Những cổ động viên sống chết với bóng đá

PHI TÂN 07/09/2009 04:09 GMT+7

TTCT - Trong khi bóng đá của thành phố láng giềng Đà Nẵng đang ngây ngất trong niềm vui đăng quang thì ở bên kia đèo Hải Vân, những người yêu bóng đá Huế cứ mãi ngậm ngùi nhìn đội bóng con cưng của mình tà tà ở giải hạng Nhất.

Phóng to
Dũng “nổ” (áo đen, đứng giữa) không vắng mặt trên khán đài mỗi khi đội Huế ra sân - Ảnh: Phi Tân

Không có được một đội bóng mạnh như Đà Nẵng, nhưng người Huế luôn tự hào về tình yêu bóng đá của mình có thể nói là không thua kém bất cứ nơi nào, mà chân dung của hai cổ động viên sau đây có thể là minh chứng rõ nhất.

“Có xuống hạng 3 thì cũng còn tau ủng hộ...”

Ông tên là Nguyễn Đại Dũng nhưng ở Huế chẳng mấy ai biết đầy đủ họ tên ông mà họ chỉ gọi theo biệt danh là Dũng “nổ”, Dũng “maphia” (vì gương mặt hơi giống mấy nhân vật mafia trong phim)... Còn Dũng “nổ” thì luôn tự hào nhận mình là cổ động viên thân tình nhất của bóng đá Huế. Cầu thủ Huế từ thế hệ đá giải Trường Sơn hồi mới giải phóng cho đến bây giờ ông Dũng thuộc vanh vách không thiếu một tên nào từ Rớt, Thọ Huế, Sao, Tùy đến Tuấn “đầu bò”, Quốc, Sang, Sỹ Hùng, Đình Nghĩa hay cả những cầu thủ đang chơi cho Huế hiện nay.

Kết thúc mùa bóng 2009, Huda Huế đã không thăng hạng như mong ước, bà Chi đã làm một bài thơ chia sẻ với các cầu thủ. Xin trích ra đây vài dòng để hiểu thêm về “bà già chịu chơi” có thể nói là đại diện cho tình yêu bóng đá nhiệt huyết của xứ Huế: “Buồn vui đội bóng Huế Huda / Hết xuống rồi lên thiếu mặn mà / Đề tài muôn thuở: tiền, kinh phí / Nhìn bạn rồi sau ngẫm đến ta / Vang danh một thuở ngang trời đất / Nay tợ phượng hoàng sệ cánh sa / Ước gì rủng rẻng thêm tài trợ / Đủ sức tung hoành với đại gia”.

Hồi Huế đá vòng chung kết Giải vô địch quốc gia năm 1995 ở TP.HCM, Dũng “nổ” cùng một người bạn là dân xích lô chính cống của Huế - Hùng “hai xị” - đã ăn dầm ở dề cùng đội bóng. Ông kể: “Đội bóng ở khách sạn Công Đoàn, tui là cổ động viên không có chỗ nên xin ngủ ở hành lang khách sạn. Hết tiền thì đi loanh quanh nhờ bà con đồng hương kiếm vài bữa cơm. Rứa mà vui!”.

Kết thúc giải năm đó, khi Huế vinh quang với chức á quân quốc gia thì Dũng “nổ” chỉ còn lại một bộ đồ trên người. Bây giờ, trong chiếc tủ lưu niệm của ông ngoài một số kỷ vật của các cầu thủ tặng như mấy quả bóng, áo cầu thủ... thì vẫn còn chiếc quần đùi và chiếc dép kỷ niệm. Ông kể: “Đáng ra có chiếc áo cổ động viên do phóng viên Thanh Loan tặng nữa, tiếc là cơn lụt năm 1999 làm trôi mất”.

Cuộc đời yêu bóng đá của Dũng “nổ” có hai sự kiện mà ông cho là đặc biệt nhất, đó là hai trận Huế đá play-off trên sân Vinh và sân Thiên Trường. “Đó là hai khoảnh khắc không thể nào quên, một địa ngục, một thiên đường - ông Dũng nhớ lại - Trận play-off trên sân Vinh khi Huế bị thủng lưới là tui gục tại chỗ luôn, may mà có mấy anh em cổ động viên mang đi cấp cứu kịp. Còn trận gặp Hải Phòng tui đau nằm bệnh viện, phải nhờ anh em cõng tới xe để đi cổ vũ. May mà bữa đó Huế thắng, rứa là người khỏe hẳn luôn cho đến khi ra viện”.

Các thế hệ cầu thủ Huế ai cũng biết Dũng “nổ”. Chiều nào đội bóng tập luyện ông cũng ra sân ngồi ngắm nghía. Chuyện chi của đội bóng Huda Huế, Dũng “nổ” cũng rành. Thỉnh thoảng mấy phóng viên ở xa hỏi tin tức về đội bóng, Dũng “nổ” “thay mặt” HLV Đoàn Phùng phát ngôn luôn! Mấy ngày nay cứ xuống sân là nghe câu cửa miệng của Dũng “nổ”: “Có tiền mô mà đá, thôi đổi tên Huda Huế thành bia hơi Huế đi cho rồi”. Dũng “nổ” rất thương anh em cầu thủ, ông kể: “Tui nói với mấy em, nếu có xuống hạng 3 đi nữa thì cũng còn tau ủng hộ”.

“Mama” của bóng đá Huế

Phóng to

Bước vào nhà mệ Chi là thấy ngay không khí bóng đá - Ảnh: Phi Tân

Mỗi khi đội Huế thi đấu, ở góc khán đài A lẻ của sân vận động Tự Do luôn hiện diện một phụ nữ nhỏ thó, suốt mười mấy năm qua bất kể mưa nắng. Bà tên là Trần Thị Lệ Chi, người luôn được các cầu thủ Huế gọi với cái tên thân mật là “Mama”. Bước vào căn nhà nhỏ của bà Chi trên đường Nguyễn Huệ (Huế) đã thấy ngay không khí bóng đá khi trên cửa ra vào là lịch thi đấu Giải hạng nhất 2009 và cạnh đó là hai chiếc áo của hai cầu thủ Flavio (9) và Opara (20)...

“Hai đứa hắn tặng tui đó. Tội nghiệp cầu thủ ngoại của Huế đứa mô cũng dễ thương. Flavio thì chấn thương về nước rồi, còn Opara nghe nói đá xong là ở lại Sài Gòn luôn. Tui đêm mô cũng hú hồn hú vía vô hai chiếc áo ni cho bọn hắn trở lại với Huế”.

Không chỉ trên sân Huế, dù ở tuổi 70 nhưng bà Chi vẫn theo đội bóng con cháu mình ra tận Nam Định, Vinh hay vào Gia Lai... Trận gặp Hoàng Anh Gia Lai mùa bóng 2007, bà Chi cùng hội cổ động viên ngồi xe chạy trong đêm trên đường Hồ Chí Minh lên Tây nguyên để kịp cổ vũ đội nhà. Tôi không quên được khuôn mặt ràn rụa nước mắt của bà Chi khi lên sân ga Huế đón các cầu thủ vừa thắng trận play-off trước Hải Phòng (trên sân Thiên Trường, Nam Định) giành quyền lên chơi chuyên nghiệp mùa bóng 2007. Cầm bó hoa trên tay bà cứ đứng lặng người và khóc khi mấy cầu thủ bước xuống tàu, miệng mếu máo: “Mấy đứa con giỏi lắm. Mệ vui lắm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận