả những tấm vách tạm bợ ở quán nước cheo leo, lao vào cơn mưa đen mịt mù của rừng thẳm.

Gương mặt cũ mà mới

Bi kịch của Vân là một nốt trầm trong “bản giao hưởng bi kịch” của các nhân vật trong phim Rừng đen (đạo diễn Vương Đức, đang chiếu tại các rạp ở TP.HCM) và người mang nốt trầm ngân dài tê buốt đến phút cuối của bộ phim chính là diễn viên Kiều Trinh, một gương mặt cho ta cảm giác rất lạ, vừa như cũ vừa như mới của điện ảnh VN.

Cũ, bởi những ai yêu điện ảnh nước nhà hẳn đã một lần thấy chị với vai Bân trong phim truyện nhựa Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Bân cũng là một thiếu phụ mà số phận đong đầy những nghịch cảnh. Yêu và có con với một chàng trai người dân tộc thiểu số nhưng không được cha mẹ chấp thuận, Bân bỏ nhà ôm con đi tìm chồng. Chồng làm nghề len trâu nên Bân quanh năm suốt tháng cũng ngập lặn theo đoàn người len trâu để được ở gần chồng. Nơi bùn sâu sình lầy, Bân là một cánh sen trắng hồng vươn lên một cách nhọc nhằn.

Một thân hình gợi cảm, một gương mặt đẹp với đôi mắt nhiều nội lực, vừa có khả năng lúng liếng trao tình vừa như là nơi cất giấu nhiều nỗi sầu muộn... Đó là những ấn tượng mà nàng Bân - Kiều Trinh trong Mùa len trâu để lại trong trí nhớ người xem. Nhưng Mùa len trâu tuy là bộ phim được đánh giá cao về nghệ thuật, được chu du và nhận giải thưởng qua nhiều liên hoan phim thế giới nhưng không phải là một phim “hot” ở các rạp chiếu trong nước nên Bân cũng chịu chung sự thiệt thòi, ít được khán giả nhớ tới. Vì vậy, sự xuất hiện của Kiều Trinh với vai Vân trong Rừng đen lần này đem lại đầy đủ cảm giác quyến rũ thật mới mẻ.

Sự gặp gỡ giữa diễn viên và nhân vật

Phóng to
Kiều Trinh trong Mùa len trâu

Sức quyến rũ ấy không chỉ đi cùng với các nhân vật trong phim mà còn theo Kiều Trinh lặn vào trong con người đời thường. Vẫn ánh mắt lúng liếng ấy, vẫn đôi môi gợi tình ấy, cuộc đời Kiều Trinh cũng dập dềnh nhiều sóng gió không thua gì các vai diễn của mình trên màn ảnh.

Một mình lên thành phố tìm việc mưu sinh, 18 tuổi Kiều Trinh lấy chồng - một đồng nghiệp làm nghề may giày da. Những tưởng đã tìm được bến đỗ bình yên cho một cô gái tỉnh lẻ, chẳng ngờ khi đứa con gái ra đời cũng là lúc người đàn ông trụ cột của đời mình bỗng trượt dài theo nghiện ngập.

Kiều Trinh một tay ôm con, một tay vần xoay sấp ngửa lần theo trả nợ cho chồng nhưng rồi sức người có hạn, cuối cùng chị đành chia tay để lo được cho con. Cho đến lúc một mình ôm con ra đi tìm đường sống, Kiều Trinh cũng chưa hề nghĩ gì đến điện ảnh. Và trong lúc buồn vì cuộc đời dang dở, Kiều Trinh tình cờ đọc được tin họp mặt câu lạc bộ người hâm mộ của một ca sĩ do báo Điện Ảnh TP tổ chức. Mặc dù không quen biết ai song Kiều Trinh vẫn cứ tìm tới như một liệu pháp để quên đi thực tại, chẳng ngờ tại đây chị đã gặp được những người làm điện ảnh để từ đó bắc cầu cho chị đến với phim Mùa len trâu.

Chỉ gửi ba ảnh chân dung theo yêu cầu, Kiều Trinh không hiểu sao mình lại được chọn trong số hàng trăm người dự tuyển. Ngày thử vai diễn đầu tiên, thay vì thể hiện khả năng diễn xuất chị lại tâm sự với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh về hoàn cảnh thật của mình, rằng tuy mới ngoài hai mươi nhưng đã có một con, ly dị chồng, biết chèo xuồng nhưng không biết bơi và bây giờ đang làm nghề phục vụ ở quán bar.

Rồi bẵng đi gần hai tháng sau, khi Kiều Trinh gần như quên mất việc mình đã có lần đi thử vai thì nhận được giấy mời của đạo diễn đến thử vai. Chưa hề học diễn xuất nhưng Kiều Trinh gần như không thấy khó khăn gì khi nhập vai theo yêu cầu của đạo diễn. Thử đi thử lại đến cả chục lần với nhiều bạn diễn khác nhau, Kiều Trinh vẫn thể hiện được vai nàng Bân một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ. Xem Bân chèo xuồng, len trâu một cách thuần thục trong phim, phần đông khán giả đều nghĩ Kiều Trinh hẳn là một cô gái miền sông nước mà không hề biết đây là lần đầu tiên cô gái quê Bình Dương về đồng bằng.

Chính nét đẹp hoang dã của Bân đã lần nữa đưa Kiều Trinh đến với nhân vật Vân trong phim Rừng đen của đạo diễn Vương Đức. Và không biết vô tình hay hữu ý, giữa Bân và Vân có nhiều điểm khá tương đồng, ngoài cái tên cùng vần và cuộc sống gần sông nước là một tính cách phụ nữ mạnh mẽ, bản năng, dữ dội và đầy khát vọng. Cả hai nhân vật đều có những cảnh gợi cảm và Kiều Trinh đã nhập vai một cách khá xuất sắc nhưng với hai cảm giác hoàn toàn khác nhau.

Lần đầu với Mùa len trâu, khi quay cảnh Bân được chồng ân ái với cú hôn được lia từ mặt xuống tới quá ngực, Kiều Trinh cứ ngượng ngùng nhìn về các tay máy đang “bủa vây” ở nhiều góc mặc dù đạo diễn đã tiết chế tối đa số người có mặt. Nhưng đến Rừng đen, cảnh Vân và Hoạt làm tình khỏa thân trăm phần trăm đã được Kiều Trinh “thông qua” một cách dễ dàng bởi chị đã đặt mình vào tâm thế của một diễn viên thực thụ.

Chờ đợi một số phận mới trên màn ảnh lớn

Giữa hai bộ phim truyện nhựa thuộc “hàng VN chất lượng cao” Mùa len trâu và Rừng đen, Kiều Trinh còn có vô số vai diễn trong phim truyền hình như H’Linh - cô gái dân tộc trong phim Anh chỉ có mình em (đạo diễn Lê Hữu Lương), Phượng trong Sóng gió cuộc đời (đạo diễn Châu Huế), cô gái câm Bạch Yến trong Sám hối, mẹ cu Nguyên trong Gia tài bác sĩ (đạo diễn Nguyễn Minh Cao), cô giáo Nhung trong Gọi giấc mơ về (đạo diễn Xuân Cường), Phượng Liên trong Giọt đắng, mẹ người mẫu tên Thương trong Đam mê (đạo diễn Đinh Đức Liêm)...

Trong năm 2009, khán giả truyền hình sẽ gặp lại Kiều Trinh trong một số phim sẽ phát sóng như Vua sân cỏ (đạo diễn Đinh Đức Liêm), Ngõ vắng (đạo diễn Nguyễn Dương), Vó ngựa trời Nam (đạo diễn Lê Cung Bắc),... Vai diễn trên phim truyền hình có đều đặn, đem lại cho chị thu nhập chính hiện nay nhưng Kiều Trinh vẫn mong ngóng chờ đợi những nhân vật thật sự có số phận trên màn ảnh lớn. Bân và Vân vừa qua tuy là những vai nữ chính nhưng câu chuyện của cả hai phim này đều đặt trọng tâm vào nhân vật nam vì vậy thời lượng trên phim của Kiều Trinh không nhiều. Và một vai diễn dài hơi đối với Kiều Trinh hiện vẫn là niềm khát khao mong ngóng. Nếu không có gì thay đổi, có thể đó là một vai trong phim Bi đừng sợ của đạo diễn Phạm Đăng Di, một dự án khá lớn sẽ được thực hiện trong năm 2009.

Bao nhiêu năm nay, Kiều Trinh và cô con gái nhỏ vẫn ở nhà thuê. Vừa đóng phim vừa xoay xở kiếm thêm có lúc chị thấy như mình bị kiệt sức. Cũng như hầu hết các nhân vật mình thủ diễn, Kiều Trinh luôn khoác lên mình một vẻ bề ngoài cứng rắn, bản lĩnh để che giấu bên trong bản chất yếu đuối của “nữ nhi thường tình”, để quên đi sự thèm khát một bờ vai cần nương tựa. Và cũng như Vân trong Rừng đen, Kiều Trinh mong cuộc đời mình sẽ được neo yên ổn ở một bến sông...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận