21/04/2024 09:17 GMT+7

Nhà vắng tiếng chuông rung

Chị sống với cha, sau khi mẹ mất. Hai người và một căn nhà rộng. Người phía trước, người phía sau. Cha chị có cách sinh hoạt như các cụ đồ Nho ngày xưa. Thích dậy sớm, tự nấu nước, pha trà. Cha gọi chị bằng tiếng chuông rung.

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Và ngồi lặng một mình trong buổi sớm với những chung trà đầy ngẫm ngợi. Ngày với cụ như vậy đã bắt đầu.

Bắt đầu với tiếng nước reo trên lửa. Khói trà loáng thoáng vờn bay nơi gian nhà ngoài.

Hồi trước, ít khi cụ quên đem chung trà đầu tiên lên thắp hương mời mẹ chị nhưng sau này có nhớ cũng chịu.

Vì sức khỏe ngày một yếu hơn, gối mỏi chân run và bàn thờ lại đặt trên gác lửng, phải lên xuống cầu thang e rằng không ổn.

Cha chị đã cao tuổi lắm rồi. Đã sắp qua chín mươi và được như cụ, dễ có mấy ai cơ chứ!

Cũng sau này, cụ bảo nhà sắm cho mình cái chuông để có thể gọi con nhắc cháu. Tiếng chuông đầu tiên cha chị luôn rung vào đúng năm giờ.

Đó là tiếng kêu chị thức dậy để đi tắm biển.

Chị vẫn có thói quen ấy, từ thời còn rất trẻ. Tiếng chuông báo cho chị biết ngày của chị đã bắt đầu. Những đêm trằn trọc khó ngủ chị nằm yên trên giường trông nghe chuông của cha rung lên từng hồi, bằn bặt.

Tiếng chuông khiến chị bừng thức. Những đêm mùa lạnh, căn phòng nhiều tiện nghi nệm ấm chăn êm giấc ngủ sâu lút, chị sợ nghe tiếng chuông rung.

Sợ... bị thức. Sợ phải mắt nhắm mắt mở ngái ngủ lơ mơ. Những sớm mai như thế chị thấy khó ưa quá những âm thanh này.

Dù chẳng đi tới đâu chỉ quanh quẩn trong nhà nhưng lúc nào cái chuông cũng được cha chị đem theo bên mình. Cái chuông rung ở đâu là chị biết cha chị ở đấy.

Trước cửa, đôi hồi để nói cho chị hay trong xóm đang có một vụ kình cãi. Phía sau nhắc cho chị biết chị đã quên đóng cửa ngõ.

Chị luôn chạy lại phía cha khi nghe tiếng chuông rung. Để coi cha có chuyện gì sai biểu. Để coi cha có bị làm sao. Để hỏi han, chuyện trò...

Tiếng chuông cha rung vậy mà đầy hồn vía. Ấy là chị nghĩ thế! Nó đem theo những mệnh lệnh của cha, những nhắc nhở.

Tiếng chuông cùng với cha, hòa trong cha, rung lên như một biểu thị. Khi cha vui, lúc cha buồn, hồi cha yếu, khi cha mạnh...

Ngày thường, ít việc tiếng chuông rung trong nhà có phần thưa thớt hơn. Ngày tết dày đặc liên hồi. Tiếng chuông gấp gáp, hối hả, thúc giục khiến chị bắt quýnh quáng, nhiều khi. Cha rung chuông để hỏi chị bánh tét vớt chưa, châm nước trên bàn thờ chưa...

Cha rung chuông để cho chị hay nhà có khách. Mà, khách nhà chị ngày tết. Trời ạ! Nào là con cháu trong nhà về thăm cha, thăm ông, thắp hương trên bàn thờ đã chẳng ít ỏi gì. Rồi bạn hàng của chị, bạn học, bạn văn nghệ.

Lại nữa chòm xóm họ hàng. Vui, cha quên cả nghỉ trưa và đêm không thèm lên giường sớm.

Cha thức. Chuông thức với cha. Cứ rung lên bằn bặt. Những âm điệu mùa xuân đầy hân hoan rộn rã. Tết như không phải từ bên ngoài ập vào ngôi nhà của chị.

Mà từ tổ ấm của cha con chị tỏa lan. Từ tiếng chuông cha chị rung sao nhiều tiếng cười, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Cha không ngủ sao chuông có thể bặt tiếng? Sao có thể nghỉ ngơi rảnh rang ba bữa đầu xuân?

Nhà vắng tiếng chuông rung đã mấy năm nay. Khuya, trước khi lên giường chị phải để đồng hồ báo thức để có thể dậy sớm đi tắm biển. Nghe nhớ quá những âm thanh thân quen ngay từ những khoảnh khắc đầu ngày cho tới tận những khoắt khuya…

Từ mùa xuân băng qua thu, hạ rồi đông. Từ năm cũ kéo dài qua năm mới.

(Thương tặng chị M.A.)

Mắt cha nhòe đi khi con trai ung thư hỏi ngày về ăn TếtMắt cha nhòe đi khi con trai ung thư hỏi ngày về ăn Tết

Nhìn con cười đùa, người cha mừng lắm nhưng niềm vui ấy vụt tắt, mắt cha nhòe đi khi cậu bé đến bên thì thào: 'Con sắp được về quê ăn Tết phải không cha?'.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên