Người đàn bà làm trống

VŨ CÔNG ĐIỀN 10/08/2010 11:08 GMT+7

TTCT - Có dịp dự lễ tế xuân ở một làng quê thuộc huyện Thăng Bình (Quảng Nam), ấn tượng đậm nét với tôi là ba chiếc trống khi đánh lên thanh âm thật giòn giã và vang xa. Thật bất ngờ khi biết mấy cái trống ấy lại do một phụ nữ làm ra.

Phóng to
Chị Huệ cắt da trâu làm mặt trống - Ảnh: Vũ Công Điền

Nghề làm trống làng Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có từ xa xưa. Trống Đọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ làm trống của làng có mặt ở nhiều miền đất nước. Làng có 650 hộ với 2.100 nhân khẩu nhưng có đến 600 thợ làm trống, trong đó có nhiều phụ nữ. Chị Đỗ Thị Huệ nhất quyết sống chết với nghề ông cha truyền lại nhưng cũng tự biết mình không chọi nổi với cánh thợ đàn ông giỏi nghề hơn nên đành tìm một vùng đất khác để đeo đuổi nghề.

Xa quê mang theo nghề làm trống

Cách đây hơn 10 năm, chị Huệ vào thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình lập nghiệp với hi vọng sẽ sống được với nghề làm trống vì làng quê nào cũng có đình, chùa, nhà thờ, trường học, nghĩa là cần đến tiếng trống. Ban đầu chị thuê đất dựng lều và chỉ làm trống con bằng dụng cụ sản xuất thô sơ, đi bỏ mối vào dịp Tết Trung thu. Không ngờ thành quả sản xuất ban đầu ở quê xa năm ấy được các em đón nhận như lòng chị thầm mơ.

“Trống cô Huệ làm đẹp lắm, khi đánh âm thanh phát ra rất vang nên các cháu rất thích. Gần 10 năm qua cứ vào dịp Tết Trung thu tôi lại lấy trống của cô ấy để bán, chưa đến đêm rằm trống đã hết...” - bà Nguyễn Thị Minh, bán tạp hóa ở thị trấn Hà Lam, nói.

Qua mấy mùa Tết Trung thu bán được hàng, có được ít vốn, chị Huệ vay mượn thêm của người quen mua sắm máy bào, máy xẻ gỗ... để sản xuất những chiếc trống lớn có chất lượng cao làm mẫu, đồng thời nhận sửa chữa những chiếc trống trường học, nhà thờ bị hỏng do chịu mưa lũ. Dù sửa lại hay làm mới, trống từ cơ sở của chị Huệ bao giờ cũng có âm thanh sống động, vang xa, giá cả lại dễ chịu. Tiếng thơm nhanh chóng lan truyền, nhiều nơi đến đặt hàng khiến chị phải cật lực ngày đêm để có hàng giao đúng hẹn, giữ chữ tín.

Chị vừa làm mặt trống vừa kể: “Nếu chồng tôi không phải là thương binh loại 1/4 thì tôi đã bớt nhọc nhằn. Sức khỏe chỉ cho phép anh đi chọn mua gỗ mít đúng với yêu cầu để làm tang trống. Mỗi lần đi như vậy tôi lo lắm, vết thương cũ của anh cứ tái phát triền miên!”.

Anh Lê Ngọc Hiển, 48 tuổi, người cùng làng với chị, đi bộ đội và bị thương ở chiến trường K. Cả tuổi thơ hai anh chị sống trong chiếc nôi của nghề làm trống, lớn lên yêu nhau và thành hôn sau khi anh rời quân ngũ năm 1992. “Anh Hiển là chỗ dựa tinh thần của hai mẹ con tôi” - chị nói với sự tự hào lẫn yêu thương.

Trống vọng ngàn năm

Trống Đọi Tam đã trải qua hàng trăm năm để khẳng định thương hiệu nhưng trống của chị Huệ chỉ mới xuất hiện trên mười năm đã được khách hàng tín nhiệm. Đó là kết quả của sự cần mẫn, chu đáo hết mực để tiếp tục nghề làm trống gia truyền. Riêng gỗ mít để làm tang trống phải là gỗ ròng cực tốt, độ dày mỏng tang trống lớn, trống trung, trống vừa... đều khác nhau. Da trâu bò phải là da thật tươi, bào như thế nào khi phơi khô, da có độ dày chuẩn xác cho từng loại trống.

Hiện cơ sở của chị Huệ sản xuất gần 20 loại trống và chị từng làm một cái trống có chiều cao 2m. Đã có một số chùa đặt chị làm loại trống to như thế nhưng chị không dám nhận vì không tìm được gỗ mít có chiều dài đáp ứng được khổ trống lớn.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, không chỉ Thăng Bình mà nhiều địa phương xa như Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi)... đã đặt chị làm trống. Từ đầu năm 2010 đến nay chị đã cung cấp 200 chiếc trống lớn cho bà con trong vùng để sẽ gióng lên, hướng về ngày trọng đại tháng 10 tới đây...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận