Những con chim đang hót

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA 27/01/2014 22:01 GMT+7

TTCT - Nắng xuyên qua lá, gió lay nhẹ cây me trĩu quả. Rất nhiều hoa, trái ngọt trong khu vườn của trại giam Thủ Đức (Bình Thuận). Khuôn viên sạch sẽ, thoáng đãng đến mức một người đã nhiều lần rong chơi resort có cảm giác muốn so sánh tương tự.

Minh họa: salem

Một nữ phạm nhân cầm chổi quét dọn quanh khu vườn. Chị nhặt nhạnh từng chiếc lá khô trên cỏ bỏ vào giỏ rác. Cách làm của chị như quán tính, im lặng và nhanh nhẹn. Gặp người khách lạ, chị cũng chỉ dùng đôi mắt để chào hỏi. Tôi cũng bâng quơ: “Đã bao nhiêu cái tết chị xa nhà rồi?”. Chị trả lời đã nhiều năm, rồi như một người bị quê nhà ám ảnh, chị khóc.

Những con chim đang hót. Lạ thay, hai con khướu trong lồng lại gọi đàn chim chích từ đâu về đây. Chim chích nhảy nhót trên giàn hoa giấy. Vui mắt và vui tai. Bất ngờ, chị nói: “Chim do tôi nuôi đó”.

Mỗi một sớm mai, chị xách lồng chim ra treo dưới giàn hoa giấy. Bỏ vào lồng một ít thức ăn cho chim, chị lại cầm chổi. Tối đến, lồng chim được di chuyển vào nhà.

Chim thì trông nắng, trông đàn để hót. Người thì trông đứng trông ngồi qua nhanh tháng năm cải tạo để lãng quên một quá khứ. Có một quê nhà biền biệt trong đôi mắt nữ phạm nhân. Nhưng có sự trong trẻo thuần khiết trong tiếng khướu. Cả hai thứ đang từng ngày dẫn dắt cuộc sống của chị, tưởng đã lãng quên hết mọi cảm xúc ưu phiền, cho đến chiều cuối năm này.

TRẦN ANH (Hà Nội)

Sài Gòn với miền Tây

Buổi sáng, người quen từ Phong Điền, Cần Thơ gọi lên: “Em gửi xe lên cho chị bịch dâu Hà Châu với cóc chín”. Già năm giờ sau đã có người nhắn ra nhận quà cây nhà lá vườn.

Nhìn những chùm dâu còn tươi nguyên, những trái cóc chín căng mọng thơm lừng mới thấy khoảng cách Cần Thơ với Sài Gòn giờ không xa xăm lắm. Vậy mà hồi ra trường cách đây gần ba chục năm, mấy đứa bạn nhà ở miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau cứ nắm tay mấy đứa nhà thành phố tấm tức khóc vì “không biết tới chết có còn gặp nhau nữa không”.

Khoảng cách hơn 200 cây số những ngày ấy sao mà xa vời vợi. Người bạn nhà ở Cần Thơ, một năm học chỉ về nhà có hai lần: lần nghỉ hè, lần nghỉ tết. Lần nào thời gian đi đường cũng là một hành trình khủng khiếp cho bạn. Ba giờ khuya là phải ra bến xe xếp hàng chờ đến lượt mua vé, tay cầm sẵn chứng minh nhân dân và giấy cho nghỉ của trường.

Xe ít, người nhiều, lại ưu tiên cho cán bộ nhân viên nhà nước đi công tác nên thường phải đến chiều tối mới mua được tấm vé quý giá. Lại phải nhẫn nhịn trước những nhân viên bảo vệ, bán vé ở bến xe ngày ấy lúc nào cũng hoạnh họe, hạch sách đủ điều.

Có được tấm vé rồi, chen chúc ngồi trên những chiếc xe khách cũ kỹ già nua, nhà xe cứ nhồi nhét đến mức không thể nhồi nhét thêm được, trên mui chất đầy hàng hóa đến mức không thể chất thêm nữa, và lặc lè bò chầm chậm trên những cung đường không được sửa chữa. Sợ nhất là mỗi lần qua trạm Tân Hương, trạm kiểm soát khét tiếng ở huyện Châu Thành của tỉnh Tiền Giang.

Và mệt mỏi nhất là cảnh chờ phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ, có khi bị kẹt phà cả ngày mỏi mòn chờ đến lượt xuống phà giữa trời nắng mưa hay cả đêm khuya lạnh lẽo. Bạn tôi hay đùa về nhà có thèm cũng không dám xách hột vịt lộn lên vì sợ nó... nở con giữa đường.

Giờ thì hơn 200 cây số chẳng là gì. Đầu tiên là cầu Mỹ Thuận, rồi đến cầu Cần Thơ. Gà mới gáy sáng, dưới Cần Thơ chỉ cần ra vườn hái mấy trái cóc chín cây, chờ chuyến xe sớm chạy ngang gửi theo là giữa trưa thành phố đã có trái cây tráng miệng tươi ngon.

Thế nên đoạn quốc lộ 1 đi ngang ngoại vi thành phố luôn có rất nhiều người không đi xe mà chỉ đứng đợi xe, xưng tên với nhà xe và nhận hàng hoặc để đưa một gói hàng có ghi rõ vị trí giao, tên người nhận và ít lệ phí cho nhà xe. Có lần đi xe từ Rạch Giá về Sài Gòn, ngang ngã ba An Hữu thấy một bác nọ dắt đứa nhỏ độ sáu, bảy tuổi, giao cho anh lơ xe để đến một cây xăng ở huyện Bình Chánh thì có người... nhận.

Buổi tối, điện thoại từ Cần Thơ gọi lên: “Em mới coi tin, sắp tới có xe lửa Cái Răng lên Sài Gòn mất có một tiếng đồng hồ. Mai mốt quởn quởn có trái cây ngon em xách lên cho chị luôn, khỏi gửi xe mất công...”. Ôi trời, dân ở quê thiệt thà vậy đó, nghe vậy cứ tưởng là có ngay tức thì. Làm cái đường sắt 134 cây số mà cứ nghĩ dễ như... làm cầu khỉ.

Rồi tự nhiên phát hiện có ruột rà gì đâu mà dân miền Tây sao thương dân Sài Gòn mình dữ vậy cà?! Mà dân Sài Gòn mình thương dân miền Tây cũng đâu có kém cạnh gì. Xa đó, mà cũng gần đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận