26/04/2023 12:21 GMT+7

Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 4: Tuổi thơ đến 104 tuổi của cụ Nguyễn Đình Đầu

Thuở ấu thơ ở trường học, cậu học trò Nguyễn Đình Đầu đã gặp những điều không như ý.

Cụ Nguyễn Đình Đầu, 104 tuổi, bước vào phòng làm việc vào buổi sáng năm 2023  - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Cụ Nguyễn Đình Đầu, 104 tuổi, bước vào phòng làm việc vào buổi sáng năm 2023 - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Một ngày của đời người trường thọ

Ông học khá trễ so với bạn đồng niên. Lúc 10 tuổi, để được học tiểu học ở trường công, ông được bố khai lùi năm sinh từ 1920 thành ra 1923.

Đã vậy ông lại không may, học vất vả và thường xuyên thi trượt, khó khăn lắm mới xong bậc tiểu học lúc 15 tuổi trong khi bạn bè đã lên trung học. Nhưng không phải không có hy vọng. Ông nhìn những người trí thức lúc đó như tấm gương để noi theo, tự học trong sách vở nhiều hơn, rồi từ từ vươn lên...

Đến khi là sinh viên Trường Bách nghệ Hà Nội, như một sự bù trừ, ông tham gia đứng lớp dạy quốc ngữ, xóa mù chữ cho người dân địa phương. Với bài học đầu tiên "i, t (tờ) có móc cả hai; i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang", ông nhớ lại, lúc ấy ông đã đem đến không khí phấn chấn, nhân hậu, không khí về quyền con người cho các học viên khi họ ráp vần được hai chữ i, t.

Tinh thần học tập ấy theo ông mãi sau này. Hơn trăm tuổi, ông Nguyễn Đình Đầu vẫn không ngừng học hỏi từ sách, từ đồng nghiệp, từ những bậc tiền bối, và từ những người mà ông ngưỡng mộ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Trong câu chuyện thời sự, ông thường nhắc về ông Võ Văn Kiệt với lòng trân trọng hết mực.

"Điều tôi ấn tượng nhất ở ông Võ Văn Kiệt là tư tưởng đổi mới và hòa giải dân tộc. Ông ấy đã dũng cảm thực hiện các công trình đổi mới, cụ thể là thống nhất đất nước bằng công trình dòng điện Bắc - Nam và những công trình về đổi mới nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa; xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM. Không ai tưởng tượng được một người không học bài bản lại làm được những việc ấy. Ông Võ Văn Kiệt còn góp phần khiến Hoa Kỳ rất phục, bỏ cấm vận; trong nước thì ông thực hiện cải tổ vấn đề nhân sự các cấp ủy ban...", ông Nguyễn Đình Đầu tâm sự.

Mỗi sáng, ông cụ ở tuổi 104 vẫn theo dõi tin tức trên các tờ báo ngày; tối đến, sau bữa ăn, ông lại đọc trên mạng Internet những tin về chính trị - xã hội để biết xu hướng hiện thời là gì. Ông cũng không bỏ thói quen nghe radio, dù tuổi già, tai nghe đã kém.

Cũng như hầu hết người già, ông sợ nhất là chói mắt, chói tai (vì cái "giác" của người già dễ tổn thương). Ông bảo xã hội bây giờ nhiều tiếng ồn quá... Dường như người ta sợ mình không hiện hữu nên cứ cố chứng tỏ, nói năng thì lớn tiếng. Những người lớn tuổi như ông không chịu được cái "giác" như vậy, nên ông hầu như không ra ngoài, ngoài lý do sức yếu đi đứng khó khăn.

Để giữ sức khỏe, ông ăn uống vừa phải, chỉ dùng thuốc đông y làm từ cây cỏ khi cần thiết. Mỗi sáng thức giấc, ông đều thực hiện bài tập cho cơ thể: nằm trên giường, hai tay đồng thời đưa lên xuống 200 cái, rồi đến từng chân một co duỗi 100 lần.

Bức vẽ truyền thần của cụ  Nguyễn Đình Đầu - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Bức vẽ truyền thần của cụ Nguyễn Đình Đầu - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Chân lý bất biến là sự học

Ông cụ 104 tuổi cho rằng mình có sức đề kháng tốt nên cả đời ít bệnh, nếu có thì cũng vượt qua được. Thật ngạc nhiên khi được nghe ông kể câu chuyện thời thơ ấu, mà ông cho là ấn tượng không thể quên:

"Mẹ tôi có đôi bàn chân giống như người Giao Chỉ, hai ngón cái bè ra. Lúc mẹ nằm, tôi ngồi bên cạnh, mút chân mẹ. Không hiểu sao mẹ để cho tôi ngậm hai ngón chân ấy. Chắc mẹ tôi không để ý. Mẹ đi chân đất, tôi lại thấy cái mùi ấy rất thơm tho. Kinh nghiệm đó có lẽ không ai có cả, cho nên tôi quen với những con vi trùng. Lúc bấy giờ tôi 3-4 tuổi, sức đề kháng của tôi mạnh.

Lên 10 tuổi, bắt đầu đi học, mỗi sáng tôi chỉ có 1 xu, không ăn được gì tốt cả, chỉ có những món tầm thường. Đi học về khát nước, tôi gục đầu vào thùng nước (hồi ấy không có nước máy như bây giờ), vừa uống vừa nhìn những con lăng quăng và lấy làm thích thú lắm. Khi lớn hơn, trong một đợt dịch ở Hà Nội, gia đình có mẹ già tôi và chị tôi bị dịch, còn tôi không hề hấn gì, có lẽ nhờ tôi đã quen với con vi trùng rồi. Về sau cũng có vài lần dịch bệnh nữa, tôi đều vượt qua".

Ngày nay, có thể giới trẻ coi chuyện ấy là không vệ sinh, nhưng ông Nguyễn Đình Đầu, người đã sống hơn một thế kỷ, chắc có ý riêng của mình khi chia sẻ, và ý đó cũng phù hợp với nghiên cứu của một số nhà y học, cho rằng cơ thể chúng ta thật ra đến từ đất, nó cần được tiếp đất hằng ngày, ít nhất là đôi chân, để được khỏe mạnh. Thời hiện đại mang guốc giày cao gót, trông thì đẹp nhưng chưa chắc là khỏe.

Khi một người trẻ tuổi hỏi chuyện một ông cụ, có lẽ dễ chăm bẵm vào những điều to tát này nọ, cũng hợp lý thôi, vì ta muốn lĩnh hội những kinh nghiệm của ông và những bài học của một đời người. Nhưng ký ức cá nhân về những năm đầu đời, có vẻ li ti, cũng là những tiểu tiết rất đáng lắng nghe. Khi ông nói về những điều ấy, ta cảm nhận được niềm hân hoan trẻ thơ hiện về trên gương mặt trăm tuổi của ông:

"Hồi bé, tôi cũng mê xem tuồng như bất cứ đứa trẻ nào. Gần nhà có cái rạp hát. Lúc đêm diễn gần tan, người ta thả cửa, tôi chạy vào xem. Tôi nhớ đó là những câu chuyện giao thoa tân và cổ, có pha những trò như đánh đu trên dây cao từ bên này sang bên kia để cứu người, khán giả thích lắm, ai cũng vỗ tay. Một trò nữa là biểu diễn xe đạp. Người ấy điều khiển cho xe chạy, rồi lại đứng yên, vặn lên vặn xuống gì đấy, rồi nói với khán giả rằng cái này nó hơi hỏng, xin lỗi, để tôi sửa; ông ấy sửa rồi lại lên xe đi tiếp, khán giả vỗ tay rần rần. Đi xe đạp đã tài năng rồi, ông ấy còn đứng trên xe đạp, ngồi trên tay lái, rồi nhảy qua nhảy lại thế này thế kia nữa.

Thời đó rất hạn chế về giải trí, mỗi năm một lần có đua xe đạp vòng quanh Hà Nội. Nhà tôi ở trên khúc đường có đoàn đua đi qua, thế là tôi cũng được chứng kiến. Còn có chuyện này nữa. Trong làng có một người bị tâm thần, nhưng cũng phải làm việc để sống. Ông ấy nói tục ghê lắm. Nghề kiếm sống của ông ấy là kéo xe. Những bà những cô tay gồng tay gánh, có việc phải đi một chặng xa cũng đành phải ngồi trên xe cho ông ấy kéo đi vì trong làng chỉ duy nhất ông ấy hành nghề này. Câu chuyện xảy ra hằng ngày, khi ấy tôi còn nhỏ, ở ngoại ô Hà Nội".

Ông Nguyễn Đình Đầu là người luôn quan tâm đến giới trẻ nói chung. Ông nhận ra mỗi thời người ta tiếp nhận văn hóa mỗi khác nhau. Tuổi thơ của ông khác với tuổi thơ thời bây giờ. Nhưng có những chân lý bất biến: đó là sự học. Ông đã sống, chứng kiến hành trình dài những điều mà tổ chức UNICEF quan tâm, và ông trở nên bão hòa với những kinh nghiệm, hoặc có thể nói sự hiểu biết của ông đã quá tải.

Ngoài ra, ông cho rằng muốn làm một điều gì, một công trình gì đó, mỗi người phải nghĩ đến sức khỏe trước tiên, theo cái nghĩa là mình phải yêu mình, chăm sóc bản thân mình, trong đó có cả lưu ý đến phương diện tài chính. Có vậy mới điều hòa sức khỏe tinh thần và thể chất, mới yên tâm mà làm việc.

Lời khuyên chân thành, gần gũi và dễ tiếp nhận thì ông Nguyễn Đình Đầu luôn có. Ông khuyên đứa cháu gái đang theo nghề ca hát của mình: "Dù làm nghề gì cũng cần trau dồi kiến thức. Con có xu hướng nghệ sĩ, trong lúc đọc sách có phê phán, rồi con sẽ thành người trí thức. Nếu chỉ biết hát thôi, đóng góp của con sẽ hạn chế".

***********

"Tôi không dùng mỹ phẩm bao giờ, kể cả sữa rửa mặt. Tôi sợ dùng khi già da sẽ lão hóa. Đồ đạc nhiều nhưng tôi cũng lười sửa soạn...".

Kỳ tới: Người đàn bà không tuổi ở xứ sương mù

Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 1: Cụ ông 101 tuổi vẫn thương giúp người nghèoNhững cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 1: Cụ ông 101 tuổi vẫn thương giúp người nghèo

Có cụ đã tuổi trời ngót nghét bách niên xưa nay hiếm, thậm chí đã đến tuổi 103, 104 vẫn yên vui, mê say làm việc và san sẻ thương yêu cho bao cảnh đời nghèo khó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên