05/05/2024 10:42 GMT+7

Người một nhà gặp khó khăn, sao lại bỏ mặc thân ai nấy lo!

Khi trong gia đình có chuyện, người chọn giúp đỡ, người lại cho rằng tốt nhất là thân ai nấy lo. Nhưng không ai có thể làm hòn đá trơ trọi trên đời, kể cả người dưng với nhau cũng luôn cần sự sẻ chia lúc hoạn nạn.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

1. Nhà có hai anh em. Anh Xuân Định học xong cấp III thì lên TP.HCM mưu sinh phụ cha mẹ nuôi em trai ăn học. Sau hai năm chịu nắng chịu mưa theo các công trình làm nội thất, anh dành dụm được ít tiền lo cho em vừa vào đại học.

Suốt bốn năm em trai chuyên tâm nơi giảng đường là chừng ấy thời gian anh Định cày ngày cày đêm. Tất cả nhằm kiếm tiền đóng nhà trọ, tiền học, tiền sinh hoạt ở thành phố của hai anh em. Anh còn gửi về quê phụ giúp cha mẹ. Đến khi người em tốt nghiệp rồi có việc làm, anh mới nhẹ gánh để theo đuổi giấc mơ riêng.

Làm công thêm vài năm, dành dụm một số vốn và vay mượn thêm để mở cửa hàng nội thất, anh quyết tâm làm giàu, nhưng do chưa có kinh nghiệm kinh doanh lại gặp đúng thời điểm kinh tế khó khăn, mọi thứ tan thành mây. Cầm cự được một năm, anh mất trắng số vốn kèm theo món nợ gần 500 triệu đồng.

Chẳng còn cách nào khác, anh hỏi mượn em trai. Thế nhưng, anh ngỡ ngàng khi nghe em nói trong điện thoại: "Mượn rồi biết bao giờ ông mới có tiền trả? Tôi phải dành dụm lo cho thân tôi chứ, tôi sắp lấy vợ rồi. Thôi ông hỏi mượn chỗ khác đi".

Nhắc lại chuyện này, anh nghẹn ngào, "nhưng thật lòng tôi không hối hận khi đã hy sinh cho em trai".

2. "Lúc khấm khá nó có giúp gì cho gia đình không, mà giờ khổ thì về kêu anh em phụ nó?", lời một người anh trong buổi họp gia đình làm cả nhà nín lặng. Nhà chỉ có ba anh em, gần chục năm nay người con trai giữa tên P.Khanh thuê mặt bằng mở cửa hàng giày dép và ở luôn tại tiệm. Anh ít khi quan tâm đến cuộc sống của ba mẹ và anh em. Chỉ những ngày lễ tết hoặc gia đình có việc gì mẹ gọi, anh mới về nhà.

Khi việc buôn bán trì trệ, khách ngày càng vắng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, anh không gồng gánh nổi tiền nợ ngân hàng. Đường cùng, anh về nhà kêu gọi anh trai và em gái giúp mình. Người anh trai lâu nay trầm tính nhưng buổi họp gia đình như được trút hết những bực tức bấy lâu. Anh cho rằng trước giờ người em sống ích kỷ chỉ biết lo thân mình, bây giờ gặp khó tự mà gánh đừng làm phiền người khác.

Còn người em gái tuy không nói gì nhưng sau đó dấm dúi đưa cho anh ít tiền dành dụm để anh trả bớt nợ. Hai người giải quyết hai cách khác nhau, không có đúng hay sai, chỉ là theo lý lẽ và cảm xúc riêng mình.

3. Nhà chị Minh Hồng đông anh em nhưng không có của ăn của để nên mỗi người phải tự lo lấy thân. Theo chị, điều đó cũng tốt vì không ai ỷ lại vào cha mẹ, ai cũng có tính độc lập từ nhỏ. Bảy anh chị em ai ra đời làm ăn hay đi làm công ăn lương đều sống ổn.

Chị nhớ lại mới hồi năm ngoái lúc vợ chồng chị làm ăn thất bại. Khi đó, chị vừa nợ ngân hàng vừa nợ bên ngoài hơn 2 tỉ đồng. Người ta tới nhà đòi tiền nhưng chị không biết xoay xở ra sao. Đến lúc mẹ chị biết chuyện, bà đã nói với các con: "Ai dư dả thì hỗ trợ cho Hồng, sau này vợ chồng nó gầy dựng lại rồi trả".

Nghe lời mẹ và thương chị/em, sáu người trong nhà góp của góp sức. Người làm ăn khá góp vài trăm triệu đồng. Người khó khăn cũng giúp vài chục triệu. Nhờ đó, chị trả được hơn nửa số nợ. Chị Hồng nói những ngày tháng vừa qua dù lòng nặng trĩu âu lo vì mang nợ, nhưng chị ấm lòng, muốn khóc vì cảm động, vì nhận được sự sẻ chia của anh em trong nhà.

Giờ đây, vợ chồng chị ráng làm lại để lo cho con cái, rồi dành dụm trả nợ ngân hàng. Khi nào dư dả, chị sẽ trả số tiền còn thiếu cho anh em trong nhà.

Không lý lẽ ai đúng ai sai, ai nhiều tiền ít tiền, ai trước đó cư xử thế nào, anh em chị đã sống đúng như lời cha dạy lúc ông còn sống: "Ba không mong các con thành ông này bà nọ, chỉ cần các con yêu thương nhau lúc khá giả, giúp đỡ nhau lúc khốn khó là đủ rồi".

Máu chảy ruột mềm. Người ta nói không gì có thể thay thế tình thân trong gia đình. Đã là gia đình thì sẽ có lúc bất hòa, không vừa lòng nhau, nhưng chung một gia đình thì sẽ không bỏ nhau lúc nguy khốn. Đừng vì điều gì mà quên đi tình thân.

Gia đình cả tháng không cùng ăn cơm chung thì nếp nhà còn đâuGia đình cả tháng không cùng ăn cơm chung thì nếp nhà còn đâu

Bữa cơm gia đình như chất keo để thêm gắn kết các thành viên trong gia đình, nhưng hiện nay nhiều gia đình ở các đô thị những giây phút quây quần này ngày càng thưa dần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên